Kiệu đang chết dần vì thiếu nước, người trồng lao đao
Hiện nay, nhiều nông dân trồng kiệu giống (huyện Phù Mỹ, Bình Định) lâm vào cảnh lao đao vì nắng nóng kéo dài. Nhiều ruộng kiệu giống đang chết dần vì thiếu nước, điều này khiến bà con lo lắng không đủ giống để trồng kiệu thương phẩm dịp tết.
Lao đao trên ruộng kiệu
Hàng năm, đến cuối tháng 3 (âm lịch) nông dân trồng kiệu tại Phù Mỹ bắt đầu vào vụ để cung ứng giống sản xuất kiệu dịp tết. Nhưng năm nay, nhiều nông dân đang đối mặt với mất mùa kiệu do nắng nóng kéo dài.
Ông Đỗ Học (trú thôn Tân An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) cho biết: “Vụ hè thu này, gia đình tôi trồng được 2 sào kiệu. Xuống giống vào tháng 3 (âm lịch) nhưng hiện nay có 1 sào đã chết rụi, nắng nóng khiến cây kiệu không mọc nổi rễ, nhổ bụi kiệu lên không thấy có sợi rễ nào. Sào kiệu còn lại, lá đã bắt đầu đỏ đọt, cằn cọc không phát triển”.
Ông Đỗ Học (trú thôn Tân An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) bên ruộng kiệu đang chết dần vì thiếu nước, nắng nóng. Ảnh: D.T
Theo ông Học, cuối tháng 6 (âm lịch) sẽ là thời điểm để thu hoạch kiệu giống, sản xuất vụ kiệu tết nhưng nắng nóng cứ kéo dài, lão nông này đang lo rằng những ruộng kiệu tại gia đình không thể sống nổi đến lúc thu hoạch.
“Tôi bỏ tiền triệu xuống ruộng rồi ngày đêm chăm sóc nhưng mùa kiệu giống năm nay mất mùa. Mất tiền, ngày công nhưng lượng kiệu giống thu về không như ý. Vụ kiệu chính năm nay bà con trồng kiệu ở Phù Mỹ chắc chắn sẽ bị thiếu kiệu giống trầm trọng”- ông Học than vãn.
Theo UBND huyện Phù Mỹ, nắng nóng tiếp tục kéo dài đang khiến cuộc sống nhiều nông dân lao đao. Hiện nay, toàn huyện có 726,3ha cây trồng vụ hè thu bị hạn và bị xâm nhập mặn (trong đó: 90ha lúa bị chết), 21ha lúa bị nhiễm rầy và 43,5ha bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Video đang HOT
Cạnh ruộng kiệu của ông Học là ruộng của chị Tâm, cũng thôn Tân An (xã Mỹ Quang). Ruộng kiệu của chị Tâm cùng xuống giống với kiệu của ông Học. Thế nhưng, suốt mấy tháng qua cây kiệu không phát triển nổi, đặc biệt khoảng 2 tuần nay, nắng gắt cực điểm đã khiến ruộng kiệu của chị Tâm bắt đầu chết dần.
Do nguồn kiệu giống phụ thuộc các tỉnh thành phía Nam nên cứ đà này, giá sẽ bị đẩy lên rất cao. Giá rơm cũng tăng mạnh lên tới 700.000 đồng/sào rơm. Trồng kiệu thì không thể thiếu rơm. Bởi rơm vừa giúp không cho cỏ mọc, vừa giữ ẩm cho đất. “Kiệu có chất lượng tốt hay kém phần nhiều là nhờ rơm. Vụ này, giá giống kiệu tăng, giá rơm cao, cứ đà này người trồng kiệu như chúng tôi sẽ rất khốn khó” – chị Tâm nói trong lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Tâm cho hay: “Năm trước, 1 sào kiệu giống cho thu hoạch khoảng 3-4 tạ giống. Vừa trồng đủ ruộng nhà vụ kiệu tết, vừa có thừa bán cho bà con trong làng lấy tiền đầu tư cho ruộng kiệu của mình. Nhưng hiện tại, ruộng kiệu giống bắt đầu khô lá, nếu có thu được cũng chỉ chừng 1 tạ giống, không biết có đủ trồng ruộng nhà không”.
Ông Võ Văn Tứ – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Hàng năm, nông dân xã Mỹ Quang trồng khoảng 100 ha kiệu thương phẩm bán tết. Vụ kiệu giống sản xuất trong mùa khô hạn nên gặp khó khăn về nước tưới. Năm nay, nắng nóng kéo dài, đất ruộng trồng kiệu khô rốc, cây kiệu không phát triển được bộ rễ, lá khô dần từ đọt xuống. Khi bộ rễ teo hết thì cây kiệu cũng chết theo”.
Lo “khát” nước sinh hoạt
Theo các nông dân, cứ mỗi sào (500m2) kiệu giống thì trồng được 4 – 5 sào kiệu thương phẩm. Do đó, với 85ha kiệu giống trồng trong vụ hè thu này, nếu được mùa vẫn không cung ứng đủ cho gần 1.000ha kiệu thương phẩm. Như vậy, cứ đến vụ kiệu chính là kiệu giống từ miền Nam đổ về cung ứng cho nông dân.
Ông Nguyễn Thành Lợi- chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Phù Mỹ cho biết: “Vụ hè thu năm nay, nông dân Phù Mỹ trồng được 85ha kiệu giống. Hàng năm, diện tích trồng kiệu thương phẩm để bán tết trên địa bàn huyện đạt bình quân gần 1.000ha”.
Tuy nhiên, theo nhiều nông dân chuyên trồng kiệu, năm ngoái kiệu giống không mất mùa nhưng đến vụ kiệu chính những hộ không có đất trồng kiệu giống đã phải mua giống với giá 27.000 đồng/kg (chưa lặt rễ). Năm nay, nếu tình trạng nhiều ruộng kiệu bị chết dần do nắng hạn thì giá kiệu giống chắc chắn sẽ còn tăng cao do mặt hàng này khan hiếm, cung không đủ cầu.
Theo UBND huyện Phù Mỹ, nắng nóng tiếp tục kéo dài đang khiến cuộc sống nhiều nông dân lao đao. Hiện nay, toàn huyện có 726,3ha cây trồng vụ hè thu bị hạn và bị xâm nhập mặn (trong đó: 90 ha lúa bị chết), 21ha lúa bị nhiễm rầy và 43,5ha bị nhiễm bệnh đạo ôn. Đặc biệt, 4.580 hộ dân với 18.917 khẩu tại 13/19 xã, thị trấn đang đối mặt với nỗi lo “khát” nước sinh hoạt.
Ông Hà Ngọc Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ nói: “Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND huyện đã giao cho Ban quản lý Nhà máy cấp nước sạch Phù Mỹ tiếp nhận quản lý và phát huy hết công suất 2 công trình cấp nước sinh hoạt tại 2 xã (Mỹ Thành, Mỹ Phong) vừa mới nâng cấp. Hai công trình này sẽ cấp nước sinh hoạt cho gần 2.200 hộ dân tại các địa phương nói trên. Bên cạnh đó, sẽ sớm đưa công trình cấp nước sinh hoạt hồ Hóc Môn (xã Mỹ Châu) vào sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho người dân”.
Theo Danviet
Trồng kiệu lãi hơn 200 triệu đồng/ha
Nhiều năm gần đây, nông dân trồng kiệu ở tỉnh Đồng Tháp thu lợi nhuận "hấp dẫn" vì năng suất cao, giá liên tục tăng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha.
Dễ trồng
Nông dân thu hoạch kiệu thương phẩm. Ảnh: C.T
Việc trồng kiệu cũng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nhàn rỗi tại địa phương có thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày. Chị Trần Thị Mẫm ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, gia đình có 5 người làm thuê có thu nhập khá trong các khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, phơi kiệu giống.
Kiệu là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư, nhanh cho thu hoạch và đem lại giá trị kinh tế khá cao. Mỗi ha nếu thâm canh tốt có thể cho năng suất từ 35 - 50 tấn củ. Nhu cầu cây kiệu trên thị trường nội địa cũng khá lớn nên dễ bán, được giá. Cây kiệu có thể trồng quanh năm nhưng thường có 2 vụ. Vụ chính trồng từ tháng 9 đến tháng 1, thu hoạch vào cuối tháng 1 - 2, vụ này cây sinh trưởng phát triển tốt nên cho năng suất cao, bán vào dịp tết được giá. Vụ phụ có thể trồng từ tháng 3 - 4 để thu hoạch vào tháng 7 - 8.
Hiện nay kiệu được trồng nhiều ở các xã Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, huyện Tam Nông và các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với diện tích vài trăm ha kiệu thương phẩm. Hằng năm, những nơi này cung ứng cho thị trường vùng ĐBSCL hàng trăm tấn kiệu và kiệu giống, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Vụ kiệu năm nay, do thời tiết thuận lợi, tình hình sâu bệnh không đáng kể nên năng suất đạt cao, chất lượng kiệu giống đạt yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Thu ngụ ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: "Kiệu dễ trồng, chịu hạn tốt, thị trường tiêu thụ mạnh nên làm kiệu thu lợi nhuận nhiều hơn so với trồng lúa. Tốt nhất là vụ kiệu tết vì giá cao, tiêu thụ mạnh".
Cây trồng triển vọng cho nhà nông
Ông Phạm Văn Tư ngụ xã Phú Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết: "Nhà tôi trồng 10 công kiệu thương phẩm, với giá bán 12.000 đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí, còn lãi hơn 30 triệu đồng/công".
Muốn trồng một công kiệu, người nông dân phải đầu tư trên 20 triệu đồng để mua kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu bơm nước tưới, cỏ hoặc rơm khô để phủ gốc kiệu và thuê nhân công trồng kiệu... Chăm sóc kiệu cũng rất công phu - nhất là việc canh nước khi mới xuống giống kiệu. Nếu để thiếu nước, đất khô, kiệu sẽ không lên mầm được; còn để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng, thối giống.
Trước khi trồng, đất phải được cày ải, phơi khô và lên liếp chiều ngang mặt liếp 1,5m, chiều dài tùy thuộc thửa đất. Khoảng cách trồng hàng ngang, hàng dọc từ 4 - 5cm thành ô vuông nhỏ trên mặt liếp. Trồng xong, dùng cỏ hoặc rơm khô tủ đều lên mặt liếp. Khi cỏ, rơm khô nằm êm thì bơm nước tưới cho thấm ướt đều rồi xả bỏ, đến khi đất khô hết độ ẩm thì tiếp tục tưới nước. Nguồn nước cần phải chủ động. Khi kiệu nảy mầm thì bón phân, xịt thuốc trừ sâu và tưới nước kịp thời. Có thể dùng phân DAP, urê bón thường xuyên theo yêu cầu phát triển của cây kiệu.
Ngoài ra, sử dụng thêm phân bón lá và thuốc trừ nấm bệnh- vàng lá, cháy lá và các loại thuốc dưỡng rễ để kiệu phát triển nhanh. Phải chọn giống thật tốt, đảm bảo khi trồng lên trên 90%. Bình quân lượng giống cho 1.000m2 từ 120kg - 130kg. Chênh lệch này là do sự khác nhau về giống kiệu tươi và giống kiệu khô.
Hiện nay, kiệu thương phẩm giá 12.000 - 14.000 đồng/kg; kiệu giống giá từ 27.000 - 30.000 đồng/kg; so với vài tháng trước kiệu đã tăng giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Bình quân sau khi gieo trồng 4 - 5 tháng kiệu bắt đầu thu hoạch, nếu đạt năng suất kiệu tươi có thể đạt từ 4 - 5 tấn/công. Kiệu được tiêu thụ khá nhiều tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng...
Mô hình trồng kiệu hiệu quả trên đất lúa kém hiệu quả đã góp phần giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm ở nông thôn.
Kinh nghiệm trồng kiệu đạt hiệu quả cao Để đạt năng suất cao, hạn chế các loại sâu bệnh tấn công, bà con cần chọn kỹ kiệu giống chất lượng, sạch bệnh. Khi xuống giống cần làm tốt khâu kỹ thuật như: Cày ải, lên liếp cao từ 25 - 30cm, các liếp cách nhau bởi các rãnh rộng 30cm để thoát nước nhằm tránh ngập úng khi có mưa lớn và giữ nước tốt khi thời tiết nắng hạn kéo dài. Bình quân xuống với số lượng từ 110 - 130kg/công (công = 1.000m2) tùy theo cấy dày hay thưa. Để kiệu phát triển tốt, cần sử dụng cân đối các loại phân, ngăn ngừa bệnh vàng lá, cháy lá, thán thư và các loại thuốc dưỡng để rễ kiệu phát triển nhanh.
Theo Danviet