Kiến nghị nâng mức xử phạt lái xe uống rượu bia
40% vụ tai nạn giao thông do chủ phương tiện uống rượu bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến đồ uống này. Nhiều chuyên gia đề xuất nâng mức phạt cho hành vi lái xe uống rượu.
Ngày 15/11, tại hội thảo phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới uống rượu bia, ông Đặng Thanh Sơn, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng chế tài xử phạt hành vi lái xe uống rượu bia còn thấp. Hiện lái xe uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng mới bị tước giấy phép.
“Cần tăng mức phạt như tước giấy phép lái xe hoặc giữ phương tiện khi lái xe có nồng đồ cồn cao, bổ sung hình phạt tù giam khi uống rượu gây tai nạn”, ông Sơn đề xuất và cho rằng với cán bộ công chức, không chỉ xử lý hành chính mà còn xem xét kỷ luật khi lái xe uống rượu bia.
Dẫn kinh nghiệm nhiều nước như Anh, Pháp xử phạt rất nặng hành vi uống rượu bia khi lái xe, đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, cho rằng cần nâng mức phạt tiền đối với lái ôtô uống rượu gấp 2,5 lần và lái xe môtô gấp 2 lần hiện nay.
Ngoài ra, ông Tuấn đề xuất lái xe uống rượu bia nên bị phạt bổ sung, như tước bằng, tạm giữ xe, buộc học và kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ. Cơ quan công an sẽ thông báo vi phạm về nơi cư trú, nơi công tác để kiểm điểm.
Video đang HOT
6 tháng đầu năm nay, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 24.600 lái xe có nồng độ cồn quá quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, số người bị xử lý vẫn chưa đúng hiện trạng, vi phạm quy định về nồng độ cồn khá phổ biến.
Cảnh sát giao thông cần được trang bị đủ máy đo nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Tiến Dũng.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn bởi người lái xe thường phản ứng chậm, buồn ngủ, thiếu tập trung. Người này có thể phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường rất dễ gây tai nạn. Theo thống kê của Ủy ban, 40% vụ tai nạn giao thông có chủ phương tiện uống rượu bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến đồ uống này.
Ông Thái kiến nghị, bên cạnh việc tuyên truyền vận động người lái xe không uống rượu bia, cần trang bị đủ máy đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông để tăng cường kiểm tra tài xế vào thời gian 12-14h và 18-21h. Ngoài ra, cần hạn chế quảng cáo rượu bia trên phương tiện truyền thông, không bán rượu bia tại các bến xe, trạm dừng nghỉ.
TS Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, cũng cho rằng thực trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam rất đáng lo ngại. Việt Nam sản xuất gần 350 triệu lít rượu và 2,5 tỷ lít bia mỗi năm. Như vậy, bình quân hiện nay mỗi người uống 29 lít mỗi năm, trong khi năm 2006 bình quân mỗi người uống 18 lít.
Ông Tiên cho rằng, các chính sách hạn chế sử dụng rượu bia thời gian qua chưa có nhiều do ngành rượu “lobby” mạnh. Do vậy, cần tăng thuế rượu bia và cấm quảng cáo tài trợ, tiến tới xây dựng Luật phòng chống lạm dụng rượu bia.
Theo nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người lái môtô bị phạt 200.000-300.000 đồng, và cùng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.
Nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người lái môtô bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Riêng ở Hà Nội và các thành phố lớn, mức phạt này sẽ bị tăng gấp đôi.
Theo VNExpress
Xử lý lái xe uống rượu bia trên quốc lộ: Khó nhưng phải làm
Hiện nay, công tác phát hiện và xử phạt những vi phạm liên quan đến rượu bia của CSGT tại các tuyến quốc lộ gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, Phòng CSGT vẫn tập trung lực lượng triển khai xử lý nhằm góp phần kiềm chế TNGT.
Việc tăng cường kiểm tra xử phạt rượu bia sẽ giúp ngăn ngừa TNGT
Dùng kinh nghiệm ngừa "ma men"
Quốc lộ 5 là một trong những tuyến đường huyết mạch ra vào trung tâm thành phố. Một ngày có hàng nghìn lượt phương tiện trong đó phần lớn là xe tải, xe khách và container lưu thông. Chỉ cần một va chạm nhỏ, việc ùn tắc giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ này được Đội CSGT số 5 đặc biệt coi trọng. Trung tá Nguyễn Hữu Tâm-Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết, mỗi ngày đơn vị phải cử ít nhất 3 tổ công tác với 10 CBCS vừa tuần tra lưu động vừa cắm chốt phân luồng ở dọc tuyến cho đến đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Từ đầu Tháng An toàn giao thông đến nay, nhiệm vụ của CBCS trong đơn vị vốn dĩ đã nhiều càng bộn bề hơn với chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Công tác xử lý những vi phạm này ở các tuyến quốc lộ cũng có nhiều điểm đặc thù so với trong nội đô. Đó là sự đa dạng về phương tiện tham gia giao thông trong đó đáng chú ý là vận tốc của phương tiện rất lớn, vì vậy để phát hiện được một trường hợp vi phạm là rất khó. Hàng quán ở 2 bên đường thưa vắng nên biện pháp dùng trinh sát hỗ trợ không thật sự đem lại hiệu quả.
Để phòng ngừa TNGT có thể xảy ra khi lái xe uống bia rượu, biện pháp được Đội CSGT số 5 và Đội Tuần tra dẫn đoàn triển khai đó là CBCS trong các tổ công tác đều được chọn lọc từ những người có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện lỗi, xử lý vi phạm. Qua việc tiếp xúc với người vi phạm hoặc những dấu hiệu như phương tiện đi không đúng làn đường, lấn vạch, đi quá chậm hoặc quá nhanh, tất cả những biểu hiện trên đều không loại trừ khả năng lái xe có "vấn đề" với rượu bia. Hiệu quả bước đầu trong công tác xử lý đã thấy rõ khi tính từ đầu tháng đến nay, Đội CSGT số 5 đã xử phạt 124 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Riêng Đội Tuần tra dẫn đoàn đã "tóm" được 56 "ma men".
"Rà" thêm những lỗi khác
Giống như Quốc lộ 5, Đại lộ Thăng Long và đường cao tốc Thăng Long- Nội Bài cũng được Đội CSGT số 11 và Đội Tuần tra dẫn đoàn tập trung tuần tra lưu động phát hiện xử phạt các lỗi vi phạm. Trung tá Hoàng Văn Đạo-Đội trưởng Đội CSGT số 11 thông tin: "Vi phạm rượu bia thường tập trung vào ngày cuối tuần vì dọc Đại lộ Thăng Long có khá nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng. Nhiều gia đình hoặc nhóm bạn bè sau khi đi chơi về trong hơi thở thường kèm theo mùi bia, rượu".
Còn Trung tá Nguyễn Thanh Hải-Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn khẳng định: "Riêng đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài là tuyến thường xuyên có các đoàn khách quốc tế từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thủ đô. Không chỉ đảm bảo an toàn cho các đoàn dẫn, việc bố trí lực lượng kiểm tra liên tục từ buổi trưa cho tới 19h30 hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa các "ma men" gây tai nạn". Ngoài nhiệm vụ xử lý vi phạm rượu bia, các chuyên đề xử lý mang tính đặc trưng ở các quốc lộ như phương tiện vượt quá tốc độ, đi không đúng làn và chở quá trọng tải. Trung tá Tâm cho hay, hầu hết số vụ TNGT xảy ra ở quốc lộ đều vào ban đêm, nằm trong khung giờ không có lực lượng CSGT ứng trực. Nhiều xe tải chở hàng hóa vượt quá quy định đã tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất lớn.
Thực tế nhiều vụ TNGT đau lòng đã xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân này. Đơn cử, vào ngày 13-6 vừa qua, chiếc xe tải loại 8 tấn khi lưu thông trên đường cao tốc Trung Lương (TP Hồ Chí Minh) đã nổ lốp lao vào dải phân cách khiến xe khách đi sau không kịp tránh đã đâm vào gầm xe tải. Hậu quả khiến 8 người trên xe khách thiệt mạng và 9 người bị thương nặng. Còn tại Hà Nội, ngày 19-9, lái xe Ngô Văn Thuấn (SN 1984), ở Ninh Giang, Hải Dương điều khiển xe tải loại 10 tấn mang BKS: 29Z-8880 nhưng chất tới 15 tấn vật liệu xây dựng. Do không chịu nổi sức nặng, 2 bánh trước của xe tải bị nổ tung. May mắn vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng đường Ngô Gia Tự đã bị ùn tắc hàng giờ đồng hồ. Cũng liên quan đến lỗi vi phạm này, Trung tá Hải cho biết đơn vị đã xử phạt tới 58 trường hợp, tạm giữ 3 xe tải.
Theo ANTD