Kiên quyết phòng, chống bức cung, nhục hình trong điều tra tội phạm
Sáng 11-9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp về “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của Cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”. Tại phiên họp, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu với nhiều nội dung quan trọng.
Chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật trong công tác điều tra,
không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Thống nhất trong chỉ đạo
Với phương châm nhất quán kiên quyết phòng, chống bức cung, nhục hình và những vi phạm pháp luật khác trong hoạt động điều tra tội phạm, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng CAND quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm. Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động điều tra; khắc phục tình trạng làm oan người vô tội trong các vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công an có liên quan; khắc phục sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh sai phạm trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND…
Qua đó, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra. Công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm, rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đưa nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp ra truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Vẫn còn thiếu sót
Video đang HOT
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan điều tra các cấp trong CAND cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cá biệt ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một số trường hợp oan, sai, bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận. Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong hoạt động điều tra tội phạm, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, thiếu sót nêu trên, là do tình hình tội phạm những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ án phát hiện và khởi tố hàng năm đều tăng; tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn; thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; từ đó đã tạo áp lực lớn cho cán bộ, chiến sĩ Cơ quan điều tra các cấp trong khi thi hành công vụ; nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Bộ luật Hình sự còn nhiều nội dung chưa được cấp có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ thiếu thống nhất trong vụ án hình sự.
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ở một số địa phương còn thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát điều tra viên trong hoạt động điều tra một số vụ án; một số điều tra viên còn có tư tưởng chủ quan, nóng vội trong việc thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, còn nặng về thu thập chứng cứ buộc tội, chưa coi trọng đầy đủ việc thu thập chứng cứ gỡ tội.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ để phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra vụ án hình sự ở một số đơn vị, địa phương, trong một số vụ án đạt hiệu quả chưa cao.
Xử lý trách nhiệm liên đới
Để kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong chấp hành pháp luật về thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng CAND, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an các cấp và các cơ quan khác trong CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm; các quy định của Bộ Công an về công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đối với Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nghiêm trọng và kiên quyết điều chuyển khỏi Cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nếu để xảy ra bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra các cấp, tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra các cấp trong CAND với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học vào công tác điều tra.
Theo báo cáo của TAND Tối cao, từ 1-1-2011 đến 31-12-2013, TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý 602 vụ với 828 bị cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó không thụ lý vụ án nào về tội bức cung. Tuy nhiên, tội dùng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng: Năm 2011 có 1 vụ/2 bị cáo; năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo; năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo. Các tòa án đã giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 5 vụ với 10 bị cáo về tội dùng nhục hình, phúc thẩm 3 vụ với 3 bị cáo.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho biết, trong 3 năm qua, đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu công an nhân dân, bị khởi tố, truy tố về những vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; 183 trường hợp trong cơ quan cảnh sát điều tra các cấp do có sai phạm và vi phạm quy trình, quy chế công tác trong hoạt động điều tra đã bị xử lý kỷ luật.
Để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra tố tụng và từ thực tiễn tình hình, Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự; đẩy nhanh tiến độ thông qua các luật liên quan hoạt động điều tra, như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam… Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giải thích Bộ luật hình sự, các luật, pháp lệnh để có sự thống nhất áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung biên chế, đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Theo ANTD
Sửa luật để chống bức cung, nhục hình
Ngày 6.6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Ảnh minh họa
Ông Vũ Hồng Nam, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao cho biết với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tham gia ký Công ước chống tra tấn vào ngày 7.11.2013 và đang triển khai các bước tiếp theo để phê chuẩn công ước này trong năm 2014.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, ngồi tù theo tinh thần công ước. Tuy nhiên, đi vào một số vấn đề cụ thể vẫn còn một số điểm chưa tương thích nằm rải rác trong nhiều đạo luật liên quan đến chống tra tấn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an cho biết trong năm 2015 - 2016, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hàng loạt đạo luật. Ông Trần Văn Dũng, Vụ Pháp luật hình sự Bộ Tư pháp cũng cho biết Bộ Tư pháp sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật như luật Luật sư, luật Thi hành án hình sự, luật Tương trợ tư pháp... Về hướng sửa đổi, ông Dũng trình bày sẽ minh bạch hóa quá trình một người bị bắt tạm giam, lấy lời khai với sự tham gia nhanh nhất của luật sư và đại diện Viện KSND. "Luật sư có thể tiếp cận để bảo vệ thân chủ ngay từ thời điểm bị bắt giam. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp kỹ thuật như lắp camera trong phòng hỏi cung, trong trường hợp bị cáo khai trước tòa bị bức cung thì tòa có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp", ông Dũng nói và cho biết ngoài các hành vi bức cung nhục hình, các nhà làm luật sẽ tính toán để đưa các quy định sát hơn theo khái niệm tra tấn của Công ước LHQ.
Tại hội thảo, ông Manfred Nowak, cựu báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tra tấn cho biết từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, cần phải có những cơ chế đặc biệt, trong đó có lực lượng điều tra về hành vi bức cung nhục hình độc lập với cảnh sát. Ngoài ra, phải tăng cường vai trò giám sát của báo chí... "Tại một số nước châu Âu, khi xảy ra việc người bị tạm giam tạm giữ bị thương thì cảnh sát phải chứng minh họ không sử dụng biện pháp tra tấn, nếu không chứng minh được thì đương nhiên bị khép tội tra tấn", ông Manfred Nowak nói.
Cần tách trại giam ra khỏi Bộ Công an Nêu quan điểm của Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng cũng cho rằng, phải tách trại tạm giam và cơ quan điều tra thành 2 cơ quan độc lập không để Bộ Công an quản lý như hiện nay. "Nếu được như thế, tôi tin chắc giảm bức cung nhục hình là điều có thể", ông Dũng nói.
Theo TNO
TP.HCM không có bức cung, nhục hình Đó là báo cáo của đại diện Công an TP.HCM với Đoàn Công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội song cũng có ý kiến băn khoăn, cho rằng chưa thuyết phục. Trong 2 ngày 27 và 28/3, Đoàn Công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các đơn vị công an, VKSND, bộ đội biên phòng, Cục...