Kinh hoàng công nghệ chế biến thịt chó
TP HCM hiện có gần 200 quán “cờ tây” có tần suất tiêu thụ cả tấn thịt mỗi ngày. Để tìm hiểu cội nguồn của lượng “vitamin gâu gâu” khổng lồ ấy, chúng tôi đã có cuộc rong ruổi mệt lử với một lái chó tên Sáu K. và phát hiện nhiều bí mật hãi hùng. Như việc người ta “hô biến” một con chó già thành chó tơ, chó chết trôi thôi không thối, chó lở loét thành lành lặn, chó gầy trơ xương trở nên nặng ký chỉ trong vài tích tắc đồng hồ…
Thủ thuật… ớn lạnh!
Sau nhiều bận tiếp cận với vài chầu nhậu sương sương, Sáu K mới chịu cho thằng em mới quen “theo học nghề” với lưu ý: “Nghề này muốn sống được phải chịu khó đi xa, phải bủa về các vùng quê mới có chó. Cứ chạy xe lòng vòng khắp xó xỉnh của vùng quê nào đó, thấy ai có chó thì hỏi mua, quen mối rồi thì chỉ việc dặn trước rồi đến hẹn lại gom hàng, gặp lúc thiên thời địa lợi thì ra tay thộp cổ con cẩu đi rong nào đó”.
Xuất phát từ khu vực trung tâm TP HCM, vượt chặng đường xa gần 60 cây số, chúng tôi đến địa phận huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, nơi Sáu đang hăm hở, nuôi hy vọng sẽ gom được nhiều hàng từ các mối quen. Đang lăn bánh thì gã lái chó vội thắng gấp vì nghe một thanh niên đứng ven đường kêu “chó”. Gã thanh niên lôi từ bụi rậm hai con chó bị cột chân, khóa mõm khoe vừa mới “bụp” được.
Sáu K trong một pha “tác nghiệp” quăng thòng lọng câu cổ chó.
“Hai trăm rưỡi nghen” (250.000 đồng), Sáu ra giá và gã nọ gật đầu cái rụp. Nhanh như cắt, hai chú cẩu với tổng trọng lượng trên 20kg được tay thanh niên bê tống vào cũi sắt gắn chặt phía sau yên chiếc xe 67 cà tàng của Sáu. Tiếp tục lăn bánh, khoảng 1 giờ sau, Sáu K. gom thêm 2 con chó nữa cũng với ngần ấy trọng lượng từ một người đàn ông trung niên…
3h chiều, Sáu K. quay xe trở lại thành phố, kết thúc cuộc hành trình mua chó với chiến lợi phẩm là 6 con, được dồn chật trong cũi sắt. Trước khi đem bầy chó giao cho một chủ lò mổ trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), Sáu tiến hành thủ thuật tăng trọng lượng cẩu bằng cách bê nguyên lồng chó quẳng xuống nước. Đợi đến khi bầy chó uống căng bụng gã mới hì hục kéo lên…
Hãi hùng kỹ nghệ mông má cầy tơ
Sau khi bị gả bán, đám “cờ-tây” bị các lò mổ tiến hành cắt tiết, cạo lông, thui rơm, mổ bụng… Toàn bộ quy trình này nếu thực hiện đúng bài bản phải mất ít nhất 1h đồng hồ. Ông chủ lò mổ mà Sáu K thường giao hàng tên Hùng khoe với dây chuyền giết mổ vừa được đầu tư hàng chục triệu đồng thì việc cho ra lò một con chó thành phẩm chỉ còn khoảng 5 phút. Theo ông này, chó sau khi bị cắt tiết sẽ được nhúng sơ nước rồi quẳng vào máy đánh lông, cấu tạo như máy vặt lông gà, vịt nhưng to hơn. Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của ông chủ lò, đập vào mắt là dàn lò ga thui chó cấu tạo như những ống hàn xì. Lửa xanh sau đó nhanh chóng biến lớp da trắng bạch kia chuyển sang màu vàng sẫm tuyệt đẹp.
Câu chuyện bị gián đoạn khi có một lái chó khác tới giao hàng. Trong cái lồng sắt, ngoài 2 con chó sống có 1 con chết cứng đơ. Hỏi chế biến con chó chết hôi hám kia ra sao, ông này tiết lộ: “Theo kinh nghiệm gia truyền tui dùng một hỗn hợp 11 loại gia vị. Chỗ thịt nào tiệt mùi thì hấp ướp bình thường. Chỗ nào còn ám mùi thì cứ việc chẻ nhỏ bỏ vào nấu rựa mận”.
Gặp những con chó già da thịt dai nhách, mấy cao thủ chế biến “cờ-tây” truyền kinh nghiệm “mua vài ba ngàn muối diêm uớp thịt hoặc dùng xi lanh bơm vào bắp thịt chó thì sau vài phút sẽ có công hiệu”. Còn với chó ghẻ lở, đầu bếp sẽ mông má bằng cách dùng vôi bột nhào nước bả vào chỗ lở loét, sau đó quét chất màu (thắng từ đường cháy đen) sao cho đồng màu da rồi đưa lên lò ga… Khi ăn, đố có thực khách nào biết được con chó vàng ươm kia có gốc là chó ghẻ…
Ngoài những thủ thuật mông má “cờ-tây” độc hại nói trên, chúng tôi nhận thấy các điểm giết mổ chó đều chật hẹp, không có hệ thống xử lý chất thải và môi trường xung quanh rất hôi thối do các cơ quan nội tạng, lông chó vương vãi lâu ngày… Điều đáng nói là những thực trạng nhức nhối này chưa được các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM quan tâm.