Kiêng tắm khi trẻ ốm – tưởng tốt hóa ra rất nguy hại
Trẻ bị thủy đậu, sởi hay chân tay miệng thường được dặn dò phải kiêng ăn, tránh nước. Tuy nhiên, điều này không cần thiết, thậm chí nguy hại.
“Quan niệm về việc phải ăn kiêng khi trẻ ốm đã không còn chính xác ở thời điểm hiện tại”, thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), khẳng định.
Quan niệm thiếu căn cứ
Theo bác sĩ này, khi bị ốm là lúc cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng hơn để chống lại bệnh tật và các yếu tố nhiễm khuẩn. Bản thân trẻ cũng có hiện tượng biếng và chán ăn. Thời điểm này, nếu cha mẹ tiếp tục cho trẻ ăn kiêng là hoàn toàn phản khoa học. Điều này khiến trẻ lâu khỏi bệnh hơn, khi kéo dài còn gây ra những nguy cơ về suy dinh dưỡng.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý cho rằng việc kiêng tắm khi bị bệnh thủy đậu, tay chân miệng là không cần thiết và mang đến nhiều nguy cơ về vệ sinh. Ảnh: Quốc Toàn.
Ngoài ra, một sai lầm khác của phụ huynh là kiêng tắm cho trẻ khi mắc sởi, thủy đậu, tay chân miệng hay các bệnh phát ban trên da nói chung. Thực tế, việc tắm lúc này không hề ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
“Trong những trường hợp trẻ nhiễm virus, đặc biệt là sởi, thủy đậu hay tay chân miệng, việc kiêng tắm trong thời gian dài khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch, rất dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng cơ hội”, bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo.
Điển hình trong trường hợp bệnh thủy đậu, nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh tốt cho trẻ, chính những tổn thương trên bề mặt da sẽ trở thành nguồn lây để các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Không chỉ vậy, đối với những trẻ bị bệnh, nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội là rất cao dẫn đến bùng phát hiện tượng viêm da, thuỷ đậu bội nhiễm,… Các bệnh lý này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Video đang HOT
Duy trì thói quen hàng ngày
Bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo: “Dù trẻ bị tay chân miệng hay thủy đậu, chúng ta cũng không nên kiêng tắm cho trẻ bởi việc vệ sinh hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng giúp làm sạch cơ thể, đảm bảo vệ sinh và tránh nhiễm trùng cơ hội”.
Theo bác sĩ này, hiện nay chúng ta không có bất cứ thông tin khoa học nào nhắc đến việc phải kiêng tắm. Duy trì thói quen tắm bình thường giúp trẻ hạn chế được những nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, viêm da,…
Không chỉ vậy, thạc sĩ Quý còn khuyến khích việc cho trẻ tắm như hàng ngày, không thay đổi cách thức cũng như sản phẩm làm sạch.
“Nếu bình thường trẻ đang được tắm bằng xà phòng hay sữa tắm thì khi bị bệnh, cha mẹ vẫn nên giữ nguyên loại xà phòng, sữa tắm đó”, vị này nhấn mạnh.
Nguyên nhân là trong lúc ốm, trẻ sẽ có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dị ứng. Theo bác sĩ Quý, nhiều cha mẹ quyết định tắm cho con bằng nước lá thay cho sữa tắm với mong muốn con được an toàn hơn khi bị bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã xuất hiện dấu hiệu dị ứng với các thành phần nước lá sau khi tắm.
Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cũng cần được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Cha mẹ không nên thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ốm bởi việc làm này có thể tạo thành yếu tố nhiễu trong việc chẩn đoán và điều trị. Đôi khi việc thay đổi chế độ ăn, bắt trẻ ăn kiêng lại gây ra những vấn đề khác như tiêu hoá hay dị ứng khiến các y bác sĩ khó phân biệt và xử lý các triệu chứng.
Cha mẹ nên cố gắng tạo cho trẻ một môi trường và cảm giác thoải mái nhất khi bị ốm. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cố gắng duy trì chế độ ăn đều đặn như hàng ngày, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Trẻ có thể ăn các món dễ tiêu như cháo, sữa trong trường hợp biếng ăn do ốm. Cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm nâng cao sức đề kháng của trẻ như nước hoa quả, sữa chua.
Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, đã ghi nhận vài ổ dịch
Với số ca tay chân miệng đang lan nhanh tại một số nơi ở Hà Nội, các bác sĩ lo ngại có thể chúng ta sẽ phải trải qua một đợt dịch tương tự năm 2013.
ThS, BS Trương Văn Quý đang khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.
Ghi nhận ca mắc gia tăng
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thành phố đã ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng. Số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong hai tuần gần đây. Hiện đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
Ghi nhận tại Bệnh viện E, trong ba tuần trở lại đây tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám tay chân miệng.
ThS, BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, riêng trong ngày 7-7, đã có bốn bệnh nhi phải nhập viện vì có biểu hiện của tay chân miệng cấp độ 2.
Khi phát bệnh ở mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện triệu chứng tại cơ quan hô hấp và tuần hoàn như suy tuần hoàn, phù phổi cấp,...
"Bốn trường hợp này đều là các bé trai 13-17 tháng có chung các biểu hiện như sốt cao 39-40 độ, nổi phỏng nước trên da và giật mình. Trong đó, một bệnh nhi có tình trạng giật mình 10 phút/lần trong đêm. Sau thời gian điều trị, sức khoẻ của các bé đã ổn định, tỉnh táo, hạ sốt và hết hiện tượng giật mình", BS Quý cho hay.
Đặc biệt, trong số bốn bệnh nhi này, ngoài một trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần thì các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây.
Tay chân miệng là bệnh có thể gặp quanh năm nhưng hai khoảng thời gian xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất là tháng 4-6 và tháng 9-10.
Biến chứng nặng nề, không thể chủ quan
Theo BS Trương Văn Quý, tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.
Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Tay chân miệng dễ lây lan với tốc độ rất nhanh. Đây có thể là vấn đề đáng lo ngại nếu mọi người chủ quan và không có góc nhìn toàn diện.
Theo BS Quý, tùy vào mức độ cũng như thể trạng của mỗi bé, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau. Điển hình như biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não,...
Bệnh sẽ có những di chứng về vấn đề hô hấp như khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ. Với những biến chứng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
BS Quý cũng bày tỏ lo ngại, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trải qua một đợt dịch tương tự năm 2013, cao điểm của dịch tay chân miệng với nhiều trẻ bị di chứng nặng nề.
Với bốn mức độ mắc tay chân miệng, BS Quý khuyến cáo, thông thường, các trường hợp đều biểu hiện ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban để các bác sĩ đánh giá toàn diện và quyết định trẻ đang ở mức độ nào.
Rửa tay thường xuyên, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi chăm sóc con nhỏ là điều rất quan trọng. Khi trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Để cung cấp đủ dinh dưỡng do bệnh lý gây loét miệng, cha mẹ cho con ăn loảng như cháo, sữa và tăng đề kháng bằng nước hoa quả, sữa chua.
Chuẩn bị bước vào mùa dịch tay, chân, miệngBội nhiễm nha chu vì chăm sóc bệnh tay, chân, miệng saiBộ Y tế triển khai các giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệngTăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng trong các trường mầm nonChủ động theo dõi sức khỏe của trẻ đề phòng bệnh tay chân miệng
Bị thủy đậu nên ăn gì để không gặp những biến chứng nguy hiểm? Chế độ ăn uống khi bị thủy đậu ảnh hưởng rất lớn tới quá trình điều trị bệnh. Vậy bị thủy đậu nên ăn gì? Những thực phẩm nào nên tránh? Trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu đã giảm đáng kể kể từ đầu thế kỷ 21, giảm khoảng 85% từ năm 2005 đến 2014. Tuy nhiên, một số nhóm...