Kiến nghị loại các dự án điện than chưa triển khai xây dựng ra khỏi Quy hoạch điện 8
Nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện trên 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu vừa có văn bản góp ý những điểm trong bản Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương đưa ra hồi đầu tháng 9/2021.
Phát triển năng lượng xanh và bền vững của Việt Nam là chủ trương của Đảng, Nhà nước và cũng là khát vọng chung của toàn thể nhân dân. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo đó, nhóm liên minh, tổ chức này cho rằng, cần loại các dự án điện than chưa triển khai xây dựng khỏi quy hoạch, đồng thời có giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo.
Đi ngược xu thế
Theo văn bản này, phát triển năng lượng xanh và bền vững của Việt Nam là chủ trương của Đảng, Nhà nước và cũng là khát vọng chung của toàn thể nhân dân. Điều này cần được phản ánh trong Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) hiện đang được Bộ Công Thương chỉnh sửa và chuẩn bị trình lên Chính phủ phê duyệt.
“Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới ngày 05/09/2021 thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới khi vẫn tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch đồng thời kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo. Thậm chí, bản thảo lần này thể hiện “những bước lùi” so với bản dự thảo tháng 3/2021 khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Như vậy, trong 10 năm tới công suất điện than mới sẽ tăng thêm gần 20.000 MW, trong khi đó, điện mặt trời chỉ tăng thêm khoảng 2.000 MW, và không phát triển điện gió ngoài khơi”, văn bản nêu rõ.
Nhóm các tổ chức này cho rằng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới này vẫn vạch ra lộ trình phát triển điện đi ngược xu thế của thế giới.
Việc tiếp tục phát triển mạnh điện than mới trong 10 năm tới đặt Việt Nam vào nhóm số ít các quốc gia đi ngược với nỗ lực chung của toàn cầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc Hạn chế phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới sẽ khiến Việt Nam tụt hậu xa so với sự tiến bộ khoa học công nghệ năng lượng của thế giới.
Video đang HOT
Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối đa hóa lợi thế của năng lượng tái tạo như tích trữ năng lượng, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo phân tán và kết hợp với nông nghiệp, giao thông, sản xuất hydrogen… thì Quy hoạch Điện VIII lại chọn phương án kiềm chế năng lượng tái tạo và chưa có lộ trình thúc đẩy ứng dụng những tiến bộ này.
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ năng lượng đang diễn ra rất nhanh, rất cần một tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo và những bước đi đột phá về chính sách để đón bắt cơ hội mới. Tuy nhiên, dự thảo hiện tại không thể hiện được điều này và đang lặp lại bài học thất bại của các quy hoạch điện trước đây, khi cách đây 5 năm không dự báo đúng sự phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn tới sự bị động và không đồng bộ giữa chính sách với thị trường, quy hoạch nguồn và lưới, gây ra những bất cập như hiện nay.
Điện than – lựa chọn đắt đỏ
Cũng theo bản góp ý này, việc các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai. Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã.
Thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn có nghĩa là tăng 150%. Trong khi đó giá than được dự báo trong dự thảo vào năm 2030 chỉ ở mức 75 USD/tấn. Như vậy giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15-16 UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo.
Với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế các bon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa các bon mà họ cam kết.
Bên cạnh đó, bài học từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính. Khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch. Điều này cảnh báo rất rõ nguy cơ các dự án điện than không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn tới chậm tiến độ và gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời, bản dự thảo hiện tại chưa rà soát toàn diện những khía cạnh nêu trên mà chỉ xem xét ở phạm vi của hệ thống điện.
Cùng với những góp ý trên, nhóm 10 liên minh, tổ chức cũng cho rằng, các nhà máy điện than được quy hoạch xây dựng từ nay tới 2035 sẽ vận hành trong vòng 30 – 60 năm nữa trong khi thế giới đang đoạn tuyệt điện than và bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch. Điều này đặt ra lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, phá vỡ môi trường sinh thái…
“Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng; đồng thời ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai. Chúng tôi cam kết sẵn sàng huy động trí tuệ và kiến thức chuyên môn, đóng góp tự nguyện và đồng hành cùng với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan trong việc chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII nhằm đạt các yêu cầu đề ra để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, kiến nghị từ nhóm liên minh – tổ chức cho hay.
Phát triển năng lượng tái tạo: Đối mặt với nhiều thách thức
Tại diễn đàn "Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam", các chuyên gia đã chỉ ra rằng năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn nhưng còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Phát triển năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng trong tương lai (Nguồn: Internet).
Năng lượng tái tạo sẽ là trụ cột trong tương lai
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cách mạng 4.0 và sự bùng nổ về công nghệ thông tin đã tạo ra những cơ hội mới về sản xuất phi tập trung, số hóa chuỗi giá trị, cá nhân hóa sản phẩm, làm tăng năng suất, mở rộng thị trường, tạo ra cơ hội cho đẩy mạnh sản xuất xanh và thị trường xanh.
Sự sắp xếp lại cuộc chơi và cạnh tranh trên thế giới, nhiều quốc gia được đặt cùng một vạch xuất phát điểm tạo ra cơ hội cho Việt Nam đi nhanh hơn. Bên cạnh đó, cơ hội về đột phá trong phát triển nhờ vào cơ cấu dân số vàng và dân số trẻ, có khả năng thích nghi tốt với công nghệ hiện đại, có thể đóng góp tốt cho tăng trưởng xanh.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Phó trưởng Phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng. Theo số liệu từ báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, mức tiết kiệm năng lượng trung bình có thể giúp đạt các mục tiêu chính sách tốt với mức tăng chi phí vừa phải. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn nhiều.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, năng lượng tái tạo tạo động lực phát triển mới, giúp thu hút đầu tư FDI và thu hẹp khoảng cách phát triển cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu xa. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Bà Khanh lấy ví dụ về tỉnh Ninh Thuận, nơi có đặc điểm khí hậu vô cùng khắc nghiệt, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư khi sở hữu tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.
4 rào cản lớn đối với ngành Năng lượng tái tạo
Các chuyên gia đều cho rằng, hiện tại, Ngành năng lượng tái tạo còn vướng phải 4 rào cản lớn. TS. Lê Thị Thoa - chuyên viên cấp cao dự án bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững (BEM) phản ánh, việc thiếu thông tin đầy đủ về các công nghệ hiện đại và thiếu sự hợp tác để chuyển giao công nghệ này là rào cản để phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Năng lực của cấp địa phương trong quy trình lên kế hoạch và cấp phép các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế.
"Bên cạnh đó, nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo còn thiếu thông tin và tiếp cận với chuyên gia để đánh giá tính khả thi và tiềm năng của dự án năng lượng sinh học; Năng lực của cơ quan tài chính trong việc đánh giá dự án năng lượng sinh học còn hạn chế; Không tiếp cận được cơ chế tài chính phù hợp" - TS. Thoa chia sẻ.
Đề cập về giải pháp giải quyết bài toán nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, TS. Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các Tập đoàn Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Cùng với đó, cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là năng lượng tái tạo.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hưng, cần thể chế hóa các quy định pháp luật thông qua việc xây dựng Luật năng lượng tái tạo nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển nguồn năng lượng này; Xây dựng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho năng lượng tái tạo và đảm bảo việc vận hành hiệu quả.
Bà Ngụy Thị Khanh khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành Năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch.
Bộ Công Thương phản hồi các góp ý Dự thảo Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương vừa có những phản hồi giải trình các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương về Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về nội dung Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn...