Kim Jong-un không thể ôm trọn quyền lực trong tay?
100 ngày có lẻ lên cầm quyền, tướng trẻ Kim Jong-un, được hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều “thân tín” của cha ông – “bộ sậu” quyền lực nhất Triều Tiên hiện nay, bằng nhiều chiêu thức, ra sức củng cố quyền lãnh đạo nhưng dường như quyền lực vẫn nằm ngoài tầm với của ông.
1. Củng cố quyền lực bằng mọi giá
Sau cái chết đột ngột của Chủ tịch Kim Jong-il, người con trai út chưa đầy 30 tuổi, mới theo cha học làm chính trị chưa được bao lâu, buộc phải “kế nhiệm” cha, bắt đầu gánh vác trọng trách vô cùng nặng nề để chèo lái con thuyền Triều Tiên vững vàng tiến về phía trước.
Tuy nhiên, do tuổi đời còn quá trẻ, lại thêm thiếu kinh nghiệm lãnh đạo đất nước, không ít người xì xào bàn tán, Kim “con” không đủ sức gánh vác trọng trách trên. Do đó, quá trình chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên thời hậu Kim Jong-il sẽ gặp vô vàn khó khăn thách thức. Nguy cơ bất ổn chính trị có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên cũng được vẽ ra bởi sự đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên. Nhiều người quan ngại, một viễn cảnh khác, khi “cậu ấm” Kim Jong-un quá non nớt, ông sẽ phải hoặc là ra đi hoặc là chấp nhận trở thành con rối, có danh mà không có thực quyền, nằm dưới sự sai khiến của những “các đại thần có công dựng thế tử lên ngôi”.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un chứng tỏ những quan ngại trên là thừa khi đặt mục tiêu củng cố quyền lực thành nhiệm vụ hàng đầu, trước mắt và bắt đầu đi những bước đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ ấy. Quan trọng nhất – vị tướng trẻ của Triều Tiên nhận ra rằng – để có thể nắm quyền lãnh đạo đất nước một cách tuyệt đối ông cần thâu tóm được sức mạnh và quyền lực của Quân đội. Lý do đơn giản là, quân đội chính là trung tâm quyền lực của Triều Tiên, nơi được ví von như thể là “tiểu nhà nước trong một nhà nước”. Do đó, bước đi chiến lược đầu tiên của Kim Jong-un chính là lấy lòng quân đội.
Kim Jong-un lấy lòng quân đội bằng cách tỏ ra thân thiện, cởi mở. Đây là hình ảnh chuyến thăm đến trung đoàn không quân 1017 hôm 31/1/2012 của ông. Ảnh minh họa: Yonhap.
Do đó, ngay khi lên nắm quyền, vị tướng trẻ bận rộn và mải mê với các chuyến thăm đến các đơn vị quân đội nòng cốt của Triều Tiên trung bình bốn đến 5 ngày một chuyến, dày gấp đôi cha ông, trung bình 9 đến 10 ngày một chuyến tới các đơn vị đặc nhiệm, pháo binh, tên lửa, không quân, hải quân…
Video đang HOT
Chẳng hạn, ngày 31/1/2012, Kim Jong-un đi thăm trung đoàn không quân 1017. Đây là một trong hai đơn vị được trang bị máy bay tiêm kích MiG 29, loại hiện đại nhất trong 800 máy bay chiến đấu của không quân Triều Tiên. Trước đó, ngày 18/1, tướng trẻ lặn lội đến đơn vị đặc nhiệm 169, có nhiệm vụ thâm nhập và gửi đặc nhiệm ra nước ngoài. Rồi ông đến Sư đoàn bảo vệ 105 Seoul Ryu Kyong-su – đơn vị lừng danh với chiến công tiến vào Seoul ba ngày sau khi chiến tranh liên Triều nổ ra vào năm 1950 để cắm lá cờ Triều Tiên trên nóc tòa nhà chính phủ ở Seoul. Kế tiếp, ngày 6/2, Kim Jong-un lại đến thị sát Bộ chỉ huy Đơn vị hỗn hợp 597 của hải quân Triều Tiên…
Tại đây, tướng trẻ Kim Jong-un được lòng hầu hết quân nhân Triều Tiên khi tỏ ra thân thiện, cởi mở và gần gũi khi bắt tay và có những cử chỉ thân mật với các tướng lĩnh và binh sĩ ở đây. Cung cách xử sự của tướng trẻ được truyền thông nhà nước Triều Tiên hết lời ca ngợi và họ bình luận rằng trái với phong cách lãnh đạo của Chủ tich Kim Jong-il thường tỏ ra lạnh lùng, xa cách, Kim Jong-un giống ông nội nhiều hơn trong cách “đối nhân xử thế”.
Ngoài ra, một bước đi chiến lược khác để lấy lòng quân đội của tướng trẻ Kim Jong-un chính là động thái rộng rãi phong tướng cho hàng loạt các “nhân vật cốt lõi” của chương trình tên lửa, hạt nhân” ngay trong lần đầu tiên ông cải tổ bộ máy lãnh đạo cấp cao của quân đội nước này hồi giữa tháng hai. Động thái này của Kim Jong-un được đánh giá không chỉ khích lệ tướng sĩ Triều Tiên để họ dốc lòng phụng sự đất nước mà còn giúp lãnh đạo trẻ bắt đầu gây dựng vây cánh cho mình tại nơi quyền lực tập trung nhất của nước này – quân đội.
Tuy nhiên, đấy chỉ là những bước đi bên ngoài dễ thấy nhằm củng cố quyền lực của tướng trẻ Kim Jong-un. Với tham vọng nhanh chóng thâu tóm quyền lực tối cao, Kim Jong-un không ngần ngại “tung ra” bước đi chiến lược tiếp theo, một cách âm thầm: thanh trừng.
Thanh trừng nội bộ trong hàng ngũ quân đội Triều Tiên, trên thực tế, không phải chiêu thức mới để gia tộc họ Kim giữ vững quyền lãnh đạo đất nước. Năm 1994, sau cái chết đột ngột của Chủ tịch vĩ đại Kim Nhật Thành, ông Kim Jong-il – người khởi xướng học thuyết “tất cả ưu tiên cho quân đội đầu tiên” cũng tiến hành kế hoạch thanh trừng, loại bỏ tất cả những người bất đồng chính kiến. Kim Sung-min, cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên nhớ lại những gì đã diễn ra năm 1994 và nhận xét: “Có nhiều dấu hiệu mạnh mẽ chứng tỏ Kim Jong-un đang lặp lại chính xác những gì cha ông từng làm”.
Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao từ chính phủ Hàn Quốc cũng vừa xác nhận thông tin Kim Jong-un tiến hành thanh trừng các sĩ quan quân đội kể từ khi chính thức kế vị cha cuối tháng 12 năm ngoái: “Kể từ khi Kim Jong-un kế nhiệm Chủ tịch Kim Jong-il, hàng loạt các sĩ quan cao cấp trong quân đội biến mất một cách bí ẩn. Theo những thông tin thu thập được trong một tháng qua, một cuộc thanh trừng lớn rõ ràng đang diễn ra ở Triều Tiên”. Nguồn tin còn chỉ đích danh, Kim Jong-un lệnh trực tiếp cho “thân tín” loại bỏ những ai bất đồng chính kiến với ông trong quân đội và những “tuyệt chiêu” mà đại tướng trẻ sử dụng để loại bỏ còn “độc” hơn cả người cha của ông trước đó.
Danh sách thanh trừng bao gồm Ryu Kyong, phó Giám đốc Cục An ninh Nhà nước – nói lời giã biệt đầu năm nay, Ju Sang-song, người đứng đầu lực lượng An ninh nhân dân, vừa bị sa thải trong tháng ba này. Ngoài ra, danh sách còn bao gồm một trợ lý Bộ trưởng của Lực lượng vũ trang cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một trợ lý Phó tổng tham mưu trưởng cùng hàng tá các sĩ quan, tướng tá quân đội cấp cao khác. Đứng đầu danh sách thanh trừng là các quan chức quân đội lão thành có biểu hiện xem nhẹ năng lực của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Họ bị loại bỏ bằng nhiều cách khác nhau nhưng nhìn chung người ta thường vu cho họ hai tội danh là rượu chè be bét và quấy rối tình dục ngay trong thời gian quốc tang để hợp thức hóa sự ra đi của họ
Theo nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng, người hiến kế và chủ đạo thực thi “quân luật” nhằm loại bỏ những người bất đồng chính kiến với chính quyền Kim Jong-un không ai khác chính là Tướng Kim Jong-Gak, nằm trong “bộ 7″ quyền lực đứng sau giúp “thái tử” Jong-un “kế vị”. Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Seojong Hàn Quốc cho hay ông Jong-gak đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đưa Kim Jong-un lên vị trí cấp cao trong quân đội. Hiện ông giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Chính trị thuộc quân đội, chỉ huy mọi hoạt động của quân đội Triều Tiên.
… nhưng quyền lực vẫn nằm ngoài tầm tay
Kể từ khi được ngầm thừa nhận như là “thái tử” để kế nhiệm cha – cố Chủ tịch Kim Jong-il, một Kim Jong-un “trẻ người non dạ” tất yếu không thể tránh khỏi cái nhìn đầy e ngại của một số tướng tá trong quân đội, những người đầy kiêu hãnh vì sau bao năm lăn lộn và cống hiến, họ giành được quyền lực to lớn và có thừa kinh nghiệm so với vị tướng trẻ mới chập chững dấn thân vào sự nghiệp chính trị.
Do đó, mới nổi lên những lời “bàn ra tán vào” rằng: “Cam kết trung thành của quân đội dường như vẫn chưa làm thỏa lòng nhà lãnh đạo trẻ khi ông luôn lo sợ rằng tuổi đời còn quá trẻ của mình có thể tạo ra các thách thức đối với quyền lực tối cao mà ông vừa được kế thừa kế. Do đó, dường như ông quyết định chọn bước đi chiến lược nhanh, gọn, quyết liệt và chắc chắn để giành lấy lòng trung thành của họ”, The Chosun dẫn lời một quan chức trong chính phủ Hàn Quốc.
Bước đi chiến lược kế tiếp được ám chỉ ở trên chính là kế hoạch thanh trừng mạnh tay. Tuy nhiên, cũng chính kế hoạch thanh trừng tại trung tâm quyền lực nhất của Triều Tiên lại cũng là một minh chứng mạnh mẽ chứng tỏ quyền lực quân đội quá lớn và nó nằm ngoài tầm với của Kim Jong-un.
Để củng cố quyền lực Kim Jong-un không ngại thẳng tay thanh trừng những tướng tá quân đội bất đồng chính kiến. Ảnh minh họa: Telegraph.
Quân đội Triều Tiên một mặt hình thành nền tảng quyền lực của lãnh đạo Triều Tiên, mặt khác, đi theo đường lối, quy tắc riêng của chính họ. Do đó, sức mạnh và quyền lực của quân đội Triều Tiên dường như là vô biên.
Theo nhà báo kỳ cựu của Nhật tên là Yoji Komi, con trai cả của cố chủ tịch Kim-Kim Jong Nam nhiều lần khẳng định với ông rằng ngay cả bản thân cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng không thể ôm trọn toàn bộ sức mạnh và quyền lực vô biên của quân đội.
Ông Yoji Komi đưa ra một ví dụ quan trọng chính là vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2011. Yoji cho hay chính quyền Kim Jong-il thời đó muốn phát triển các khu đặc quyền ở đảo Rajin-Sonbong và Hwanggumpyong, do đó, thực sự, cần các nguồn đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, quân đội khăng khăng đòi theo đuổi vụ nã pháo.
Theo tiết lộ của ông Yoji, người con trai cả của cố Chủ tịch Kim tiết lộ các vấn đề trên trong 150 e-mail trao đổi giữa ông và Kim Jong-nam. Trong đó, Kim Jong-nam cũng cho hay thậm chí ông chú rể Jang Song-taek, người có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đảng Lao động cầm quyền khi từng công tác trong Ban Tuyên giáo – tổ chức đầy quyền lực của đảng Lao động lẫn trong quân đội Triều Tiên với chức vụ phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên và có hai anh ruột quá cố của ông đều là những tướng lĩnh hàng đầu, cũng không đủ khả năng kìm chế quân đội.
“Đó là lý do tại sao sự cố đảo Yeonpyeong xảy ra”, ông Yoji trích dẫn lời của Kim Jong-nam.
Quan trọng hơn, ông Yoji nhấn mạnh chính lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cũng từng thừa nhận với ông rằng quân đội Triều Tiên giống như một tiểu nhà nước trong một nhà nước và không thể bị kìm chế bởi bất cứ ai.
Trong 10 năm trở lại, quân đội Triều Tiên trực tiếp can thiệp sâu rộng vào công việc của nhà nước bởi học thuyết “tất cả ưu tiên quân đội trước tiên”. Quân đội Triều Tiên cũng giành được quyền kiểm soát các dòng chảy ngoại tệ của đất nước. Do đó, quan chức quân đội trở thành nhóm giàu nhất ở Triều Tiên.
“Một khi quân đội giành quyền kiểm soát các dòng chảy ngoại tệ, họ sẽ trở thành một nhà nước thực thụ trong một nhà nước và Kim Jong-un sẽ phải chấp nhận điều này ở một chừng mực nhất định”, một quan chức Hàn Quốc bình luận.
Trong khi đó, vụ thanh trừng đang gây ra một tâm lý lo sợ trong quân đội Triều Tiên. The Chosun dẫn lời một quan chức Hàn Quốc bình luận rằng vụ thanh trừng là kết quả của sự cạnh tranh quyết liệt giữa các sĩ quan quân đội Triều Tiên đối với lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Sự cạnh tranh này dẫn đến việc các tướng 5 sao của Triều Tiên, bao gồm cả Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Kim Kyok-sik, người bị ngờ là sắp đặt vụ pháo kích đảo Yeonpyeong gần đây đua nhau tuyên thệ trung thành với lãnh đạo trẻ trên các kênh báo chí nhà nước. Đây là trường hợp vô tiền khoáng hậu ở Triều Tiên.
“Bề ngoài, hầu như tất cả những phát ngôn của họ công kích mạnh mẽ Hàn Quốc, nhưng nhìn sâu vào bên trong mới thấy đấy lại là cách để họ biểu hiện lòng trung thành tuyệt đối với tướng trẻ Kim Jong-un. Đây là dấu hiệu của sự cạnh tranh sống còn giữa các tướng tá quân đội hàng đầu trong bối cảnh thanh trừng đang diễn ra mạnh mẽ”, The Chosun dẫn bình luận của một quan chức Hàn Quốc.
Cuối cùng, sau tất cả những sự kiện đang xảy ra ở Triều Tiên, một điều có thể được rút ra đó là rõ ràng dù nỗ lực bằng cách này hay cách khác, tướng trẻ Kim Jong-un đến nay vẫn chưa thể nắm trọn quyền lực tối thượng. Nhưng tương lai hãy còn dài, do đó, chưa thể nói trước được bất cứ điều gì. Tuy nhiên, có một niềm tin chắc chắc sẽ được không ít người ủng hộ rằng thanh trừng chưa chắc là thượng sách để Kim Jong-un thâu tóm quyền lực và sức mạnh vô biên của quân đội mà thậm chí còn có thể phản tác dụng nếu nó bị lạm dụng một cách thái quá.
Theo Báo Đất Việt