Kính áp tròng không nguồn gốc: Đẹp vài phút, mù cả đời
Với giá từ 200.000 – 500.000 đồng/cặp, kính áp tròng bán trên các trang mua-bán online dường như làm ăn rất “đắt khách”.
Nhưng theo các bác sỹ, sử dụng kính áp tròng rất dễ gây các bệnh nguy hiểm cho mắt
Kính áp tròng giá rẻ
Nếu cách đây vài năm, kính áp tròng chỉ là một loại dụng cụ hỗ trợ được bác sĩ chỉ định khi điều trị các bệnh về mắt, hoặc có chăng chỉ những người nổi tiếng, những tiểu thư con nhà giàu mới dám nghĩ đến cách làm đẹp xa xỉ này.
Thì hiện kính áp tròng là vật “bất li thân” của nhiều cô gái muốn có đôi mắt “đa màu sắc” với màu sắc tròng mắt biến đổi theo ngày, bởi ngày nay, kính áp tròng không còn là món hàng xa xỉ, mà có cả những loại “bình dân” để nhiều cô gái thỏa mãn giấc mơ có được một đôi mắt “hút hồn” người đối diện.
Hạnh, sinh viên trường Báo Chí Tuyên Truyền cho biết: “Đeo kính áp tròng thời trang giờ không còn xa lạ với giới trẻ tụi em, nếu ngày xưa, chỉ có các bạn con nhà khá giả mới dám nghĩ đến cách làm đẹp thời thượng này, thì giờ những sinh viên có mức chi tiêu tầm trung như tụi em cũng có thể mua được những loại kính áp tròng nhiều màu sắc, chỉ cần lên mạng chọn kiểu và 1 cú click là có ngay một bộ kính áp tròng như ý, giá cũng chỉ bằng 1 bộ quần áo thời trang”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các mạng rao vặt bán khá nhiều loại kính giãn tròng, với nhiều loại hình khác nhau: kính áp tròng thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng…
Những loại kính áp tròng nhiều màu sắc hiện rất được giới trẻ yêu thích.
“Loại được nhiều bạn trẻ yêu thích hiện nay là kính tạo hình ảnh đồng tử giãn to và kính áp tròng có hình ảnh của các con thú. Em yên tâm, mua về sử dụng, hàng nhà chị toàn là hàng xách tay từ nước ngoài, chất lượng khỏi nói, mà đeo lên thì đẹp thôi rồi, không khác gì các hotgirl”, một người bán hàng hồ hởi quảng cáo khi phóng viên điện thoại nhờ tư vấn về các loại kính áp tròng để đặt mua.
Theo quảng cáo của người bán online thì đa số là kính “xách tay” có xuất sứ từ Hàn Quốc, giá từ 200.000 – 350.000đ/cặp, đủ màu sắc, có độ và không độ. Các cửa hàng mắt kính thì có các loại xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Indonesia… giá từ 260.000 – 500.000đ/cặp. Bên cạnh đó có nhiều loại kính giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ khác.
Video đang HOT
Đẹp vài phút… mù cả đời
Một bác sĩ BV Mắt Trung ương cho biết, các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng thường được bác sĩ yêu cầu dùng với những chỉ định chính cho: điều trị các tật khúc xạ như: cận – viễn – loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK…
Kính giãn tròng là một loại kính áp tròng, do vậy luôn đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay những người bình thường không có bệnh mà vẫn dùng để thoả mãn thú chơi không được giới Y khoa khuyến khích.
Thậm chí nhiều trường hợp đeo kính thường xuyên, liên tục và dùng đi dùng lại nhiều lần quá lâu so với tuổi thọ của kính. Nhiều trường hợp lười tháo lắp, lười vệ sinh kính, lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt.
Nguồn gốc của các loại kính áp tròng thời trang bán online thường không rõ ràng, cũng chưa chắc đã được các cơ quan chức năng trong nước kiểm định về chất lượng.
“Như tôi được biết, hiện nay giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính tiếp xúc như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng… Tôi xin nói ngay là nguồn gốc của các kính trên không rõ ràng, không ai dám đảm bảo chất lượng cũng như không ai đền bù cho họ nếu có thiệt hại do kính gây ra mà chính họ sẽ là người gánh lấy.
Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến như: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virút hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật.
Như vậy cái hay, cái đẹp do kính trang trí mang lại thì ít nhưng tốn kém và nguy hại thì lại nhiều” vị bác sĩ này cảnh báo.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, nếu mang kính quá 16 giờ mỗi ngày sẽ gây kém hấp thu nước trên giác mạc dễ gây viêm và loét giác mạc, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đặt kính sai vị trí sẽ làm trầy giác mạc, dễ gây mù.
Một số người bị dị ứng với kính sẽ bị đỏ mắt. Hiện nay có khoảng 15 – 20% bệnh nhân bị viêm giác mạc do sử dụng kính áp tròng không đúng cách.
Nếu sử dụng kính áp tròng quá 3 năm có thể gây tổn thương ở mắt, khiến mắt dễ viêm nhiễm. Một số bệnh thường gặp do đeo kính áp tròng như viêm biểu mô giác mạc, nhiễm ký sinh trùng giác mạc, nhiễm các vi sinh vật…
Hơn nữa, bản chất kính áp tròng là 1 hợp chất, nó có thể gây dị ứng, kích ứng với từng người, không phải ai cũng có thể đeo được kính áp tròng.
Theo Alobacsi
Tránh hiểm họa khi dùng kính áp tròng
Kính áp tròng là một phụ kiện giúp cho đôi mắt của bạn có hồn và quyến rũ hơn.
Thế nhưng nếu không có những kỹ năng, nguyên tắc khi dùng kính áp tròng sẽ dễ khiến đôi mắt của bạn gặp hệ lụy đáng tiếc. Bỏ túi những kiến thức sau để khi dùng kính áp tròng cho đôi mắt thêm khỏe đẹp, bạn nhé!
Rửa tay
Kính áp tròng được đưa vào tận trong mắt, vì thế nếu không rửa tay trước khi đeo kính áp tròng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, gây viêm nhiễm mắt. Chính vì thế, trước khi đeo kính áp tròng bạn nên vệ sinh đôi bàn tay bằng xà bông diệt khuẩn và bằng nước lạnh.
Vệ sinh kính áp tròng
Hàng ngày bạn nên đều đặn vệ sinh kính áp tròng để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm, và tránh những rắc rối liên quan đến thị lực của mắt.
Đây là một nguyên tắc quan trọng khi dùng kính áp tròng là uyệt đối không nên đi ngủ khi vẫn đeo kính áp tròng. Các minh chứng khoa học cho thấy, 85% lượng oxy ở mắt được cung cấp thông qua quá trình trao đổi ở giác mạc. Nhưng khi đeo kính áp tròng, quá trình trao đổi oxy bị hạn chế, dẫn đến tình trạng khô mắt do thiếu oxy. Nếu mắt bị thiếu oxy nghiêm trọng, có thể dẫn tới loét giác mạc và có tỉ lệ mù lòa cao.
Trang điểm sau khi đeo kính áp tròng
Chỉ nên đeo kính áp tròng rồi mới trang điểm để đảm bảo lớp kem, phấn trang điểm không bị phai mờ và hạn chế nguy cơ tiết nước mắt.
Ngoài ra khi trang điểm không nên kẻ viền trong của mắt. Theo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa danh tiếng Susan Resnick (Hiệp hội Y khoa Mỹ) thì việc kẻ viền trong mắt đối với những người đeo kính áp tròng có thể cản trở sản xuất tuyến nước mắt, gây khô mắt, mờ mắt, thậm chí là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
Trong trường hợp bạn muốn tô màu cho đôi mắt thì không nên dùng phấn mắt mà nên dùng kem, bởi kem sẽ không có chứa bụi phấn, không gây tổn thương mắt hay làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
Cuối cùng khi chuốt mascara cho hàng mi cong vút bạn không nên chọn mascara nối mi vì nylon và sáp trong nó sẽ gây hại cho mắt kính. Bạn cũng nên nhớ là tuyệt đối không nên chải mascara ở sát chân mi.
Thay kính áp tròng định kỳ
Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyên bạn nên thay mới kính áp tròng mỗi 2 - 4 tuần/lần hoặc lâu nhất là 6 tuần để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn cho đôi mắt. Thật sai lầm khi bạn chỉ "trung thành" với một cặp kính áp tròng trong vòng nhiều tháng. Đây sẽ là đầu mối gây nên hàng tá mối nguy đe dọa đến sự an toàn của đôi mắt.
Những cái "không" khi dùng kính
Trẻ nhỏ dùng kính áp tròng rất nguy hiểm. Các chuyên gia về mắt khuyến cáo ít nhất trẻ ở độ tuổi từ 10 - 13 tuổi trở lên mới nên dùng kính áp tròng để tránh những tổn thương về mắt cho trẻ về sau.
Không tùy tiện đặt để kính áp tròng ở bất cứ nơi nào bạn muốn mà nên để vào hộp kính chuyên dụng để tránh mầm bệnh và nguy cơ viêm nhiễm.
Không nên dùng nước tẩy rửa tùy tiện để vệ sinh kính áp tròng bởi nó sẽ không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn một cách triệt để, dễ tiếp tay cho mầm bệnh gây hại cho mắt.
Theo Alobacsi
Make up "nổi bần bật" rực rỡ dạo phố Bạn đã biết mình nên make up thế nào để vừa hợp với không khí rực rỡ của Trung Thu, lại vừa không bị rơi vào tình cảnh khiến mình trông "quá lỗ" nếu nhỡ make up quá đậm chưa. Đã từ lâu, Trung Thu không còn là ngày chỉ dành cho các bé thiếu nhi nữa, bởi lẽ không khí rộn ràng...