Kim Jong Un ‘thực sự nắm quyền’ ở Triều Tiên
Giới phân tích quốc tế nhận xét rằng đại tướng trẻ tuổi Kim Jong-un đang thực sự là người lãnh đạo ở Triều Tiên dù chưa đầy 30 tuổi.
Chân dung nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un. Ảnh: AFP
Những năm 30, ông nội của Kim Jong-un ghi dấu vào lịch sử trong vai trò một du kich trẻ tuổi, chiến đấu chống lại binh sĩ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Sau đó, cha ông đã dành hàng thập kỷ để bảo vệ đất nước, phát triển quân đội, mở rộng hệ thống tình báo và nuôi dưỡng tham vọng hạt nhân.
Vậy còn Kim Jong Un thì sao? Thông tin về nhà lãnh đạo trẻ này rất ít ỏi, chỉ là ông từng theo học một trường cấp hai của Thụy Sĩ, với tư cách là con trai của một nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên, trước khi biến mất vào một ngày năm 2000.
Jong-un đã không xuất hiện suốt 10 năm sau đó, cho tới ngày ông có mặt bên cha mình, Chủ tịch Kim Jong Il, trong một cuộc diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đám đông có mặt vui mừng chào đón vị tướng trẻ tuổi, người được dự đoán sẽ lãnh đạo đất nước Triều Tiên trong tương lai không xa.
Video đang HOT
Ở Triều Tiên bây giờ, mọi người đều biết ai là người đang chỉ huy đất nước, ngay cả khi vị tướng trẻ ấy vẫn chưa đầy 30 tuổi.
“Chúng ta đang dần chuyển từ một đất nước nhỏ bé từng bị chà đạp và tàn phá thành một quốc gia với nền chính trị độc lập và tiềm lực quân sự vững mạnh”, Kim Jong Un nói trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước công chúng. “Nhân dân Triều Tiên đang khẳng định vị trí của họ là con người tự chủ mà không ai có thể khiêu khích hay đe dọa.”
Sau sự qua đời đột ngột của cố chủ tịch Kim Jong Il, rất nhiều quan sát viên quốc tế đã dự đoán con trai ông sẽ không khác gì một con rối trong tay chính phủ hiện tại. Nhưng hiện tại, dù vẫn chưa thể xác định chính xác Kim Jong Un đang nắm giữ quyền lực ở mức độ nào, gần như tất cả các chuyên gia phân tích đều cho rằng, vị tướng trẻ này đang là người đứng đầu đất nước.
“Vô lý khi nói rằng có ai đó đang đứng sau Kim Jong Un”, Cheong Seong-chang, một nhà phân tích Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc, cho biết.
Theo các phương tiện truyền thông của Bình Nhưỡng, cha ông, cố chủ tịch Kim Jong Il, là bậc thầy trong việc thực hiện các cuộc thử nghiệm tên lửa, nghiên cứu hạt nhân và vận động viện trợ nhân đạo của phương Tây vào Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un được cho là đang làm những điều tương tự, mặc dù các nhà phân tích cũng nói thêm rằng việc hoạch định chính sách trong tương lai xa của ông chưa thực sự rõ ràng. Jong Un đã phải đối mặt với một trở ngại nghiêm trọng hôm thứ 6, khi tên lửa gắn vệ tinh nhân tạo của Triều Tiên đã không thể thực hiện được hành trình như dự tính, vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống biển Hoàng Hải.
Vụ phóng vệ tinh bị Mỹ và các nước Nhật Bản, Hàn Qốc cáo buộc là cái cớ để Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo, trong khi Bình Nhưỡng khẳng định nước này chỉ muốn đưa một vệ tinh vào không gian. Ngoại trưởng Triều Tiên hôm qua cũng phản đối sự chỉ trích của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cáo buộc Mỹ đang cố gắng thực hiện một chiến dịch ngăn chặn quyền khai thác không gian hòa bình của nước này.
Bài phát biểu mới đây của Chủ tịch Kim Jong Un bị cho là đã phóng đại vị trí của Triều Tiên trên trường quốc tế. Mặc dù có những chương trình hạt nhân và nghiên cứu tên lửa gây tranh cãi, nhưng đây vẫn chỉ là một quốc gia kém phát triển. Tuy nhiên, tuyên bố của Kim Jong Un cũng đã cho thấy mức độ kiểm soát của ông trong chính quyền Triều Tiên.
Nhưng ngoài những lần xuất hiện trước công chúng và trên các phương tiện truyền thông, hầu hết những thông tin cơ bản về cuộc đời của Kim Jong Un vẫn còn lf bí ẩn.
Phía Triều Tiên chỉ cho biết ông tốt nghiệp Đại học Quân sự Kim Nhật Thành và có thể nói thông thạo một vài ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Nhưng tuổi, tình trạng hôn nhân và ngay cả tên của mẹ ông, một trong những người vợ của Kim Jong Il, cũng chưa bao giờ được công khai.
Ở đất nước này, những câu hỏi về lịch sử gia đình họ Kim hầu như không bao giờ xuất hiện ở nơi công cộng. Những thắc mắc về Kim Jong Un, đặc biệt là với người nước ngoài, luôn chỉ nhận được một chuỗi lời khen ngợi thay vì các câu trả lời chính xác.
Cũng theo những chuyên gia nước ngoài, một trong những cố vấn thân cận nhất của vị tướng trẻ tuổi, là em rể của Kim Jong Il, Jang Song Thaek.
Jang, 66 tuổi, là người nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền, vì vậy ông nhiều khả năng là người được “ủy nhiệm trong vai trò cố vấn” của Kim Jong Un, theo Ralph Cossa, giám đốc Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS tại căn cứ Hawaii.
Cossa cho rằng Trung Quốc, đất nước đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên sau khi Liên Xô tan rã, tỏ ra rất hài lòng với mối quan hệ gần gũi giữa hai người, Kim Jong Un và Jang Song Thaek.
“Trung Quốc nhìn thấy thế hệ kế tiếp, với sự kết hợp của Kim Jong Un và Jang Song Thaek, sẽ giúp Triều Tiên đạt được những thắng lợi trong thời kỳ đổi mới”, Cossa nói.
“Lịch sử và truyền thống chính trị của đất nước này cho thấy sẽ chỉ có một người có quyền đưa ra quyết định”, Victor Cha, một cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về vấn đề Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói. Theo ông, những quyết định của có ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia, luôn được quyết định bởi các thành viên của gia đình họ Kim.
“Chúng tôi cho rằng có nhiều người xung quanh đóng vai trò cố vấn cho Kim Jong Un, và có thể sẽ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng chí có một người có quyền kiểm soát những ý kiến đó, và không ai khác chính là nhà lãnh đạo trẻ này.”
Theo VNExpress