Kinh hãi giò, chả giòn dai nhờ chất bột trắng
Gói giò bằng khuôn inox sẽ có nguy cơ tích tụ kim loại nặng vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư…
Theo tìm hiểu của PV, hiện đa số những cơ sở làm giò lụa, giò xào dùng khuôn inox để gói giò và dùng các chất phụ gia không rõ nguồn gốc để làm chả.
Nhà nhà gói giò bằng khuôn inox
Đóng vai khách đi đặt giò chả, chúng tôi đã thâm nhập vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò, chả trên địa bàn Hà Nội như ở phố Hoàng Mai, ngõ 31 La Thành (quận Đống Đa), Tân Ước (huyện Thanh Oai)… Đập vào mắt chúng tôi là những khuôn gói, bó giò bằng nhôm và inox nằm la liệt bừa bộn trên sàn nhà. Các khuôn này đều đóng gỉ, cặn. Thấy chúng tôi băn khoăn, anh Ánh (chủ cơ sở sản xuất giò chả tại đường La Thành) không ngần ngại nói làm nghề này nhiều năm rồi, chẳng thấy ai kêu ca hay chưa ai chết vì ăn giò chả cả(!?).
Một công đoạn làm chả
Về xã Tân Ước – một làng nghề làm giò chả nổi tiếng với cái tên Ước Lễ. Đến cơ sở sản xuất giò chả của gia đình anh Vương Huy K, thấy ở khu chế biến, những vật dụng được làm giò như dao, thớt còn đọng máu, những miếng da lợn đầy lông nằm phơi trên sàn trông nhếch nhác. Cạnh đó là những chiếc khuôn bằng inox và nhôm để làm giò chả, đã chuyển màu ghi, đen sạm lốm đốm những vết gỉ bẩn.
Khi hỏi chủ cửa hàng có biết thông tin làm giò chả bằng những khuôn sắt, inox gây hại cho sức khỏe, có thể dẫn đến bệnh ung thư hay không thì anh này tỏ vẻ ngạc nhiên và khẳng định là không có chuyện đó, còn có hay không thì đó là chuyện của mấy nhà khoa học, anh không quan tâm lắm. Bởi lẽ, anh làm như vậy đã gần chục năm nay mà vẫn chưa thấy ai phàn nàn gì về chất lượng.
Đến một vài cơ sở làm giò chả khác tại Tân Ước chúng tôi đều thấy người dân nơi đây dùng các loại khuôn nhôm, inox để làm và họ đều không quan tâm đến việc nguy hại từ những chiếc khuôn đó.
Video đang HOT
Sơ chế da lợn dưới nền đất.
Các chất phụ gia để làm giò, chả.
Cho chất bột màu trắng để chả giòn dai
Chúng tôi đã không khỏi rùng mình khi quan sát cách chế biến chả, nem các loại của người dân nơi đây. Những miếng da lợn còn đầy lông vứt lăn lóc dưới sàn nhà được cạo sạch để làm nem; những miếng chả sau khi hấp xong được rán đi rán lại nhiều lần trong một chảo mỡ màu nâu đen sánh; những khoanh chả quế được quết lên một lớp phẩm màu làm cho khoanh chả đổi từ màu trắng sữa sang màu nâu vàng rất nhanh.
Nhưng đáng lo hơn nữa là những cơ sở này dùng một loại bột làm giò chả để giữ được lâu hơn mà ăn thấy dai giòn, được gọi là chất “phụ gia” có màu trắng tinh, không mùi, dạng bột. 10kg thịt làm chả chỉ cần khoảng 100gr phụ gia. Chất phụ gia này được mua ở chợ Đồng Xuân với giá 120.000 – 130.000 đồng/kg, rất thuận tiện để thay hàn the.
Để tìm hiểu chất phụ gia này, chúng tôi đến chợ Đồng Xuân hỏi mua loại phụ gia để làm giò chả thì được một chủ cửa hàng giới thiệu hai loại: Superbind K70 là hỗn hợp polyphosphate của Đức tạo độ giòn, dai, tăng khả năng giữ nước và loại Acid Sorbic, Potassium Sorbate của Nhật Bản, chống nhớt, chống mốc, dùng làm chất bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng. Cả hai chất phụ gia này đều không có chữ tiếng Việt và không thấy ghi cơ quan chuyên môn nào cấp phép sử dụng.
Theo giải thích của các nhà khoa học, trong quá trình làm giò, những nguyên liệu gồm thịt, mộc nhĩ, nấm hương, muối tiêu và nhiều loại gia vị khác được trộn lẫn và đưa vào khuôn. Nếu người làm không cẩn thận, không dùng khuôn giò inox đảm bảo chất lượng và sử dụng lớp lót bên trong để ngăn cách tiếp xúc giữa inox và giò thì các hợp chất bên trong bề mặt của thành khuôn inox sẽ phai ra ngấm vào thức ăn và giò chả.
TS Đoàn Đình Phương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu – cho biết: “Hiện nay, đối với các vật liệu mạ inox, để tạo giá thành rẻ hơn nữa, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Các chất mạ thường dùng là kim loại nặng, nếu trong quá trình sử dụng những chất đó thôi ra ngấm vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, gây hại cho sức khoẻ. Thậm chí có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư…”.
Theo Thành An – Triệu Quang (Lao động)
Cận cảnh chế biến măng siêu bẩn
Măng tươi được xé nhỏ đựng trong những chiếc xô nhựa không thể bẩn hơn, măng khô thì vẫn theo tiêu chí không có lưu huỳnh không thành măng khô.
Hãi hùng măng tươi... siêu bẩn
Tại chợ Đồng Xuân, măng tươi được bán khá phổ biến trong các sạp hàng và có nhiều loại, nhiều giá, muốn mua bao nhiêu cũng có. Măng củ tươi được bán với giá 140.000 đồng/kg, măng bẹ loại ngon là 150.000 đồng/kg, măng thái sẵn là 100.000 đồng/kg.
Tại một hàng chuyên bán măng thái sẵn đối diện cổng phụ chợ Đồng Xuân, một bà cụ tay thoăn thoắt thái từng củ măng bỏ vào 1 chiếc xô cáu bẫn, nhìn như xô đựng rác. Xung quanh là rác thải, ruồi nhặng bay tứ tung bám đầy xung quanh. Theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam, những củ măng này không hề được rửa qua nước cho đỡ bụi bẩn.
"Nếu rửa măng rồi mới thái thì người mua lại chê vì bảo măng nặng cân vì nước. Cứ để khô thế này mà thái, người ta mua về ắt sẽ phải rửa trước khi chế biến", cụ bà này cho biết.
Theo cụ khách hàng thường xuyên đến mua hàng là những quán bán bún, cơm bình dân. Họ ngại thái và xé măng nên thường chọn loại măng làm sẵn, về chỉ việc đổ vào chế biến.
Măng xé nhỏ được đựng trong những chiếc xô... siêu bẩn (Ảnh: Thanh Nguyên)
Bên trong chợ Đồng Xuân cũng khá đông tiểu thương bán mặt hàng này. Theo giới thiệu cửa các chủ hàng, măng tươi được họ nhập từ trên Kim Bôi, Lương Sơn - Hòa Bình và một số tỉnh miền núi phía bắc
Chủ một kiot trong chợ xởi lởi: "Măng này nhà tôi đánh xe lên tận Kim Bôi - Hòa Bình lấy về, giá măng củ 140.000 đồng/kg, lấy nhiều thì giá sẽ giảm hơn, chủ yếu cung cấp cho các hộ lấy buôn về bán và những gia đình làm hàng, giá như vậy là rất mềm.
"Nếu em không yên tâm thì lấy măng củ tươi chưa xử lý về tự làm, còn không thì cứ thế mà lấy đảm bảo không bao giờ thối, cứ ngâm nước để đó dùng dần được..."
Cũng theo chủ kiot này, măng mua về không cần xử lý gì hết, nếu muốn măng không thâm chỉ cần cho thêm ít muối vào nước xâm xấp mặt măng, để không lo chua hỏng.
Không có lưu huỳnh thì không thành... măng khô
Dạo một vòng các kiot có bày bán măng khô, hàng nào măng cũng có màu vàng tươi, đẹp mắt. PV hỏi chuyện một chủ kiot trong chợ Đồng Xuân: Liệu chúng có tẩm ướp hóa chất, như lưu huỳnh không?
Chị bán hàng khẳng định: "Lưu huỳnh không phải là chất cấm dùng, chỉ là liều lượng của nó khi dùng như thế nào thôi. Làm măng khô mà không có lưu huỳnh thì khác nào bảo mổ gà không được dùng dao...".
PV thắc mắc: "Vậy liều lượng được phép dùng là bao nhiêu? Măng của chị đã được kiểm tra đạt mức an toàn chưa? Sao không thấy có thông số gì về sản phẩm, ngay cả hạn sử dụng cũng không có?
Chị này lừ mắt gắt gỏng: "Liều lượng bao nhiêu thì chỉ có người sản xuất mới biết. Cô có đi cả chợ này cũng không có loại măng nào có những cái giấy tờ mà cô yêu cầu. Buôn bán tin nhau là chính. Cảm thấy không mua được thì biến...".
Một số người bán hàng khác cho biết nếu mua măng về bỏ mối hoặc bán lại thì chỉ việc gói trong bao bọc kín là yên tâm để cả năm không hư.
Theo lời của tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, măng khô ở chợ Đồng Xuân đều sử dụng lưu huỳnh.
Theo lời của tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, măng khô ở chợ Đồng Xuân đều sử dụng lưu huỳnh
Hiện tại, giá măng củ khô ở chợ Đồng Xuân có giá từ 220.000 - 250.000 đồng/kg, măng vầu là 150.000 - 240.000 đồng/kg tùy loại. Tất cả các loại măng này cũng đều được để trong bao tải, và cũng đều giống với các mặt hàng khác ở "tiêu chí" 3 không: Không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác.
Độc hại khôn lường...
Tại quầy hàng khô chợ Đồng Xuân, khi cầm những dẻ măng khô vàng ươm, một người khách buột miệng kể: "Trông thì đẹp thế thôi chứ cái này đã được làm màu bằng diêm sinh để măng vàng, giữ được lâu không mốc. Chỉ với 10.000 đồng/kg diêm sinh có thể hòa nước ngâm vài tạ măng, sau đó phơi khô là có màu vàng đẹp thế này".
Theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), vừa qua, kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm măng khô, măng tươi trên phạm vi cả nước đã phát hiện nhiều mẫu măng khô có tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Phân tích về tính độc hại của măng khô có hàm lượng lưu huỳnh, thạc sỹ Cao Văn Trung - chuyên gia về thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm cho biết, nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não.
Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh, có trường hợp ăn phải các loại măng có hàm lượng lưu huỳnh số lượng lớn, có thể gây tổn thương cho phổi, mắt thậm chí còn gây nhiễm độc máu, suy thận...
Bác Toán (Thụy Khuê, HN) nói: Các hàng măng chắc chắn họ ngâm hóa chất bảo quản để tránh hỏng nên tôi không bao giờ mua măng tươi và măng khô luộc sẵn ở chợ về dùng. Tôi thường mua măng khô về ngâm nước vài hôm rửa sạch rồi luộc, nếu ai cẩn thận thì luộc và rửa vài lần sau đó để tủ dùng dần...".
Các loại măng được bán ở chợ Đồng Xuân đều không rõ về nguồn gốc xuất xứ. Ai có thể đảm bảo rằng chúng an toàn đối với người tiêu dùng?
Theo Thanh Nguyên (VietQ)
Kinh hãi gia vị tẩm ướp tự đóng gói Các loại phụ gia đủ màu sắc được đóng trong những túi nilon trắng nhỏ, khối lượng chừng 15 - 20 gr và trên bao bì không hề ghi nhãn mác, nguồn gốc, thành phần có thể gây ung thư. Một số loại gia vị tẩm ướt giúp món ăn có màu, mùi vị lạ hơn như: bột điều đỏ, bột nghệ, bột...