“Kiều nữ” bị bắt cùng lô tiền giả y như thật
Phùng Thị Lan (SN 1990, quê Bắc Giang) trong bộ dạng một “thương gia” khá xinh đẹp đã bị cơ quan An ninh bắt giữ cùng 300 triệu đồng tiền giả và 200 USD giả.
Khoảng 10h30 ngày 8/8/2012, Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư – Tổng cục An ninh II – Bộ Công an phối hợp với một số Cục nghiệp vụ và Công an các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh phát hiện một đối tượng nữ có biểu hiện nghi vấn tại khu vực đường mòn biên giới thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn. Khi bị tạm giữ đối tượng khai mình là “thương nhân” sang Trung Quốc mua chiếu về tiêu thụ.
“Kiều nữ” Phùng Thị Lan thẫn thờ tại cơ quan công an, bên túi xách chứa đầy tiền giả
Tuy nhiên, khi kiểm tra hành lý mà đối tượng mang theo, cơ quan An ninh phát hiện gần 300 triệu VND giả (loại mệnh giá 200.000 VND/tờ) và 200 USD giả (loại mệnh giá 100USD/tờ) được bọc kỹ bằng giấy báo và giấu kín trong chiếc chiếu trúc.
Qua đấu tranh, bước đầu đối tượng khai tên là Phùng Thị Lan, sinh năm 1990, nguyên quán Tân Yên, Bắc Giang; hiện trú tại số 30/ngõ 15, đường Huyền Quang, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh. Ngày 7/8/2012, Lan đi vay “ nóng” 15 triệu đồng để sang Trung Quốc mua số tiền trên mang về tiêu thụ bằng hình thức đánh bạc. Đây là lần thứ 5, Lan lên biên giới Lạng Sơn mua tiền giả, tổng cộng khoảng 750 triệu VND. Vụ việc đang được cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục làm rõ.
Video đang HOT
Theo đánh giá của các cán bộ Phòng Chống tội phạm tiền giả – Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư: “Hiện nay, phần lớn tiền giả đều được vận chuyển từ hướng Trung Quốc vào nội địa. Số tiền giả bị thu giữ lần này được in ấn bằng thiết bị hiện đại với công nghệ cao nên rất giống với những tờ tiền thật. Nếu để lọt ra lưu thông trên thị trường sẽ gây tác hại lớn đến đến an ninh tiền tệ, an sinh xã hội. Đặc biệt, trong vụ án này, đối tượng còn vận chuyển tiền USD giả với chất lượng in ấn khá cao…”
Phùng Thị Lan lấy số tiền giả tang vật vụ án để lực lượng chức năng kiểm đếm
Trước đây, việc bắt giữ các đối tượng tàng trữ, vận chuyển tiền giả với số lượng tiền lớn là rất ít. Nhưng, thời gian gần đây, cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều ổ nhóm, đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả với số lượng lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều này cho thấy, tình hình tội phạm về tiền giả đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng an ninh và các ngành có liên quan như Ngân hàng, Kho bạc nhà nước, Hải quan… phải thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ để từng bước ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm tội phạm này.
Theo ANTD
Đánh bạc bằng... tiền giả
Có hàng trăm triệu tiền giả trong tay, Thắng vừa đem bán lấy lời, vừa sử dụng vào việc ăn tiêu, mua sắm. Y còn ranh ma chui vào sới bạc để "đổi" tiền giả lấy tiền thật của những kẻ đang khát bạc hoa mắt.
Theo kết luận điều tra, Đặng Văn Thắng có mẹ là Bùi Thị Tho (56 tuổi, ĐKNKTT tại thôn Lão Phú, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Trong lúc làm thuê bên ở Trung Quốc, Tho được một người phụ nữ Việt Nam cho 9 tờ tiền Việt Nam giả mệnh giá 20.000đ cùng số ĐTDĐ, hẹn khi cần thì liên lạc. Biết tiền giả, nhưng khi về nước, Bùi Thị Tho vẫn đem sử dụng và bị bắt giữ.
Thắng không chịu nhìn tấm gương tày liếp trên, ngược lại để có tiền ăn tiêu, y đã lục trộm danh bạ ĐTDĐ của mẹ rồi liên lạc với phụ nữ nọ đang ở Trung Quốc và đã mua của thị cả thảy 4 lần, tổng số tiền là 275.250.000đ tiền Việt Nam giả với giá 47,8 triệu đồng. Có hàng trăm triệu tiền giả trong tay, Thắng vừa đem bán lấy lời, vừa sử dụng vào việc ăn tiêu, mua sắm. Y còn ranh ma chui vào sới bạc để "đổi" tiền giả lấy tiền thật của những kẻ đang khát bạc hoa mắt.
Các đối tượng trong vụ án.
Tuy nhiên, trong việc mua bán tiền giả, đối tượng bán tiền giả cho Đặng Văn Thắng hết sức xảo quyệt, không xuất đầu lộ diện mà sai Lê Thị Hương, từng bị một đường dây tội phạm lừa bán sang Trung Quốc, lấy chồng đã có 2 con đứng ra giao dịch.
Do hoàn cảnh khó khăn, một đứa con ở với ông bà ngoại tại Việt Nam, không có tiền ăn học, nên khi được thuê vận chuyển tiền giả, Hương sốt sắng nhận ngay. Mỗi khi Thắng có có nhu cầu, Lê Thị Hương vượt biên trái phép, vận chuyển tiền giả từ Bằng Tường (Trung Quốc) theo đường mòn sang chợ Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn giao cho đối tác.
Ngoài ra, qua tìm hiểu, trong số bạn bè của mẹ, Thắng được biết Trần Thị Mão sống độc thân, rất cần tiền trợ cấp con trai đang thi hành án phạt tù về tội tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Còn Trần Thị Oanh, không nghề nghiệp, một mình đang phải nuôi 3 miệng ăn. Từ đó, y đã dễ dàng thu nạp được cả Mão và Oanh vào đường dây vận chuyển tiền giả. Thắng còn rủ cả em gái y là Đặng Thị Hoài phạm tội. Thấy lãi suất cao, Hoài đã mua từ Hương 4 lần, tổng số là 310.000.000đ tiền Việt Nam giả với giá 73,9 triệu đồng...
Cũng theo tài liệu điều tra, là tay chân đắc lực của đối tượng trùm mua bán tiền giả tại Trung Quốc, Lê Thị Hương đã 8 lần vận chuyển tiền giả thuê cho chủ và anh em Thắng, Hoài, được chúng trả công 1.050 NDT và 2,2 triệu đồng. Trần Thị Oanh vận chuyển tiền giả 4 lần, được trả công 4 triệu đồng. Trong quá trình vận chuyển tiền giả thuê, Oanh còn mua 6 triệu tiền giả với giá 2,4 triệu đồng để tiêu tại Việt Nam. Riêng Trần Thị Mão đã 5 lần vận chuyển tiền giả cho các đối tượng và nhận tiền công 4 triệu đồng.
Khi đường dây vận chuyển, lưu hành tiền giả nói trên vừa hoạt động được một thời gian, Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hải Phòng và Cục An ninh tài chính - tiền tệ - đầu tư - Bộ Công an đã bắt quả tang Đặng Văn Thắng và Trần Thị Mão đang vận chuyển 280.120.000đ tiền Việt Nam giả, giấu trong ống nhựa, xếp lẫn với hàng tạp hoá chở từ Lạng Sơn về Hải Phòng. Đấu tranh mở rộng án, cơ quan ANĐT đã bắt khẩn cấp Đặng Thị Hoài, Trần Thị Oanh và Lê Thị Hương, thu giữ 27 triệu đồng, 5 ĐTDĐ và nhiều tang vật khác.
Qua điều tra cho thấy, đường dây tội phạm nói trên hoạt động với thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng mua bán không trực tiếp vận chuyển, thậm chí giấu mặt, rồi tuyển người vận chuyển thuê. Tất cả các "cửu vạn" cũng không hề mang tiền giả trong người mà giấu vào các vật dụng, hàng hóa như chăn, gối, ống cao su, cuộn giấy vệ sinh v.v... để khi bị phát hiện, chúng có cớ "bỏ của chạy lấy người". Song, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan An ninh đã làm rõ hành vi, vai trò của từng tên trong đường dây.
Các bị can gồm: Đặng Văn Thắng, 37 tuổi, ĐKNKTT tại khu Đồng Nẻo, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, cùng em gái là Đặng Thị Hoài, 30 tuổi, ĐKNKTT tại số 18 đường Ngang, phường Lãm Hà, quận Kiến An; Trần Thị Mão, 62 tuổi, ĐKNKTT tại số 36/201 đường Trần Nguyên Hãn; Trần Thị Oanh, 47 tuổi, tạm trú tại số 6/100 đường Dư Hàng cùng quận Lê Chân, Hải Phòng và Lê Thị Hương, 40 tuổi, ĐKNKTT tại xóm Muồng, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Theo CAND
Phát hiện vụ vận chuyển 300 triệu VND giả... giống y thật Gồm 2 loại mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng, tổng số tiền 300 triệu VND giả trông không khác tiền thật, một trinh sát nhận định. Chiều 24- 7, tổ công tác đội Kinh tế tài chính- Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội phục kích tại khu vực nhà chờ ga Hà Nội, đường Lê Duẩn, bắt quả tang...