Kiên quyết không cấp phép dự án nguy cơ gây ô nhiễm cao
Kiên quyết không cấp phép đầu tư xây dựng các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đảm bảo các yêu cầu về xử lý môi trường. Các dự án chỉ được đưa vào vận hành khi có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đó là yêu cầu trong thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành tài nguyên và môi trường.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật: rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài nguyên một cách bình đẳng, theo yêu cầu của thực tiễn nhằm tạo động lực, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt là nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về đất đai để khuyến khích việc tập trung tích tụ đất đai, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập.
Yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Đồng thời rà soát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt liên quan đến tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên biển, xử lý chất thải, khí khải; gắn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với việc ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tái cấu trúc các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, sử dụng lãng phí đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản không theo quy hoạch, kế hoạch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dự án khai thác tài nguyên.
Bên cạnh đó nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá tác động môi trường và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác hậu kiểm; kiên quyết không cấp phép đầu tư xây dựng các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đảm bảo các yêu cầu về xử lý môi trường. Các dự án chỉ được đưa vào vận hành khi có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đối với dự án của Formosa, Bộ Tài nguyên Môi trường cần tiếp tục giám sát, kiểm soát chặt chẽ công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường và công tác quản lý môi trường, đảm bảo đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu mới cho vận hành theo thiết kế.
Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, sử dụng lãng phí tài nguyên; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra phải có kế hoạch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, tránh bố trí các đoàn chồng chéo nhau.
Tiến hành điều tra, rà soát phân loại các nguồn thải gây ô nhiễm sông, biển, các vùng kinh tế, đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước, nâng cao chất lượng nguồn nước; tập trung cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm.
Ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, vận hành hồ chứa; tập trung đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc theo hướng tự động hoá, đồng bộ tích hợp với các lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan khẩn trương xây dựng Đề án chống ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Dantri
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Ô nhiễm nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội"
"Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội"- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: T.K)
Tại diễn đàn "Bảo vệ môi trường - những vấn đề cấp bách" do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều tối qua 9/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, từ đầu năm 2016 tới nay đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên cả nước khiến dư luận xã hội bức xúc.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng nên nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. "Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội"- ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà khẳng định, đã đến lúc không thể đi theo mô hình phát triển cũ. Trước đây, phát triển kinh tế trong bảo vệ môi trường, nhưng bây giờ phải bảo vệ môi trường trong phát triển, trong từng dự án đầu tư và trong chiến lược, quy hoạch phát triển.
Về nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải pháp trước mắt là lập quy hoạch bảo vệ môi trường với cách tiếp cận liên vùng, liên ngành nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó sẽ phải rà soát, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đã hoạt động, đang chạy thử, đang xây dựng... để đưa ra lộ trình rõ ràng nhằm phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề về môi trường theo đúng các quy định của pháp luật.
Ông Hà nhấn mạnh, phải sớm ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá sản phẩm và danh mục công bố công khai các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm lớn để có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho rằng, quá trình phát triển và hội nhập đặt ra những thách thức mới về vấn đề ô nhiễm môi trường cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà. Chính vì thế, để đạt mục tiêu phát triển mang tính bền vững trong tương lai chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mà trước hết, phải phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, các tổ chức hiểu được, chấp hành, làm đúng các quy định bảo vệ môi trường. "Nếu không có nhận thức đúng thì khó hành động đúng. Làm sao để cả cộng đồng hiểu được môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người. Làm sao công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải được đẩy mạnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị"- ông Tiến nói.
337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cả nước hiện có 878 khu đô thị, 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe máy...
Hàng ngày phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tất chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Bên cạnh đó, mỗi năm sử dụng 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó 80% sử dụng sai mục đích hoặc không đúng kỹ thuật, 50-70% không được cây trồng hấp thụ...
Cả nước có 548 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, phần lớn là các bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Ngoài ra, cả nước có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan, gây ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cả nước đang có khoảng 547.000 ha đất (chiếm hơn 10%) bị thoái hóa nặng, trên 240 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố. Trung bình có 9.000 ha đất rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại đất khác. 2.000-4.000 ha rừng bị chặt phá, bị cháy. So với năm 1943, diện tích rừng ngập mặn trên phạm vi cả nước giảm đến 67%.
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các địa phương tổ chức thanh kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường 4.121 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong cả nước. Qua đó phát hiện, xử phạt các tổ chức vi phạm số tiền phạt trên 226 tỉ đồng, xử lý đình chỉ 38 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tước giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại 6 đơn vị.
Năm 2016, đã tổ chức thanh kiểm tra đột xuất 11 cơ sở theo kiến nghị của địa phương, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, có khiếu nại tố cáo và một số điểm nóng môi trường, xử phạt 5 cơ sở với số tiền xử phạt là gần 10 tỉ đồng, yêu cầu các cơ sở bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 11,5 tỉ đồng.
"Đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường: xả thải, đổ thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở nhiều địa phương. Điển hình là vụ Formosa hồi tháng 4/2016, gây hậu quả nghiêm trọng"- Bộ này nhận định trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội.
Nguồn nước mặt trong khu đô thị ô nhiễm nặng
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng, đặc biệt ở các lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai. Ô nhiễm chất dinh dưỡng kim loại nặng trong nước dưới đất tại các vùng đồng bằng bắc bộ: Hà Đông, Hoài Đức thuộc Hà Nội; Ý Yên, Trực Ninh thuộc tỉnh Nam Định, thành phố Thái Bình...
Các hoạt động chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, chặt phá rừng... khiến hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp, chia cắt, đa dạng sinh học suy thoái nhanh.
Trong khi đó, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với yêu cầu. Ví dụ, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được phê duyệt gần 2.500 tỉ đồng nhưng chỉ bố trí được 485 tỉ đồng, khoảng 20%.
Tác động của biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường xuyên biên giới, theo dòng thương mại quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm lưu vực sông do phát thải từ các quốc gia trên dòng Mê Kông dự báo sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học.
Thế Kha
Theo Dantri
Bắc Ninh: Làng nghề truyền thống ngập trong ô nhiễm Không chỉ ô nhiễm ở các khu-cụm công nghiệp, tình trạng "bẩn" ở các làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Ninh cũng là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Cho đến nay, khi chính quyền sở tại đang loay hoay tìm kiếm hướng giải quyết, người dân tại các làng nghề vẫn đang phải sống chung với cái vấn nạn...