Kiệt quệ vì lợn, nông dân ồ ạt chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt
Vài năm trở lại đây, có thể coi là khoảng thời gian đáng quên nhất đối với những người chăn nuôi lợn, hết “bão giá” rồi lại “bão bệnh”, khiến các hộ chăn nuôi kiệt quệ về tài chính, thậm chí còn phá sản. Đặc biệt, trước đại dịch tả lợn Châu Phi đang không ngừng lây lan, nhiều nông dân đã ồ ạt chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt.
Nông dân đổ xô đi nuôi gà, nuôi vịt
Ngành chăn nuôi lợn từ đầu năm đến nay liên tiếp gặp nhiều khó khăn khi đã có tới 61 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (số liệu tính tới ngày 3/7), số lợn phải tiêu hủy đã lên tới gần 3 triệu con. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã quyết định chuyển sang chăn nuôi gia cầm.
Gia đình anh Cao Văn Đình (35 tuổi, trú ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) từng là hộ chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất nhì của xã Hải Đông, nhưng sau đợt bão giá lợn năm 2017, dịch lở mồm long móng cuối năm 2018, gia đình anh phải giảm đàn để cầm cự, chờ ngày lợn tăng giá.
Giá tăng chưa thấy đâu thì dịch tả lợn Châu Phi quét qua vào vài tháng trước là dấu chấm hết với nghề nuôi lợn của gia đình anh.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, anh Đình cho biết, hết “bão giá” rồi lại đến dịch bệnh trong vài năm vừa qua khiến gia đình anh kiệt quệ. Cuối năm vừa rồi, thấy giá lợn hơi nhích lên gia đình anh cũng đi mua gần 100 con lợn giống về nuôi mong gỡ gạc lại, nhưng trớ trêu thay, anh lại lâm vào tình cảnh thê thảm hơn cùng với nhiều người chăn nuôi khác do đại dịch tả lợn Châu Phi.
Anh Cao Văn Đình không phải là hộ nông dân nuôi lợn duy nhất từ bỏ nuôi lợn để chuyển sang nuôi gia cầm. Trên thực tế, một số lượng lớn các trang trại chăn nuôi lợn đã mở rộng sản xuất sang các vật nuôi khác như: gà, vịt, cá, bò, thỏ….
Thấy nghề nuôi lợn nhiều rủi ro chẳng khác nào đánh canh bạc lớn, anh Đình quyết định chuyển sang nuôi vịt thương phẩm, mỗi lứa có khi lên đến hơn 20.000 con.
“Từ đầu năm đến giờ, tôi đã bán được khoảng 50.000 con vịt thịt thương phẩm, trung bình mỗi con nặng từ 2,5 – 3kg, giá bán năm nay lại cao và ổn định ở mức từ 35.000 – 45.000 đồng/kg”, anh Đình tiết lộ.
Cũng theo anh Đình, so với nuôi lợn thì nuôi vịt có nhiều ưu điểm hơn hẳn, chi phí đầu tư mô hình thấp, ít rủi ro hơn và lại nhanh cho thu hồi vốn, mỗi chu kì nuôi chỉ khoảng 50 ngày là vịt có thể xuất bán. Thị trường vịt thịt cũng không bị cạnh tranh khốc liệt như gà hoặc heo lợn. Mặt khác, vịt lại dễ nuôi, dễ chăm sóc và ít bị bệnh tật…
Video đang HOT
“Chuồng trại nuôi lợn trước nay đã được tôi tận dụng làm nơi úm vịt con, do diện tích lớn nên có những lứa tôi nhập tới hơn 20.000 con vịt giống nên vẫn thiếu chỗ để úm. Nuôi vịt thì còn ra tiền, chứ cứ lao theo con lợn thì có khi nhà cũng không còn mà ở”, anh Đình tâm sự.
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, tổng đàn gia cầm của cả nước hiện nay tăng từ 15% cho đến 16%.
Giống như anh Đình, anh Hoàng Ngọc Việt (34 tuổi) ở thôn Đồng Tâm, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng chọn nuôi gà làm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Hiện anh Việt đang có hơn 10.000 m2 chuồng trại và đang nuôi hàng nghìn con gà ri. Trung bình, mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường hơn 4 tấn gà ri thương phẩm, với giá bán luôn ổn định ở mức 120 ngàn đồng/kg.
Nguy cơ dư thừa các sản phẩm gia cầm?
Anh Hoàng Ngọc Việt cho hay, hiện nay cũng có khá nhiều người chuyển sang nuôi gà, các trang trại gà quy mô lớn từ vài trăm cho đến hàng nghìn con mọc lên như nấm, nên dự báo đầu ra sắp tới sẽ cạnh tranh khốc liệt. Để ổn định đầu ra hơn, trại gà của anh được nuôi theo quy trình VietGAP để có chỗ đứng trên thị trường.
“Một số chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ở Vĩnh Phúc và Hà Nội cũng đã ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm của trại. Đặc biệt, các khu resort, nghỉ dưỡng ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng lựa chọn gà từ trại của anh để làm thực phẩm tiếp đón khách nghỉ dưỡng, trong đó có cả những khu resort 5 sao nên tôi cũng yên tâm hơn về đầu ra”, anh Việt chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Đình hay anh Việt mà trên cả nước còn rất nhiều hộ dân, chủ trang trại, doanh nghiệp… cũng đang ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, việc ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm như thế sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy xấu về sau này, có khả năng dư thừa các sản phẩm từ gia cầm như: thịt và trứng…
Trước thực trạng dịch tả lợn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều nông dân ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm khiến nguy cơ dư thừa trong thời gian tới là rất cao ?.
Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đạt 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do thời gian qua, Đồng Nai có thêm nhiều dự án đầu tư mới trong chăn nuôi gà công nghiệp.
Một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm vì thị trường tiêu thụ tốt. Mảng chăn nuôi gà ta thả vườn cũng đã chuyển hướng theo quy mô công nghiệp. Theo ông Quang, trong 1 năm, các trang trại có thể nuôi được từ 4-5 lứa gà công nghiệp nên rất nhanh thu hồi vốn. Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh) thì bày tỏ lo ngại: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tăng đàn mạnh, áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng lớn, khiến thị trường thịt gà sẽ khó có mức giá cao, thậm chí dư thừa nếu chăn nuôi ồ ạt, mất kiểm soát”.
Theo Danviet
Lạ mà hay: Bỏ phố về quê nuôi thỏ bán cho Nhật, thu 60 triệu/tháng
Đang có một công việc lương cao và ổn định trên thành phố, nhưng anh Trần Văn Toản (29 tuổi, trú ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) vẫn quyết định bỏ việc, về quê xây dựng mô hình nuôi thỏ thịt thương phẩm và cho thu nhập 60 triệu đồng/ tháng. Mô hình nuôi thỏ bán cho Nhật của anh Toản được nhiều người ở địa phương khen ngợi là lạ mà hay.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, anh Toản tâm sự, trước kia anh làm việc trong một công ty may ở Tp. Hồ Chí Minh được khoảng gần 10 năm, ngày đó thu nhập từ công việc này cũng khá cao và ổn định, khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.
Làm việc xa nhà với thời gian dài, luôn khiến anh nhớ nhà, nhớ quê hương da diết, nhiều lúc anh chỉ muốn về quê rồi tìm một công việc gì đó làm để được gần gia đình. Sau khi được bố mẹ tư vấn về quê nuôi thỏ, anh liền quyết định ngay về quê lập nghiệp với loại vật mà anh chưa từng nuôi trước đó.
"Trước đó thì bố mẹ tôi cũng có nuôi thỏ nhưng quy mô nhỏ, tuy vậy cũng cho mức thu nhập cũng khá. Cách đây 3 năm về trước, phía công ty Nhật Bản ký hợp đồng nhận bao tiêu đầu ra cho đàn thỏ nuôi, bố mẹ gọi điện bảo: "Nuôi thỏ đầu ra ổn định lắm, vì có công ty Nhật Bản thu mua, về quê nuôi thỏ đi con, thu nhập cũng khá" nên tôi quyết định về quê nuôi thỏ", anh Toản nhớ lại.
Nhờ về quê nuôi thỏ mà mỗi tháng gia đình anh Trần Văn Toản ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu có thu nhập lên dến 60 triệu đồng/tháng.
Đầu năm 2017, anh rời thành phố TP.HCM-đô thị phồn hoa đô hội nhất Việt Nam để về quê xây dựng chuồng trại và mua hơn 100 con thỏ nái về nuôi thử nghiệm.
Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm, nhưng do nắm bắt được kỹ thuật nuôi thỏ cơ bản nên đàn thỏ phát triển khá tốt. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, anh Toản không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi thỏ, cũng như đi thăm quan các mô hình nuôi thỏ cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.
Sau hơn 2 năm gắn bó với nghề nuôi thỏ, nhận thấy con thỏ dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao nên anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình. Đến nay, quy mô chuồng trại rộng hàng nghìn m2, đàn thỏ luôn duy trì ở mức hàng nghìn con, trong đó thỏ nái có hơn 400 con.
Với số thỏ này, trung bình mỗi tháng, anh Trần Văn Toản xuất bán ra thị trường gần 2 tấn thỏ thương phẩm, với giá ổn định ở mức trên dưới 80.000 đồng/1kg. Doanh thu mỗi tháng 160 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng gia đình anh lãi 60 triệu đồng.
"Nuôi thỏ bán cho công ty Nhật Bản không phải lo đầu ra và giá cả lại ổn định nên người chăn nuôi cũng yên tâm sản xuất hơn rất nhiều. Chứ nuôi các con khác giá cả lên xuống bấp bênh, mỗi lần như thế người chăn nuôi lại bị thiệt hại nặng nề", anh Toản tâm sự.
Thỏ tầm 1,5 kg rất hay cắn nhau dẫn đền trầy xước nên khi đến tầm tuổi này thỏ sẽ được nuôi mỗi con một ô chuồng riêng biệt.
Anh Trần Văn Toản cho biết, phía công ty Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam) họ nhận bao tiêu đầu ra nhưng cũng yêu cầu về sản phẩm hết sức khắt khe, thỏ phải đạt trọng lượng trên 2,3 kg, lông bóng mượt và không bị tật, sẹo, rách da.....Để có đàn thỏ chất lượng bán cho phía công ty mình cũng cần có những bí quyết nuôi riêng.
Tiết lộ về bí quyết, anh Toản cho hay, sau khi thỏ được khoảng 1,5 kg, phải tiến hành tách nuôi riêng, mỗi con được nuôi riêng tại một ô chuồng khác nhau. Bởi tầm tuổi này, thỏ rất hay cắn nhau nên nếu nuôi chung thì chúng sẽ cắn nhau và không đủ tiêu chuẩn đáp ứng nên phía công ty Nhật Bản họ sẽ không thu mua.
"Tuy việc nuôi tách như thế sẽ tốn kém hơn về tiền bạc làm chuồng và công sức chăm sóc, nhưng đổi lại thỏ nhanh lớn hơn và đạt tiêu chuẩn do phía công ty Nhật đạt ra nên không phải lo lắng gì về đầu ra. Chỉ sợ không có thỏ để mà bán thôi", anh Toản vui vẻ nói.
Mỗi tháng gia đình anh Toản xuất bán hơn 2 tấn thỏ thương phẩm và thu về 160 triệu đồng.
Nói thêm về con thỏ, anh Toản cho hay, giống thỏ New Zealand là một giống thỏ có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon, hấp dẫn...Trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand một năm đẻ được từ 6-9 lứa, mỗi lứa khoảng 6-8 con. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng hơn 4 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,3kg/con là có thể xuất bán được.
Nhờ quyết định táo bạo của mình, mà đến nay anh Trần Văn Toản sở hữu một trang trại nuôi thỏ rộng hàng nghìn m2 và mỗi tháng cho thu nhập hơn 60 triệu đồng. Nhưng có lẽ điều làm cho anh vui nhất đó là được làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra, được sống gần gia đình. Kết quả mà anh đạt được là bài học quý giá cho những ai đã và đang chuẩn bị khởi nghiệp với nghề nông, là động lực cho ai muốn rời bỏ thành phố về quê lập nghiệp.
Theo Danviet
Nam Định: Chị em đội nắng 40 độ, săn con tốt cho sinh lý đàn ông Vào những ngày này nhiệt độ miền bắc nhiều nơi lên đến 40 độ C, nhưng nhiều chị em ở ven biển của huyện Hải Hậu vẫn miệt mài đội nắng săn bắt từng con hà - thực phẩm được coi là món ăn rất tốt cho sinh lý đàn ông. Nhờ công việc này mà nhiều chị em phụ nữ ở miền...