Kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội
Tại buổi tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”, do Trung tâm con người và thiên nhiên phối hợp Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) tổ chức chiều 23.3, nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm ro vụ việc.
Nhiều chuyên gia kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chặt 6.700 cây xanh – Ảnh: Lê Quân
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đặt vấn đề: “Chặt rồi họ mang đi đâu? Tôi nghe nói chi phí để chặt một cây như xà cừ, sấu bán gỗ giá cũng hơn 30 triệu đồng. Tiền mua cây mới trồng vào không tốn bao nhiêu, như vậy được gọi là xã hội hóa cải tạo cây xanh, không dùng tiền ngân sách? Trong đề án cũng không thấy nhắc đến khoản tiền bán cây, mua cây mới trồng. Những cái này diễn ra, chúng ta không nên ngây thơ quá về sự vụng về, thiếu hiểu biết, hay kém kinh nghiệm. Đều có sự đo đếm hết, không phải tự nhiên mà như vậy. Tôi mong rằng việc thanh tra mà Hà Nội đang triển khai đừng chỉ tìm ra những con kiến”.
Còn GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, đánh giá đề án chặt 6.700 cây không những sơ sài mà còn bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ cây xanh trong luật Thủ đô, Nghị định 64 của Chính phủ, các quyết định của chính TP.Hà Nội đưa ra. “Hôm 20.3, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói trong họp báo đổ lỗi cho nhà tài trợ nôn nóng là hoàn toàn không thấy hết những sai lầm nghiêm trọng để lại hậu quả vô cùng lớn với môi trường, cảnh quan, xã hội, lòng tin của nhân dân với lãnh đạo Hà Nội. Theo tôi, sai lầm đó xuất phát từ ngay việc chỉ đạo xây dựng đề án, duyệt đề án. Việc chỉ đạo thì cấp dưới phải làm theo, cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể chỉ kỷ luật những người cấp dưới. Đáng ra, lãnh đạo thành phố phải xin lỗi dân vì đã làm việc phản khoa học, phản lòng dân. Thứ hai là lên kế hoạch giải quyết ngay hậu quả, rồi xử lý trách nhiệm người lãnh đạo cao nhất về việc này…”, GS-TS Đăng thẳng thắn.
Video đang HOT
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học VN, nếu để đoàn thanh tra liên ngành của Hà Nội thanh tra toàn diện sẽ “không ra được hết các vấn đề”. “Việc này gây bức xúc dư luận cả nước, không phải việc nội bộ của Hà Nội nữa. Chính phủ cần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới mong làm ra ngô ra khoai”, ông Dũng nói.
Lê Quân
Theo Thanhnien
35 triệu đồng chi phí chặt một cây xà cừ
Không tính tiền vận chuyển, công đào một gốc cây xà cừ đường kính 120 cm là 10 triệu đồng, công cưa chặt là 25 triệu đồng.
Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1, các chi phí cho việc cắt tỉa cây, giải tỏa cây đổ, chặt hạ, đào gốc cây xà cừ có đường kính trên 120 cm đều ở mức trên 10 triệu đồng.
Cụ thể, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc. Cũng với đường kính như trên, nếu chỉ cắt tỉa không sử dụng xe nâng thì chi phí là 13,3 triệu và trường hợp giải toả cây gãy đổ là trên 10 triệu đồng.
Theo đơn giá của Hà Nội, việc đào gốc xà cừ có đường kính 120 cm được tính phí 10 triệu đồng. Ảnh: Quý Đoàn.
Tại cuộc họp cuối tháng 1 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc chặt hạ cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú để phục vụ thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại diện Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh khẳng định quy trình chặt hạ, đo đếm củi gỗ, đấu giá rất chặt chẽ và không có thất thoát.
Khi được hỏi về quy trình, giá một mét khối củi gỗ, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho hay việc thu hồi củi gỗ cây bóng mát sau khi chặt hạ được liên ngành kiểm tra, sau đó trừ vào quyết toán. "Quy định của nhà nước là chặt chẽ, chắc chắn không có thất thoát", ông Hiếu nhấn mạnh.
Phó tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hưng cho biết, về nguyên tắc cây xà cừ cao bao nhiêu, đường kính thế nào thì sẽ tương ứng bao nhiêu mét khối gỗ. Công ty có 3 bộ phận liên quan phối hợp đo đếm tại hiện trường về số lượng, dài rộng đường kính, đoạn nào sâu, không sâu... sau đó mới đưa ra thống nhất.
Ông Phó tổng giám đốc công ty cây xanh cho hay, củi gỗ thu hồi công ty không được tổ chức đấu thầu. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. "Sau một quý, thường là 3 tháng. Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách", ông Hưng nói về quá trình bán củi gỗ sau khi bị chặt hạ.
Thống kê của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng lớn như xà cừ (5.000 cây), muồng (5.500), bằng lăng (5.500), sấu (2.200)... Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 500 cây các loại bị chặt hạ.
Võ Hải
Theo VNE
Đình chỉ hàng loạt cán bộ liên quan vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội Chiều nay 22.3, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, thanh tra toàn diện việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến đường phố gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Nhiều cán bộ liên quan việc chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội bị đình chỉ công tác -...