Kim Đào: “2 ngày biến mất, tôi suy nghĩ nhiều và khóc cũng nhiều”
“Vài ngày trước, tôi nghe khá nhiều phốt về bản thân mình, tôi sốc, đuối và muốn bỏ cuộc…”, diễn viên Kim Đào chia sẻ.
Kim Đào nổi lên từ Đấu trường tiếu lâm. Dù là diễn viên tay ngang nhưng Kim Đào rất đắt show phim ảnh, sitcom, gameshow. Hiện tại, Kim Đào được xem là một trong những diễn viên trẻ triển vọng của làng hài phía Nam.
Điều đó một phần là vì khán giả thương, Tổ nghiệp thương Kim Đào nhưng nếu không có sự nỗ lực từng ngày, không có sự rèn luyện trong nghề diễn thì chắc chắn Kim Đào không thể có vị trí như ngày hôm nay.
Thế nhưng, từ lúc mới vào nghề cho tới thời điểm hiện tại, Kim Đào vẫn liên tục đối diện với thị phi của giới showbiz. Vì là diễn viên tay ngang, không có ngoại hình nên Kim Đào bị chính đồng nghiệp của mình kỳ thị, chê bai và thẳng thắn tuyên bố không muốn cô xuất hiện ở những nơi có mặt họ.
Chẳng những nói xấu sau lưng, họ còn chê bai thẳng mặt khiến nữ diễn viên người Rạch Giá cảm thấy vô cùng xấu hổ và tủi lòng.
Diễn viên Kim Đào trên sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần.
Mới đây, Kim Đào chia sẻ trên facebook cá nhân về một câu chuyện tương tự sau khi đã bình tĩnh suy nghĩ và thấy tâm trạng của mình… khá hơn.
Nữ diễn viên kể: “Vài ngày trước, khi tôi nghe khá nhiều phốt về bản thân mình, tôi sốc, tôi đuối và tôi muốn bỏ cuộc, tôi chẳng thể đi giải thích với từng người tôi không phải như vậy.
Tôi trân trọng cái nghề này, tôi chưa từng bao giờ có ý nghĩ trong đầu rằng tôi giỏi. Thật sự tôi luôn tự ti, tôi lúc nào trong đầu cũng nghĩ mình là con tay ngang, chưa bao giờ tôi dám hó hé khi đến một nơi diễn mới…
Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ thay thế ai, cướp cái gì của ai, tôi chỉ cần thấy lỡ tôi có giống ai thì tôi bỏ hết, ráng không cho giống. Mỗi suất diễn, dù tập đi tập lại nhiều lần, tôi cũng chẳng bao giờ hết run.
Sân khấu với tôi là thánh đường, thiêng liêng, cao quý, mà tôi là 1 đứa may mắn được đặt bàn chân phàm của mình lên đó…
Xin làm ơn đừng bao giờ nói rằng con Đào nó nói nó giỏi, nó nói không cần tập nó vẫn lên diễn được, nói vậy chẳng khác nào nói tôi coi thường khán giả.
Làm ơn đừng nói điều đó. 2 ngày tôi biến mất, chẳng ai liên lạc được. Tôi suy nghĩ khá nhiều, và tôi khóc cũng nhiều. Tôi muốn bỏ. Tôi sợ lắm những tổn thương, sợ mình luôn cố gắng nhưng vẫn bị mọi người ghét bỏ.
Kim Đào khi tập tuồng cùng đồng nghiệp.
Hôm nay, diễn sân khấu tôi lại được khán giả vỗ tay, khán giả cười, khán giả khen, lòng tôi lại tưng tưng. Tôi nhận phong bì, tôi đâu có cần biết trong đó có bao nhiêu, tôi chỉ thấy hạnh phúc khi cùng anh chị nghệ sĩ tập trung trên sân khấu, hối hả trong cánh gà, ngồi cùng nhau dợt tuồng lí nhí…
Video đang HOT
Cái cảm giác tất cả cầm tay nhau cúi chào cám ơn khán giả, lòng tôi cứ háo hức, rạo rực. Cảm giác này cứ ở trong lòng thì biết đến khi nào tôi mới bỏ được đây“!
Khi chia sẻ những dòng cảm xúc này, Kim Đào cũng gửi lời xin lỗi tới mọi người vì đã đăng những dòng buồn bã, than vãn. Tuy nhiên, nữ diễn viên cũng cho hay, vì cô không biết chia sẻ cùng ai nên viết lên facebook để giải tỏa tâm lý.
Kim Đào: "Nghe con nói, em như tỉnh ra. Em thấy mình là người mẹ tồi tệ nhất cõi đời này"
"Nghe con nói, em như tỉnh ra. Mình là người mẹ tồi tệ nhất trên cõi đời này. Mình sinh con ra, không cho nó được cuộc sống đàng hoàng còn định kết liễu nó", Kim Đào nghẹn ngào kể...
"Đấu trường tiếu lâm" đã đưa Kim Đào đến với nghề diễn viên và trở thành một trong những gương mặt đầy triển vọng của làng hài phía Nam. Nhưng phía sau bước ngoặt đổi đời ấy là rất nhiều bão tố mà chỉ Đào mới biết. Thậm chí có những lúc Đào bế tắc, cùng đường tới độ định mua thuốc về giết con mình rồi tự tử!
Bình thường, Đào mạnh mẽ, lạc quan và luôn tươi vui ngay cả khi nói về những cơ cực, cay đắng nhất đời mình. Nhưng chỉ khi nhắc tới cậu con trai bé nhỏ "già đời" và thiếu thốn tình thương từ nhỏ, Đào mới khóc...
Phải ngủ công viên khi thi Đấu trường tiếu lâm
Kim Đào tâm sự: "Hồi xưa em đi rửa ly mướn ở quán cà phê. Ngày em rửa ly, tối tham gia đội văn nghệ của phường. Trong đội văn nghệ, có anh bạn đi dự thi Đấu trường tiếu lâm, cần người phụ diễn. Anh ấy rủ em. Vừa được lên thành phố thi hài, vừa được lên ti vi, gặp các nghệ sĩ nổi tiếng mà xe cộ ăn ở, anh ấy lo hết. Em nghe thích quá, gật đầu cái rụp.
Em xin chủ quán cho nghỉ 3 ngày, ứng lương để lên Sài Gòn. Nào ngờ tới vòng ghi hình, anh ấy bị loại. Em phụ diễn nhưng lại được chọn. Anh ấy đi về, mình em bơ vơ ở Sài Gòn không biết phải làm sao. Mọi người khuyên em ở lại thi, đi được tới đâu hay tới đó. Em được chọn vào đội anh Đức Thịnh nhưng càng đi sâu càng nhiều vấn đề nảy sinh.
Thứ nhất, tuồng tích tiểu phẩm phải làm đàng hoàng, không chắp vá được, tốn rất nhiều chi phí. Thứ hai, phải có chỗ ăn chỗ ở. Trong khi đó, tiền lương em xin ứng đem theo không đủ.
Em không dám thuê nhà trọ mà ngủ ở công viên Hoàng Văn Thụ, gần chỗ anh Xuân Nghị ở vì lúc đó hai anh em là cặp song đấu. Buổi trưa, em hay leo lên xe bus ngồi từ bến xe này qua bến xe kia để ngủ vì trên xe có máy lạnh.
Ở trên này em đã không có tiền, còn phải gửi tiền về quê nữa nên em nói với chương trình là mình bỏ cuộc. Mọi người động viên em nên cố gắng, cứ đi cho tới khi nào không đi được nữa thì thôi.
Lúc bị loại, em không hình dung được rằng, chuỗi ngày sau đó lại bế tắc khủng khiếp hơn nữa. Chủ quán cà phê dưới quê đã cho em nghỉ việc vì em bị cuốn theo cuộc thi, đi quá lâu mà không điện thoại, nhắn tin về.
Thậm chí, người ta điện cho mình, mình cũng không dám nghe vì khó xử, không biết nói làm sao. Không liên lạc được với mình, họ phải mướn người làm mới. Khi về, họ không thể mướn mình được nữa.
Mọi người ở quê nói em "mày xấu muốn chết, bày đặt làm diễn viên". Mọi người nói em mù quáng nên làm cho gia đình đã khó khăn còn khó khăn hơn.
Em không làm ra tiền để lo cho mẹ, mẹ đi giúp việc kiếm tiền nuôi thân còn em đi rửa ly nuôi con mình, vậy mà em bỏ công việc chính của mình đi thi, lại không được thành tích gì còn bắt mẹ nghỉ việc ở nhà chăm con cho em. Giờ em cũng không có việc làm, không có tiền..."
Bế tắc, định mua thuốc cho con uống rồi tự vẫn theo
Kim Đào hổi tưởng tiếp: "Lúc về quê, trong túi em không còn nổi 1.000 đồng. Nghe người ta "xài xể", đêm nào em cũng ôm con khóc rồi tự trách bản thân đã phá hết mọi thứ. Em đi mượn 20.000 đồng để mua lốc sữa cho con, bị người ta nói không ra gì. Cầm 20.000 đồng mà nhục khủng khiếp nhưng vẫn phải cầm vì nếu không cầm thì con mình chết đói.
Nhiều đêm em nghĩ tới cái chết. Em nghĩ bụng, mua thuốc về hòa với sữa cho con uống rồi đi theo luôn!
Nhưng con em, thấy mẹ khóc là nó dỗ "Mẹ nín đi, nín đi, đừng khóc nữa. Sao mẹ khóc vậy". Em nói không có tiền mua sữa cho con nên buồn khóc. Nó bảo "không sao đâu mẹ. Mai mốt con lớn, con tự mua sữa được. Con sẽ mua xe, mua nhà cho mẹ. Mẹ đừng khóc nữa nha".
Nghe con nói, em như tỉnh ra. Tự nhiên em nghĩ, mình là người mẹ tồi tệ nhất trên cõi đời này. Mình sinh con ra, không cho nó được cuộc sống đàng hoàng còn định kết liễu nó. Nó còn nhỏ mà còn biết động viên mẹ, biết nghĩ mua cho mẹ cái này cái kia... trong khi mình không làm được vậy. Mình làm mẹ kiểu gì thế này!
Thế là em xốc dậy tinh thần. Em không thể cứ nằm khóc hoài như vậy được. Bế tắc sẽ càng bế tắc. Sáng hôm sau, em đi mượn người quen được 400.000 đồng làm vốn bán khoai chuối ép nước cốt dừa. Một phần 5.000 đồng. Mỗi ngày em bán được 10 tới 15 phần, cũng có mấy chục ngàn nuôi con.
Đúng lúc đó, chương trình Đấu trường tiếu lâm phát sóng. Ngay tập đầu tiên, em được chọn vào vòng lập đội của anh Đức Thịnh là cuộc đời em sang một trang mới. Bình thường, em bán mỗi ngày chỉ 10 tới 15 phần thì khi chương trình phát sóng, em bán 50, 60 phần.
Thị xã Rạch Giá nhỏ lắm, những người khách bình thường thấy em rửa ly ở quán cà phê, họ không ngó tới nhưng khi chương trình phát sóng, họ đòi em phải đưa chuối nướng tới tận nhà. Họ bảo "chị thích mày quá, không ngờ mày vui vậy luôn".
Em thấy giống như mình tới thời vậy. Hai ngày sau, chị đạo diễn Minh Ngọc điện cho em, mời đóng một vai chính trong sitcom mà chị ấy làm. Em được trả 300.000 đồng/ ngày quay. 10 ngày là mình có 3 triệu. Em nghe mừng quá, đi lên Sài Gòn luôn.
10 ngày đó, em ăn ở nhà chị Ngọc nên giữ được trọn vẹn số tiền 3 triệu đồng. Sau 10 ngày quay, em ra bến xe mua vé về quê. Chuẩn bị lên xe thì nhận được điện của anh Hoàng Mèo mời vào nhóm hài Tỉ Muội của chị Đại Ngọc Trâm tham gia gameshow Làng hài mở hội. Em mừng quá gửi tiền về quê rồi tới nhà anh Hoàng Mèo.
Khoảng thời gian thi Làng hài mở hội, em ăn ở tại nhà anh Hoàng Mèo và chị Trâm. Sau khi Đấu trường tiếu lâm và Làng hài mở hội phát sóng, mọi người biết em nhiều, mời đi show liên tục.
Lúc đó em nghĩ, thay vì mình ở trên này, không biết mẹ và con ở dưới quê như thế nào. Thôi thì mình đưa mẹ và con lên Sài gòn cho mẹ con, bà cháu được gần nhau. Từ đó tới nay cũng hơn 4 năm rồi".
Bị đồng nghiệp tát bầm tím, sưng lệch một bên mặt
Những tưởng, được mọi người biết tới nhiều, đắt show, xuất hiện liên tục trên các gameshow và sân khấu hài thì con đường làm nghề của Kim Đào sẽ thênh thang với thảm đỏ dưới chân. Nhưng không có trái ngọt nào mà không trải qua những ngày tháng vun trồng cực nhọc. Không có niềm vui nào, thành công nào mà không có nước mắt và sự trả giá.
Kim Đào cũng vậy. Thời gian đầu mới làm nghề, Kim Đào không kén vai, ai gọi gì cũng làm, mời gì cũng nhận. Phần vì gánh nặng kinh tế trên vai, phần vì cô muốn được thử sức mình ở mọi nhân vật, bất kể lớn nhỏ.
Và cũng thời gian đó, Kim Đào gặp một chuyện mà cô nhớ tới già không bao giờ quên. Đó là cái tát trời giáng của một đồng nghiệp trong đoàn phim mà cô tham gia.
Kim Đào bộc bạch: "Làm nghề một thời gian, có anh đạo diễn mời em tham gia một vai nhỏ có thoại trong phim điện ảnh. Em đồng ý liền.
Lịch quay của em là 5 ngày. Ngày cuối phải quay đại cảnh rất lớn, rất đông diễn viên. Đạo diễn kêu mọi người đứng vào để canh khung. Lúc đó em đang cầm điện thoại. Bình thường em hay đeo điện thoại trước ngực, quay thì bỏ ra vì áo không có túi.
Em không biết để điện thoại ở đâu nên nhờ anh trong tổ behind the scenes (tổ hậu trường - PV tạm dịch) cầm giúp. Em và anh đó chơi với nhau rất thân nên anh đồng ý ngay.
Em vừa đi ra canh khung thì anh tổ trưởng tổ behind the scenes giơ điện thoại em lên, hỏi "điện thoại này của ai"? Em nói là của em. Anh đó bảo "chị có biết chị là quần chúng không, sao chị làm phiền người khác quá vậy".
Em bảo "dạ, không được thì để em vô tìm chỗ cất". Anh ấy bảo "Tôi nói cho chị biết, chị chỉ là một con quần chúng thôi, đừng làm phiền người ta". Em thấy vấn đề quá nhỏ mà anh ấy làm lớn chuyện nên trả lời "nếu không được thì thôi, anh cho em xin lại cái điện thoại, có gì đâu mà anh la lớn vậy. Đàn ông gì kỳ quá".
Anh ta táng em một cái bốp vào mặt. Em bị ù tai, điếng người. Các anh chị diễn viên quần chúng vây quanh em hỏi han. Họ bảo "quần chúng thì cũng là con người, cũng làm việc mới có tiền chứ có ăn không đâu mà đánh con nhỏ như vậy".
Lúc đó, miệng em muốn tứa máu vì anh ấy đánh rất mạnh. Em không khóc nhưng khi nghe mọi người vây xung quanh hỏi han thì em chịu không nổi, em bật khóc nức nở. Chú Lê Bình cũng đóng chung phim đó. Chú la "mày làm gì con nhỏ vậy, xin lỗi nó ngay".
Anh đó đi tới xin lỗi em nhưng em bị sợ, cứ né. Mọi người càng lo lắng, em càng khóc. Em xin đạo diễn cho mình không quay nữa vì mặt em sưng vù, em cũng không có tâm lý diễn tiếp.
Đạo diễn nói với em: "Giờ anh cho em về cũng được nhưng nếu em ngồi đây, khóc hết rồi vô hóa trang lại, ra diễn tiếp thì em là một bé Đào khác". Em ngồi đó khóc hết nước mắt rồi ra quay tiếp.
Quay xong trời đã khuya. Mặt em bị bầm tím một bên. Trên đường về, em tủi thân khóc rất nhiều. Hàng loạt câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu em. Tại sao mình lên đây để bị người ta đánh như vậy? Hồi xưa mình ở quê rửa ly mướn thôi, nghèo đó nhưng đâu có ai đánh mình.
Bình thường, em đi quay về muộn cỡ nào, mẹ em cũng chờ cửa. Sợ mẹ biết nên vừa về là em chạy vào toilet tắm rồi lên chùm mền ngủ.
Sáng hôm sau, thấy mặt em sưng, mẹ hỏi bị gì, em nói dối là té cầu thang. Em không muốn mẹ lo. Mẹ đã lên đây chịu khổ với em mà em còn đem chuyện buồn kể cho mẹ nghe thì không được. Chính vì nghĩ thế nên buồn cỡ nào, về nhà em cũng vui, cũng đùa giỡn với mẹ.
Sau này, có lần mẹ đi ra phim trường với em. Trong đoàn phim có một số anh chị từng quay chung phim kia với em. Các anh chị ấy nói với mẹ là em bị đánh. Mẹ em khóc. Mẹ nói "ở nhà, mẹ còn không đánh con. Con cực lắm không? Cực quá thì về quê chứ có gì đâu mà phải chịu".
Nghe mẹ nói, trong đầu em lập tực hiện ra hình ảnh mình đi rửa ly, mẹ đi giúp việc, bị người ta chửi bới khinh khi. Em không chịu được. Em bảo "không sao đâu mẹ, mình mới vô mà. Các anh chị lớn còn bị nhiều hơn vậy nữa".
Mẹ dặn em gặp chuyện gì không vui cứ về nói với mẹ. Mẹ biết em không nói được với ai mà về nhà còn giấu thì khổ. Em dạ cho mẹ vui nhưng dù gặp chuyện buồn cỡ nào, em cũng giấu hết. Bởi vì em biết, mẹ sẽ vui khi thấy em vui. Đời mẹ buồn nhiều rồi, em không muốn mẹ phải buồn lo vì bất cứ điều gì nữa".
Sau bộ phim đó, Kim Đào không bao giờ nhận vai quần chúng nữa. Bởi cô nghĩ, nếu mình cứ nhận vai quần chúng thì sẽ... "chết dạng vai đó" và rất khó để bật lên được trong nghề.
Theo Trí Thức Trẻ
Được Hoài Linh đặt nghệ danh và chuyện nữ diễn viên bị coi thường, đàn chị từ chối diễn chung "Anh Hoài Linh bảo em ra thắp nhang xin má Kim Ngọc, xin lót chữ Kim của má, xin cái duyên của má để sống với nghề", Kim Đào nhớ lại. Đã 4 năm kể từ ngày Kim Đào bước chân vào showbiz. Đó là quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn với cô gái Rạch Giá có...