Kim Jong Un muốn “trị” quân đội?
Giới quan sát quốc tế nhận định hàng loạt diễn biến tại Bình Nhưỡng trong vài ngày qua cho thấy có thể nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang tìm cách hạn chế quyền lực của quân đội.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un – Ảnh: Reuters
Ngày 18-7, Hãng thông tấn KCNA loan báo ông Kim Jong Un đã lĩnh ấn nguyên soái quân đội CHDCND Triều Tiên, một chức vụ mà trước đó chỉ ông nội và cha ông nắm giữ. “Ông Kim Jong Un đang khẳng định quyền lực tuyệt đối” – AFP dẫn lời giáo sư Kim Yong Hyon thuộc ĐH Dongguk ở Hàn Quốc nhận định.
Video đang HOT
Sự kiện này diễn ra chỉ hai ngày sau khi tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Yong Ho – một công thần đầy quyền lực – bị cho thôi chức vì lý do “ sức khỏe yếu” mà theo các nhà quan sát, chỉ là một cái cớ, và sau khi tướng Hyon Yong Chol, một nhân vật ít tên tuổi, được bổ nhiệm chức phó soái. Giới quan sát Hàn Quốc và phương Tây cho rằng các diễn biến vừa qua cho thấy cán cân quyền lực ở Bình Nhưỡng đang thay đổi.
Kiểm soát chặt chẽ quân đội
“Với những thay đổi này, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang nỗ lực thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển giao thế hệ trong nội bộ quân đội và kiểm soát quân đội” – báo New York Times dẫn lời chuyên gia Chang Yong Seok thuộc Viện Hòa bình và thống nhất Hàn Quốc nhận định.
Dưới thời chủ tịch Kim Jong Il, người chủ trương học thuyết “Quân đội trước hết” (Songun), giới quân sự đã củng cố và tăng cường mạnh mẽ quyền lực của mình. Quân đội có mặt trong mọi lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, cùng tham gia các dự án xây dựng hạ tầng…, nhất là kiểm soát phần lớn thương mại quốc gia, được ước tính vào khoảng 6,3 tỉ USD năm 2011.
Báo Joongang Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ trong thời gian gần đây “đang có những toan tính lấy lại những phần việc kinh doanh sinh lợi nhất từ tay quân đội để giao cho chính phủ kiểm soát”. “Việc kiểm soát chặt chẽ được quân đội là có ý nghĩa quyết định để cải thiện đời sống của người dân” – quan chức này cho biết.
Nhà nghiên cứu Chang Yong Seok cho rằng ông Kim Jong Un muốn sử dụng ảnh hưởng và quyền lực của Đảng Lao động Triều Tiên để hạn chế quyền lực của quân đội. “Một cuộc chiến quyền lực đang diễn ra, và các quan chức Đảng Lao động đang thắng thế trước các tướng lĩnh quân đội – chuyên gia Chang nhấn mạnh – Những gì chúng ta đang chứng kiến không chỉ là việc cải tổ nhân sự quân đội mà là sự cải tổ nhân sự lực lượng cầm quyền”.
Giới phân tích chỉ ra việc gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ định một số thành viên gia đình và những nhân vật thân cận trong Đảng Lao động Triều Tiên vào các vị trí quan trọng trong quân đội. Trong bài phát biểu công khai đầu tiên hồi tháng 4-2012, ông Kim Jong Un cũng liên tục sử dụng cụm từ “quân đội của đảng”. Các nhà phân tích cho rằng đó cũng là một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un muốn tăng cường sự lãnh đạo của đảng với quân đội.
Sau khi bị đột quỵ hồi năm 2008, chủ tịch Kim Jong Il đã chỉ định tổng tham mưu Ri Yong Ho hỗ trợ con mình tìm kiếm lòng trung thành của quân đội. Sau khi ông Kim Jong Il qua đời, ông Ri đã đóng vai trò tác nhân trung tâm giúp con trai Kim Jong Un của ông củng cố quyền lực của mình trong quân đội. Đồng thời, ông còn nhờ cậy vợ chồng người em gái Kim Kyong Hui giúp ông Kim Jong Un giành ảnh hưởng trong đảng. Việc ông Ri Yong Ho bị cho thôi chức cho thấy cô chú của ông Kim Jong Un và liên minh trong Đảng Lao động Triều Tiên đang thắng thế.
Những tín hiệu mới?
Từ Bình Nhưỡng đang phát đi những tín hiệu mới cho thấy dường như nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang muốn điều hành đất nước theo cách thức khác với cha mình. Như lần đầu tiên, vào đầu tháng 7, các nhân vật hoạt hình phương Tây như chuột Mickey hay gấu Pooh đã xuất hiện trên sân khấu một buổi hòa nhạc phát sóng trên truyền hình quốc gia. Ông Kim Jong Un đã đến dự buổi hòa nhạc này. Như việc một phụ nữ trẻ đẹp thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong Un. Người dân Triều Tiên và thế giới đang tò mò muốn biết đó là vợ, bạn gái hay một người bạn. Hay như ông Kim Jong Un đã hai lần phát biểu công khai trước người dân, điều mà cha ông không bao giờ làm suốt những năm cầm quyền từ 1994-2011.
Nguồn tin báo chí Hàn Quốc cho biết ông Kim Jong Un cũng đã chỉ định một số nhà kinh tế tương đối trẻ vào các vị trí chủ chốt trong Đảng Lao động Triều Tiên. Các quan chức chính phủ đang tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài. Truyền thông Bình Nhưỡng đang mô tả ông Kim Jong Un như một nhà lãnh đạo của thế kỷ 21, gần với người dân.
Giáo sư John Delury thuộc ĐH Yonsei (Hàn Quốc) nhận định có thể ông Kim Jong Un đang muốn cải tổ kinh tế và chính trị đất nước theo từng bước nhỏ. Tuy nhiên, “đó chưa phải là thay đổi chính sách, nhưng có vẻ như sự thay đổi về thái độ và nhận thức – giáo sư Delury đánh giá – Có thể đó sẽ là khởi đầu của một điều gì đó lớn lao hơn”. Dù vậy, theo giới chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định Bình Nhưỡng đang muốn cải cách, và hầu như chắc chắn sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại, bởi những tín hiệu từ Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền còn đầy trái ngược nhau.
Theo Tuổi Trẻ