Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (Phú Thọ), và 45 năm thực hiện Di chúc của Người, tổ chức sáng nay, 19/9, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (Phú Thọ) và 45 năm thực hiện Di chúc của Người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Nỗ lực phát triển đất nước, đồng thời kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc để đất nước Việt Nam tươi đẹp, dân tộc Việt Nam nhân nghĩa, văn hiến của chúng ta mãi mãi trường tồn, vẻ vang cùng bạn bè năm châu”.
Chủ tịch nước nhắc lại lời Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã bao lần đứng lên cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc với biết bao hy sinh xương máu.
Cũng chính vì thế mà dân tộc ta thiết tha yêu chuộng hòa bình, mong muốn được sống trong hòa bình để xây dựng đất nước, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hiện nay, các thế lực thù địch luôn âm mưu đe dọa xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chống phá sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và mỗi người dân Việt Nam cần phải ghi nhớ, khắc sâu, thấm nhuần cà thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Công lao khai sơn, phá thạch dựng nước của các Vua Hùng muôn đời được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ. Người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc, cháu Hồng”.
Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là bản săc văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người có chung cội nguồn – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
Một tiết mục múa, ca nhạc tại lễ kỷ niệm
Video đang HOT
Đúng ngày này của 60 năm trước (19/9/1954), Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng, dặn dò, nhắc nhở chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô về công lao của các Vua Hùng và trách nhiệm xây dựng, giữ nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Phú Thọ và cả nước khắc sâu lời căn dặn của Bác suốt 60 năm qua. Nhân dân Phú Thọ kề vai sát cánh, chung sức chung lòng cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước lập nên những thành quả to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Phú Thọ là hậu phương lớn cho tiền tuyến, huy động sức người, sức của cho kháng chiến.
Từ năm 1965 – 1975, Phú Thọ huy động gần 9% nhân lực cho chiến đấu. 93.000 thanh niên vào bộ đội, hơn 4000 người tham gia TNXP, 20.000 người tham gia dân quân tự vệ, hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường, huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, san lấp hố bom giữ vững mạch máu giao thông…
Quân dân Phú Thọ đã bắn rơi 86 máy bay Mỹ, trực tiếp chiến đấu 783 trận. 82 tập thể và 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 461 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…
Phú Thọ 60 năm qua kể từ ngày Bác về thăm Đền Hùng, đã có diện mạo mới đầy sức sống. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, ngày nay Phú Thọ đã đạt thu ngân sách trên 3 ngàn tỷ đồng/năm, thu nhập đầu người đạt hơn 1.000 đô la/người, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 12%.
Đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Phú Thọ, Bí thư tỉnh Đoàn Phạm Thanh Tùng xin hứa tiếp bước cha ông, bằng sức trẻ, quyêt tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cống hiến, dân thân bằng sức sáng tạo trẻ của những chàng trai, cô gái Đất Tổ.
Theo Tùng Duy
Tiền Phong
"Chúng ta còn nợ Người nhiều điều trong Di chúc!"
"Nhìn lại sáu điểm lớn trong Di chúc Bác đặt ra cho Đảng, nhân dân ta phải làm thì thấy rõ hiện nay chúng ta vẫn đang nợ rất nhiều điều", GS.TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng nói.
45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng trao đổi với phóng viên Dân trí làm rõ thêm về những vấn đề liên quan.
GS.TS Mạch Quang Thắng cho rằng, nhân dân cả nước còn nợ Bác Hồ, rất nhiều điều trong Di chúc của Người chưa thực hiện được.
Bản đầu tiên Di chúc của Người (bản Di chúc năm 1965) có ghi là "tuyệt đối bí mật". Vậy xin ông cho biết, điều được cho là "tuyệt đối bí mật" ở đây là gì và liệu có liên quan gì đến vận mệnh của đất nước hay không?
Di chúc của Người có bàn đến vấn đề "tuyệt đối bí mật" hay không thì cũng tùy quan điểm của từng người. Còn tôi quan niệm chẳng có gì bí mật ở đây. Bí mật gì mà thời điểm đó ông Vũ Kỳ đã biết rồi và bên cạnh đó cả Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn cũng là người chứng kiến nữa. Có lẽ lúc đó Bác cho là nếu ai biết về những lời đó thì lại thêm lo lắng rằng mình chuẩn bị đi xa, tư tưởng phân tâm. Vì vậy mà bản đầu tiên của Di chúc, Bác có ghi là "tuyệt đối bí mật".
Trong 4 năm, từ 1965 đến 1969, Người mới hoàn thành bản Di chúc. Chắc hẳn quãng thời gian trước lúc đi xa đó, Người còn trăn trở rất nhiều điều?
Đọc lại cuốn hồi ký của ông Vũ Kỳ - thư ký lâu năm của Bác viết rằng có lúc Bác cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống trăn trở nhiều điều. Di chúc của Bác viết trong tâm trạng rất ưu tư. Suy tư cũng đúng thôi bởi thời điểm đó đất nước còn ngổn ngang công việc vì chống Mỹ cứu nước chưa xong.
Năm 1965 cụ viết cái thư (Di chúc) và đến năm 1966 chỉ bổ sung một câu "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" trong đoạn về Đảng. Năm 1967, Bác cũng trong tâm trạng cầm bút lên, đặt bút xuống. Đến năm 1968, Bác mới viết bổ sung khá nhiều, đặc biệt là bổ sung đoạn về con người, chính sách hậu chiến đối với người tham gia chiến tranh, người lao động... Đến năm 1969, Bác viết lại lời đầu.
Trong bản Di chúc Người đặt ra rất nhiều vấn đề cho thế hệ sau. Vậy xin ông cho biết, qua 45 thực hiện Di chúc, chúng ta đã làm được những gì và có điều gì còn "mắc nợ" với Người hay không?
So lại sáu điểm lớn trong Di chúc Bác đặt ra cho Đảng và nhân dân ta phải làm, qua 45 năm, có một số điểm chúng ta thực hiện tốt, một số điểm chưa thật tốt lắm, cũng có điểm chúng ta chưa thực hiện. Có thể thấy rõ ràng là chúng ta đang mắc nợ Cụ rất nhiều. Nhiều điểm trong Di chúc chúng ta phải nghiên cứu thực hiện cho tốt.
Tôi chỉ nói riêng về những vấn đề trong Đảng, sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng lòng tin đối với Đảng có bị sụt giảm. Đó là chỉ số cực kỳ đáng lo ngại. Chúng ta có nghị quyết này, cuộc vận động kia nhưng làm chưa thực sự tốt nên vẫn còn "một bộ phận không nhỏ" Đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng vẫn còn nhiều... Thực tế như vậy nên chúng ta chưa thể yên tâm.
Vấn đề đoàn kết trong Đảng, được Người đặc biệt quan tâm trong Di chúc. Đánh giá riêng về điểm này, theo GS, mấy chục năm qua, chúng ta thực hiện điều đó thế nào?
Đoàn kết trong Đảng được Cụ nhấn mạnh trong Di chúc. Cho đến hiện nay, vấn đề này vẫn đang làm nhưng thực sự chưa được tốt đâu, theo tôi phải làm tốt hơn nữa. Có câu ở ngoài Di chúc, Cụ nói là "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" - là đoàn kết nói chung nhưng đoàn kết trong Đảng là cực kỳ quan trọng. Có đoàn kết trong Đảng mới đạt được đoàn kết xã hội. Trong Đảng chỗ này, chỗ kia còn có vấn đề, mà sống trong môi trường mất đoàn kết thì đất nước không thể ổn định được. Theo tôi vấn đề đoàn kết hiện nay chúng ta phải thực hiện thật tốt theo lời di huấn của Bác.
Ngoài vấn đề đoàn kết trong Đảng, thì Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh đến vấn đề con người, vấn đề cán bộ. Thực tế vừa qua chúng ta đã chỉ rõ là "còn bộ phận không nhỏ" cán bộ bị suy thoái đạo đức, điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt theo Di chúc của Bác?
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ là vấn đề quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng. Nhìn vấn đề hiện nay, chúng ta có số lượng cán bộ rất đông, chất lượng cũng được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội vẫn còn nên nhiều cán bộ chưa tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.
Có lẽ đây là vấn đề chúng ta cần phải trăn trở cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà để thực hiện cho tốt thì từ Trung ương xuống địa phương, mà nhất là từ Trung ương phải có đường lối, chính sách đúng và hành động thật quyết liệt thì mới xoay chuyển được tình hình. Còn nếu trong văn bản, nghị quyết và các cuộc vận động còn nặng về hình thức thì không thể thực hiện tốt Di chúc của Bác.
Trong Di chúc Bác nói rõ là "Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân ". Điều đó có nghĩa là Bác nhắc nhở, yêu cầu nghiêm minh trong việc xử lý những cán bộ sai phạm, thưa ông?
Trong Di chúc Bác không nhắc tới việc xử lý những cán bộ sai phạm mà chỉ nói là "Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xử lý những người vi phạm. Không phải chỉ trong Di chúc, mà ở dịp khác, Bác cũng nói rồi, sai phạm phải xử lý thật nghiêm theo đúng pháp luật, kỷ luật của Đảng, không phân biệt người giữ chức vụ gì.
Có người nói Bác nặng về đức trị, nhẹ về pháp trị. Tôi cho nói vậy là không đúng mà Bác sử dụng hai biện pháp đó nhuần nhuyễn. Thí dụ như vụ xử tử Đại tá Trần Dụ Châu tham ô, tham nhũng trong kháng chiến chống Pháp. Tòa án quân sự xử tử hình, khi đưa bản án lên Chủ tịch nước, Bác rất suy nghĩ, chảy nước mắt và cuối cùng vẫn quyết định y án tử hình Trần Dụ Châu đấy thôi.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Chương trình nghệ thuật đặc biệt ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội vào tối 30/8. Chương trình do Ban Tuyên giao Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức...