Kinh hoàng lũ lụt như thác cuốn trôi hàng loạt ô tô ở Bỉ
Thành phố Dinant của Bỉ đang phải hứng chịu trận lũ lụt nặng nề nhất trong nhiều thập niên, sau thảm họa khiến nhiều người thiệt mạng cách đây 10 ngày.
Video lũ lụt như thác cuốn phăng ô tô trên đường phố Bỉ
Lũ cuốn trôi nhiều xe ô tô tại Bỉ (Ảnh: Sky News).
Thành phố Dinant vừa thoát khỏi trận lũ lụt kinh hoàng vào 10 ngày trước, khiến 37 người ở khu vực đông nam Bỉ và nhiều người khác ở Đức thiệt mạng. Tuy nhiên, sức mạnh của cơn bão vào cuối tuần qua thậm chí còn khiến nhiều người bất ngờ hơn.
Dinant hứng chịu đợt lũ mạnh nhất trong hàng chục năm, sau khi trận mưa lớn kéo dài 2 giờ hôm 24/7 biến phố thành sông, nước chảy như thác nhấn chìm hàng loạt ô tô và vỉa hè trong biển nước.
“Tôi đã sống ở Dinant 57 năm, nhưng chưa bao giờ thấy trận lũ nào như vậy”, ông Richard Fournaux, cựu thị trưởng của thành phố bên sông Meuse, chia sẻ trên mạng xã hội.
Xe ô tô chất thành đống do nước lũ cuốn trôi (Ảnh: Sky News).
Nước mưa tràn xuống những con phố dốc đã cuốn trôi hàng chục ô tô, khiến xe chất thành đống tại một ngã tư. Lũ lụt cũng cuốn phăng nhiều tảng đá, “nuốt chửng” vỉa hè và nhiều tuyến đường, trong khi người dân chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng từ cửa sổ.
Phó Thị trưởng Dinant Robert Closset cho biết lính cứu hỏa đã được triển khai để ứng phó với trận lũ lụt mà ông mô tả là tồi tệ hơn tuần trước.
“Tôi đã sống cả đời ở đây và chưa bao giờ thấy trận lũ nào như vậy trước đây”, ông Closset nói, đồng thời cho biết không có thiệt hại về người nào được ghi nhận.
Nước ngập trên đường phố ở Bỉ sau mưa lũ (Ảnh: AA).
Đánh giá sơ bộ về thiệt hại do lũ lụt, Thị trưởng Dinant Axel Tixhon cho biết: “Chúng tôi ghi nhận nhiều thiệt hại về vật chất vào thời điểm này, bao gồm nhiều phương tiện bị nước cuốn trôi và thiệt hại về vật chất của người dân – những người chưa bao giờ trải qua sự kiện như thế này. Họ đã không có sự chuẩn bị”.
Theo đài truyền hình RTL của Bỉ, hiện chưa có ước tính chính xác về thiệt hại do lũ lụt gây ra, tuy nhiên giới chức Dinant dự đoán trận lũ lần này sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho khu vực.
Bão lũ cũng tàn phá tương tự tại thị trấn nhỏ Anhee cách Dinant vài km về phía bắc, song không gây thiệt hại về người.
Nhiều tuyến đường hư hỏng nặng sau trận mưa lũ tại Bỉ (Ảnh: EPA).
Các tỉnh Namur và Walloon Brabant ở phía đông nam của thủ đô Brussels bị ảnh hưởng nặng nề. Các khu vực này cũng đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt kinh hoàng khiến hàng chục người chết và 7 người mất tích tại Bỉ, quốc gia với 11,5 triệu dân, vào tuần trước.
Số người chết được xác nhận do lũ lụt vào tuần trước ở Bỉ và các nước láng giềng đã vượt qua con số 210 người và thiệt hại kinh tế dự kiến sẽ lên đến hàng tỷ USD.
Chính quyền Walloon đã công bố kế hoạch tái thiết sau lũ trị giá 2,35 tỷ USD (2 tỷ Euro).
Thiệt hại sau mưa lũ tại Bỉ (Ảnh: EPA).
Nhằm giúp người dân đối phó với tình trạng khẩn cấp trước khi các công ty bảo hiểm vào cuộc, mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa lũ lụt sẽ được cấp các khoản vay không lãi suất khoảng 2.942 USD (2.500 Euro) để trang trải các nhu cầu cơ bản.
Các chuyên gia cho rằng các trận lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, và các quốc gia cần phải có biện pháp thích ứng, bằng cách sửa đổi các tính toán về rủi ro lũ lụt trong tương lai, cải thiện hệ thống cảnh báo và chuẩn bị cho các thảm họa tương tự.
Lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở Hà Nam (Trung Quốc) vì dự báo thời tiết sai
Thảm họa lũ lụt kinh hoàng những ngày qua tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, với ít nhất 33 người thiệt mạng và tổn thất kinh tế trực tiếp khoảng 1,22 tỷ Nhân dân tệ.
Lực lượng cứu hộ sơ tán bệnh nhân tại bệnh viện bị ngập lụt sau mưa lớn tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 22/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cơ quan khí tượng tỉnh Hà Nam cho biết các chuyên gia dự báo thời tiết đã cảnh báo về những trận mưa lớn trước khi đợt lũ lụt lịch sử nhấn chìm thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh này, chỉ có điều là họ lại dự báo sai cả về địa điểm và thời điểm.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, từ ngày 15/7, chính quyền tỉnh Hà Nam đã được cảnh báo về các nguy cơ do thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo thời tiết nói rằng, trận mưa lớn nhất sẽ xảy ra vào ngày 19/7 tại Tiêu Tác, một thị trấn nằm dưới chân núi Thái Hành Sơn, với lượng mưa lên đến 500 mm, đe dọa gây ra lũ lụt tại một số khu vực trũng thấp ở đây. Trong khi đó, Trịnh Châu, cách Tiêu Tác khoảng 100 km về phía Nam, được dự báo sẽ có lượng mưa ít hơn.
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra hoàn toàn trái ngược. Lượng mưa tồi tệ nhất cuối cùng đã trút xuống Trịnh Châu vào hôm 20/7. Thành phố 12 triệu dân này đã phải hứng chịu lượng mưa hơn 200 mm chỉ trong một giờ, lượng mưa cao nhất từng được ghi nhận ở đây. Sáng 20/7, chính quyền Trịnh Châu đã phải ban bố cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất, nhưng hầu hết người dân đã ở trên đường vào thời điểm đó, do chủ quan vì dự báo thời tiết sai. Vào buổi chiều, Trịnh Châu chứng kiến lượng mưa nhiều hơn mức bình thường trong nửa năm, gây nên thảm cảnh vừa qua.
Đợt lũ lụt khủng khiếp lần này đã ảnh hưởng đến hơn 3 triệu người trên toàn tỉnh Hà Nam và buộc 37.600 người phải sơ tán. 255 ngôi làng trong tỉnh phải đối mặt với nguy cơ cao trong trận lũ lụt tồi tệ nhất tại tỉnh này trong hơn 50 năm qua. Thành phố Trịnh Châu hiện vẫn đang phải vật lộn để nối lại nguồn cung cấp điện đầy đủ và khôi phục các hoạt động bình thường.
Trong diễn biến liên quan, các nhà khí tượng học Trung Quốc đang theo dõi một cách lo lắng diễn tiến của cơn bão In Fa đã trút mưa lớn xuống Đài Loan (Trung Quốc) và bờ biển phía Đông Trung Quốc và dự kiến sẽ tràn vào nước này từ ngày 25/7.
Trung tâm khí tượng quốc gia cho biết sau khi đổ bộ, bão In Fa có thể quét qua khu vực phía Đông Trung Quốc, gây mưa lớn. Trong lúc thủy triều lên cao trong ngày 24 và 25, các khu vực ven biển cần có biện pháp phòng chống tác động phối hợp của gió, mưa và thủy triều. Cơ quan này cũng cảnh báo người dân cần chuẩn bị cho khả năng lũ lụt lớn.
Lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi nhà cửa ở châu Âu, 42 người chết Trận lũ lụt kinh hoàng được báo chí Anh mô tả như "ngày tận thế" đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại một phần châu Âu, cuốn trôi xe cộ, làm sập nhà cửa và làm 42 người thiệt mạng. Lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi nhà cửa ở châu Âu, 42 người chết Theo Telegraph, ít nhất 42 người chết và hàng...