Kim Jong-un thị sát quân đội
Những bức ảnh không rõ ngày chụp được hãng thông tấn Triều Tiên KCNAđăng tải hôm qua cho thấy nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đến thị sát tại đơn vị quân đội 323 ở Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un là người đứng đầu chính quyền Triều Tiên, đồng thời cũng là Tư lệnh tối cao của quân đội Nhân dân Triều Tiên và chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia.
Sau khi lên kế nhiệm cha vào cuối năm 2011, Kim Jong-un vẫn duy trì chính sách “tiên quân”, tập trung đầu tư cho quân đội.
Jong-un cũng thường xuyên có những chuyến thị sát đến các đơn vị pháo binh, sư đoàn tăng, hải quân… trong năm 2012.
Nhà lãnh đạo xem xét các tài liệu và cơ sở vật chất, trang thiết bị quân sự của đơn vị 323. Ông cũng trao tặng các ống nhòm, súng trường và súng máy cho đơn vị.
Ông cũng tham quan nhiều cơ sở khác nhau của đơn vị như hội trường, thư viện, phòng học, phòng rèn luyện thể lực và phòng giáo dục.
Video đang HOT
Trong chuyến thị sát này, nhà lãnh đạo cũng tham quan khu vực hậu cần của đơn vị 323.
Nhà lãnh đạo trực tiếp xem xét các loại lương thực, thực phẩm phục vụ cho các binh sĩ.
Bất chấp sự lên án mạnh mẽ của quốc tế sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2, Triều Tiên vẫn giữ giọng điệu cứng rắn và còn cảnh báo sẽ tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt hơn để đáp trả lại “chính sách thù địch của Mỹ”.
Jong-un chụp ảnh lưu niệm với toàn thể binh sĩ đơn vị 323. Theo các báo cáo năm 2010, lực lượng vũ trang của Triều Tiên có hơn 1,1 triệu binh sĩ chủ lực, xếp thứ 4 thế giới và 8,2 triệu binh sĩ dự bị, đứng hàng đầu thế giới
Theo VNE
Các nước quan ngại về tên lửa Triều Tiên
Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng phóng tên lửa.
Nga lên tiếng hối thúc Triều Tiên nên "cân nhắc lại" kế hoạch này.
"Chúng tôi kịch liệt yêu cầu chính quyền Triều Tiên cân nhắc lại quyết định phóng tên lửa" - Bộ Ngoại giao Nga phát biểu và cho biết là họ 'rất tiếc' khi nghe tin này.
Bản thân Trung Quốc - quốc gia đồng minh thân cận với Triều Tiên - cũng bày tỏ lo ngại về sự kiện.
Tờ Tân Hoa Xã hôm nay cho biết: "Trung Quốc ... đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và hy vọng các bên liên quan có thể hành động theo cách thức mang tính xây dựng hơn đối với ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Một loạt bằng chứng và tuyên bố mới đây đã củng cố các nghi ngờ rằng Triều Tiên có thể đang tiến gần hơn tới việc phóng tên lửa tầm xa lần thứ hai trong năm nay.
Sau khi phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh hôm 23/11 và 26/11, Học viện Mỹ - Hàn tại Đại học Johns Hopkins nói rằng Triều Tiên có thể sẽ hoàn tất giai đoạn chuẩn bị tại khu vực Dongchang vào cuối tuần này.
"Nếu Bình Nhưỡng tiến hành các bước chuẩn bị như trước kia, họ có thể sẵn sàng phóng tên lửa sớm nhất là vào cuối tuần đầu tiên của tháng 12" - Nick Hansen, một chuyên gia về phân tích công nghệ hình ảnh đã nghỉ hưu nói.
Tên lửa Taepodong 2 tầm xa của Triều Tiên không thể đưa vệ tinh Ngân Hà 3 vào quỹ đạo thành công trong vụ phóng vào tháng Tư vừa qua. Ảnh: Reuters
Hansen nói rằng có 'dấu hiệu rõ ràng cho thấy các giai đoạn của tên lửa đang được kiểm tra trước khi được đưa đến bệ phóng'.
Trong số các tiến triển tại khu vực, có thể thấy các két nhiên liệu đã rỗng không, điều này có nghĩa là các tòa chứa nhiên liệu đẩy tại bệ phóng có vẻ như đã được đổ đầy.
Trước đó, Hansen nói rằng việc phóng tên lửa khó có thể tiến hành sớm vì Triều Tiên vẫn chưa thông báo cho các hãng hàng không, hàng hải, truyền thông quốc tế về sự kiện này. Tuy nhiên, ngay sau nhận định này thì hôm 3/12, Bình Nhưỡng đã gửi thông báo cho Nhật Bản kế hoạch phóng tên lửa sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 10-22/12.
Burwell Bell - một cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc - lại cho rằng các công việc chuẩn bị cho việc phóng tên lửa của Triều Tiên nhằm thể hiện rằng họ sở hữu phương tiện để phóng vũ khí hạt nhân tới Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Bell cũng nói rằng bất chấp việc phóng tên lửa không thành công trước đó vào tháng Tư, Triều Teien sẽ vượt qua các chướng ngại về mặt kỹ thuật và sớm có thể phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố quyền của họ trong lĩnh vực không gian bằng các nỗ lực đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Họ cố gắng thực hiện điều này vào năm 1998, 2006, 2009 và tháng Tư vừa qua, tất cả đều không thành công.
Seoul và Washington cho rằng đây chỉ là cái cớ để Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo tầm xa, và coi đây là vi phạm các lệnh cấm tất cả các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Nếu lần này Bình Nhưỡng quyết định tiến tới thì họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thêm nữa.
Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng tránh phóng thêm tên lửa.
"Chúng tôi tất cả đều đồng tình rằng sẽ là cực kỳ không khôn ngoan khi tiến hành cuộc thử nghiệm" - ông Jose Filipe Moraes Cabral - đại sứ Bồ Đào Nha và cũng là chủ tịch của ủy ban này nói.
Cabral nói rằng "rõ ràng" là "có sự lo ngại". Tuy nhiên ông này không nói thêm chi tiết.
Trong khi đó vào cuối tuần qua, ông Lý Kiến Quốc - Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc - đã có chuyến công du tới Bình Nhưỡng và gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hãng thông tấn KCNA cho biết ông Lý đã chuyển thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho lãnh đạo Kim. Nhiều người cho rằng lá thư này nhằm khuyên can lãnh đạo Triều Tiên không phóng tên lửa.
Theo 24h