Kiều bào làm sứ giả về chủ quyền biển đảo Việt Nam
Mỗi người Việt ở nước ngoài đều có thể là cầu nối tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam, và là nhân tố kết nối sự ủng hộ của bạn bè thế giới trong đàm phán đa phương về chủ quyền lãnh hải trên biển Đông.
Chiều 28/9, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã hâm nóng không khí Hội nghị người Việt ở nước ngoài bằng báo cáo về Trường Sa và tình hình Biển Đông. Trước đại biểu kiều bào, ông Tuấn khẳng định, Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm chủ quần đảo Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo này.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn giải thích, do điều kiện khó khăn trong từng giai đoạn lịch sử, Việt Nam đã không thể giữ trọn tất cả các đảo. Tuy nhiên từ năm 1988 đến nay, Việt Nam không để mất một tấc biển đảo nào. Ông kêu gọi bà con kiều bào tin tưởng vào quyết tâm giữ vững toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đặc biệt là các quần đảo trên Biển Đông.
Việt kiều đã quyên góp được hơn 20.000 USD ủng hộ Trường Sa sau bài phát biểu của thiếu tướng. Các đại biểu kiều bào còn góp ý kiến, nêu quan điểm về việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Khoái, kiều bào Đức, chia sẻ ông rất tâm đắc khi Chính phủ cử lãnh đạo phản hồi trực tiếp về tình hình biển đảo cho bà con Việt kiều. “Trường Sa là của Việt Nam, có bằng chứng lịch sử lâu đời. Đồng bào trong và ngoài nước cần kết hợp lại, cùng tìm cách gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải”, ông nói.
Kiều bào được ví như sứ giả kết nối sự ủng hộ của bạn bè thế giới trong đàm phán đa phương về chủ quyền lãnh hải trên biển Đông. Ảnh: Vũ Lê
Theo ông Khoái, Việt Nam từng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đối với tranh chấp biển đảo trên Biển Đông, người Việt trong và ngoài nước có thể tranh thủ tình cảm của bạn bè thế giới, vận dụng các quy định, luật lệ biển quốc tế, thậm chí đệ trình lên Liên Hiệp Quốc để tìm sự ủng hộ. Ông Khoái cho rằng kiều bào sẽ là sứ giả tuyên truyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra bạn bè thế giới, đây là sức mạnh vô hình nhưng rất to lớn.
Ông Vũ Đình Yến, 63 tuổi là Việt kiều Thái Lan bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng không quên cội nguồn là người Việt và luôn theo dõi tình hình ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa của Việt Nam”.
Video đang HOT
Ông Yến cho biết vẫn thường xuyên cập nhật thông tin về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các phương tiện truyền thông. Trong những chuyến đi về giữa Việt Nam và Thái Lan, ông còn vận động người Việt trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ vật chất cho các chiến sĩ ở Hoàng Sa để họ yên tâm bảo vệ biển đảo.
“Không nên dùng vũ lực giải quyết tranh chấp các quần đảo trên Biển Đông. Việt kiều cần cùng với nhân dân trong nước tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực để giải quyết tranh chấp này trên bàn đàm phán đa phương”, ông nói.
Còn Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam ở Hungary, Phạm Ngọc Chu chia sẻ: “Cộng đồng kiều bào ở nước ngoài rất quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường đàm phán đa phương”.
Theo ông Chu, tranh chấp biển đảo đang xảy ra khắp nơi, ở nhiều quốc gia và khắp các châu lục chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, với mối quan hệ láng giềng Việt – Trung, cần chọn hướng giải quyết tranh chấp ít gây ra tổn thương cho nhân dân hai nước. Ông Chu cho rằng, gây áp lực về ngoại giao và mở rộng tầm ảnh hưởng của Biển Đông với cộng đồng quốc tế cũng là một trong những cách giải quyết tranh chấp ôn hòa và khả thi.
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Tạ Nguyên Ngọc cho biết: “Bài phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã nói thay nỗi lòng của nhiều người Việt xa xứ hướng về quê hương”.
Theo ông Ngọc, người Việt đang sống ở khắp nơi trên thế giới có nhiều mối quan tâm về cội nguồn dân tộc như: kinh tế, chính trị, văn hóa… Trong đó, vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đặc biệt được kiều bào chú trọng. Tuy nhiên, do ở xa nên bà con bị thiếu hoặc chưa tiếp cận đầy đủ các thông tin chính thống. Vì thế, bài phát biểu trực tiếp của Thiếu tướng đã giải tỏa được phần nào những lo lắng của kiều bào trước những thông tin không chính xác ở bên ngoài.
“Đây không chỉ là dịp Việt kiều gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội đầu tư mà còn là kênh liên kết cộng đồng người Việt trên thế giới chung tay, góp sức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với bạn bè quốc tế”, ông Ngọc nói.
Theo VNE
Nguồn lực kiều bào chưa được khai thác tốt
Cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài là nguồn lực to lớn nhưng do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên Việt Nam chưa khai thác tốt tiềm năng của kho báu này.
Hôm qua, tại Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và nhiều đại biểu đã nhìn thẳng vào thực trạng đánh rơi chất xám từ cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc. Trong phiên khai mạc và trình bày tham luận chuyên đề, hội nghị xoáy vào việc tìm giải pháp khơi thông nguồn lực to lớn của cộng đồng này trong thời gian tới.
Trước gần 1.000 đại biểu và kiều bào, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nói: "Hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc đồng thời là tài sản quý báu của đất nước. Thế nhưng nguồn lực to lớn này vẫn chưa được khai thác hết".
Ông Lê Hồng Anh nhận xét, công tác về người Việt ở nước ngoài còn nhiều việc phải làm. Các chính sách liên quan đến quyền lợi của kiều bào như quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà... vẫn còn những vướng mắc. Cấp bách nhất là còn thiếu cơ chế kêu gọi, hỗ trợ trí thức kiều bào về làm việc trong nước.
Từ thực tế này, ông Lê Hồng Anh kêu gọi kiều bào đóng góp ý kiến về hướng phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất gói giải pháp thu hút nguồn lực này. "Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác về kiều bào, đồng thời đề xuất đề án vận động cộng đồng trước mắt và lâu dài", ông nói.
Các thế hệ kiều bào ở nước ngoài đang là nguồn lực to lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng hiệu quả lượng chất xám này do thiếu các cơ chế đãi ngộ thỏa đáng. Ảnh: Vũ Lê
Là Việt kiều Philippines về nước từ năm 1984, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn nhận xét: "Nguồn lực của kiều bào của Việt Nam rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa khai thác hết thế mạnh".
Ông đề xuất Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài gắn bó với quê hương, bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt, từ đó trở về quê cha đất tổ kinh doanh và đầu tư.
Theo ông Johnathan, nhà nước cần chú trọng hình thức khen thưởng động viên kịp thời tương xứng với những thành tích đóng góp có hiệu quả của các kiều bào. Nhất là tập trung chú ý phát hiện bồi dưỡng các nhân tố tích cực làm lực lượng nòng cốt đóng góp, phục vụ cho đất nước.
Doanh nhân Việt kiều Philippines này cho hay, hiện nay kiều bào không chỉ có người lớn tuổi mà còn có thế hệ trẻ đang nổi lên với nhiều thành tích. Chính thế hệ thứ hai, thứ ba này đang làm thay đổi cơ cấu cộng đồng người Việt ở xa quê hương.
Đặc điểm của thế hệ trẻ, theo ông Johnathan, là đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít có cơ hội tiếp cận với văn hoá, chưa hiểu rõ tập quán và truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên bù lại các em được tiếp cận với môi trường khoa học quản lý tiên tiến, hiện đại với tư duy sáng tạo. "Thế hệ trẻ chính là nguồn lực mới, nối tiếp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài", ông nói.
Kiều bào Mỹ là người Việt gốc Hoa về dự Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần 2 tại TP HCM ngày 27/9. Ảnh: Vũ Lê
Báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt trên thế giới tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú. Đến nay, có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Cộng đồng ngày càng ổn định, hòa nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức.
Hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có nhiều chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh.
Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% mỗi năm. Riêng năm ngoái kiều hối đạt trên 9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hồi nhiều nhất. 6 tháng đầu năm 2012 kiều hối đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước.
Riêng kiều bào là chuyên gia, trí thức, hàng năm có gần 300 lượt về nước đóng góp chuyên môn và tham gia các chương trình nghiên cứu, triển khai công nghệ giáo dục đào tạo nhưng phần lớn đều là hoạt động ngắn ngày. Trong số các chuyên gia giỏi có không ít người là doanh nhân thành công tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với nguồn lực to lớn của kiều bào.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho hay nhiều năm nay Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã xây dựng đề án thu hút chuyên gia gốc Việt về xây dựng đất nước. Theo đó, đề án này đề xuất chính sách có tính chất đột phá về đãi ngộ.
Nhiều đại biểu cho rằng chính phủ cần tạo đầu mối thông tin hỗ trợ Việt kiều về nước thành lập các nhóm chuyên gia đầu ngành, đóng vai trò hỗ trợ tư vấn chiến lược. Cách thiết thực nhất là xây dựng mô hình thí điểm, từ đó điều chỉnh hoàn thiện chính sách khuyến khích chuyên gia gốc Việt trở về góp phần xây dựng quê hương.
Theo VNE
Tranh chấp biển đảo: Philippines cử phái viên gặp lãnh đạo Trung Quốc Bộ Ngoại giao Philippines đang dàn xếp để trong thời gian diễn ra Hội chợ Trung Quốc-ASEAN, Bộ trưởng Nội vụ nước này có buổi nói chuyện trực tiếp với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Một nhóm hải quân và chính trị gia Philippines thăm Scarborough/Hoàng Nham trong một bức ảnh...