Kim ngạch xuất khẩu Trung – Triều vẫn tăng bất chấp trừng phạt
Các dữ liệu thống kê từ hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu từ nước này sang Triều Tiên trong 9 tháng đầu năm 2017 vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Hải quan Trung Quốc kiểm tra các xe chở hàng ra, vào Triều Tiên (Ảnh: AP)
Reuters dẫn dữ liệu thống kê từ hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu từ nước này sang Triều Tiên trong 3 quý đầu năm 2017 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 9 tháng này, tổng giá trị thương mại giữa hai nước đạt 4,03 tỷ USD, tăng 3,7%.
Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã xuất khẩu các mặt hàng với tổng giá trị 2,55 tỷ USD vào Triều Tiên, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Triều Tiên vào Trung Quốc giảm 16,7%.
Dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai quốc gia trong tháng 9 đều giảm so với tháng trước đó. Cụ thể, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên giảm từ 315,97 triệu USD xuống 266,35 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên vào Trung Quốc giảm từ 288,29 triệu USD xuống 145,82 triệu USD.
Các dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua nghị quyết trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Trung Quốc hồi tháng trước cũng thông báo sẽ hạn chế trao đổi thương mại với Triều Tiên trong một số mặt hàng chủ chốt, bao gồm sản phẩm may mặc, hải sản và xăng dầu.
Video đang HOT
Theo AP, Trung Quốc biện hộ cho việc kim ngạch thương mại giữa nước này với Triều Tiên vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc là do Bắc Kinh muốn tránh làm tổn thương các “nhu cầu nhân đạo” tại quốc gia láng giềng.
Bắc Kinh lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc không cấm kinh doanh thực phẩm, đồng thời cho biết các biện pháp này có thể gây khó khăn cho cuộc sống của người dân Triều Tiên.
“Hội đồng Bảo an đã nêu rõ rằng các nghị quyết trừng phạt liên quan không nên gây ra những tác động tiêu cực đối với kế sinh nhai và nhu cầu nhân đạo của Triều Tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/10.
Hội đồng Bảo an ngày 5/8 đã thông qua nghị quyết cấm các nước thành viên mua than đá và hải sản của Triều Tiên. Ngày 11/9, các lệnh trừng phạt tiếp tục được mở rộng, trong đó cấm các nước xuất khẩu khí đốt sang Triều Tiên hoặc nhập khẩu các sản phẩm may mặc từ Bình Nhưỡng.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Triều Tiên trở thành "công xưởng" sản xuất hàng dệt may Trung Quốc
Sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp dệt may của Bình Nhưỡng đã trở thành ngành đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc.
Công nhân dệt may Triều Tiên (Ảnh minh họa: AP)
SCMP đưa tin ngày 21/8, dựa vào dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, dệt may đã vượt than đá trở thành mặt hàng Triều Tiên xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc vào quý 2/2017 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Trong tổng kim ngạch 385,2 triệu USD Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý này, ngành dệt may chiếm 38%, tương đương 147,5 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu may mặc của Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng ước đạt 35 triệu USD.
Trung Quốc đã nhập khẩu 68 triệu USD mặt hàng hải sản của Triều Tiên trong quý 2 trước khi Trung Quốc tiến hành ngừng nhập khẩu mặt hàng này vào ngày 15/8. Dữ liệu từ báo cáo cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong kim ngạch xuất khẩu than đá của Triều Tiên. Vào quý 1, doanh thu từ than đá ước đạt 220,6 triệu USD chiếm 43%, tuy nhiên sang đến quý 2, khoản này đã giảm xuống bằng 0.
Hồi tháng 2, Trung Quốc đã tuyên bố tạm ngừng nhập than từ Triều Tiên đến hết năm, dẫn đến sự tụt giảm nghiêm trọng nguồn ngoại tệ đổ vào Triều Tiên. Vào ngày 15/8, Trung Quốc tiếp tục nối dài bản danh sách cấm nhập khẩu với các mặt hàng khoáng sản và thủy hải sản theo lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc ban hành do Triều Tiên liên tiếp thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.
Các chuyên gia cho rằng, lệnh trừng phạt mới nhất sẽ khiến dệt may trở thành mặt hàng chính, mang lại nguồn ngoại tệ cao nhất cho Triều Tiên trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.
Justin Hastings, chuyên gia quan hệ quốc tế đến từ đại học Sydney, Australia cho biết các công ty Trung Quốc đang hưởng lợi từ việc hợp tác sản xuất hàng dệt may với Triều Tiên.
"Dệt may là ngành có giá trị gia tăng thấp, không áp lực về mặt thời gian vì vậy ngành này rất lý tưởng cho công nhân Triều Tiên với mức lương thấp và khả năng làm việc không cao. Các công ty Trung Quốc đã hưởng lợi từ điều này để sản xuất quần áo với chi phí thấp sau đó xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc", ông Hastings cho biết.
"Hàng may mặc được sản xuất ở các công ty liên doanh Trung - Triều hoặc công ty Triều Tiên theo hợp đồng với các công ty Trung Quốc. Sau đó các công ty Trung Quốc nhập khẩu lại để bán tại Trung Quốc hoặc những nơi khác", ông Hastings chia sẻ thêm.
Ông Hwang Jae-ho, chuyên gia phân tích an ninh khu vực tại Đại học ngoại ngữ Hankuk, Seoul, Hàn Quốc cho rằng giao thương ngành hàng dệt may Trung - Triều có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
Ông Hwang cũng nhận định: "Việc Trung Quốc nhanh chóng ngừng nhập khẩu khoáng sản và thủy hải sản từ Triều Tiên không có ý gây tổn hại đến nền kinh tế Bình Nhưỡng, đó chỉ là động thái cho Washington thấy rằng Bắc Kinh không hài lòng với Bình Nhưỡng".
Đức Hoàng
Theo Dantri
Học giả TQ cảnh báo lạnh gáy về tương lai Triều Tiên Ông khẳng định kỷ nguyên lâu dài của tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã kết thúc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) Một giáo sư Trung Quốc vừa cảnh báo "lạnh gáy" về tương lai của Triều Tiên nếu tiếp tục thử tên lửa. Trong cuộc phỏng vấn với...