‘Kiềng ba chân’ trong chiến lược an ninh Lý Quang Diệu
Tìm kiếm sự ủng hộ của các nước lớn; Đầu tư xây dựng quân đội hiện đại, tinh nhuệ; Tăng cường hợp tác khu vực. Ba nhóm giải pháp an ninh của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã giúp Singapore đứng vững trên eo biển quốc tế chiến lược.
Singapore trở thành “tiểu hổ” khu vực dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu
Tách khỏi Malaysia năm 1965, giới chức Singapore luôn nhận thức được rằng, quốc đảo nằm trên eo biển quốc tế chiến lược này dễ bị xâm phạm cũng như dễ bị choáng ngợp bởi sức mạnh quân sự các láng giềng.
Tại Đối thoại An ninh châu Á- Thái Bình Dương Shangri-la 2014, Học giả cao cấp William Choogn thuộc Viện nghiên cứu chiếc lược quốc tế (IISS) nhận định: “Nỗi lo lớn nhất của một quốc gia như Singapore nằm ở hai góc độ: bị ép buộc bởi các cường quốc lớn hơn và bất ổn chiến lược do xung đột giữa các cường quốc”.
Thế nhưng, sau 50 năm độc lập, Singapore đứng vững trên eo biển quốc tế chiến lược, đồng thời sở hữu lực lượng quân sự hiện đại nhất Đông Nam Á.
Không quân, Lục quân và Hải quân Singapore hết sức tinh gọn, gồm các tàu đổ bộ, khinh hạm tàng hình, các tiêm kích đa dụng F-15SD, tiêm kích F-16D, máy bay cảnh báo sớm G550-AEW… Singapore cũng đang cân nhắc mua sắm siêu tiêu kích thế hệ thứ 5 F-35.
Trong khi đa số các nước ASEAN gặp khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, thì Singapore là một ngoại lệ với “năng lực tương đương các đối thủ quốc tế”, một nghiên cứu của McKinsey & Company cho biết.
Sở dĩ quốc phòng và an ninh của Singapore có thể phát triển vững chắc như hiện nay, là nhờ công lao kiến tạo nền tảng ban đầu của vị Thủ tướng đầu tiên, ông Lý Quang Diệu.
Khi mới độc lập, Singapore chưa có Hải quân và Không quân. Lục quân của họ mới chỉ gồm một trung đoàn pháo binh bao gồm các lính tự nguyện, một trung đoàn xe bọc thép, còn bộ binh thường trực không đủ ba tiểu đoàn. Một lực lượng nhỏ bé như vậy không đủ sức bảo vệ đất nước trước bất kỳ một đối phương nào.
Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đó, đã nhanh chóng nhận ra rằng cách thức tốt nhất đối với Singapore là thông qua 3 nhóm giải pháp gồm: thuyết phục các cường quốc lớn bảo vệ sự toàn vẹn của Singapore; phát triển lực lượng vũ trang; và thúc đẩy hợp tác khu vực.
Giải pháp mang tính thực dụng này đã chứng tỏ được tính hiệu quả lâu dài và còn nguyên giá trị tới nay:
Tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước lớn
Video đang HOT
Lúc đầu, Singapore dựa vào lực lượng Anh đóng đồn trú theo hiệp định quốc phòng Anglo-Malaysia. Tới năm 1969, Anh đã thông báo ý định rời khỏi các căn cứ tại Singapore trước mùa xuân năm 1971.
Sự ra đi này không chỉ gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Singapore, mà còn phá vỡ sự tăng trưởng kinh tế của quốc đảo do nó gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Để lấp lỗ hổng này, ông Lý đã tìm sự hỗ trợ từ một liên minh. Tháng 4/1971, Singapore ký Hiệp định quốc phòng 5 lực lượng với Anh, Malaysia, Australia và New Zealand.
Mặc dù hiệp định này không gồm những cam kế quốc phòng cụ thể, nhưng nó đã tạo ra cơ chế yêu cầu một lực lượng lớn ủng hộ Singapore trong tình huống xảy ra khủng hoảng.
Đầu tư xây dựng quân đội
Nếu chỉ dựa vào các cường quốc bên ngoài để bảo vệ đất nước, Singapore sẽ luôn phải đối mặt với rủi ro. Thế nên, bên cạnh việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước lớn, ông Lý Quang Diệu nhận ra rằng cần phải phát triển lực lượng quân đội.
Trong vấn đề này, ông Lý coi hệ thống quân sự Israel như một mô hình cho Singapore phát triển quân. Trong cuốn sách “From Third World to First: The Singapore Story 1965-2000,” xuất bản năm 2000, ông Lý Quang Diệu đã nhắc tới điều này.
Năm 1967, một dự luật được thông qua nhằm bắt buộc tất cả nam giới đủ 18 tuổi phục vụ trong quân đội quốc gia, sau đó là phục vụ trong lực lượng dự bị. Điều luật này không chỉ tạo ra nguồn lực cho quân đội, mà còn xây dựng ý thức về bản sắc quốc gia.
Bên cạnh đó, Singapore cũng ưu tiên phát triển quân đội theo hướng hiện đại, tinh nhuệ.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2008-2012, với dân số chỉ khoảng 5,3 triệu người, nhưng Singapore là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, với ngân sách quốc phòng luôn chiếm 20% ngân sách quốc gia.
Trong khoảng thời gian này, chỉ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Hàn Quốc có thể chi cho vũ khí nhiều hơn Singapore.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Ông Lý Quang Diệu còn nhận ra giá trị của việc xây dựng mối quan hệ hợp tác khu vực. Bằng cách thiết lập quan hệ hữu nghị và phát triển quan hệ kinh tế với các láng giềng, Singapore sẽ tăng cường được sự ổn định và tiềm lực.
Năm 1966, ông Lý quyết định khôi phục thương mại với Indonesia năm 1966. Ông cũng thực hiện các chuyến thăm tới Kuala Lumpur và Jakarta nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Tinh thần hợp tác khu vực đã dẫn tới sự hình thành Hiệp hội các quôc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippin là các thành viên sáng lập, tiến tới thiết lập Đông Nam Á thành “khu vực hòa bình, tự do và trung lập” năm 1972. Một trật tự khu vực như vậy là điều kiện để Singapore có thể tập trung vào các vấn đề quan trọng khác trong nước.
Khi nói về các vấn đề quốc phòng, ông Lý luôn bày tỏ những quan điểm chuẩn mực. Ông đã thúc đẩy giá trị của luật pháp quốc tế và các tổ chức quốc tế.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, ông Lý ủng hộ cơ chế Liên Hợp Quốc trong giải quyết các xung đột quốc tế.
Ông Lý cũng nhận ra sức mạnh kinh tế sẽ là cách thức để Singapore tạo ra ảnh hưởng đối với các nước láng giềng và thế giới.
“Kiềng ba chân” quân sự – an ninh của ông Lý Quang Diệu đã chứng tỏ tính thực dụng và hiệu quả. Các chương trình thực hiện của ông giúp cân bằng hữu hiệu quan hệ, mang lại nền an ninh quốc gia vững chắc.
Đây là môi trường thuận lợi để Singapore tập trung vào các lợi ích quốc gia khác. Chính sách thúc đẩy hợp tác khu vực hỗ trợ cho các chương trình kinh tế của ông Lý trong mở mang thị trường. Các thành tựu kinh tế lại tạo điều kiện thúc đẩy các mục tiêu an ninh và đoàn kết dân tộc.
Thông qua chiến lược an ninh quốc gia khôn ngoan, ông Lý Quang Diệu đã mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Singapore tại Đông Nam Á và trên trường quốc kế.
Theo Tiền Phong
Quan chức Singapore nghẹn ngào trước linh cữu ông Lý Quang Diệu
Nhiều quan chức chính phủ xúc động khi vào viếng cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và tỏ lòng thành kính trước linh cữu của người cha lập quốc.
Thi hài "cha đẻ" của đảo quốc sư tử được đặt bên trong biệt thự Sri Temasek ở dinh tổng thống.
Tổng thống Singapore Tony Tan và phu nhân, bà Mary Tan, tới viếng cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Thi hài của ông được chuyển tới Sri Temasek để gia đình tiến hành nghi thức riêng. Nghi thức sẽ kết thúc vào tối 24/3.
Bộ trưởng cấp cao Goh Chok Tong và phu nhân (thứ 2 và 3 từ phải sang) tới viếng cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cùng phu nhân tỏ lòng thành kính trước linh cữu ông Lý.
Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Chan Chung Sing (thứ hai từ phải sang) và Bộ trưởng Luật pháp và Giáo dục Indranee Rajah (phải) cũng tới viếng cựu thủ tướng và chia buồn cùng gia đình.
Quốc vương Brunei cùng phu nhân đã nhanh chóng tới Singapore để nói lời vĩnh biệt "người cha lập quốc" của Singapore. Thi thể của ông Lý Quang Diệu sẽ được quàn tại Nhà Quốc hội Singapore từ ngày 25-28/3 để người dân có thể vào viếng từ 10h đến 20h. Tang lễ cấp Quốc gia sẽ được tổ chức vào 12h ngày 29/3 tại Trung tâm Văn hóa, Đại học Quốc gia Singapore với sự tham dự của tổng thống, các bộ trưởng, thành viên Quốc hội, quan chức và người dân Singapore. Thi hài của ông Lý Quang Diệu sẽ được hỏa thiêu tại Đài Hóa thân Mandai cùng ngày.
Trong khi đó, người dân xếp hoa và thiệp chia buồn bên ngoài dinh Istana. Sự ra đi của ông Lý Quang Diệu là nỗi mất mát to lớn đối với người dân Singapore.
Tính tới 17h30 ngày 23/3, người dân Singapore đã viết hơn 11.000 thiệp chia buồn. Họ đặt chúng tại khu tưởng niệm ở dinh Istana.
Theo Tri Thức
Ông Lý Quang Diệu đã tự chọn cách ra đi như thế nào? Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã qua đời lúc 3h18 sáng nay 23/3/2015, hưởng thọ 91 tuổi. Trước đó, ông Lý Quang Diệu phải nằm viện kể từ ngày 5/2 vừa qua do bị viêm phổi nặng. Từ khi nhập viện, ông phải thở bằng máy và điều trị kháng sinh tại khoa chăm sóc đặc biệt. Chính trị gia "không...