Kiện nhà gái đòi sính lễ
Bị nhà gái hồi đám cưới, nhà trai bèn kiện ra tòa đòi lại sính lễ gồm bông tai, nhẫn và tiền “nạp tài”
TAND huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vừa xử sơ thẩm vụ kiện đòi sính lễ cưới giữa một bên là nhà trai ở Tam Bình (Vĩnh Long) với một bên là nhà gái ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Phía nhà trai yêu cầu tòa buộc nhà gái trả lại sính lễ gồm 8 triệu đồng tiền “nạp tài” đám cưới và 1,5 chỉ vàng (bông tai, nhẫn cưới).
Đầu không xuôi nên đuôi… trớt hướt
Theo đơn kiện, ngày 22.3.2014, gia đình ông Ch đến nhà ông C ở Thạnh Phú (Bến Tre) để hỏi cưới cháu N (con gái ông C) cho T, con trai của ông. Bên gia đình ông C đồng ý nên hai nhà đã thống nhất chọn ngày 30.4 trong năm tổ chức lễ sơ hôn.
Video đang HOT
Trong ngày lễ sơ hôn, gia đình ông Ch có mang sang nhà ông C một mâm rượu, trà bánh và ba mâm trái cây. Cũng ngay trong ngày đó, bên ông có trao cho cháu N đôi bông tai một chỉ vàng 24k và một chiếc nhẫn năm phân vàng 24k. Hai nhà dự kiến cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 sẽ tổ chức đám cưới cho hai đứa.
Ngày 24.8.2014, gia đình ông đến nhà ông C để trình ngày tổ chức đám cưới, rước dâu là ngày 19.10.2014. Hai bên cũng bàn bạc và thống nhất hợp đồng xe đưa dâu. Gia đình ông C đứng ra hợp đồng, còn tiền xe thì để gia đình bên ông thanh toán. Gia đình ông C cũng yêu cầu gia đình ông giao tiền nạp tài đám cưới là 8 triệu đồng và ông đã đồng ý giao ngay lúc đó.
Vẫn theo ông Ch, ngày 11.9.2014, ông có đưa 3 triệu đồng cho con trai sang đưa cho cháu N để may đồ cưới. Khoảng 10 ngày sau đó, cháu N gọi điện thoại cho gia đình ông và nói rằng giờ đi mua đồ trễ quá, với lại cũng đã cận tết rồi nên không thể mướn ai may đồ đạc gì được nữa. Ông nói là còn cả tháng nữa mới tới ngày cưới, nếu vậy thì mua đồ người ta may sẵn cũng được rồi. Cháu N đặt vấn đề sao không thấy gửi tiền qua thuê xe rước dâu. Ông trả lời rằng việc đó đã giao kèo rồi, là bên ông C đứng ra hợp đồng xe, đến khi gần đám cưới hoặc đến ngày rước dâu, tiền bạc bao nhiêu thì báo lại, bên ông sẽ chi trả luôn một lượt.
“Lúc đó cháu N nói vậy thôi đi, khỏi cưới hỏi gì hết rồi cúp máy. Sau đó, tôi gọi điện thoại cho ông C trình bày việc cháu N nói như thế, nếu cháu N đã quyết định vậy rồi thì bên ông C phải hoàn trả số nữ trang và tiền cưới để mai mốt tôi còn cưới vợ cho thằng con” – ông Ch kể.
Chỉ “tạm đình chỉ” hay đình hẳn?
Theo ông Ch, mấy hôm sau, ông C gọi điện thoại lại, nói ông sai con trai của ông qua nhà để bên ông ấy hoàn trả lại tiền, vàng cưới. Ông nghĩ việc nói chuyện cưới hỏi là chuyện của người lớn nên ông nói ông C phải qua nhà ông nói chuyện mới phải đạo nhưng ông C không đồng ý.
“Ngày 18.10.2014, tôi lặn lội đến nhà ông C để đòi lại số tiền, vàng cưới nhưng gia đình ông ấy kiên quyết không trả. Thấy vậy tôi mới nhờ cán bộ ấp nơi đó hòa giải nhưng vẫn không thành. Vì vậy, tôi khởi kiện yêu cầu gia đình ông C. phải hoàn trả 8 triệu đồng tiền nạp tài đám cưới và 1,5 chỉ vàng bông tai, nhẫn cưới. Còn 3 triệu đồng đã đưa cho cháu N mua sắm quần áo cưới thì tôi không yêu cầu giải quyết”.
Bên ông C. thì giãi bày theo tục lệ ở địa phương, bên nhà trai phải đưa tiền cho cô dâu để may đồ cưới. Nhưng còn chỉ một tháng nữa là tới đám cưới mà bên nhà trai vẫn chưa đưa tiền nên con gái ông mới giận dỗi và quyết định đình đám cưới lại để… sang năm sẽ cưới. Do con gái ông chỉ đình đám cưới chứ không phải hồi đám cưới nên phía ông mới giữ lại sính lễ để cưới tiếp. “Sau đó, ông Ch. có đến nhà tôi ngồi nói chuyện. Ông ấy nói là cho tiền vàng luôn, sao giờ tự dưng lại làm đơn kiện tới tòa?”. Từ đó, ông C cương quyết không trả vì số tiền ấy ông đã đưa hết cho con gái ông rồi.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải trả lại sính lễ
Tương tự, chị N cũng nói rằng bên nhà trai giao tiền may đồ đạc và tiền xe rước dâu chậm trễ quá nên chị phải đình đám cưới lại sang năm chứ không có hồi đám cưới. Giờ bên gia đình ông Ch tự ý hủy hôn nên phải chịu bỏ tiền nạp tài và số vàng đã cho. Theo chị, cũng vì chuyện đó mà hiện nay hai bên gia đình đã mâu thuẫn gay gắt nên chị thấy cũng không còn tình cảm gì với anh T, con trai ông Ch, nên không muốn cưới nữa. Về số tiền 3 triệu đồng mà bên gia đình ông Ch cho chị may đồ cưới, chị N nói không hề nhận được. Chị được biết là anh T nghe chị nói đình đám cưới nên buồn quá đã đem đi nhậu hết.
Xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Thạnh Phú nhận định số tiền, vàng bên ông Ch tặng cho chị N. và gia đình theo phong tục tập quán để hai bên gia đình tổ chức làm lễ cưới sau này. Từ đây đã phát sinh quan hệ hợp đồng tặng cho có điều kiện. Việc gia đình ông Ch cho số tiền, vàng trên với điều kiện là con trai của ông Ch và chị N phải tiến hành làm lễ cưới sau này.
Theo tòa, mặc dù bên ông C và chị N nói chỉ đình đám cưới tạm thời nhưng bên ông C và chị N vẫn không có động thái gì để tiếp tục tiến hành làm đám cưới với con trai ông Ch. Như vậy, chị N đã chính thức từ chối tiến hành đám cưới, có nghĩa là chị N đã đơn phương chấm dứt hợp đồng tặng cho có điều kiện. Do bên ông C và chị N đã không tổ chức đám cưới như dự định nên việc ông Ch khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền, vàng đã cho là phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó, tòa tuyên buộc phía nhà gái phải trả tiền, vàng cho phía nhà trai.
Theo Tâm Lê (Pháp luật TP.HCM)