Kinh hoàng mỡ bẩn -Bài 2: Vào lò ‘độ chế’
Trước khi được tuồn vào nhà hàng, quán ăn… mỡ heo, mỡ bò từ dạng tóp cho đến dạng lỏng được chế biến, bảo quản bằng “công nghệ” siêu bẩn.
Bẩn đến rùng mình
Lò mỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Hương (tên thường gọi là Măng) ở cồn Hến, phường Vĩ Dạ, là một trong những cơ sở chế biến mỡ heo có quy mô lớn ở TP.Huế và các vùng phụ cận. Nghe chúng tôi nói cần mua số lượng lớn mỡ đã chế biến, bà Hương hồ hởi ra giá: “Mỡ lỏng giá 17.000 đồng/kg, còn mỡ tóp 62.000 đồng/kg, mua bao nhiêu cũng có”.
Chúng tôi đòi được tận mắt chứng kiến khâu chế biến mỡ tại lò của bà để xem xét khâu vệ sinh, bà Hương chần chừ một lúc rồi miễn cưỡng dẫn chúng tôi ra sau nhà.
Chế biến mỡ bẩn tại một lò chế biến ở phường Hương Sơ, TP Huế.
Lò chế biến mỡ của bà Hương là một ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, nằm cạnh một lùm cây dại. Vừa đặt chân đến lò mỡ này, chúng tôi đã rùng mình bởi mùi hôi khó chịu bốc lên từ những đống mỡ heo đã biến màu được đổ bừa bãi giữa sàn xi măng cáu bẩn. Mùi hôi này thu hút ruồi kéo đến, bâu dày trên các đống mỡ. Có vài người đang làm việc, tiến hành các công đoạn cắt, rán và ép mỡ…
Trước khi được phân loại, cắt và đổ vào chảo rán, mỡ heo ở đây không hề được rửa qua nước. Chảo rán mỡ được đặt tại một góc nhà trống hoác, sàn nhà nhầy nhụa thứ nước đen ngòm. Sau khi được rán thành dạng nước, mỡ được đựng trong những thùng phuy lớn đã gỉ sét và không có nắp đậy. Tiếp đó, mỡ được đổ vào những bao nylon cỡ lớn và vứt la liệt giữa sàn nhà.
Quy trình chế biến mỡ siêu bẩn tại cơ sở của bà Hương cũng là thực trạng chung của nhiều cơ sở chế biến mỡ tại TP.Huế và các khu vực lân cận. Nghe chúng tôi hỏi đường đến lò chế biến mỡ bò của ông Ty trên đường Lê Duẩn (phường An Hòa, TP Huế), một người dân sống gần nhà ông này cảnh báo: “Họ chế biến mỡ bẩn khủng khiếp lắm, ăn vào mắc bệnh mà chết. Công an về xử lý mấy lần rồi mà mọi chuyện vẫn đâu vào đấy”.
Video đang HOT
Vừa đến ngõ nhà ông Ty, chúng tôi đã sởn da gà bởi mùi thối tựa mùi của xác động vật đang phân hủy bốc lên. Sau khi đặt vấn đề mua bán, chúng tôi được vợ ông Ty dẫn đi xem quy trình chế biến mỡ bò. Lò chế biến mỡ này được đặt trong cái chòi xập xệ, nằm sát đường đi. Hàng tạ mỡ bò đã bốc mùi hôi thối được đổ ngổn ngang giữa sàn nhà lấm lem bùn đất, ruồi nhặng bu kín. Cạnh đống mỡ là những bao nylon cỡ lớn đựng mỡ lỏng vứt lăn lóc khắp nơi. Phía trong là 2 chảo rán mỡ đang sôi sùng sục cạnh hồ nước đen ngòm, bốc mùi tanh tưởi.
Mỡ heo tại cơ sở của bà Hương sau khi chế biến được đựng vào những thùng phuy gỉ sét…
Người phụ nữ tên Trang -con dâu bà Ty cho biết, trước đây cơ sở này chế biến cả mỡ heo lẫn mỡ bò, nhưng thời gian gần đây chỉ chuyên chế biến mỡ bò. Theo chị này, mặc dù chuyên chế biến mỡ bò nhưng nếu chúng tôi đặt mua mỡ heo thì cơ sở của chị vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.
Tuồn vào nhà hàng, quán ăn
Theo con dâu bà Ty, mỡ lỏng của cơ sở chủ yếu được đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và TP.HCM. Tháng nào cũng có người từ 2 thành phố trên đến thu mua nên sản phẩm do cơ sở này chế biến không bao giờ bị ế. Chúng tôi hỏi người ta mua mỡ bò đã chế biến của cơ sở để làm gì thì chị này lắc đầu và nói không biết. Tuy nhiên, một lúc sau chị lại nói là người ta thu mua mỡ bò của mình để làm gia vị cho các gói mì tôm(!?).
Sở dĩ các cơ sở chế biến mỡ heo, mỡ bò ở Thừa Thiên – Huế ăn nên làm ra là do loại mỡ này được nhiều cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp ưa chuộng. Mỡ heo, bò sau khi rán thành dạng lỏng được bán 17.000 đồng/kg, chỉ bằng giá của 1 lít dầu ăn.
Lò chế biến mỡ heo của bà Tám ở tổ 4, khu vực 2, phường Hương Sơ, TP Huế là cơ sở chế biến mỡ có quy mô lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng tấn mỡ lỏng và tóp mỡ. Nguồn mỡ heo dùng để chế biến được bà Tám thu gom từ các cơ sở giết mổ và các chợ trên địa bàn tỉnh. Sau khi thu gom về, mỡ không được rửa mà đổ ngổn ngang giữa sàn nhà đầy rẫy ruồi nhặng, sau đó đưa vào chảo rán rồi đóng vào các bao nylon.
Theo bà Tám, sản phẩm của cơ sở bà làm ra không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn Thừa Thiên – Huế, mà còn “làm mưa làm gió” tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Mỡ lỏng của cơ sở được các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn khu công nghiệp dùng để nấu nướng thức ăn. Mỡ tóp thì chủ yếu được bán cho các cơ sở bán cơm hến, bún hến tại Huế.
Nghe tôi giới thiệu mình là chủ một nhà hàng lớn ở huyện miền núi A Lưới, bà Tám khuyên nên mua số lượng lớn mỡ lỏng để dùng từ từ vì lỡ sau này khan hàng. Chúng tôi nói sợ để lâu mỡ sẽ hỏng thì bà Tám nói mỡ của bà sau khi đóng vào bao để… cả năm trời vẫn bán được, vì không bao giờ bị hỏng!
Theo Dân Việt
Kinh hoàng mỡ bẩn - Bài 1: Hành trình mỡ bẩn từ chợ về lò
Để vớt vát phần nào thiệt hại, người dân thường giết mổ heo chết để bán cho các thương lái, các lò heo quay. Sau khi bán hết phần thịt, phần mỡ của heo chết được bán cho các cơ sở chế biến mỡ.
Nhiều năm trở lại đây, tại Thừa Thiên - Huế tồn tại nhiều lò chế biến mỡ heo, bò không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tận mắt chứng kiến quy trình chế biến mỡ bẩn mới thấy được hiểm họa khôn lường từ loại thực phẩm này.
Nhiều lò chế biến mỡ bẩn chuyên thu gom mỡ không đảm bảo vệ sinh tại các chợ, các cơ sở giết mổ heo, bò để chế biến thành tóp mỡ, mỡ lỏng, rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Mỗi ngày có rất nhiều mỡ heo không rõ nguồn gốc và đã bốc mùi hôi thối được tuồn vào các lò chế biến mỡ tại TP.Huế.
Mỡ thối vào lò chế biến
Trong vai những người đi mua mỡ heo số lượng lớn đưa về chế biến, chúng tôi tiếp xúc với nhiều tiểu thương bán thịt heo tại chợ Đông Ba (TP.Huế). Đã cuối giờ chiều nhưng tại nhiều quầy thịt ở chợ vẫn còn lượng lớn mỡ đã được đựng sẵn trong những bao nylon. Chúng tôi hỏi mua nhưng các tiểu thương cho biết hàng đã có nhiều người của các cơ sở chế biến mỡ đặt mua và họ sẽ đến thu gom trong ngày hoặc vào hôm sau. Nếu chúng tôi muốn thu mua mỡ thì phải đặt hàng từ trước, mỗi kg giá từ 10- 15 nghìn đồng, tùy loại mỡ.
Qua quan sát, chúng tôi thấy phần nhiều số mỡ đựng trong các túi nylon đều đã có màu nhợt nhạt, thâm tím, bốc mùi rất khó chịu, ruồi bâu dày đặc. Theo một tiểu thương, số mỡ này đều có nguồn gốc rõ ràng, vì được cắt ra từ thịt mà họ mua từ các lò mổ về bán. Về việc mỡ bốc mùi, người này nói là do mỡ đã để cả ngày không được bảo quản, hơn nữa trong số mỡ đang chờ người đến nhận có cả mỡ của ngày hôm qua để lại. "Nhiều khi các lò chế biến họ chờ chúng tôi trữ được nhiều mỡ mới đến thu gom một lần, dẫn tới mỡ phải để lâu nên bốc mùi"- tiểu thương này giải thích.
Tại chợ Đông Ba, chúng tôi gặp chị M, người chuyên thu mua mỡ heo thuê cho một lò chế biến mỡ tại phường An Hòa. Chị này cho hay, bình quân mỗi ngày thu mua khoảng 2 tấn mỡ heo tại nhiều chợ trên địa bàn TP.Huế và các vùng lân cận đưa về cho lò chế biến. Chúng tôi hỏi vì sao lại thu mua cả mỡ heo đã bốc mùi hôi thối, chị M nói mình chỉ là người làm thuê, nên chủ lò bảo như thế nào thì phải làm theo như thế.
Cũng như chợ Đông Ba, tại nhiều chợ khác trên địa bàn TP.Huế và các chợ trung tâm huyện, thị xã ở Thừa Thiên - Huế, mỡ heo, bò luôn được người của các lò chế biến mỡ tìm đến thu mua. Ngoài các chợ, các lò mổ cũng là nơi cung cấp đáng kể lượng mỡ cho các cơ sở chế biến mỡ. Nhiều ngày tìm hiểu đường đi của mỡ từ chợ, lò mổ về cơ sở chế biến, chúng tôi được biết, trong tổng lượng mỡ khổng lồ tuồn vào các lò chế biến mỗi ngày có không ít mỡ đã bốc mùi hôi thối.
Gom cả mỡ heo chết dịch
Các thôn Xuân Hòa, Dạ Lê, Công Lương, Vân Dương của xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) là nơi chuyên nuôi heo số lượng lớn. Chị Lê Thị B - chủ cơ sở nuôi heo ở thôn Xuân Hòa, cho biết, hầu như năm nào heo ở xã này cũng bị chết vì dịch, nhiều thì hàng nghìn con, ít thì vài chục con. Để vớt vát phần nào thiệt hại, người dân thường giết mổ heo chết để bán thịt hoặc bán nguyên con cho các thương lái, các lò heo quay. Nếu tự giết mổ, sau khi bán hết phần thịt, phần mỡ của heo chết được người dân mang đến bán cho các cơ sở chế biến mỡ trên địa bàn TP.Huế và các khu vực lân cận.
Theo sự chỉ dẫn của chị B, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị T - chủ một lò heo quay ở phường An Hòa, TP.Huế. Nghe chúng tôi nói có 2 con heo vừa bị chết dịch cần bán gấp, bà T sốt sắng hỏi địa chỉ và bảo sẽ cho người đến mua ngay. Theo bà T, vì kinh doanh heo quay thu nhập bèo bọt nên muốn có chút lời thì phải mua cả heo dịch về quay rồi bán. Phần mỡ của những con heo này được bán cho các lò chế biến mỡ trên địa bàn với giá rẻ.
"Chủ lò họ nói khi đưa vào chảo rán thành mỡ nước, mỡ tóp, nhiệt độ lên tới hàng nghìn độ thì mọi vi khuẩn đều chết hết, nên mỡ tươi cũng như mỡ đã bốc mùi".
Lời một tiểu thương
Năm 2010, khi trên địa bàn xã Thủy Vân và các địa phương Thủy Phù, Thủy Thanh, Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), Hương Toàn (thị xã Hương Trà), Phú Mỹ (huyện Phú Vang)... có hàng nghìn con heo chết dịch, nhiều lò heo quay và lò chế biến mỡ heo trên địa bàn TP.Huế và các vùng lân cận được dịp ăn nên làm ra. Một con heo dịch nặng 45-60kg, người dân chỉ bán với giá 150-200 nghìn đồng nên nhiều chủ lò heo quay và lò chế biến mỡ heo có được nguồn thịt, mỡ dồi dào trong khi giá cả thì rất rẻ.
Tiếp xúc với một số chủ lò chế biến mỡ heo trên địa bàn TP.Huế, chúng tôi được biết, trong lượng lớn mỡ mà các cơ sở này thu gom để chế biến hàng ngày có nhiều loại mỡ không có nguồn gốc rõ ràng. Những cơ sở này thường thuê người thu gom mỡ tại các chợ, cơ sở giết mổ gia súc hoặc thu mua mỡ do các anh chị hàng thịt mang đến bán mà không hề quan tâm nguồn gốc mỡ. Tình trạng này khiến không ít mỡ heo chết dịch được tuồn vào các lò chế biến mỡ hàng ngày.
Theo Dân Việt
Thịt bẩn tuồn vào TP.HCM bằng taxi Rạng sáng 11-8, tổ liên ngành trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) phối hợp Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện 3 vụ vận chuyển thịt gia súc trái phép, tiêu hủy 308kg thịt heo và phụ phẩm. Thịt bẩn được "ngụy trang" trong khoang hành khách taxi - Ảnh: Trạm kiểm dịch cung cấp Đặc biệt, phát hiện trường hợp taxi...