Kinh hãi những “bể phốt lộ thiên” giữa Thủ đô mùa sốt xuất huyết
Hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đang phải sống trong cảnh “ngồi trên đống lửa” bởi nguy cơ lây nhiễm dịch sốt xuất huyết khi phải sinh sống cạnh những con mương tù ô nhiễm được ví như “bể phốt lộ thiên” giữa Thủ đô.
Đi dọc con mương chạy qua phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này mới thấy “đại dịch” muỗi đang tấn công người dân dữ dội ra sao. Con mương tù đọng dài 1km bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Người dân sinh sống tại đây dù đã sử dụng nhiều biện pháp phòng diệt như xịt thuốc, mắc lưới bịt các cửa sổ, dùng vợt điện…nhưng tất cả đều không thể diệt tận gốc muỗi mà chỉ mang tính chất tạm thời.
Vừa cầm bình xịt muỗi đi mọi ngóc ngách trong nhà, Bà Dung (phường Tứ Liên) ngao ngán nói: “Nếu không xử lý được triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở con mương trước cửa nhà thì dù một ngày có xịt mấy lần thuốc muỗi cũng không thể diệt hết được. Cả Hà Nội đang bùng phát dịch sốt xuất huyết khiến chúng tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của gia đình mình.”
Nước tù đọng, ô nhiễm cùng xác động vật chết bốc mùi hôi thối nồng nặc trên con mương là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển nhanh chóng.
Video đang HOT
Nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, thế nhưng 11 hộ dân sinh sống tại ngôi biệt thự cổ số 146 phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) lại phải sống trong bầu không khí ảm đạm bao trùm. Tất cả các cửa sổ, cửa ra vào đều đóng kín mít. Nếu không có việc gì người dân cũng đều hạn chế ra ngoài bởi hơn 1 tháng nay đã có tới 6 người trong khu nhà bị mắc sốt xuất huyết khiến các hộ dân khác vô cùng hoang mang.
Khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, dáng người hốc hác, bà Phạm Thị Điểm (82 tuổi) vừa phải trải qua 1 tuần điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Bà Điểm cho biết: “Cách đây tầm 10 ngày cô giúp việc nhà tôi bị ốm, đi khám người ta kết luận là bị sốt xuất huyết, rồi đến tôi phát bệnh và đứa cháu trai đến chơi cũng bị lây sốt luôn. Đi viện hết cả chục triệu tiền thuốc bây giờ cơ thể vô cùng mệt mỏi không còn làm việc được nữa.”
Theo người dân sinh sống ở số nhà 146 Quán Thánh, nguyên nhân tình trạng nước tù đọng khiến muỗi sinh sôi được cho là do cống thoát nước của khu dân cư bị bịt kín, nước thải không thoát được. Người dân đã nhiều lần làm đơn gửi tới các cấp chính quyền nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và đời sống của người dân.
Từ nhiều năm nay, con mương dọc phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) được người dân so sánh như một “bể phốt lộ thiên” vì mùi hôi thối, xú uế, rác thải tràn ngập khắp nơi. Người dân sinh sống dọc con mương này ngao ngán cho biết tình trạng ô nhiễm kéo dài từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết khiến cuộc sống của người dân vô cùng khổ sở.
Bà Tâm (tổ dân phố số 11, phường Thuỵ Khuê) bức xúc: “Tôi sống ở đây đã cả chục năm rồi, ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi thối từ mương bốc lên. Ngày oi bức ruồi muỗi bay vào kín cả nhà. Dù nhà tôi chưa có ai bị mắc sốt xuất huyết nhưng tình trạng ô nhiễm ở con mương này khiến người dân vô cùng hoang mang.”
Theo báo cáo của cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 9/8, Tp Hà Nội đã có 13.982 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 5 ca tử vong tại các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình và Hà Đông. Hiện nay số bệnh nhân mắc dịch có mặt tại 532/584 xã, phường, thị trấn của Thành phố (chiếm 91% số xã phường. Toàn thành phố ghi nhận có tới 1.538 ổ dịch.
Nhằm đối phó với dịch sốt xuất huyết đang lan rộng, kể từ ngày 14/8 đến hết tháng 8/2017, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức phun hoá chất diện rộng tại các quận nội thành của Hà Nội. Nhiều “vòi rồng” phun thuốc diệt muỗi từ 19 tỉnh, Tp lân cận cũng được huy động trong chiến dịch dập dịch sốt xuất huyết lần này.
Theo Danviet
Nơi người dân "không dám nói, cười" vì nhiều muỗi ở HN giờ ra sao?
Cách đây hơn 1 năm, hàng trăm hộ dân cụm 5 sống dọc hai bên bờ sông cụt tại phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cứ đến chiều tối, khi đi ra ngoài đường thì không ai dám nói, cười vì quá nhiều muỗi. Nhưng hiện nay, trong khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh thì người dân lại vô tư ra ngoài đường, vì nay đã khác xưa rất nhiều...
Đoạn sông cụt giờ đây không còn nhiều rác thải và bọ gậy như khi xưa. Người ta gọi là sông cụt vì khi chảy về phường Tứ Liên đi qua bốn tổ dân phố 33, 34, 35, 36 thuộc cụm 5 là kết thúc.
Hơn 1 năm về trước, mọi loại rác thải sinh hoạt, vật nuôi chết... đều bị vứt xuống sông cụt cho nhanh, gọn. Người dân khi đi qua đây đều phải đi thật nhanh, lấy tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi thối và còn để tránh đám muỗi "đặc quánh" khi trời chập choạng tối vào mùa xuân, mùa mưa đến. Muỗi nhiều đến nỗi có quơ tay là tóm được một đống.
"Hằng ngày, những người chơi cá cảnh thường ra đây vớt bọ gậy để đem về nuôi cá. Người đi đường thì không dám nói, cười vì sợ muỗi bay vào mồm. Nghĩ đến quãng thời gian đó đúng là khủng khiếp với người dân nơi đây", anh Thắng (thợ cắt tóc gần rìa sông cụt) chia sẻ.
Dọc bờ sông cụt được xây dựng hàng rào lưới sắt, trồng cây xanh và biển tuyên truyền để "diệt muỗi".
Nói về sự thay đổi quang cảnh nơi đây, ông Phạm Duy Vĩnh (Tổ trưởng tổ dân phố 36) chia sẻ: "Để cho môi trường sống được trong lành trở lại, khi đó chúng tôi cùng các ban, ngành chính quyền địa phương đi tuyên truyền đến từng nhà để mọi người có ý thức hơn trong việc vứt rác. Sau đó, chúng tôi cùng người dân dọn dẹp rác thải lòng sông. Người dân còn tự nguyện đóng góp tiền để mua lưới sắt dựng hàng rào, trồng cây xanh để không ai vứt rác bừa bãi và để môi trường xanh, sạch hơn".
Rác thải được bọc vào túi nilông và đặt ở trước cổng để nhân viên vệ sinh môi trường đi thu dọn.
"Tôi mua bình phun muỗi ở Viện Vệ sinh dịch tễ, cứ 3 tháng lại phun một lần, rồi kết hợp dọn dẹp các vật dụng chứa nước không dùng đến để tránh loăng quăng, bọ gậy nên giờ nhà tôi dường như không có muỗi", chị Đào Hoàng Anh (tổ dân phố 36) chia sẻ.
Người dân vô tư đi lại lúc chiều xuống.
Hiện nay khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, nhưng gần 700 hộ dân thuộc bốn tổ dân phố sống gần đoạn sông cụt này chưa xảy ra trường hợp nào bị mắc bệnh sốt xuất huyết, tất cả là nhờ vào sự chung sức cố gắng giữ vệ sinh môi trường của người dân và chính quyền địa phương.
Theo Danviet
Nữ điều dưỡng mang thai sắp đẻ vẫn căng mình chống sốt xuất huyết Việc ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương đối với nhân viên y tế trong đợt dịch sốt xuất huyết hoành hành không phải hiếm gặp. Thậm chí, nữ điều dưỡng dù đã bầu 8 tháng nhưng vẫn căng mình làm việc ở tâm dịch. Hiện tại, cả nước đã có 78.000 người mắc sốt xuất huyết, 22 người chết, trong đó TP.HCM...