Kinh doanh tâm linh và những giá trị ảo
“Các không gian tâm linh, tôn giáo mới xây dựng lên là sản phẩm của các siêu dự án nói trên, do đó, chỉ cơ bắp và hào nhoáng. Khi màn đêm buông xuống và cánh cửa đóng lại, chẳng có gì ngoài những bê tông, gạch ngói”, TS Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đánh giá về tình trạng “kinh doanh tâm linh” đang ngày một nở rộ thời gian gần đây trong bài viết gửi tới Dân Việt.
Việc xuất hiện những siêu dự án nhằm kiếm lợi từ du lịch, kết hợp với diễn tả niềm tin tôn giáo không nằm ngoài xu thế “kinh tế hóa tôn giáo”.
Trong nền kinh tế thị trường, người kinh doanh luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu và nếu hình thức kinh doanh của họ không vi phạm pháp luật thì việc phê phán cách làm này có thể là thiếu công bằng.
Nhưng xu hướng này ngoài mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư và giải quyết một số công ăn việc làm nhất định, hệ quả nó mang lại cơ bản không tốt cho tính thuần khiết và nhất quán của mỗi truyền thống tôn giáo nói riêng, của đời sống tôn giáo, tâm linh nói chung.
Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, với chức năng văn hóa tâm linh – nghỉ dưỡng sinh thái – vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. (Ảnh: Nguyễn Chương)
Thứ nhất, nó tạo ra những giá trị ảo. Về mặt truyền thống, việc tìm đến không gian tôn giáo là để thờ cúng cái thiêng, tìm sự yên ổn về tâm hồn, học hỏi những triết lý cao thâm và những ứng xử đạo đức. Hành vi ấy góp phần không nhỏ trong kiến tạo, dung dưỡng, tiếp nối những giá trị văn hóa quý báu, góp phần hình thành căn tính văn hóa của dân tộc.
Đi lễ đền, chùa theo cách đó, vì thế sẽ không thể là những hành vi gây tốn kém về tiền bạc, càng không thể hiện nhu cầu tiêu dùng, hay khoe mẽ về năng lực kinh tế.
Kinh doanh hàng hóa tôn giáo ngày nay bởi các nhà đầu tư lại chủ yếu nhằm phát hiện và kích thích các nhu cầu tiêu dùng không thực sự cần thiết, mong muốn thể hiện khả năng kinh tế của cá nhân, thỏa mãn tâm lý thích sĩ diện về cảm giác được chiêm ngưỡng những gì to lớn, thuộc hàng kỷ lục, lại xa hoa và tốn kém.
Những hành vi ấy chỉ tạo ra các nhu cầu chưa từng có, không thiết thực, nói cách khác là tạo ra các giá trị ảo.
Có thể sau đổi mới đột phá về chính sách tôn giáo, người dân quá vội vàng và háo hức đi từ thái cực bị cấm đoán sang thái cực có nhiều tự do trong lựa chọn và diễn tả niềm tin tôn giáo. Cần thời gian đủ dài để tất cả bình tĩnh lại và nhận ra đâu là điều đáng làm nhất, đâu là những giá trị ảo.
Thứ hai, các nhà tu hành chân chính, các bậc trí thức tôn giáo cũng không hiện diện ở những nơi này. Các hoạt động giáo dục về tôn giáo cũng không diễn ra nơi đây. Kết quả người đi lễ, dù đông bao nhiêu, đều không mở mang được tri thức về tôn giáo, cũng như về các giá trị mà tôn giáo thực sự mang lại.
Cứ như thế, phẩm chất tôn giáo của tín đồ khó có thể cải thiện được, nếu không muốn nói là còn lụi tàn thêm.
Việt Nam đang chứng kiến những nhà tỷ phú đô la giàu lên chủ yếu do đầu cơ đất đai hơn là nhờ vào phát minh, sáng chế, hay có ý tưởng kinh doanh xuất chúng. Nhưng đất đai là nguồn tài nguyên rất quý và sẽ cạn kiệt. Quá nhiều đất đai được thu gom và dành cho các dự án tâm linh, tôn giáo là một sự lãng phí nghiêm trọng.
Giờ đây, sự đổi mới về quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước đã thừa nhận khách quan nhu cầu tôn giáo, tâm linh của người dân.
Video đang HOT
Theo tôi trên thực tế, không có cách nào xóa bỏ nhu cầu tôn giáo, tâm linh ra khỏi đầu óc người Việt được và cũng không cần thiết phải làm như thế.
Thay vào đó, chúng ta hướng cho người dân thỏa mãn nhu cầu một cách lành mạnh, có trách nhiệm với người khác và với xã hội, đồng thời tự giác tuân thủ pháp luật.
Trong tương lai, điều có thể khẳng định là đời sống tinh thần của người Việt Nam sẽ chỉ trở nên phong phú hơn, khi tổng thể không gian tôn giáo ngày càng mở rộng và đa dạng hóa.
Mê tín sẽ bị đẩy lùi, không phải chỉ do tiến bộ của khoa học hay sự thắng thế của quá trình thế tục hóa, mà nhờ vào sự gia tăng tri thức về tôn giáo nơi các tín đồ nói riêng và người dân nói chung.
Tôi rất đồng ý với nguyên cố Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo TS Nguyễn Quốc Tuấn: Việc Nhà nước cần làm là kiến tạo một hệ giá trị mới và nhất quán cho xã hội.
Đây còn là trách nhiệm của giới trí thức cũng như các lãnh đạo tôn giáo và của mỗi tín đồ tôn giáo. Việc đưa hệ giá trị đó vào thực tiễn không chỉ dựa vào các phong trào vận động xã hội, các cơ sở giáo dục, mà còn dựa vào một hệ thống pháp lý minh bạch và hiệu quả.
Điều quan trọng nhất là Nhà nước tập trung giúp cho người dân có tôn giáo nhận thức rõ về tôn giáo mình theo, biết rõ các ranh giới pháp luật họ không thể bước qua. Nghĩa là hỗ trợ người dân tin và thực hành tôn giáo một cách có tỉnh thức thay vì mê muội và không tự giải thích được.
Tỉnh thức là hiểu rõ nhu cầu của mình, đồng thời biết quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi của người khác.
Điều đáng sợ trong vấn đề tâm linh không phải là có quá nhiều thần thánh, cũng có nghĩa là quá nhiều tôn giáo. Mà điều đáng sợ là con người không còn sợ cái gì siêu việt hơn mình và từ đó mà việc gì cũng dám làm, kể cả những việc phi nhân tính nhất.
Theo Danviet
Dự án 15.000 tỷ ở Chùa Hương: Nguy cơ văn hóa tâm linh bị "méo mó"
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, khi cho phép xã hội hóa đầu tư vào khu vực có giá trị tâm linh, vấn đề người dân lo ngại nhất là không cẩn thận khu vực tâm linh đó mất đi giá trị truyền thống, rồi rơi vào tay những đại gia.
Từ câu chuyện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh có quy mô 1.000ha ở khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng đang gây nhiều bàn cãi, PV Dân Việt đã trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội..
Thưa ông, trong vấn đề xã hội hóa đầu tư hiện nay, dường như có không ít doanh nghiệp tìm cách chuyển hướng đầu tư vào văn hóa tâm linh?
- Có thể nói hiện nay trong đầu tư công chúng ta đang thiếu vốn, đây là một trong những hạn chế cần lưu tâm trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề này Quốc hội đã bàn thảo nhiều. Vì lý do thiếu vốn đầu tư, vì lý do có những việc do Nhà nước đứng ra làm nhưng có nhiều việc Nhà nước không cần đứng ra nên mới dẫn tới chủ trương xã hội hóa.
Chúng ta đã thực hiện việc xã hội hóa tương đối tốt trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục... Trong những năm qua nổi lên việc có những nhà đầu tư, bên cạnh việc đầu tư vào các dự án liên quan đến phát triển kinh tế, họ chuyển hướng sang đầu tư kết hợp phát triển kinh tế xã hội với văn hóa tâm linh.
Du khách đi lễ hội chùa Hương năm 2018. (Ảnh: Lê Hiếu)
Ông có thể nói rõ những lo ngại của cử tri và người dân cũng như suy nghĩ của cá nhân?
- Thứ nhất, khi cho phép đầu tư vào lĩnh vực văn hóa tâm linh người dân đặt vấn đề, có hay không có sự quy hoạch, có hay không có sự tính toán cân nhắc để gìn giữ, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt các khu tâm linh mang tính đặc sắc của quốc gia, ví dụ như chùa Hương (Hà Nội). Việc phát triển phải trên quy hoạch tổng thể, có chủ trương, chứ không phải cứ chỗ nào "ngon ăn" thì nhà đầu tư nhảy vào.
"Phải ngăn chặn kiểu đầu tư chỉ phục vụ cho mục tiêu kiểu như chiếm hữu khu vực đó, chiếm hữu giá trị mà hàng ngàn đời biết bao nhiêu thế hệ nhân dân xây dựng nên", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Thứ hai, quá trình đầu tư đó có được định hướng, có được chỉ đạo, có được bàn thảo về mặt khoa học, có sự tham gia của các nhà văn hóa, các chuyên gia và người dân để việc đầu tư sẽ không làm lệch chuẩn các giá trị liên quan đến văn hóa tâm linh hay là đại gia nào nhiều tiền thích đầu tư gì, thích vẽ, đúc gì thì làm, mở đường kiểu gì cũng được.
Điều này làm ảnh hưởng tới cảnh quan của di tích, như công trình xuyên lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) vừa phải tháo dỡ. Những thứ gì thiêng liêng trở thành tiềm thức của người dân cần phải xem xét, cân nhắc khi cho đầu tư.
Thứ ba, việc đầu tư đương nhiên phải có sự bù đắp trở lại, nhưng nếu biến đầu tư vào văn hóa tâm linh rồi thành kinh doanh đến mức độ làm méo mó đi hệ thống văn hóa tâm linh, hay nói cách khác là mất giá trị thì rất nguy hiểm.
Phải ngăn chặn kiểu đầu tư chỉ phục vụ cho mục tiêu kiểu như chiếm hữu khu vực đó, chiếm hữu giá trị mà hàng ngàn đời biết bao nhiêu thế hệ nhân dân xây dựng nên. Có người cho rằng, cần phải hết sức lưu ý để cân đối giữa vấn đề đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu tư quá tập trung vào văn hóa trong khi vấn đề về hạ tầng liên quan khác lại đẩy cho nhà nước.
Ở đây, vai trò của những nhà chính trị rất quan trọng để từ đó định hướng, điều tiết của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh văn hóa thế nào cho phù hợp. Những vấn đề nêu trên được cử tri, nhân dân lo ngại và bàn nhiều. Nhưng vấn đề người dân lo ngại nhất là việc cho phép đầu tư không cẩn thận khu vực có giá trị văn hóa tâm linh đó mất đi giá trị truyền thống, rồi rơi vào tay những đại gia.
Từ câu chuyện đầu tư dưới hình thức BOT với các dự án giao thông thời gian qua cần được xem là bài học khi cho phép xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa tâm linh thưa ông?
- Vấn đề mà người dân lo ngại như tôi đã nói ở trên đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách, nhà làm kế hoạch và những người đang làm công tác quản lý ở Trung ương và địa phương phải xem xét một cách nghiêm túc, coi đây là vấn đề chiến lược khi xác định vấn đề đầu tư.
Một số người cũng đặt vấn đề, có hay không việc đầu tư vào văn hóa tâm linh là để rửa tiền; hay có người đặt vấn đề có hay không việc quan chức đứng đằng sau lợi dụng việc đầu tư vào tâm linh để đảm bảo lợi ích lâu dài cho các cá nhân, nghĩa là lợi ích nhóm?
Như thời gian trước đây, chúng ta cho đầu tư BOT vào các dự án giao thông nhưng làm thiếu quy củ, sau mới hình thành chính sách. Khi có chính sách rồi xem xét lại việc đã thực hiện thấy có những vấn đề không được.
Rút kinh nghiệm từ vấn đề BOT để khi cho phép đầu từ vào lĩnh vực văn hóa tâm linh thì phải làm quy củ ngay từ đầu để sau này không phá dỡ, rồi những hệ lụy phức tạp phát sinh.
Trở lại với câu chuyện đại gia Xuân Trường (Ninh Bình) đề xuất đầu tư 15.000 tỷ đồng để làm "siêu dự án" ở chùa Hương khiến dư luận không khỏi xôn xao, ông có suy nghĩ gì?
- Nói đến danh thắng chùa Hương, người dân thấy khu này quá thiêng liêng, quá quen thuộc. Người ta đang cố gắng giữ vẻ hoang dã, vẻ hoang sơ của nơi đây. Tâm linh là thế, đó là thứ không hiện đại, không quá đóng "hộp", không quá bê tông, xi măng hóa. Nhưng điều lo ngại nhất của người dân là nhà đầu tư sẽ biến đó thành tài sản riêng.
DN Xuân Trường là đơn vị đề xuất và được đầu tư nhiều khu du lịch tâm linh lớn như Bái Đính, Ba Sao - Tam Chúc, Hồ Núi Cốc... giờ lại tới Hương Sơn, Mỹ Đức. Theo tôi, các khu du lịch này đều là những nơi có di sản quốc gia, vì vậy việc quản lý hết sức cẩn thận. Các thủ tục đầu tư phải đảm bảo đầy đủ quy định, công khai, minh bạch, có sự tham vấn ý kiến ý kiến từ Trung ương đến địa phương tránh tình trạng để một địa phương tự quyết định.
Xin cảm ơn ông (!)
Giáo sư Trần Lâm Biền: Đừng "trần tục" hóa cõi thiêng
"Trong xã hội ngày nay, các ngôi chùa ở đô thị đã bị cải tạo rất nhiều để người ta chú ý đến chùa núp dưới danh nghĩa tôn vinh nhưng thực sự là "hảo tự ố tăng". Bây giờ, nếu đem cái sự "hảo tự ố tăng" ấy về những chỗ thanh tao ở các vùng quê như chùa Hương, núp dưới bóng tôn vinh đạo Phật thì không đúng. Các công trình siêu tâm linh được xây dựng ở vùng lõi 1, hoặc 2 còn làm sai lệch triết học của Phật giáo. Nếu không cẩn thận sẽ không theo truyền thống mà còn phản lại thực tại và cũng không làm gương được gì cho tương lai cả. Thậm chí, còn làm trần tục hóa cõi thiêng liêng".
PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển): C ần tôn trọng nguyên trạng di sản
"Chùa Hương là một di sản văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ, nên việc can thiệp vào di sản phải hết sức cân nhắc, bắt buộc phải đảm bảo yếu tố hàng đầu là tôn trọng nguyên trạng của di sản. Phải đặt ra là, đầu tư chục ngàn tỷ vào đây thì đã cần thiết hay chưa? Dù là tiền của tư nhân, nhưng phát triển di sản phải đảm bảo hài hòa, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước".
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu: Thận trọng khi nạo vét suối Yến
"Dòng Suối Yến bao năm nay vẫn thế vậy, tại sao phải nạo vét? Anh định đưa phương tiện gì vào đây thì mới cần phải nạo vét chứ không phải cái nào cũng tác động tới dòng chảy. Phải chăng là tàu thủy? Doanh nghiệp có thể nói sẽ xây dựng các tuyến du lịch sông nước nhưng có nhất thiết du lịch trên sông thì phải nạo vét lòng sông. Nếu không cẩn thận, nạo vét sẽ làm hỏng cả thắng cảnh".
Thanh Hà (ghi)
Theo Danviet
'Kinh doanh' tâm linh: Một vốn bốn lời? Kinh doanh tâm linh được coi như loại hình kinh doanh "một vốn bốn lời", không lo "phá sản". Không chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia khác như Trung Quốc hay Ấn Độ, chuyện phật giáo cũng dễ bị gắn với các chiêu trò để kinh doanh. Lợi ích nhãn tiền có thể có song sự thiếu kiểm soát và...