Kiếp nghèo lại vướng rủi – xui
Đến phòng 1, lầu 5, bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc đập vào mắt tôi là người phụ nữ ngoài 40 tuổi với đôi chân cụt gần đến đùi đang dốc từng hơi thở.
Chị Hạnh nằm điều trị tại BVĐK khu vực Châu Đốc.
Là lao động chính trong gia đình có 5 thành viên, nên chị luôn khát khao được sống, mong vết thương sớm hồi phục để tiếp tục lao động kiếm tiền nuôi 3 con ăn học.
Bị tai nạn mất hai chân
Cũng như nhiều người đến thăm chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1973, ngụ tổ 12, ấp Vĩnh Hưng 2, xã Vĩnh Thạnh Trung huyện Châu Phú (An Giang) bị tai nạn trong lúc đang quét dọn tại xí nghiệp chế biến thức ăn thủy sản ANFOODCO, thuộc công ty Lương thực Thực phẩm An Giang tọa lạc ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung vào ngày 20/2/2013, chúng tôi đã không cầm được nước mất trước câu chuyện bị tai nạn của chị. Vì muốn có đủ tiền lo cho con đóng học phí mà chị đã bị tai nạn cướp đi 2 đôi chân tần tảo. Người dân ở ấp Vĩnh Hưng 2 kể với tôi rằng, chị Hạnh siêng năng lắm. Mùa đậu nành, 1h khuya, chị soi đèn bẻ đậu, đến 6h sáng được từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng về đến nhà ăn vội vài chén cơm rồi đến xí nghiệp chế biến thức ăn thủy sản ANFOODCO, thuộc công ty Lương thực Thực phẩm An Giang tọa lạc ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung cùng đội bốc vác quét dọn đến 4,5 giờ chiều về có ngày được 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Những hôm nhà máy ngưng hoạt động, chị mua đậu phộng, ấu về nấu rồi đẩy xe bán khắp xóm, với mong có tiền lo cho 5 miệng ăn, 2 đứa con học phổ thông và mỗi tháng gởi 400.000 đồng đến 500.000 đồng cho đứa con trai học năm nhất Cao đẳng Công nghệ Thông tin (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông-Thành phố Hồ Chí Minh và trả nợ lúc chồng bị tai nạn.
Anh Kiệt và 3 người con trước căn nhà tạm bợ.
Tết năm nay đối với chị lại càng khốn khó. Khi mọi người vui vẻ bên bộ đồ mới, bên thịt kho, bánh tét thì chị lại gò lưng đẩy xe xuôi ngược bán trái cây, bán ấu, đậu phộng luộc với hy vọng ra Tết kiếm đủ số tiền 5 triệu đồng cho đứa con lớn nhập học đóng học phí kỳ 2. Trước lúc xảy ra tai nạn, chị định làm tới thứ 7 sẽ vay thêm một nữa để cho con nhập học đúng ngày, nhưng nào ngờ tai họa lại ập đến.
15h10 phút ngày 20/2/2013, trong lúc đang quét dọn tại khu vực máy băm cám, chị gặp tai nạn. Anh Trần Văn Bồng, công nhân chung ca với chị Mỹ Hạnh cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tai nạn do lúc nạp liệu cám cho máy băm cám bị chai (cục cám lớn) nên công nhân dỡ vĩ sắt bảo vệ cho cám vào và không đóng vĩ sắt bảo vệ lại, khi máy đang hoạt động Phạm Thị Mỹ Hạnh quét dọn cám rơi vãi trên nền bị trượt chân rơi vào máy băm nghiền nát hai chân. Lúc này, tôi đang làm gần chị quay lại gặp chị Hạnh rơi xuống máy băm cám. Tôi và cô 7 cặp nách kéo chị Hạnh lên đồng thời kêu tắt máy. Nếu không kéo chị Hạnh thì có lẽ giờ máy đã cuốn chị chết rồi. Tụi tôi thấy chị Hạnh tội nghiệp khóc nhưng chị trấn an đừng khóc chuyện đã lỡ, tôi không sao đâu? Tôi sẽ sớm khỏi bệnh để còn lo cho con tôi học thành người mà…”.
Video đang HOT
Ngay lập tức chị được đưa đến bệnh viên đa khoa Châu Phú sơ cấp cứu, rồi chuyển đến bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc phẫu thuật. Theo bác sĩ Trần Thế Phương, Trưởng Khoa ngoại chấn thương, người trực tiếp phẫu thuật cho chị Mỹ Hạnh cho biết “chị Hạnh nhập viện trong tình trạng mất máu nặng, dập nát đùi phải, đứt mất 1/3 dưới đùi trái”.
Trao đổi với chúng tôi, điều dưỡng Nguyễn Thanh Hoàng, người trực tiếp chăm sóc chị Hạnh cho biết: “Chị Mỹ Hạnh mặc dù được phẫu thuật nhưng chỗ vết thương vẫn còn thức ăn dính ở các tế bào, vết thương sẽ nhiễm trùng và sẽ còn nhiều lần tiểu phẫu. Bệnh nhân ngoài dùng thuốc điều trị trong danh mục của bảo hiểm phải tốn thêm tiền mua thuốc kháng sinh mạnh và làm nhiều đợt tiểu phẫu gia đình tốn ít nhất cũng 30 triệu đồng. Thời gian xuất viện sớm nhất 1,5 tháng nếu còn nhiễm trùng thì có thể kéo dài lâu hơn nữa “.
Hiện chị Hạnh đang rất cần những “tấm lòng vàng” như thế này để vượt qua cơn nguy hiểm.
Tận cùng đau khổ
Qua cầu chữ S khoảng 500 m, nằm khuất sau trường THCS Vĩnh Thạnh Trung, có ngôi nhà chưa đầy 40 m2 bằng khung tre, chính là mái ấm của chị Hạnh. Bà con ở xóm chị cho biết: “Gia đình chị Hạnh rất nghèo nhưng chí thú làm ăn. Vậy mà, số phận nghiệt ngã chẳng buông tha. Dù là phụ nữ nhưng từ nhiều năm qua chị Hạnh đã là rường cột của gia đình. Làm chẳng nghỉ tay, hết giờ làm ở xí nghiệp, chuyển sang bán trái cây, đậu phộng, ấu nấu kiếm tiền lo thuốc thang cho chồng bị tai nạn giao thông nằm liệt một chỗ đúng 1 năm trời, lo cái ăn và lo cho 3 con có cái chữ đổi đời mà không một lời than thở”.
Anh Trương Hồng Kiệt, chồng chị Mỹ Hạnh nghẹn ngào: “ Vợ chồng cưới nhau được 20 năm, cha mẹ 2 bên đều nghèo, cả 2 lại không nghề nghiệp ổn định nên dù làm vất vả quanh năm nhưng cũng tạm đủ ăn, Khi 3 đứa con đến tuổi cắp sách đến trường, cuộc sống gia đình bắt đầu thiếu hụt”. Vậy mà cách đây 3 năm, anh lại bị 2 tên đua xe đụng gãy xương chậu và ống chân phải, nằm liệt giường đúng 1 năm. Chị Hạnh vay mượn gần 40 triệu đồng lo điều trị cho chồng. Nhiều lúc mưa dầm nhà không có chỗ thoát nước, bị ngập lênh láng. Trong nhà chỉ có cái chõng tre nên 2 đứa con trai lớn qua nhà dì hoặc cậu ngủ tạm, còn 2 vợ chồng cùng cô con gái nhỏ nằm ngủ trến chiếc giường chập hẹp. Cảm nhận được nỗi cực của mẹ nên cậu con trai đi học ở TP HCM không dám xin tiền ở trọ, mà tìm chỗ quen xin ở nhờ. Do chỗ ở xa, nên mỗi ngày em phải đạp hơn 20 km đi-về. Thương vợ, nhưng anh Kiệt cũng chẳng biết làm gì hơn với điều kiện sức khỏe què quặt như hiện nay. “Phải chi tôi không bị tai nạn lao động, kiếm được nhiều tiền thì chắc giờ này vợ tôi không bị mất 2 chân”, anh Kiệt tự trách móc. “ Khi biết tin mẹ bị tai nạn, cả 3 người con quyết tâm đi làm để phụ giúp gia đình. Nhưng vợ tôi cương quyết không đồng ý. Đang nằm trên vườn bệnh, nhưng bã cứ dặn đi, dặn lại là tôi phải đi hỏi tiền góp cho con đóng học phí. Khi nào ra viện sẽ đi bán vé số trả dần”, nói tới đây anh Kiệt nghẹn lời.
Được biết, khi xảy ra sự cố Xí nghiệp chế biến Thức ăn thủy sản ANFOODCO cùng gia đình đưa chị đi bệnh viện điều trị, mỗi ngày cử người đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ bước đầu cho gia đình số tiền 20 triệu đồng. Đồng thời hứa sẽ ghép chân giả cho chị, nhưng với số tiền điều trị đến xuất viện phải tốn ít nhất 30 triệu đồng, đối với gia đình chị quả là quá khó, trong khi 3 con của chị đang tuổi đến trường, nhà của ọp ẹp chẳng có tài sản gì ngoài chiếc chõng cũ kỹ, người chồng bệnh tật, không biết rồi đây cuộc sống gia đình của chị Mỹ Hạnh sẽ ra sao?
Gia đình chị Phạm Thị Mỹ Hạnh rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ xin quý vị gửi trực tiếp cho chị Mỹ Hạnh, tổ 12, ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang)
Theo xahoi
Cựu binh già cụt chân 'cõng' cây lên núi
Chỉ còn một tay, một chân, một mắt, song suốt 10 năm qua cựu binh Vũ Tiến Tới cùng dân làng đã lật đá, mang cây trồng phủ xanh cả dãy núi Trường Lệ (Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Rừng phi lao bạt ngàn kéo dài hơn 5 km như tấm lưới chắn gió ôm lấy làng Vinh Sơn (phường Trường Sơn, Sầm Sơn). Những thân cây cao lớn, người ôm trọn vòng tay, ngày đêm rì rào đón gió biển. Đó là thành quả hơn 10 năm trồng rừng của thương binh Vũ Tiến Tới và dân làng.
Bị thương tật 91%, thương binh Vũ Tiến Tới chỉ còn một mắt, một chân và một tay. Phân nửa con người ông gửi lại mảnh đất Quảng Trị trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Phục viên, ông trở về làng chài Vinh Sơn cùng vợ bám biển, nuôi con.
Hiện tại, sức khỏe của ông Tới đã giảm sút nhiều. Ảnh: Hoàng Phương.
Qua hai lần tai biến, cựu binh già giờ đi lại phải dùng đến nạng hoặc nhờ vợ đỡ. Khoác bộ quần áo nâu giản dị, ông Tới kể chuyện trồng rừng rồi chuyện về thời oanh liệt trên chiến trường. Chất giọng khàn khàn của ông khiến người đối diện phải chăm chú mới theo dõi hết câu chuyện.
Trước năm 1985, núi Trường Lệ chỉ có đất trống, cây cối rất ít. Người dân Vinh Sơn chỉ chăm lo đi biển kiếm cá, cua, chẳng ai nghĩ đến trồng rừng. Nhà nằm ngay dưới chân núi, mỗi mùa biển động, ông bà Tới lại lo chằng chéo nhà cửa, che chắn vườn tược để tránh gió bão. Mỗi năm Sầm Sơn đón cả chục cơn bão, chỉ cần gió giật mạnh là hàng chục nóc nhà bay hết, cát biển phủ kín vườn cây, giếng nước.
Đêm nằm nghe gió biển gầm gào, ông trằn trọc không ngủ. Sáng hôm sau, thấy chồng không đi biển mà lôi chiếc xe đạp ở góc nhà ra, bà Nguyễn Thị Đua chỉ kịp nghe ông bảo đi mua cây giống về trồng rừng.
Ông lập kế hoạch, trước là phủ xanh đất trống đồi trọc, sau là lấy củi đốt. Lúc đó giống cây còn hiếm, ông lắp chân gỗ, lọc cọc đạp xe khắp vùng Sầm Sơn tìm mua giống. Có ngày ông đi hơn 50 km, sang tận Quảng Xương chở cây về. Bao nhiêu tiền trợ cấp thương binh, ông để dành mua cây giống.
Núi Trường Lệ thoai thoải, toàn đá tảng to, từ chân núi lên đến đỉnh cả cây số. Người thường đi lại còn khó, vậy mà ông thương binh ngày ngày vác xà beng lên núi, bẩy từng hòn đá để đào hốc trồng cây. Những tảng đá to hai người vần còn khó, ông hì hục mấy tiếng. Bàn tay phồng rộp, ngón tay dần chai sần vì cầm xà beng nhiều.
Những khi trái gió trở trời, bốn mảnh đạn pháo còn sót lại hành hạ khiến ông lão hơn 60 tuổi đau nhức khắp người. Thế nhưng hôm nào không lên núi là ông buồn chân buồn tay, hết đi ra rồi đi vào. Khi sức khỏe ổn trở lại, người thương binh già tiếp tục vác xà beng lên núi trồng cây.
Con cái còn nhỏ, không có ai giúp, chỉ có người vợ tảo tần tảo hàng ngày bưng thúng cây đi sau chồng. Ông đào hốc, bà đặt cây và vun đất. Cứ thế, mỗi ngày hai ông bà trồng được hơn trăm cây. Có những đoạn toàn đá, đất cứng quá, cây trồng xuống chết phân nửa, ông lại dậm vào, quyết không để trống một mét đất.
Thấy ông ngày ngày đem cây lên núi trồng, có người nói ông gàn dở, chẳng khác nào dã tràng xe cát biển Đông. Nhưng ông Tới gạt đi "cả dãy Trường Sơn, bộ đội còn phá núi, mở đường thì trồng cây trên núi Trường Lệ có gì mà không làm được". Phi lao bén rễ lớn lên, ông cắt, tỉa cành để cây nhanh tốt, vừa kiếm củi nấu.
Năm 1992, thị xã Sầm Sơn phát động phong trào trồng rừng. Ông tính nếu phủ xanh cả quả núi, sức ông làm không xuể, cần huy động sức của cả làng. Ông chống nạng đến từng nhà thuyết phục người dân đi trồng rừng. Được cung cấp cây giống từ dự án, thêm lời thuyết phục và hiệu quả từ việc ông làm, người dân Vinh Sơn bắt đầu tin rồi làm theo. Không chỉ trồng cây trên núi, họ còn mang phi lao trồng ven biển, ngăn nước mặn xâm nhập vào đất liền.
Con trai cả của ông Tới cho biết, rừng cây trên núi Trường Lệ do cha anh và người dân Vinh Sơn cùng trồng. Ảnh: Hoàng Phương.
Sau hơn chục năm, cánh rừng rộng hàng chục ha dần mọc lên. Màu xanh của phi lao, liễu phủ kín núi Trường Lệ thay cho sắc xám của núi đá trước đây. Hơn 5 km rừng trải dài từ Hòn Cao đến Đuôi Làn, uốn lượn dọc bờ biển Sầm Sơn, tạo thành tấm lá chắn gió, chắn cát cho làng. Từ đó, người dân Vinh Sơn yên tâm làm ăn, không còn phải lo chằng buộc nóc nhà mỗi mùa mưa bão.
Được UBND tỉnh và UBND thị xã Sầm Sơn tặng bằng khen về thành tích trồng rừng, ông chỉ khiêm tốn cho biết: "Hồi đó tôi chỉ nghĩ trồng rừng chắn bão, lấy củi đun thôi chứ không bao giờ nghĩ làm để lấy thành tích".
Nói về chồng, bà Đua cũng là thương binh với thương tật 21%, bảo: "Ông ấy đã quyết thì có trời cản được". Biết được ý định trồng rừng của ông, bà tỏ ý phản đối vì sợ sức chồng không kham nổi. Sau thấy ông quyết tâm quá, bà chỉ còn biết xuôi theo. Giữa buổi, bà lại về lo cơm nước và chăm sóc đàn con cho ông yên tâm làm cái việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".
Mấy năm nay, sức khỏe ông Tới giảm sút, không còn nhanh nhẹn như xưa. Nghỉ trồng rừng, ông lại lui về chăm sóc vườn cây cảnh, vui vầy cùng cháu con. Ông bảo, cây lớn lên, quả rụng xuống lại mọc lên thành rừng lớp lớp xanh tươi. Giờ, người dân Vinh Sơn chỉ cần bảo vệ rừng cho tốt.
Ông Cao Văn Hùng, cán bộ chính sách phường Trường Sơn cho biết, khi cây trên núi Trường Lệ bắt đầu xanh tốt, ai cũng bất ngờ vì người cựu binh trồng được nhiều rừng. Cả vùng ven biển được phủ xanh nhờ công rất lớn của thương binh Vũ Tiến Tới. Người dân không còn nơm nớp sợ gió to, sóng lớn mỗi mùa biển động.
Theo VNE
An Giang: Cháy dữ dội thiêu rụi 12 căn nhà Vào khoảng 1h40 phút ngày 21/12, tại khu vực khóm 2, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc-An Giang xảy ra vụ cháy khá nghiêm trọng. Cảnh tượng tan hoang sau vụ cháy. Ông Trịnh Văn Tiết, Tổ viên Tổ dân phố cho biết vào thời điểm trên, ông đang đi tuần thì phát hiện ngọn lửa bốc lên từ phía nhà...