Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Sáng 24/2 – đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, ngôi chùa Việt Nam mang tên Cảnh Phước ở thủ đô Bangkok ( Thái Lan) đông vui hơn thường lệ khi bà con kiều bào từ nhiều nơi cùng tới đây để dự lễ cầu an Tết Thượng nguyên – một trong những nghi thức cúng lễ đầu năm quan trọng trong văn hóa người Việt.
Kiều bào phấn khởi dự lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Sự kiện do Ban chấp hành Hội người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận tổ chức với mong muốn tăng cường tinh thần gắn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng hướng về những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, từ sáng sớm, nhiều cô bác trong Ban Phụ nữ Hội người Việt tại Bangkok và các vùng lân cận đã có mặt tại chùa để chuẩn bị cho buổi lễ. Dưới sự hướng dẫn của sư thầy Ong Ta, đông đảo bà con kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Thái Lan đã cùng thành tâm tụng niệm cầu cho quốc thái, dân an, người người được ấm no, hạnh phúc trong năm mới.
Quang cảnh lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/ Pv TTXVN tại Thái Lan
Video đang HOT
Chia sẻ tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Lợi, Trưởng Ban Phụ nữ Hội người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận, cho biết lễ cầu an vào Rằm tháng Giêng là nét đẹp truyền thống văn hóa tâm linh của mỗi người Việt, vẫn được bà con kiều bào tại Thái Lan gìn giữ. Cô bày tỏ vui mừng khi buổi lễ được các nhà sư rất quý trọng và ủng hộ hết sức. Qua buổi lễ ngày hôm nay, bà con cũng đã biết thêm về chùa và có trách nhiệm với việc xây dựng chùa cho bền vững và khang trang.
Thông qua Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, nhiều du học sinh cũng biết đến buổi lễ được tổ chức tại chùa để tới tham dự trong niềm hân hoan đầu năm mới. Sinh viên Bùi Thị Thu Hường thuộc Đại học Kasetsart cho biết rất vui khi được cùng các cô bác kiều bào trang trí, bày biện mâm lễ cúng Phật. Còn bạn Phạm Thúy Hoàng, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Mahidol, chia sẻ niềm hạnh phúc được gặp các cô chú người Việt và các bạn du học sinh. Thúy Hoàng cho biết: “Đây cũng là dịp lễ lớn ở Việt Nam mình, em đến dâng hương và cầu chúc cho tất cả mọi người đều được bình an và mọi việc thuận lợi. Các bạn học sinh sẽ đạt được những thành tích tốt nhất”.
Quang cảnh lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/ Pv TTXVN tại Thái Lan
Nhân buổi lễ được tổ chức tại Chùa Cảnh Phước, Ban chấp hành Hội Người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận cùng đông đảo bà con kiều bào đã thành kính cúng dường khoảng 35.000 baht (gần 25 triệu đồng) để nhà chùa tiếp tục tu bổ, gìn giữ chùa. Sư thầy chủ trì buổi lễ mong bà con Phật tử phát huy lòng từ bi bác ái, đoàn kết hơn nữa và tiếp tục hỗ trợ công tác Phật sự của nhà chùa.
Sau buổi lễ, các Phật tử và những người tham dự được thưởng thức những món ăn do kiều bào thủ đô Bangkok và vùng phụ cận chuẩn bị và cùng tận hưởng không gian thuần Việt trong khuôn viên của chùa.
Chùa Cảnh Phước (Wat Samananamboriharn) là một trong 7 ngôi chùa của người Việt ở thủ đô Bangkok. Chùa tọa lạc tại địa chỉ số 416, đường Luk-luang, phường Mahanak, quận Dusit, thủ đô Bangkok. Theo nhiều tài liệu qua lời kể của kiều bào, Hòa thượng Bảo Ân (1906-1964), tên thật là Nguyễn Văn Báo, là sư thầy đầu tiên trụ trì ngôi chùa này. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi tập kết và Hòa thượng Bảo Ân là đầu mối thông tin hoạt động cách mạng ở thủ đô Bangkok. Ngài đảm trách việc cung cấp tài liệu cũng như điều phối các hoạt động hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở trong nước. Hòa thượng Bảo Ân từng trực tiếp ngồi trên xe để đảm bảo đưa 10 tấn vũ khí đầu tiên về Việt Nam và cập cảng Vàm Ông ngày 11/7/1946. Ngày nay, trong khuôn viên chùa còn lưu giữ pho tượng vàng, kích thước bằng người thật tôn danh Hòa thượng Bảo Ân.
Xuân Giáp Thìn 2024: Kiều bào Thái Lan giữ truyền thống Tết Việt
Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa và bà Võ Thị Bình là một trong số hàng trăm nghìn kiều bào tại Thái Lan.
Dù sinh ra và lớn lên trên đất Thái và nay đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm", ông bà vẫn giữ truyền thống ăn Tết cổ truyền dân tộc, bắt đầu từ lễ cúng ông Công ông Táo.
Ông Hòa cẩn thận bày biện bàn lễ cúng ông Công ông Táo. Ảnh: Đỗ Sinh - P/v TTXVN tại Thái Lan
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Hòa bà Bình có 4 người con đều đã trưởng thành, ngoài con trai cả đang định cư ở Mỹ, 3 người còn lại vẫn ở Thái Lan và giúp bố mẹ quản lý chuỗi nhà hàng Bếp Sài Gòn tại một số trung tâm thương mại của Tập đoàn Central ở thủ đô Bangkok. Tết năm nay, gia đình ông bà có thêm niềm vui khi vừa dọn đến ngôi nhà mới ở huyện Sam Khod, tỉnh Pathum Thani giáp Bangkok.
Đúng ngày 23 tháng Chạp, gia đình ông Hòa sửa soạn chu đáo cho lễ cúng tiễn ông Công ông Táo. Mâm cúng mang đầy hương vị truyền thống từ quê hương Lệ Sơn, Quảng Bình của ông qua bàn tay chế biến khéo léo của người vợ gốc Huế, với các món mặn như bánh chưng, dưa món, gà luộc nguyên con, gà xé phay, tôm hấp, ram (nem rán), bò kho cho tới các món ngọt như xôi vò, mứt gừng, mứt dừa, mứt cà chua, cũng không thiếu hoa quả, trà rượu, vàng hương, giấy tiền, quần áo để cúng tổ tiên. Đặc biệt, trên bàn lễ còn có chậu nước nhỏ với 3 con cá vàng óng ả. Ông Hòa vui vẻ cho biết ông đã lái xe về chợ Chatuchak ở Bangkok để tìm và may mắn mua được 3 con cá vàng đúng như ý.
Đúng 10 giờ sáng, khi mâm lễ đã được bày biện hoàn tất, ông Hòa thắp đèn nhang, kính cẩn bắt đầu lễ cúng tạ ơn tổ tiên, tạ ơn các Táo đã phù hộ độ trì cho gia đình năm qua được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và cầu nguyện năm mới được bình an may mắn. Bà Bình vợ ông và hai người bạn trong Hội người Việt Nam tại Bangkok và vùng phụ cận sau thời gian tất bật ở bếp để chuẩn bị cho mâm cúng cũng đã kịp thay sang áo dài truyền thống để ra làm lễ.
Trong không khí ấm áp của buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lý, hội viên Hội người Việt Nam tại Bangkok và vùng phụ cận cho biết phần đông các gia đình người Việt ở Bangkok vẫn theo truyền thống cúng Tết từ ngày 23 tháng Chạp. Đối với kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, không khí những ngày giáp Tết cổ truyền cũng nhộn nhịp, tất bật không khác ở nhà vì ai ai cũng náo nức đi sắm sửa đồ lễ để thực hiện lễ cúng theo truyền thống của Việt Nam. Bà Lý chia sẻ rằng dù ở xa quê hương nhưng họ vẫn luôn theo dõi tình hình tin tức ở Việt Nam để dạy con cháu làm theo, giữ mãi truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Kết thúc lễ cúng, gia đình ông Hòa thực hiện hóa vàng ngay ngoài sân theo đúng phong tục tập quán quê hương. Ông Hòa cho biết đến ngày 30 Tết, gia đình ông sẽ làm một mâm cỗ tương tự để đón các Táo trở về nhà.
Tết này, ông bà sẽ du Xuân lên miền Đông Bắc Thái Lan, nơi đặt chân đầu tiên trên đất Thái của bố mẹ ông năm xưa, để thăm lại cảnh cũ và cùng "ôn cố tri tân" với những bạn bè Việt kiều của mình.
Cơ hội gìn giữ văn hóa Việt từ một cuộc bầu cử Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 22/10, trong khuôn viên Trường cao đẳng kỹ thuật Don Mueang, lần đầu tiên cộng đồng người gốc Việt tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận đã có dịp tề tựu để bỏ phiếu bầu ra Ban chấp hành Hội người Việt Bangkok với mong muốn có một tổ chức quy tụ, đoàn...