Kiến nghị xử lý hình sự hành vi chiếu laser vào máy bay
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, hành vi chiếu tia laser vào máy bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh, vì vậy cần xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thống kê 6 vụ chiếu tia laser vào máy bay. Cụ thể: Từ ngày 28/5 đến 14/6 xảy ra 5 vụ, trong đó có 1 vụ ở Tân Sơn Nhất, 4 vụ ở Nội Bài; ngày 15/2 xảy ra 1 vụ ở sân bay Pleiku (Gia Lai). Hành vi này gây uy hiếp đến an toàn của chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức độ nguy hiểm khi máy bay bị chiếu laser là đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng sức khoẻ của phi công và hành khách trên chuyến bay, nhưng trong quy định của Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn chưa liệt kê hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” để xử lý hình sự.
Phi công có thể bị mất kiểm soát máy bay tạm thời khi bị tác động bởi tia laser (ảnh minh họa)
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTTVT có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung hành vi có tính chất nguy hiểm đối với tổ lái như hành vi chiếu đèn laser vào máy bay vào Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 09/2013 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông.
Về phía cơ quan quản lý ngành, Cục Hàng không cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi các chế tài xử phạt hành chính liên quan đến hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” vào nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, qua nghiên cứu tài liệu về “Báo cáo việc chiếu tia laser vào tàu bay” của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) dẫn chiếu kết quả nghiên cứu của FAA và các cơ quan nhà nước khác của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy việc tiếp xúc của tổ bay với tia laser có thể gây ra hậu quả nguy hiểm như gây mất tập trung, chói, loá, có thể gây mù loà hoặc suy giảm thị lực vĩnh viễn với phi công. Do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều khiển tàu bay, gây mất an toàn của chuyến bay đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh.
“Hành vi chiếu tia laser vào buồng lái là hành vi thực sự nguy hiểm đối với hoạt động khai thác tàu bay và cần có các biện pháp răn đe, phòng ngừa thích hợp trong tình hình hiện nay. Do mức độ nguy hiểm của hành vi chiếu tia laser đến hoạt động bay dân dụng có thể gây hậu quả hoặc đe doạ gây hậu quả nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, hành vi này bị xử lý hình sự tại Hoa Kỳ” – Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Video đang HOT
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi chiếu laser vào máy bay
Được biết, trong trường hợp bị chiếu tia laser vào buồng lái, cơ quan kiểm soát không lưu áp dụng quy trình xử lý như trong tình trạng khẩn nguy trên không, cho đến khi tổ lái báo chấm dứt tình trạng này.
Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố; Công an thành phố và UBND thành phố Hà Nội, TPHCM, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sử dụng đèn chiếu laser vào máy bay, uy hiếp an toàn hoạt động bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất; Ban Chỉ đạo khẩn nguy hàng không thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Chiếu tia laser vào máy bay: Cần chế tài xử...
Hành vi chiếu đèn laser từ dưới mặt đất lên máy bay được đánh giá là có thể gây tổn thương mắt phi công và có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết vẫn chưa có chế tài xử lý vi phạm này mà mới chỉ dừng ở tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
Tia laser có thể gây tổn thương mắt phi công
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo việc sử dụng đèn laser có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động bay. Tia laser chiếu vào buồng lái trong quá trình máy bay hạ cánh khiến phi công mất tập trung và xao lãng.
Tuy nhiên, trong tháng 6/2016 liên tiếp xảy ra các vụ chiếu tia laser vào sân bay Nội Bài, uy hiếp hoạt động an toàn bay. Trước sự việc này, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc chiếu tia laser vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không dân dụng, vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
"Vụ việc chiếu tia laser vào khu vực sân bay được phát hiện lần đầu tiên ở sân bay Pleiku (Gia Lai) khi tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh, gây chói mắt phi công đang điều khiển tàu bay. Ngay sau đó, tổ bay đã có báo cáo, Cảng vụ hàng không Plieku đã kiểm tra nhưng không phát hiện đối tượng gây ra sự việc", ông Lại Xuân Thanh cho hay.
Theo Cục Hàng không, các vụ chiếu tia laser vào sân bay thời gian qua ở Việt Nam đến nay chưa ghi nhận gây ra hậu quả gì. Tuy nhiên, việc sử dụng tia laser đã được quy định trong Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Cụ thể, Khoản 9, Điều 3 của Pháp lệnh quy định rõ, công cụ hỗ trợ gồm: "Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này". Khoản 4 Điều 4 quy định: "Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng".
Chưa có chế tài xử phạt
Ông Đỗ Xuân Toản, Phó Ban An ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, nguồn gốc của các tia laser này xuất phát từ khu vực dân cư quanh sân bay, bán kính khoảng 15-18 km hoặc xuất phát từ những hoạt động tổ chức sự kiện ngoài trời ở các khu vực dân cư gần sân bay khi các đơn vị sử dụng đèn laser công suất lớn, chuyên dụng, chiếu thẳng lên trời.
"Có khi ngay cả đơn vị tổ chức, người sử dụng cũng không biết việc sử dụng tia laser như vậy gây ảnh hưởng đến an toàn bay", ông Toản cho biết.
Còn ông Vũ Thế Phiệt, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã yêu cầu các địa phương có sân bay tuyên truyền cho người dân gần khu vực sân bay hiểu và hạn chế sử dụng loại tia này. Cảng Nội Bài cũng cử người làm việc với lãnh đạo địa phương cũng như tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng các loại đèn chiếu tia laser.
"Chúng tôi là doanh nghiệp nên cũng chỉ biết tuyên truyền để người dân biết và không làm nữa chứ không có biện pháp xử lý hay xử phạt. Có trường hợp tìm được thủ phạm nhưng cũng chỉ nhắc nhở", ông Vũ Thế Phiệt cho biết.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, khi xây dựng luật, chưa xuất hiện hành vi này nên các nhà làm luật cũng không thể lường hết để xây dựng thành chế tài. Tuy nhiên, tới đây, Cục Hàng không và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ xem xét và sửa đổi Nghị định 147/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, bổ sung hành vi này vào quy định xử phạt vi phạm.
Trước mắt, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, các địa phương có sân bay cần thực hiện tốt và nghiêm Chỉ thị về việc phòng, chống sử dụng đèn chiếu laser uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia ban hành vào tháng 3 vừa qua.
Theo đó, các ban chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương, các cảng hàng không, sân bay, các cơ quan đơn vị có liên quan rà soát và có biện pháp khuyến cáo tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực sân bay không sử dụng đèn chiếu tia laser, gây nguy hiểm cho hoạt động bay.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về tính nguy hại của việc sử dụng tia laser chiếu vào tàu bay khi đang trong quá trình cất/hạ cánh, các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tia laser...
Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân khi tổ chức các sự kiện gần khu vực cảng hàng không, sân bay có sử dụng các loại đèn chiếu laser phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và thông báo với nhà chức trách hàng không tại cảng hàng không, sân bay đó.
Phan Trang
Theo Danviet
Khởi tố hay xử phạt vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng? Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá hơn 26.000m2 rừng tự nhiên, từ chỗ kết luận không thể xử...