“King Lean” – nỗi nhớ của khán giả sân Lạch Tray
Không cầu thủ nào chiếm nhiều nỗi nhớ của khán giả đất Cảng bằng Leandro, tiền vệ sinh năm 1983, dù anh đã “phản bội” tình yêu của họ. Tính cho đến nay “ King Lean”- là cầu thủ Brazil có kèo trái dị nhất V.League.
Cho đến nay “King Lean” – là cầu thủ Brazil có kèo trái dị nhất V.League. Ảnh HPFC
Trước khi Leandro de Oliveira đến Hải Phòng (2008), người ta chỉ biết Brazil là nơi sản sinh ra những ngôi sao bậc thầy về kỹ thuật cá nhân qua màn hình. “King Lean” đã khiến cho hàng ngàn cổ động viên sân Lạch Tray hiểu thêm thế nào là “vũ điệu sân cỏ”.
Vũ điệu Samba
Những cú đánh gót, cái lắc mông, động tác đảo người khiến Leandro là phần khác biệt với các ngoại binh còn lại của V.League. “King Lean” là biệt danh mà người hâm mộ đất Cảng dành cho cầu thủ có cái chân trái quái dị nhất cho đến nay mà CLB nào có được.
Thoại đầu người ta không tin Leandro, từng là tuyển thủ Olympic Brazil tại Pan American Games 2003 và cầu thủ của CLB nổi tiếng xứ sở Samba Santos (2002) lại trôi dạt đến đất Cảng. Làm sao lại có tuyển thủ O. Brazil đến chơi bóng tại “vũng trũng” bóng đá thế giới?
Những cú đánh gót, cái lắc mông, động tác đảo người khiến Leandro là phần khác biệt với các ngoại binh còn lại của V.League. Ảnh HPFC
Mãi sau này người ta mới biết, với thể hình cao 1,78m lại bị hạn chế về thể lực Leandro không đủ sức để chơi tại giải quốc nội Brazil. Sau 6 năm lang bạt, với khoản lương bổng hậu hĩnh của Xi măng Hải Phòng hồi bấy giờ “King Lean” quyết định làm việc dưới trướng HLV Vương Tiến Dũng.
Số 10 này ít khi đủ thể lực đá 90 phút, nhưng đội trưởng Xi măng Hải phòng nhưng hễ vào sân là Leandro làm mê hoặc khán giả sân Lạch Tray. “King Lean” nhảy múa với trái bóng như một nghệ sĩ Samba thực sự. Đang cầm bóng, bỗng nhiên anh xoay người giật gót, ta-lông ngẫu hứng biểu diễn những động tác cực khó đối với một cầu thủ bóng đá.
Leandro thi đấu vật vờ, đúng. Leandro không chịu tham gia phòng ngự, cũng đúng. Nhưng Leandro làm được cái mà không cầu thủ nào trên sân làm được đó là những pha kiến tạo, những bàn thắng đi vào lòng người. Ông thầy của Hải Phòng lúc đó biết làm thế nào để Leandro phát huy được hết điểm mạnh của mình.
Thủ môn Michal Shihavy (CH Czech) của SLNA sẽ còn mãi không hiểu vì sao với khoảng cách 40m mà bằng má ngoài, chân trái “King Lean” lại có thể sút thủng lưới mình. Đây là trận đấu trên sân Lạch Tray tại V.League 2009, Leandro lấy đà chạy dích dắc 10-12m và tung cú sút có quỹ đạo lạ khiến Shihavy đành bó tay.
“King Lean” sút bóng không cần đà, anh thuận chân trái nhưng ngẫu hứng vẫn khứa lòng chân phải, vẽ quỹ đạo cong vào góc cao khung thành đối phương. 3 năm khoác áo Hải Phòng, Leandro ghi được tổng cộng 30 bàn thắng, biến Hải Phòng từ vị thế của một “tân binh” trở thành thế lực mới của bóng đá Việt Nam.
Video đang HOT
Leandro, từng là tuyển thủ Olympic Brazil tại Pan American Games 2003 và cầu thủ của CLB nổi tiếng xứ sở Samba CLB Santos (2002) . Ảnh CLB Santos
“King Lean”, đeo băng đội trưởng Xi măng Hải Phòng và đúng “cân team” đúng nghĩa. Xi măng Hải Phòng chưa một lần lên ngôi vô địch, nhưng trong lòng người hâm mộ Hải Phòng, anh chính là “ông vua” sân cỏ. Anh là nguồn cơn để kéo khán giả đến sân Lạch Tray, là nơi làm nên những tiếng reo hò trên khán đài, là đề tài không dứt ngày này qua ngày khác của những quán bia hơi đất Cảng.
Xuống dốc
Sau 2 chức vô địch vào 2007, 2008 thì B.Bình Dương khi đó được mệnh danh là “ Chelsea Việt Nam” đã không tiếc tiền để đưa “King Lean” về sân Gò Vấp với sứ mệnh dẫn dắt hàng công tại V.League 2011. Leandro đã đi theo tiếng gọi của kim tiền, bỏ lại những tình cảm của hàng ngàn cổ động viên Hải Phòng dành cho đứa “con cưng” của sân Lạch Tray.
Mùa giải đầu tiên tại B.Bình Dương, Leandro ghi được 10 bàn thắng giúp đội bóng giành ngôi Á quân. Nhưng chính việc liên tục thay đổi HLV, từ Ricardo, Đặng Trần Chỉnh, Lê Thụy Hải và Đặng Trần Chỉnh (2011) khiến cho Leandro và các cầu thủ B.Bình Dương liên tục bị thay đổi lối đá. Không còn là “ông chủ” của hàng công, Leandro phải lùi sâu tham gia tìm bóng và đuối dần, đuối dần trong các dùng người của các HLV mới.
Chỉ hơn 1 năm, chấn thương và những cuộc chơi thâu đêm tại TP.HCM đã khiến Leandro tăng cân, thi đấu sa sút trông thấy. Hình ảnh một lãng tử sân cỏ hào hoa với những đường bóng say mê lòng người năm nao đã biến mất. Không thuyết phục được HLV Cho Yoon-Hwan, anh lang thang Thanh Hóa và quay trở lại Hải Phòng.
Câu hát vang lên, bỗng…
Anh là nguồn cơn để kéo khán giả đến sân Lạch Tray, là nơi làm nên những tiếng reo hò trên khán đài. Ảnh HPFC
Nhưng “King Lean” ngày nào đã không còn, HLV Hoàng Anh Tuấn đã lắc đầu với cầu thủ từng là “con cưng” của sân Lạch Tray. Năm 2012, Leandro đành trở về quê nhà chơi cho Matsubara rồi giã từ sự nghiệp cầu thủ tại CLB Pathum United, thi đấu tại Thai2-League vào năm 2015, khi 32 tuổi.
Đến giờ V.League vẫn là điểm đến ưa thích của các cầu thủ Brazil. Nhưng “King Lean” là cầu thủ độc nhất vô nhị thể hiện đúng chất nghệ sĩ sân cỏ trong thi đấu. Những đường bóng và bàn thắng của Leandro không hề lẫn vào đâu, bởi mảnh đất và con người Hải Phòng đã truyền cảm hứng cho anh thăng hoa. Nên 3 năm thi đấu cho XMHP, chính là quãng đời đáng nhớ nhất của ngôi sao một thời của sân cỏ Việt Nam này.
Thảo Chi
Cựu tiền vệ Hải Phòng - Aniekan: Lắm tài nhiều tật, lại "thích" lanh chanh
"Tôi chơi hay nhất, tại sao lại không được chia thưởng nhiều nhất? Tôi cũng muốn được ra ngoài ở như Leandro. Tôi cần sự công bằng", Aniekan lớn tiếng với HLV Vương Tiến Dũng sau một trận đấu mà anh tỏa sáng cho Hải Phòng ở mùa giải 2010.
Lắm tài nhiều tật
Cho đến nay, các ngoại binh Aniekan Ekpe Okon, Rogerio Pereira (Nguyễn Rogerio), Sakda Joemdi (Đoàn Văn Sakda)... vẫn được xem là những tiền vệ phòng ngự hay nhất tại V.League. Nhưng nếu Rogerio của SHB Đà Nẵng cần cù hiền lành cả trong lẫn ngoài sân cỏ, Sakda "chỉ" ham tửu sắc sau mỗi trận đấu của HAGL, thì Aniekan hội tụ tất cả những thói hư tật xấu.
Aniekan
Năm 2006, Aniekan chuyển đến khoác áo Bình Định. Không cần mất nhiều thời gian, tiền vệ người Nigeria chứng tỏ anh chính là mảnh ghép còn thiếu mà đội bóng này đang kiếm tìm. Aniekan chơi cực hay, giúp Bình Định giành hạng Ba ở mùa đầu tiên và năm kế tiếp về đích ở vị trí thứ 6. Trong 2 năm ấy, Aniekan dường như đã "xoá tên" Issawa, tiền vệ nổi tiếng người Thái Lan, khỏi bộ nhớ của các CĐV đất Võ. Khả năng "dọn dẹp" cùng những đường chuyển hướng tấn công tuyệt vời đã giúp cầu thủ đến từ Lục địa đen trở nên đắt giá, dù anh chỉ ghi vẻn vẹn 2 bàn thắng trong 2 mùa.
Trước khi rời Bình Định, Aniekan để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp bởi hay gây hiềm khích với các đồng đội. Đỉnh điểm nhất, sau một thất bại của Bình Định, khi về đến khách sạn, Aniekan bị các đồng đội người Việt trùm chăn đánh hội đồng vì cái tội đổ thừa cho người khác. Mùa giải 2008, Aniekan đầu quân cho Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn và cũng chơi rất hay để giúp đội bóng này về thứ 5 chung cuộc. Rồi cũng vì cái thói lanh chanh, anh phải kéo vali xuống Đồng Tháp chơi bóng.
Gà cùng một mẹ mà hoài "tẩn" nhau
Về Đồng Tháp, Aniekan hợp với hai đồng hương Timothy Anjembe và Samson thành "tam tấu" giúp đội bóng này chơi khá thành công. Tuy nhiên, Aniekan vẫn không bỏ được thói hư tật xấu. Lại cái tội vạ mồm và thói hay cằn nhằn, không ít lần, Aniekan bị đồng đội đóng cửa đánh hội đồng cho bõ ghét. Timothy và Aniekan là những ngoại binh từng khiến Đồng Tháp "đau đầu kinh niên". Số là sau mỗi trận đấu xa nhà, bộ đôi này thường trốn trại, đi qua đêm để ăn chơi nhảy múa. Hậu quả, có nhiều buổi tập chỉ thấy Aniekan và Timothy đứng thở...
Aniekan từng gây rất nhiều rắc rối trong thời gian thi đấu cho Hải Phòng Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Như "kẻ du mục", chỉ được 1 năm, Aniekan lại ngược ra Bắc đầu quân cho Hải Phòng. Rất tài năng, nhưng tiền vệ người Nigeria có cuộc sống ngang ngược cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Ở đội bóng thành phố Hoa phượng đỏ, Aniekan được cho là "một mình một ngựa" chống lại nhóm ngoại binh Brazil do Leandro cầm đầu. Rất nhiều cuộc đấu khẩu diễn ra, dù lý do chỉ là một đường chuyền sai trong buổi tập. Aniekan từng đưa yêu sách đòi quyền lợi ngang hàng với "đại ca" Leandro, chẳng hạn như được dọn ra ngoài ở, hay tiền thưởng phải bằng hoặc cao hơn.
Chưa dừng lại, Aniekan còn gây hấn với các đồng đội. Cho đến bây giờ, HLV Vương Tiến Dũng vẫn chưa quên vụ "gà nhà" tẩn nhau trên sân Ninh Bình ở vòng 4 V.League 2010.
Bức xúc vì mất chiến thắng phút chót, Aniekan đổ tội cho Quang Huy và hai bên diễn ra màn đấu "võ mồm" dữ dội. Thủ môn người Nam Định nổi đóa, ném chai nước vào người Aniekan. Không phải tay vừa, Aniekan lập tức tung cú "kungfu" thẳng người Quang Huy. Cứ thế, đôi bên lao vào nhau như "gà chọi" cho đến khi được đồng đội can ngăn.
Aniekan chơi cho Hải Phòng thêm một mùa trước khi chuyển đến khoác áo Navibank Sài Gòn rồi B.Bình Dương. Ở thời điểm đó, Aniekan là ngoại binh được trả thù lao cao nhất với khoản lót tay cả trăm ngàn USD cùng mức lương lên đến 10.000 USD/tháng. Rất được kỳ vọng, nhưng Aniekan không còn giữ được phong độ bởi quá sa đà vào các cuộc chơi tới bến.
Hành trình tại V.League của Aniekan kết thúc bằng một chương buồn. Anh chơi rất tệ ở B.BD và phải rời đội bóng này trong nỗi buồn vô tận. Ngay sau khi trở thành người tự do, Aniekan cũng không được các CLB khác chào đón vì lo ngại sự ngang ngược hay đòi yêu sách của anh. Rời Việt Nam sau 7 năm gắn bó, Aniekan "quy cố hương" để chơi cho một đội bóng hạng trung của Nigeria.
Dường như những năm tháng rực rỡ nhất, Aniekan đã để lại V.League, cả những màn trình diễn chói sáng lẫn tính cách không giống ai.
Tái ngộ cùng "thủ môn" Bassey Apkan
Sau khi rời B.Bình Dương năm 2013, Aniekan trở về khoác áo CLB Akwa United ở quê nhà Nigeria. Điều đặc biệt, đây cũng là đội bóng của thủ thành từng khoác áo HAGL, Bassey Apkan. Hồi còn thi đấu tại V.League, dù là đồng hương nhưng Akiekan và Apkan chẳng ưa gì nhau. Thậm chí, họ không nói chuyện dù ngồi cùng bàn khi họp hội đồng hương tại Việt Nam.
VÀI NÉT VỀ ANIEKAN EKPE OKON
Sinh năm: 1986; tại: Nigeria
Cao: 1m70; nặng: 76kg
Vị trí: Tiền vệ trung tâm
Các CLB đã qua
2006-2007: Bình Định
2008: Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn
2009: Đồng Tháp
2010-2011: Hải Phòng
2012: Navibank Sài Gòn
2013: B.Bình Dương
2014-2020: Akwa United
Đam San
Những ngoại binh ấn tượng nhất lịch sử V-League Danh sách những ngoại binh ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử V-League, sân chơi cao nhất của Việt Nam. PV