Kiên quyết sửa sai mới “giải” được khiếu kiện kéo dài
“Nếu đã giải quyết sai thì phải kiên quyết sửa sai thì mới tránh được tình trạng tiếp khiếu kéo dài” – Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu trong phiên họp chiều 7/10 tại UB Thường vụ QH về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014.
Tại phiên họp, UB Thường vụ QH nghe các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao về vấn đề này.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại tố cáo năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt.
Phần lớn các vụ việc đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Công tác tiếp công dân tiếp tục có những chuyển biến rõ nét.
Các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân. Việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn. Công tác xử lý đơn thư tiếp tục được quan tâm, từng bước hạn chế việc trùng lắp trong quá trình xử lý. Việc theo dõi kết quả giải quyết sau khi chuyển đơn có nhiều tiến bộ…
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phân tích rõ, tuy số vụ khiếu nại tố cáo nói chung có giảm, nhưng không đáng kể (1,8%), trong khi khiếu nại tố cáo đông người lại tăng tới 12%. Đại diện cơ quan thẩm tra yêu cầu đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại tố cáo.
Ông Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tốt khiếu nại tố cáo từ “đầu nguồn” và yêu cầu đánh giá cụ thể chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo theo hướng làm rõ tỷ lệ giải quyết đúng/sai là bao nhiêu? Các vụ việc chuyển cơ quan điều tra rút cục được xử lý như thế nào?
“Nếu đã giải quyết sai thì phải kiên quyết sửa sai để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì mới tránh được tình trạng tiếp khiếu kéo dài” – ông Lý phát biểu.
Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhận định, thời gian qua, số người khiếu nại, tố cáo giảm nhưng số đoàn đông người tăng và xu hướng sẽ tăng lên trong thời gian tới, do đó phải hết sức lưu ý.
Ông Phước cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ, hiểu biết pháp luật trong nhân dân. Không chỉ tuyên truyền trong giáo dục ở nhà trường mà trong quá trình xử lý các vụ hành chính cũng là môi trường giáo dục pháp luật cho nhân dân. Hằng năm, nên có tổng kết về sự phối hợp giữa các cơ quan, từ đó phân ra những việc tồn đọng để thấy bức tranh chung của tình hình khiếu nại, tố cáo.
Video đang HOT
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ, VKSND tối cao và TAND tối cao cần bổ sung, hoàn thiện các báo cáo trước khi trình Quốc hội, giải thích cụ thể vì sao nhiều năm qua, trong các báo cáo đều nêu ra vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ hạn chế về năng lực.
Đặt câu hỏi, việc giải quyết đơn do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan Đảng, Nhà nước chuyển đến tại sao chậm, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan nêu trên tăng cường thanh tra, kiểm tra ngay trong nội bộ, coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công tác tiếp công dân; coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân và vai trò của các tổ chức quần chúng.
Báo cáo của TAND cho thấy, tình hình khiếu nại về tư pháp nhìn chung vẫn còn phức tạp; đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gia tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013, đặc biệt là đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 652 đơn/vụ). Cùng với số đơn cũ còn lại của kỳ trước chuyển sang (4.318 đơn/vụ), số đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm) mà TAND tối cao và TAND cấp tỉnh phải giải quyết trong năm 2014 là rất lớn (10.659 đơn/vụ). Chiếm phần lớn trong số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nêu trên liên quan đến lĩnh vực dân sự, hình sự (khoảng 66%) và hầu hết tập trung ở TAND tối cao (87%). Nhiều khiếu kiện về dân sự rất gay gắt (chủ yếu là các vụ án tranh chấp về đất đai, nhà ở, thừa kế tài sản), có trường hợp mặc dù đã có kết quả giải quyết, nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. Các khiếu nại về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước 1.240 đơn. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc Tòa án chưa đưa vụ án ra xét xử; trả lại đơn yêu cầu khởi kiện; gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời; chuyển vụ án cho Tòa án khác giải quyết.
P.Thảo
Theo Dantri
"Tiếp dân - không thể nói đã làm hết trách nhiệm mà vẫn sai sót 40%"
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển tính toán, tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo đúng và có đúng có sai rất cao, chiếm 40% tổng số đơn. Không thể nói cơ quan chức năng đã làm tốt, làm hết sức, hết trách nhiệm khi tỷ lệ sai sót vẫn lớn đến vậy...
Sáng 19/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hôi nghi toan quôc triên khai thưc hiên Chi thi 35-CT/TƯ cua Bô Chinh tri về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luât Tiêp công dân; Nghi đinh 64/NĐ-CP cua Chinh phu.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo cho thấy diễn biến trong năm 2014 có xu hướng giảm so với 2013. Số lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8%. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Phần lớn địa phương (39/63 tỉnh thành) có tình hình khiếu nại, tố cáo giảm.
Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng 12,1% so với năm 2013, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay tắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu là về ĩnh vực đất đai (khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ...) với tỷ lệ đến 68,2% số đơn thư; khiếu nại về chế độ chính sách chiếm 7,62%, khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4%...
Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 60,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; 6,1% tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; 5,2% tố cáo cán bộ công chức có hành vi tham nhũng...
Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo thể hiện, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà ước đã giải quyết được gần 38.000/44.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%. Qua kiến nghị tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 24,8 tỷ dồng, 106 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người, kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 594 trường hợp (đã xử lý 446 người).
Số liệu thống kê cũng thể hiện, cơ quan nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 83 vụ việc, 39 người. Trong đó, riêng Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 59 vụ, 4 người.
Cụ thể, qua giải quyết khiếu nại đã xử lý vi phạm hành chính 96 người, chuyển cơ quan điều tra 5 vụ, 17 người (đã khởi tố 1 vụ, 13 người). Tỷ lệ khiếu nại đúng ở mức 19,3%, có đúng có sai là 21,7% còn khiếu nại sai là 59%.
Việc giải quyết tố cáo đã giúp bảo quyền lợi chính đáng cho 397 người, kiến nghị xử lý hành chính 498 người (đã xử lý 365 người), chuyển cơ quan điều tra 78 vụ, 22 người (đã khởi tố 6 vụ, 14 người). Cơ quan chức năng kết luận chỉ 12% tố cáo đúng, 24,8% tố cáo có đúng có sai và 63,2% tố cáo sai.
2 Bộ trưởng trực tiếp về địa phương tiếp dân
Nói về nguyên nhân và những khó khăn của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đề cập thẳng khía cạnh chủ quan, việc quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan làm công tác giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến việc tỷ lệ, tình hình khiếu nại tố cáo còn cao.
Ông Hạnh nhấn mạnh việc làm rõ căn cứ xử lý người đứng đầu đã thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng cũng phân định rõ ràng phần công dân khiếu nại, tố cáo sai, ngoan cố.
Phó Thủ tướng: "Mỗi cán bộ tiếp dân cần đặt mình vào vị trí người dân".
Thứ trưởng TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển phân tích thêm, con số thống kê cho thấy, cộng cả số đơn thư khiếu nại tố cáo đúng và có đúng có sai, tỷ lệ này cũng tới 40%. "Như vậy rõ ràng là của các cấp chính quyền có trách nhiệm vì làm không tốt vì 40% là tỷ lệ lớn chứ không phải số ít gì. Nếu không nhìn nhận như vậy thì còn chưa giải quyết được những vụ việc tồn đọng vì không thể nói đã làm hết sức, hết trách nhiệm khi tỷ lệ sai sót của cơ quan chức năng vẫn lớn đến vậy" - ông Hiển nói.
Ông Hiển chia sẻ kinh nghiệm: "Nhiều vụ chúng tôi giải quyết, nói về lý lẽ pháp luật thì người dân không nghe nhưng đối thoại, vận động thì người dân lại bằng lòng. Như vậy vấn đề là tiếp xúc để nắm bắt được nguyện vọng, tâm lý của người dân, để người dân cảm thấy được trân trọng".
Vị Thứ trưởng TN-MT đề nghị tập trung giải quyết 2 vấn đề tồn tại trong công tác tiếp dân là làm sao để hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp và tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng. Tuy nhiên, ông Hiển cũng mong muốn làm rõ quy định, việc giải quyết đã lên đến cấp cao nhất, hết thẩm quyền thì cơ quan tiếp dân có quyền từ chối tiếp tục nhận đơn khiếu nại của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện thành phố Đà Nẵng nhận định thẳng thắn, không tránh được việc người dân khiếu tố trong quá trình phải sắp xếp, di dời hàng trăm nghìn hộ để quy hoạch, làm đường... để thành phố có được diện mạo như hiện nay. Cách làm của Đà Nẵng là cử lãnh đạo xuống từng địa bàn, từng dự án thu hồi đất để tiếp dân, giải quyết khiếu kiện tại chỗ. Trung bình, chính quyền thành phố đã tiếp 100 lượt người khiếu tố/tháng.
Dù vậy, lãnh đạo Đà Nẵng cũng thực sự "đau đầu" với những sự việc kiểu như, cả 11 dự án triển khai trên địa bàn một phường với đến hơn 5000 hộ dân đều đồng ý di chuyển, chỉ còn lại vài chục hộ. Số ít người dân không đồng thuận vẫn kéo ra Trung ương, các cơ quan Trung ương thậm chí mời lãnh đạo thành phố ra Hà Nội đối thoại với dân nhưng xong rồi lại có những cuộc "Bắc tiến" khác.
Kết luận hội nghị, Pho Thu tương Chinh phu Nguyên Xuân Phuc đánh gia cao sư cô găng cua các cấp, các ngành trong công tac giai quyêt khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình khiếu nại tố cáo tuy có giảm nhưng khiêu nai đông ngươi tăng, chât lương giai quyêt khiếu nại tố cáo chưa cao, còn châm, có trường hợp ap dung phap luât không đung dân đên khiêu nai keo dai. Một số lãnh đạo đia phương chưa thưc sư quan tâm giai quyêt dưt điêm tinh trang nay, can bô lam công tac nay vưa yêu, vưa thiêu....
Phó Thủ tướng yêu cầu, mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt vị trí của mình vào người dân, tích cực, chủ động để tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, phải mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm.
Phó Thủ tướng cũng nhắc lại chủ trương để Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ chủ động đi tiếp dân tại địa phương.
P.Thảo
Theo Dantri
Phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo Sáng 16-9, tại Ban Tiếp công dân thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp công dân định kỳ tháng 9. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, đại diện các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan. Trong một buổi sáng làm việc tích cực từ 8h30 đến gần 12h30, không...