Kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc tăng mạnh
Số liệu chính thức được công bố ngày 7/8 cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 23.600 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3.500 tỷ USD).
Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 13.370 tỷ NDT (1.980 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 5,3% lên mức 10.230 tỷ NDT (1.512 tỷ USD). Cùng kỳ, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tăng tương ứng 13,2%, 8,9% và 11,8%. Bên cạnh đó, tỷ trọng thương mại của nước này với các nền kinh tế thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng tăng 7,5%.
Người phát ngôn GAC, ông Li Kuiwen, cho biết chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các đối tác RCEP đã đạt 1.170 tỷ NDT (hơn 173 triệu USD), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương tổng thể thêm 5,6%.
Video đang HOT
Giới chuyên gia nhấn mạnh mức tăng trưởng kim ngạch thương mại trong tháng 7 nói trên đánh dấu tốc độ tăng trưởng hằng tháng nhanh nhất kể từ tháng 1 và vượt xa so với dự báo trước đó của các nhà phân tích.
Cũng trong tháng 7 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục với 101,26 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với dự báo 90 tỷ USD được giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát trước đó, đồng thời cao hơn so với mức thặng dư 97,94 tỷ USD ghi nhận trong tháng 6 năm nay.
IMF: RCEP thể hiện mong muốn hội nhập sâu rộng hơn của châu Á
Krishna Srinivasan, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thể hiện mong muốn hội nhập sâu hơn trong khu vực châu Á, bất chấp sự cản trở của quá trình toàn cầu hóa trong những năm gần đây.
Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Ông Srinivasan nói: "Trong vài năm gần đây, xu hướng phi toàn cầu hóa đã xuất hiện. Nhưng điều mà việc ký kết RCEP cho thấy đó là châu Á vẫn mong muốn hội nhập sâu rộng hơn. Điều này có tiềm năng thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và tăng trưởng".
Ông lưu ý, việc triển khai thành công RCEP cũng sẽ giúp hội nhập kinh tế trong khu vực, bao gồm cả việc tăng cường chuỗi cung ứng khu vực.
Quan chức IMF này cũng nhấn mạnh rằng: "Điều rất quan trọng đối với tất cả các nước là tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đa phương về thương mại, bao gồm cả thông qua cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)". Ông Srinivasan cho biết, xung đột Nga-Ukraine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân mảnh của chuỗi cung ứng, có thể gây ra "lỗ hổng" cho các quốc gia ở châu Á, một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông cũng lưu ý thêm rằng châu Á có thể bị ảnh hưởng "khá đáng kể" nếu nền kinh tế thế giới bị chia cắt. IMF hy vọng rằng, khi đại dịch đang dần được khống chế và khi xung đột kết thúc, các nỗ lực đó sẽ được thực hiện để không ảnh hưởng đến quá trình mà các nước đã xây dựng được trong những năm qua.
Theo dự báo mới nhất của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2022, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022, chậm hơn tốc độ tăng trưởng 6,5% của năm ngoái.
Srinivasan cho biết, xung đột đã tác động đến tăng trưởng của châu Á theo 3 cách: Thứ nhất, đẩy giá hàng hóa lên cao, khiến lạm phát ở nhiều nước tăng đáng kể; Thứ hai, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, dẫn đến suy giảm nhu cầu bên ngoài đối với châu Á; Thứ ba, cũng làm trầm trọng thêm việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, tác động đến các quốc gia châu Á, đặc biệt là những quốc gia có nền tảng cơ bản yếu và mức nợ công cao.
Quan chức IMF này cũng lưu ý rằng, lạm phát đã tăng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi khác, ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Cuộc xung đột này tiếp tục thúc đẩy đà tăng lạm phát, củng cố thêm các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.
Ông Srinivasan lưu ý rằng, đang có sự kết hợp giữa lạm phát gia tăng và hoạt động kinh tế chậm lại ở một số quốc gia trong khu vực, dẫn đến nguy cơ lạm phát đình trệ gia tăng. Trong hoàn cảnh hiện tại, quan chức IMF cảnh báo rằng có một sự "đánh đổi" giữa việc cung cấp hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương và củng cố tài khóa trung hạn, vì nợ công đang tăng lên.
Nợ công của châu Á hiện chiếm gần 40% tổng nợ toàn cầu, so với tỷ lệ tương ứng 25% của năm 2007. Mặc dù thách thức đối với mỗi quốc gia là khác nhau, song ông Srinivasan kêu gọi các nhà hoạch định chính sách "điều chỉnh" các chính sách tài khóa và tiền tệ "tùy thuộc vào tác động đến hoạt động và lạm phát" của từng nước.
Tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2022 sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố Ngày 20/4, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022 đã tổ chức họp báo công bố "Báo cáo thường niên năm 2022: Triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập của châu Á". Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN Báo cáo cho rằng năm 2022 kinh tế châu Á vẫn nằm trong tiến trình...