Kiến nghị giám đốc thẩm vụ người tố thư ký tòa bị tăng án
Vụ án người tố thư ký tòa bị tăng án gây xôn xao dư luận đã được các cơ quan chức năng quan tâm, VKSND TP HCM đã kiến nghị cấp cao hơn xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.
Ngày 16-8, VKSND TP HCM đã báo cáo VKSND Tối cao và VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên trước đó đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trước đó, xử phúc thẩm ngày 9 và 10-8, TAND TP HCM đã tuyên sửa bản án sơ thẩm từ 9 tháng tù thành 4 năm tù đối với bị cáo Vân.
Mai Khải Hoàn (trái) và Mai Thị Ngọc Vân sau phiên phúc thẩm
Tòa nhận định bị cáo phạm tội nhiều lần với nhiều người và dùng hung khí nguy hiểm nên tăng hình phạt.
Trong khi quan điểm của các luật sư cho rằng tăng án hơn 5 lần là không thấu tình đạt lý, chưa xem xét toàn bộ nội dung sự việc cũng như những vấn đề pháp lý liên quan để chuyển khung hình phạt, sửa án đối với bị cáo Vân cũng như khởi tố tại tòa đối với Mai Khải Hoàn (SN 1983, em Vân) để điều tra tội “Cố ý gây thương tích”.
Video đang HOT
Cũng trong phiên phúc thẩm ngày 9-8, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị hủy án, giao hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu bởi vì vụ án vi phạm tố tụng nghiêm trọng cũng như chưa làm rõ hành vi gây thương tích của những cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, HĐXX đã bác đề nghị của VKSND TP HCM và tuyên án đối với bị cáo Vân.
Theo đó, vụ án này vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: kết luận điều tra sai tên bị cáo, biên bản nghị án ghi sai tội danh bị cáo Vân là “cướp giật tài sản”.
Ngoài ra, bị cáo Vân cũng bị nạn nhân đánh và Bệnh viện quận Tân Bình xác nhận Vân bị chấn thương phần đầu, mặt và xay xát môi trên. Tuy nhiên, Công an quận Tân Bình đã không giới thiệu đi giám định thương tật mặc dù Vân có yêu cầu.
Bên cạnh đó, lời khai của các nhân chứng bất nhất, cụ thể lời khai ở các bút lụt mâu thuẫn nhau khi thì khai thấy, khi thì khai không trực tiếp chứng kiến sự việc mà chỉ nghe người khác nói lại. Bị cáo Vân một mình nuôi 3 còn rất nhỏ, đứa con nhỏ nhất mới gần 3 tuổi và bị bệnh triền miên, phải thường xuyên nhập viện.
Do có mâu thuẫn từ trước, Vân và ông Trịnh Quang Hân (SN 1954) xảy ra cự cãi, Vân nắm cổ áo xô ông Hân ra. Lúc này, Trịnh Quốc Việt (SN 1991, con ông Hân) chạy sang kẹp cổ thì bị Vân cắn vào tay (thương tật 2%). Nghe chị bị đánh, Mai Khải Hoàn chạy ra dùng tấm ván đánh rồi dùng chân đạp ông Hân.
Chiều hôm sau, do vẫn còn tức chuyện hôm trước nên khi thấy Việt, Vân dùng khúc gỗ đánh vào lưng Việt. Thấy em bị đánh, Trịnh Quang Trung can ngăn thì bị Vân đánh gây thương tích. Hậu quả, ông Hân bị thương tật 4% (không do Vân gây ra), Việt 4% và Trung 13%.
Chạy án để được hưởng án treo Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, bị cáo Vân làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì thư ký Trần Thị Nhung (Công tác tại Tòa Hình sự TAND TP HCM) gợi ý chạy án 120 triệu đồng để được hưởng án treo. Sau nhiều lần trao đổi, thỏa thuận Nhung đã đồng ý chạy án cho Vân số tiền 85 triệu đồng. Bị cáo Vân được Nhung cho số điện thoại của chồng Nhung để giao tiền chạy án bên ngoài TAND TP HCM. Nhận thấy việc chạy án là vi phạm pháp luật, trái đạo lý nên bị cáo Vân đã làm đơn tố cáo. Ngày 14-7, khi Phạm Văn Khang (chồng Nhung) vừa nhận 85 triệu đồng thì bị Công an TP HCM bắt quả tang.
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Vụ tố 'chạy án': Chẳng trách dư luận cứ xầm xì!
Mấy ngày nay, đi đâu tôi cũng nghe các trao đổi, bàn tán về số phận pháp lý của người tố cáo thư ký tòa "chạy án".
Tuy thông tin, hình ảnh... về bị cáo có đầy trên các báo nhưng nhiều người đã thấy tiếc khi không trực tiếp quan sát, lắng nghe... các đối chất gay gắt, lý lẽ buộc tội, căn cứ xử phạt để tự mình cảm nhận, đánh giá... có hay không việc "trả thù".
Vụ án này có nhiều cái lạ để dư luận dõi theo. Bị cáo chính là người tố cáo một thư ký TAND TP.HCM đã ra giá "chạy án" 120 triệu đồng (sau đó giảm xuống 85 triệu đồng) để có án treo. Khi vụ việc vỡ lở, thư ký và thẩm phán từng được phân công giải quyết vụ án đã bị đình chỉ công tác... Tiếp nữa, tại phiên phúc thẩm xử tội cố ý gây thương tích (do bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo; nạn nhân và người liên quan kháng cáo đề nghị tăng mức án; không có kháng nghị của VKS), từ chín tháng tù, bị cáo đã bị tăng lên bốn năm tù. Có thể nhận thấy mức phạt tăng do bị cáo bị chuyển từ khoản 1 sang khoản 2 Điều 104 BLHS nhưng việc chuyển đổi như thế đúng không, mức phạt hơn năm lần so với án sơ thẩm có phù hợp không thì không phải ai cũng rõ.
Đáng tiếc, thay vì phải nghiên cứu hồ sơ nhằm giải đáp tường tận với công luận các thắc mắc trên như là một bổn phận minh định thông tin thì một phó chánh án TAND TP đơn thuần cho biết (đại ý là) ông không đọc hồ sơ, ông không quan tâm dư luận thế nào, ông tin tưởng vào trình độ, lương tâm của chủ tọa phiên tòa...
Như nhiều luật sư khác, tôi luôn tin tưởng, quý trọng phẩm chất, năng lực của người cầm cân nảy mực tại phiên xử phúc thẩm. Tôi cũng đồng ý với vị quan tòa kỳ cựu này thì không thể có yêu, ghét để quyết định hình phạt. Thế nhưng một khi đã bàn về vụ án thì nhất định phải làm rõ phán quyết của HĐXX đúng luật không, đúng chỗ nào, chưa đúng chỗ nào..., còn tên tuổi của thẩm phán chỉ nên là thông tin đính kèm.
Dựa trên tường thuật khá chi tiết của nhiều tờ báo về diễn biến vụ án, tôi cho rằng vụ án có một số nội dung pháp lý sau đây cần được xem xét, xử lý lại:
- Về việc chuyển khung hình phạt: Theo HĐXX, sở dĩ phải xét xử theo khoản 2 thay cho khoản 1 vì có một nạn nhân bị thương tật 13%, bị cáo đã sử dụng hung khí, phạm tội nhiều lần với cùng một người hoặc đối với nhiều người.
Trong vụ án, bị cáo đã dùng cây củi đánh ba người hàng xóm khiến hai người bị thương tật 4%/người, người còn lại bị 13%. Theo Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cây củi là phương tiện nguy hiểm nên việc cho rằng bị cáo thuộc trường hợp "dùng hung khí nguy hiểm gây nguy hại cho nhiều người" là có cơ sở. Riêng về tình tiết "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người", theo Nghị quyết 01/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, chỉ áp dụng tình tiết này để xét xử bị cáo theo khoản 2 khi cố ý gây thương tích cho hai người trở lên mà trong đó có ít nhất hai người và mỗi người một lần, tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%.
Như vậy, khi chỉ có một nạn nhân bị thương tật 13% thì việc áp dụng tình tiết này để xử phạt bị cáo liệu có phù hợp? Chưa kể 13% là sự cộng dồn, bởi lẽ theo cáo trạng của VKS quận Tân Bình và bản án của TAND quận Tân Bình thì có vết thương ở lưng với tỉ lệ thương tật 6% không xác định được do ai gây ra nên cấp sơ thẩm đã loại trừ không truy tố, không xem xét đến. Việc cấp phúc thẩm cho rằng người bị hại không thể tự gây ra nên bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tỉ lệ thương tật ấy có vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự?
- Về mức phạt: Nếu chấp nhận bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ cũng không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, khi khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù ứng với tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% để xử theo khoản 2 thì mức phạt cụ thể bốn năm tù đối với thương tật 13% là sự nặng tay không hợp lý? Ngoài ra, có một chi tiết về việc phạm tội của bị cáo mà chưa rõ HĐXX có lưu ý kỹ càng để bảo đảm được tính toàn diện, khách quan trong đánh giá, quyết định. Đó là xô xát trước đó xảy ra do phía người bị hại tấn công trước khiến hôm sau nghĩ lại chuyện bị đánh mà bị cáo ấm ức chạy ra lượm cây củi đánh người...
Giải quyết chính xác từng ngóc ngách của các vụ án, nhất là đối với những vụ có "điều tiếng" chính là cách tốt nhất để tòa án các cấp tuyên truyền pháp luật hiệu quả, góp phần dập tắt các quy chụp gây bất lợi cho hoạt động của ngành. Chúng ta cùng chờ điều này được các cơ quan chức năng thực hiện rốt ráo hơn vậy!
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Theo PLO
Bị tăng án, người tố thư ký tòa cầu cứu Bí thư Thăng Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên tăng gấp 5 lần, người tố thư ký tòa chạy án đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. Ngày 12-8, bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980, ngụ quận Tân Bình) bị TAND TP HCM tăng từ 9 tháng tù lên 4 năm tù...