Kiều bào tại Mỹ ủng hộ hơn 100.000 USD chống Covid-19
Kiều bào Việt Nam ở các bang miền tây nước Mỹ quyên góp hơn 100.000 USD ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19 tại quê hương.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ sáng 13/4 tổ chức lễ tiếp nhận ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của kiều bào tại các bang miền tây nước Mỹ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Tại buổi lễ, ông David Dương, chủ tịch công ty California Waste Solutions có trụ sở tại Bắc California, đã đại diện công ty trao tặng số tiền là 100.000 USD. Ông Nguyễn Công Chánh thay mặt các kiều bào khu vực bang California, trao 15.650 USD tiền quyên góp.
Ngoài ra, một số kiều bào tại thành phố San Francisco đã ủng hộ 200 triệu đồng (hơn 8.500 USD) để chuyển về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổng số tiền quyên góp được tính đến ngày 13/4 là gần 119.335 USD và 200 triệu đồng.
Ông David Dương (trái) trao tượng trưng 100.000 USD ủng hộ Việt Nam chống Covid-19 cho Tổng Lãnh sự Nguyễn Trác Toàn tại San Francisco, Mỹ hôm 13/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Tổng Lãnh sự Nguyễn Trác Toàn đã cảm ơn các doanh nghiệp và kiều bào. Ông cho rằng Covid-19 là thách thức lớn nhất hiện nay với tất cả quốc gia trên toàn cầu. Những ngày qua, Việt Nam vẫn đang là một trong những nước làm tốt nhất, được thế giới công nhận và đánh giá cao. Sự đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của người dân dù ở trong nước hay nước ngoài đều đang được phát huy mạnh mẽ, củng cố niềm tin và sức mạnh chiến thắng đại dịch cho đất nước.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco cam kết sẽ nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền ủng hộ tiếp nhận được về nước để phục vụ kịp thời cho công tác phòng chống Covid-19.
Thay mặt kiều bào tham dự buổi lễ, ông David Dương và ông Nguyễn Công Chánh khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại các bang miền tây nước Mỹ dù làm gì, ở đâu vẫn luôn hướng về quê hương, nhất là trong lúc khó khăn như hiện nay. Cộng đồng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của chính phủ và sự đồng lòng của người dân, Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi Covid-19.
Video đang HOT
Ánh Ngọc
Cách biệt cộng đồng tại Mỹ có thể đang phát huy tác dụng
Dữ liệu ban đầu tại bang California và Washington cho thấy phương pháp cách biệt cộng đồng đang phát huy hiệu quả sau hai tuần được thực hiện.
Washington và California là những bang đầu tiên ghi nhận các trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng, cũng là bang đầu tiên tại Mỹ yêu cầu người dân ở nhà bắt buộc. Phân tích từ các cơ quan nghiên cứu và giới chức cho thấy động thái này đã giúp hai bang có thêm thời gian quý giá ứng phó với dịch bệnh, đồng thời góp phần "làm phẳng" đường cong trên đồ thị ca nhiễm mới.
Người dân đứng chờ xe buýt tại khu dân cư Union Square của thành phố San Francisco. Ảnh: Washington Post.
Dù bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh tại Mỹ chưa đầy đủ do năng lực xét nghiệm còn hạn chế, thực tế là Covid-19 lây lan với tốc độ khác nhau ở những nơi khác nhau. California và Washington vẫn tiếp tục báo cáo ca nhiễm và tử vong mới nhưng không còn tăng mạnh như ở một số khu vực thuộc Bờ Đông. Nỗ lực cách biệt cộng đồng cần được duy trì thêm vài tuần nữa để có hiệu quả rõ nét, chuyên gia cho hay.
Dữ liệu "mang đến hy vọng tuyệt vời và hiểu biết về những gì có thể xảy ra", Deborah Birx, điều phối viên phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết trong họp báo ngày 31/3. "Ở New Orleans, Detroit, Chicago và Boston hiện nay, chúng tôi đang cố gắng đảm bảo những thành phố này áp dụng các phương pháp giống California hơn là New York".
Đã 16 ngày trôi qua kể từ thời điểm các hạt tại khu vực Vịnh San Francisco yêu cầu 6 triệu người dân không ra khỏi nhà và 13 ngày kể từ khi mệnh lệnh trên được mở rộng ra toàn bang California. Tính đến 31/3, số ca nhiễm nCoV trên đầu người tại New York đã cao gấp 15 lần khu vực Vịnh San Francisco.
"Mỗi hành động quyết liệt dường như đều giúp làm chậm quá trình lây lan", quan chức y tế công cộng San Francisco Grant Colfax nói. Thành phố đến nay báo cáo 397 ca nhiễm nCoV và 6 ca tử vong.
Theo các chuyên gia y tế công cộng, biện pháp cách biệt cộng đồng chưa thể chặn đứng virus nhưng mục tiêu đề ra là làm chậm tốc độ lây lan nhằm tránh gây quá tải cho hệ thống y tế. Bệnh viện ở California hiện chưa rơi vào tình trạng quá tải.
"Phòng cấp cứu đang khá im ắng", Jahan Fahimi, bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện UCSF ở San Francisco, nói, cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ những biện pháp phản ứng sớm từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông lưu ý tình hình "vẫn chưa thể đảo ngược".
Các biểu đồ về sự lây lan nCoV từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington chỉ ra rằng các bước đi của California đã giúp giảm tổng số ca tử vong dự kiến từ 6.100 xuống 5.100.
"Chúng ta đang nhìn thấy số ca tử vong ít đi và đường cong được làm phẳng", Ali Mokdad, giảng viên cấp cao tại IHME, cho hay. California đến nay báo cáo 150 người chết vì nCoV.
Biểu đồ của IHME dự đoán sẽ có khoảng 94.000 người chết vì Covid-19 trên khắp nước Mỹ. Biểu đồ được cập nhật theo ngày với dự liệu từ tất cả các bang. Nó được tạo ra để giúp các bệnh viện và cơ quan quản lý xác định họ cần bao nhiêu giường bệnh chăm sóc đặc biệt và máy thở.
Tại bang Washington, nơi dịch bệnh khởi phát từ một nhà dưỡng lão hồi tháng hai, nhà chức trách bắt đầu cấm các sự kiện trên 250 người ở Seattle từ 11/3, yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa từ 16/3, sau đó yêu cầu toàn bộ người dân trong bang không ra khỏi nhà từ 23/3. Nhờ những hành động này mà số ca tử vong trong dự báo của IHME đối với bang Washington đã giảm từ 2.000 xuống còn 1.600. Đến nay, bang ghi nhận 195 người chết vì nCoV.
Thống đốc California Gavin Newsom hôm 31/3 cho hay ông muốn "thận trọng" khi đưa ra kết luận về tính hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng mà bang đang theo đuổi, nhưng cho biết ông cảm thấy tự tin hơn rằng hệ thống y tế có thể đối phó với những biến động sắp tới.
"Chúng tôi có thời gian chuẩn bị. Đó là mục tiêu của áp dụng cách biệt cộng đồng sớm", Thống đốc Newsom nói.
Các y tá tập hợp lấy mẫu xét nghiệm nCoV ở Orlando, Florida, ngày 1/4. Ảnh: AP.
Nicholas Jewell, giáo sư về thống kê sinh học tại Đại học Berkeley California, cho biết áp dụng biện pháp cách biệt cộng đồng sớm hơn một tuần có thể mang đến khác biệt lớn trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan. Theo ông, việc một số bang của Mỹ chưa áp dụng triệt để biện pháp này thực sự gây lo lắng.
"Nhiều bang vẫn có quan điểm 'chúng ta phải giữ cho nền kinh tế luôn mở', đó là một sai lầm", ông nói. "Đây là bài học ta đã thu được từ hết dịch bệnh này đến dịch bệnh khác".
Khoảng 30 bang của Mỹ đã ban hành lệnh không ra khỏi nhà đối với tất cả người dân, ngoại trừ những người làm việc trong các ngành "thiết yếu".
Ở Florida, Thống đốc Ron DeSantis ban đầu nói ông sẽ chỉ ban hành lệnh ở yên trong nhà tại 4 hạt ở phía nam. Nhưng hôm 1/4, DeSantis thông báo sẽ ban bố lệnh không ra khỏi nhà trên toàn bang, có hiệu lực từ đêm 2/4 và kéo dài trong 30 ngày.
"Chúng tôi đang cố nói với tất cả mọi người rằng cách biệt cộng đồng thực sự có hiệu quả", Mokdad từ IHME cho biết.
Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thừa nhận tại cuộc họp báo hôm 31/3 ở Nhà Trắng rằng cách biệt cộng đồng "gây bất tiện" với hầu hết người dân, song ông khẳng định "đó là câu trả lời cho vấn đề của chúng ta".
Những tin tốt đang xuất hiện không phải là dấu hiệu để các thành phố và các bang nới lỏng biện pháp hạn chế, giới nghiên cứu lưu ý. Họ nhấn mạnh việc người dân ở yên trong nhà là yếu tố quan trọng nhất giúp ngăn chặn dịch bệnh lây rộng. Một số khu vực thậm chí đã nới rộng lệnh cấm ra khỏi nhà, chẳng hạn vùng Vịnh San Francisco tuyên bố sẽ áp dụng kéo dài đến đầu tháng 5.
Tuy nhiên, để dập tắt dịch bệnh, chỉ thực hiện cách biệt cộng đồng là chưa đủ, chuyên gia đánh giá. Khi lệnh không ra khỏi nhà được dỡ bỏ, virus có thể lây lan trở lại. Nhằm ngăn chặn kịch bản này, việc các bang của Mỹ cần làm là nhanh chóng tiến hành xét nghiệm hàng loạt.
"Khi đợt sóng đầu tiên qua đi, chúng ta sẽ cần đến những cỗ máy xét nghiệm số lượng lớn", Christopher Murray, giám đốc IHME, cho hay. "Chúng ta phải xét nghiệm hàng loạt, phát hiện người lây nhiễm và cách ly".
Vũ Hoàng
Du thuyền bị phong tỏa ngoài khơi San Francisco Du thuyền Grand Princess đang bị phong tỏa ngoài khơi San Francisco do liên quan tới ca tử vong đầu tiên vì nCoV tại bang California. Người đàn ông 71 tuổi tử vong hôm 4/3 tại bang California là một trong ba hành khách dương tính với nCoV sau chuyến du lịch khứ hồi bằng tàu Grand Princess từ thành phố San Francisco...