“Kiều nữ trại giam” và đứa con tật nguyền
Nghe hết chuyện đời của phạm nhân Nguyễn Thị Hải Yến, người ta mới tường tận thế nào là “Hồng nhan bạc phận”. Ông trời ban cho cô nhan sắc, nhưng lại tước đi cái thiên chức của người phụ nữ. Để từ đó, những tấn bi kịch cứ ầm ào đổ xuống đầu cô không ngơi nghỉ…
Nỗi đau của “người đàn bà vô sinh”
Khác với những cô gái cùng trang lứa ở vùng đất trung du Cẩm Khê, Phú Thọ, nhờ có chút nhan sắc, Yến rời nơi chín suối mười đèo về lấy chồng dưới thành phố Việt Trì. Gia đình chồng khá giả, tưởng như thế là hạnh phúc đã mỉm cười với Yến. Nhưng khổ nỗi, hai vợ chồng lấy nhau đến mấy năm mà không có lấy một mụn con. Dù đã chạy chữa khắp nơi, ông trời vẫn không cho cô cái quyền làm mẹ.
Đang trong cơn tuyệt vọng, Yến nghe người ta bảo ở Bệnh viện Cẩm Khê có một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Nghe tin ấy, cô vừa xót xa vừa bồn chồn khó tả. Ý nghĩ về một đứa trẻ tội nghiệp không có nơi nương tựa cứ ám ảnh khiến cô cả đêm không ngủ. Dường như không thể kiềm chế được mong muốn sẽ cưu mang và yêu thương đứa trẻ ấy, nên sau một đêm suy nghĩ, Yến bàn bạc rồi cùng chồng đến bệnh viện làm thủ tục xin nhận con nuôi.
Dù đã ngoài 40 tuổi, nhưng Nguyễn Thị Hải Yến vẫn giữ được nhiều nét của một thời xuân sắc.
Yến còn nhớ như in cái ngày đón đứa trẻ về nhà, cả gia đình cứ như có hội. Ai cũng luống cuống, hồi hộp, như thể đây là lần đầu tiên mọi người được nhìn thấy một thiên thần. Yến ngắm con suốt ngày không chán. Nhưng, càng ngắm Yến càng cảm nhận rõ rệt sự bất thường của con. Nó có thể cựa quậy chân tay nhưng riêng cái đầu thì nằm yên bất động. Linh tính có điều gì không ổn, hai vợ chồng Yến khăn gói đưa con xuống Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Kết quả chiếu chụp khiến vợ chồng Yến hoàn toàn suy sụp: “Đứa trẻ bị bại não do suy dinh dưỡng từ trong bào thai”. Bác sĩ còn giải thích thêm rằng, với kết quả này thì đứa bé sẽ phải nằm bất động đến hết đời. Quá đau đớn và tuyệt vọng, trên suốt quãng đường từ Hà Nội trở về Việt Trì, hai vợ chồng Yến không nói với nhau một lời nào.
Con của Yến không chỉ nằm bất động mà còn thường xuyên đau ốm. Đều đặn tháng nào hai vợ chồng Yến cũng phải đưa con đến bệnh viện vài lần. Nó sẽ không thể sống nếu không có thuốc. Chính vì phải mất quá nhiều tiền lo cho sức khoẻ của con, nên kinh tế gia đình Yến ngày càng trở nên khốn khó. Chồng Yến dù là người tốt, nhưng đứng trước tấn bi kịch gia đình đã không thể “vững tay chèo”. Anh ta sinh ra chán nản, sống buông thả và bập vào ma tuý. Đồ đạc trong nhà cứ không cánh mà bay. Đến khi không còn thứ gì có giá trị để bán, anh ta quay sang buôn hêrôin.
Yến trở thành người đàn bà bất hạnh, không còn chỗ cậy nhờ, nương tựa: con tật nguyền, chồng nghiện ngập. Đã không ít lần cô nghĩ đến chuyện tự kết liễu để khép lại tấn bi kịch đời mình, nhưng cứ nhìn đứa con nằm đó bất động, ánh mắt luôn hốt hoảng như van xin, như níu kéo, cô không đành. Bởi cô nghĩ, dù sao mình cũng là người tự nguyện xin nó về nuôi, nếu mình có mệnh hệ nào thì ai sẽ là người chăm sóc cho con? Tấm lòng của một người mẹ đã níu Yến lại với đời.
Đứa con tội nghiệp của phạm nhân Nguyễn Thị Hải Yến.
Video đang HOT
Tuy không dứt ruột đẻ ra, nhưng mỗi lúc con ốm đau, lên cơn co giật, Yến không cầm được nước mắt.
Tình mẫu tử khơi gợi khát vọng hoàn lương
Hồi đó, có một người phụ nữ cùng thôn biết chồng Yến mua bán ma tuý nên đã thủ thỉ với Yến rằng: “Nếu cô biết mối thì đi lấy hàng rồi về bán lại cho tôi. Vừa có tiền nuôi mình lại vừa có tiền thuốc thang cho con”. Thấy đấy là phương án khả thi nhất trong hoàn cảnh bi đát lúc bấy giờ, Yến gật đầu chấp nhận. Kể từ sau hôm đó, Yến trở thành cánh tay phải đắc lực của chồng trong việc buôn bán hêroin. Công việc suôn sẻ được đâu vài ba tháng, cả hai vợ chồng Yến bị bắt rồi dắt nhau đi “ở trại”.
Bố mẹ đi tù, đứa con thơ tật nguyền phải gửi lại cho mẹ già chăm sóc. Cách đây mấy năm, chồng Yến đã mất vì căn bệnh HIV mắc từ thời còn “giao du” với “nàng tiên nâu”, giờ Yến “ăn cơm trại” một mình. Thời gian đầu, Yến khóc rất nhiều. Cô thương mình, thương chồng và thương cho đứa con tội nghiệp. Dù không đứt ruột đẻ ra, nhưng những tháng ngày chăm bẵm và cận kề bên con đã khơi dậy trong Yến tình mẫu tử. Mặc dù chưa một lần cô được nghe tiếng gọi “mẹ ơi!”, nhưng cô vẫn mong mỏi sẽ có một ngày con mình sẽ thốt lên “tròn vành, rõ chữ” hai tiếng thiêng liêng đó. Cô nhớ từ ánh mắt biết cười, nhớ cả sự hốt hoảng của con.
Nhiều đêm nằm trong trại Yến trăn trở, con mình sinh ra đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, nay bố mẹ sa vào vòng lao lý, chả biết bà nội già rồi, có chăm sóc nổi hay không? Nghĩ mãi, cô đành xin với Ban Giám thị trại cho con ở lại với mình, dù biết như thế sẽ là bất tiện.
Nguyễn Thị Hải Yến: “Nhờ chính sách nhân đạo của Nhà nước, tấm lòng nhân văn của Ban Giám thị trại giam, nên mẹ con tôi mới được đoàn tụ thế này!”.
Mỗi phút giây được chăm sóc cho con, Hải Yến thấy mình hạnh phúc.
Biết được bệnh tình của đứa trẻ và hoàn cảnh éo le của Yến, Ban giám thị Trại giam Quyết Tiến đã đồng ý và tạo điều kiện thuận lợi cho mẹ con cô. Hàng ngày, Yến được phân công làm “cô nuôi dạy trẻ”, vừa chăm sóc con mình, vừa chăm sóc con của những nữ phạm nhân khác. Đồng thời, mỗi khi có cháu nào đau ốm đều được cán bộ trại giam quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo. Cảm động trước chính sách nhân đạo và giàu lòng nhân văn đó, các phạm nhân nữ nuôi con nhỏ ở đây đều yên tâm, cố gắng cải tạo để mong có ngày trở về hòa nhập với cộng đồng.
Dù đã bước sang tuổi thứ mười nhưng con trai Yến vẫn chỉ nằm bất động. Mỗi khi trái gió trở trời đứa trẻ này lại lên cơn động kinh, chân tay co giật và nhiều khi tự cắn vào lưỡi khiến máu chảy rất nhiều. Mười tuổi, nhưng thứ duy nhất cháu có thể ăn là cháo loãng. Nhiều lần Yến muốn cho con ăn cơm nhưng không thể, vì cứ ăn vào là hóc.
Dù vẫn biết rằng, đứa con của mình tương lai sẽ chẳng sống được bao nhiêu, nhưng Yến vẫn cố gắng hết sức, vẫn dồn tất cả tình thương để chăm sóc. Bởi lúc nào cô cũng nghĩ, con mình bị tật nguyền thế này là do tội lỗi mà cô đã gây ra quá nặng, nên “trời quả báo”. Cho nên, cô nuôi con, chăm con khó nhọc nhường nào, cũng chỉ là trả nợ cuộc đời, cũng là bù đắp những lỗi lầm, những đớn đau mà mình đã đem đến cho muôn vàn gia đình khác.
Nhìn Yến bế đứa con tật nguyền trên tay, nước mắt rơi lã chã, người ta không khỏi chạnh lòng. Có lẽ, đối với người phụ nữ đa đoan, lại vốn mang trong mình quá nhiều bất hạnh như Nguyễn Thị Hải Yến thì những phút giây được ở gần con, đó sẽ là thời khắc tuyệt vời nhất. Nhờ cái tình mẫu tử hết sức bản năng ấy, cô đã rũ bỏ được cái quá khứ nhuốm màu u ám để tìm về nẻo thiện, thì đấy cũng là chuyện đáng mừng.
Theo Dantri
Tương lai nào cho "cặp vợ chồng rổ rá"
Anh chồng có đôi chân nhỏ như đứa trẻ lên ba từ khi mới sinh ra đến giờ. Tính ra, anh ta đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề ăn mày tại ngã tư Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang). Sẽ không có nhiều để nói nếu như người đàn ông tật nguyền này không gánh trên vai người vợ đang thoi thóp từng ngày và đứa con mới hơn 10 tuổi (bằng với tuổi nghề của anh ta).
Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng anh Trần Văn Khiển (52 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tuyên (43 tuổi) ở thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang, thì Khiển đi vắng, chỉ có bà mẹ già gần 80 tuổi đang loay hoay bán hàng tạp hóa ở cửa hàng nhỏ.
Bà bảo: Không có cửa hàng này thì chết đói lâu rồi. Số tôi số khổ, chừng ngày tuổi vẫn phải còng lưng lo cho con, cho cháu. Còn vợ Khiển, chị Tuyên đang ngồi co ro trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ. Dáng người gầy đét, gương mặt hốc hác, lộ rõ sự mỏi mệt.
Anh Trần Văn Khiển với đôi chân teo tóp, đi ăn xin ở trị trấn Đồi Ngô, Bắc Giang
Những ngày này giọng nói chị đứt quãng không ra hơi. Mọi sinh hoạt gói gọn trong căn phòng ước chừng bằng manh chiếu. Mùi tanh hôi bốc lên đến lợm giọng. Chiếc ảnh chụp sẵn treo ở đầu giường theo phong cách "ảnh thờ" càng làm cho người ta có cảm giác thần chết đang lơ lửng trên đầu chị.
Tôi hỏi chuyện, nhưng cố gắng lắm cũng không thể hiểu được chị muốn nói gì. Tất cả chỉ là những thanh âm hỗn độn phát ra từ cổ họng. Ánh mắt yếu ớt gắng gượng nhìn vào người khách lạ với vẻ tuyệt vọng. Dường như chị hiểu những điều tôi hỏi, nhưng bất lực trong việc diễn đạt cho tôi hiểu.
Mẹ anh Khiển chắt chiu từng đồng
Mẹ của anh Khiển kể: Vợ nó chục năm nay có làm ăn gì được đâu. Tất cả sinh hoạt là nhờ đứa em dâu bế đi hầu hạ tắm rửa, cơm nước. Không có nó thì tôi chết. Tuổi này tôi không hầu được. Chồng nó bị tật từ lúc mới sinh ra. Quê gốc tôi ở mãi tận Đông Giao, Hải Dương. Năm đó tôi sinh ngược, đẻ được gần tuần thì cả nhà dắt díu lên đây khai hoang. Cũng không nghĩ gì đến việc chữa trị nên chân nó cứ quắt queo từ đó đến giờ.
Hai vợ chồng anh Khiển quen nhau cách đây 11 năm. Anh ăn xin ở chợ Đồi Ngô, còn Tuyên ở tận Vĩnh Phúc cũng lưu lạc đến Đồi Ngô, làm nghề bán hàng sáo ở chợ. Người ta thương cảnh hai đứa một mình, liền dắt mối, thế là hai người nên đôi. Ngày đầu đưa Tuyên về ra mắt, mẹ Khiển nằng nặc chối đây đẩy. "Ngày nó đưa về, tôi thấy tay chân co quắp, bê thau nước cứ run bần bật, rồi đánh đổ lênh láng. Tôi mới bảo "Không lấy được đâu. Người này về không làm ăn gì được đâu".
Chị Nguyễn Thị Tuyên, người vợ bệnh tật của anh
Thế rồi anh chị cũng lấy nhau, gia đình và người làng cũng đành tặc lưỡi "Nồi tròn vung tròn, nồi méo vung méo. Nào muốn gì hơn nữa". Từ đó, anh chị thành vợ thành chồng. Hai con người không lành lặn những tưởng sẽ có thể hợp thành một gia đình hoàn hảo. Nhưng trời chả chiều theo lòng người. Ngày ấy chị vợ dù quặt quẹo, khoèo tay nhưng còn đi lại được. Ấy thế mà 1 năm sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị gần như liệt hẳn. Miệng lắp bắp không nói nổi một câu trọn vẹn. Đứa con một tay nhờ chị em trong nhà nuôi giúp. Hồi đó, ông nội còn sống, đặt tên cho đứa bé trai là Trần Văn Được. Bà mẹ của anh giải thích ý nghĩa cái tên đơn giản rằng "thì nhặt được mẹ nó rồi sinh được nó, nên đặt cho là Được". Nghe qua cứ man mác như thời "Vợ nhặt" của Kim Lân.
Năm nay thằng cu Được đã 10 tuổi. Bà mẹ anh Khiển bảo: Nó thông minh lắm, nhưng mà nghịch ngợm. Học lớp 6 rồi nhưng không được giấy khen vì nghịch quá".
Khi chúng tôi đến, Khiển vẫn "đi làm". Nói đi làm cho sang, chứ thực ra anh vẫn ngày ngày vượt hơn 20 cây số từ nhà lên Đồi Ngô ăn xin để lo cho cái gia đình cùng cực ấy. Cứ buổi sáng, đứa cháu trai lại chở anh đi làm bằng xe máy, rồi chiều tối lại nhọc nhằn lăn xe về.
Rời căn nhà nhỏ, chúng tôi tìm đến ngã tư Đồi Ngô để gặp anh Khiển khi nắng lên đến đỉnh đầu. Loanh quanh mãi ở Đồi Ngô, chúng tôi mới gặp được anh. Anh đang len lỏi tại một quán chè bên vỉa hè. Thân hình ngắn ngủn lọt thỏm giữa những hàng ghế san sát nhau. Anh di chuyển trên chiếc xe lăn người ta chế riêng cho, mà anh mua với giá 1 triệu. Cứ thế thay cho đôi chân, anh lê lết hết đoạn đường.
Anh Khiển lao ra đường ăn xin với chiếc xe tự chế
Đôi chân teo tóp vắt gọn gàng trên chiếc xe lăn nhỏ nhắn. Trong chiếc mũ cối để phía trước xe, chỉ nhõn vài đồng tiền lẻ. Giọng nói của anh như người đầy lưỡi cũng khiến chúng tôi khó có thể nghe hết được. Anh vừa nói vừa dùng đôi tay ra dấu để phụ họa cho tôi hiểu: Mỗi ngày ăn xin thế này, ít thì được dăm chục, nhiều thì 100 nghìn đồng. Vợ thì bệnh tật thế, anh cũng chẳng giúp gì được nhiều. Chỉ biết đi xin để mỗi tháng có tiền mua thuốc cho vợ, rồi cho con đi học. Anh bảo: Vẫn thương vợ lắm! Nhưng không biết vợ bị bệnh gì. Đưa đi khám thì bảo bị bệnh tâm thần. Cứ 16 hàng tháng lại đi lấy thuốc về uống cho qua ngày. Chẳng biết có khỏi được không mà sức thì cứ yếu dần đi.
Chúng tôi để lại ít tiền vào chiếc mũ cối, anh Khiển gật gật tỏ ý cảm ơn, rồi lại "xỏ" dép vào tay làm điểm tựa lăn xe đi tiếp. Anh lao xe xuống con đường nhựa, rồi thận trọng lách giữa hàng xe ô tô vun vút lao tới để qua được phía vỉa hè bên kia, tiếp tục cuộc kiếm cơm trong 1 ngày nắng như đổ lửa. Chắc chẳng mấy người biết, người đàn ông tội nghiệp này đang chở thêm cả một gia đình với nỗi lo chưa bao giờ đầy hơn thế.
Theo VNE
Thầy giáo bệnh tật dạy chữ trẻ em nghèo Bị bệnh tật hành hạ nhưng suốt 20 năm thầy giáo Lê Quốc Hưng (47 tuổi) vẫn cố gắng mở lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo trong vùng. Nhờ đó, nhiều thế hệ học trò nơi quê nghèo đã được vào đại học. Lớp học thầy Hưng đơn sơ, nằm nép bên con đường vào thôn Tuân Lễ (xã Phước...