Kinh hãi clip bé gái bị 2 con chó tấn công, người bố liều mạng giằng co với thú dữ
Xem đoạn clip này, nhiều người cảm thấy xót xa cho bé gái khi bị 2 con chó dữ tấn công.
Đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc được trích xuất từ một camera của nhà dân gần hiện trường. Theo đó, khoảng hơn 7h30 phút sáng ngày 22/5, không biết trước đó 2 bố con nhà kia có va chạm gì với 2 con chó (1 con lông đen, 1 con lông vàng đen) không nhưng 2 con vật này lao vào tấn công dữ dội bé gái được bố bế trên tay.
Con chó màu đen lao tới, ngoạm cắn vào đùi bé gái. Con chó màu vàng cũng chạy vòng quanh định lao vào tấn công. Thấy con gặp nguy hiểm, người bố dùng hết sức mình ngăn cản. Nhưng con chó đen quá hung hăng, nhất định không buông tha cho bé gái. Thậm chí để đẩy con chó đen ra, người bố đã bị nó tấn công vào tay.
Chỉ đến khi có người dân gần đó cầm chiếc chổi có cán dài lao tới thì lũ chó mới sợ hãi mà buông tha cho 2 bố con nhà kia.
Sau khi bị chó tấn công, bé gái hoảng sợ, gào khóc. Một bé gái khác ở gần đó chứng kiến vụ việc cũng sợ hãi không dám nhúc nhích.
Theo thông tin ban đầu thì vụ việc xảy ra tại Đồng Nai.
Ngay sau khi clip được đăng tải đã nhận về nhiều lượt quan tâm của dân mạng. Đa phần mọi người đều cảm thấy xót xa khi chứng kiến em bé bị 2 con chó hung hăng tấn công.
Nhiều bình luận khuyên người bố nên cho con đi khám và tiêm phòng, đề phòng trường hợp 2 con chó kia phát dại, bé gái sẽ gặp hậu quả khôn lường.
Đây cũng là bài học cho những ai đang nuôi chó. Đồng ý là yêu thương động vật nhưng chủ nuôi phải biết cách phòng tránh nguy hiểm cho chính mình và mọi người. Khi nuôi chó, nếu thả chúng ra đường, chủ nuôi cần rọ mõm chúng lại.
Dưới đây là một số bình luận của dân mạng:
- Xem mà thấy kinh hoàng! Thảo nào nhà mình bố mẹ không cho nuôi chó, mèo.
- Chủ chó phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây tổn hại đến sức khỏe người khác.
- Thương con quá! Sợ nhất mấy con chó bị điên!
- Nuôi mấy con chó to dữ trong nhà mà không xích không khác gì tự hại mình.
- Nói thật lòng nhé. Con chó có khôn đến mấy nó vẫn mang phần “con nhiều nên nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên nuôi. Nhiều nhà cứ bảo nó khôn lắm, nó hiền lắm nhưng đã là con vật thì nhiều lúc không biết thế nào. Đi ra đường thấy nhiều nhà thả chó không rọ mõm, đã thế thấy người lạ cứ đến gần ngửi, chủ thì nói nó hiền lắm không cắn đâu. Đến lúc nó cắn chắc nó bảo. Xem clip mà thương em bé, có khi ám ảnh cả đời.
- Kinh nghiệm bị chó cắn muốn nó nhả ra thì chỉ có lấy tay bấm vào mắt nó thôi. Chứ gặp loại chó Tây với chó dữ thì càng đánh nó, nó càng hăng.
- Quả này phải bỏ cháu bé ra. 2 tay kẹp siết cổ con chó lại nó mới nhả ra.
Vụ chó dữ tấn công 2 cháu bé: Chủ chó có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Theo luật sư, vật nuôi là tài sản của người chủ nên người này phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà "tài sản" này có thể gây ra cho người khác, bao gồm cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự.
Vụ việc hai bé trai 2 tuổi và 7 tuổi bị chó dữ tấn công ngày 18/12 vừa qua tại Tuyên Quang đã khiến nhiều người bàng hoàng và xót xa. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chó nhà tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Theo đó, trong lúc đi qua nhà hàng xóm chơi, hai cháu nhỏ ở xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) bất ngờ bị một con chó lao vào tấn công. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Hình ảnh vết thương mà 2 cháu nhỏ bị chó dữ tấn công (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - trưởng kíp phẫu thuật cho biết, cả hai bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp vùng đầu mặt, cánh tay, bàn tay và các bộ phận khác, được chỉ định mổ cấp cứu.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ với những gia đình nuôi chó dữ không xích, nhốt, không đeo rọ mõm khi cho ra đường và đề nghị phải phạt thật nặng chủ chó để làm gương cho người khác.
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam có các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của chủ nuôi chó cũng như các vật nuôi khác trong trường hợp chó tấn công người, thậm chí cắn chết người và trách nhiệm liên đới.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi (súc vật) gây ra đã được quy định đầy đủ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 (Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra).
Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khỏe do súc vật gây ra.
Luật sư cho biết, nếu súc vật làm chết người thì chủ nuôi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Ảnh minh họa).
Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại. Có hai trường hợp:
Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người. Theo đó, một người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Hành vi phạm tội: Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra. Ở đây, chủ nuôi đàn chó phải thấy trước sự nguy hiểm của việc thả rông đàn chó đối với sức khỏe, tính mạng của người khác.
Lỗi khi thực hiện hành vi: Về ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Áp dụng vào vụ việc ở Tuyên Quang, chủ nuôi chó có thể do cẩu thả hoặc do quá tự tin (chó thân quen với nạn nhân nên sẽ không tấn công).
Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Có thể dễ dàng thấy được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vô ý của chủ nuôi chó và hậu quả.
Bản chất của mối liên hệ giữa chủ sở hữu và vật nuôi cần được nhìn nhận dưới góc độ pháp luật dân sự. Vật nuôi là tài sản của người chủ nên người này phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà "tài sản" này có thể gây ra cho người khác, bao gồm cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự.
Như vậy, trong vụ việc hai bé trai bị chó cắn tại tỉnh Tuyên Quang lần này, sau khi cơ quan chức năng làm rõ tỷ lệ thương tật của hai cháu bé thì mới có đủ cơ sở kết luận về trách nhiệm của chủ chó như thế nào.
Luật sư Xuyến cho rằng, chế tài xử phạt hành vi thả rông chó, mèo hoặc không có rọ mõm khi dắt đến nơi công cộng (phạt đến 800.000 đồng) là hợp lý, cơ bản đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là việc thực thi pháp luật, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thực thi nghiêm túc, thường xuyên. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nuôi vật nuôi trong nhà như chó mèo, nhất là hành vi bị cấm như thả rông chó mèo, tiêm phòng dịch... chưa được sâu rộng, đến với mọi người dân. Do đó, ý thức của nhiều người dân trong việc chấp hành pháp luật về nuôi chó mèo chưa cao dẫn đến vi phạm nhiều.
Clip khách bắt nhân viên quán ăn xếp hàng để đánh: Công an khẩn trương điều tra Một nhóm gia đình đến quán ăn sau đó tấn công nhân viên quán rồi bắt xếp hàng để... tiếp tục hành hung. Sự việc xảy ra tại trấn Liên Nghĩa, H.Đức Trọng (Lâm Đồng). Ngày 8.4, mạng internet xuất hiện một đoạn clip dài khoảng hơn 2 phút về sự việc hành hung này đã gây bức xúc, thậm chí phẫn nộ...