Kiên Giang: Nuôi cá bè quỵt, thương lái mua giá cao
Ngư dân xã đảo Sơn Hải ( huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã nuôi thử nghiệm thành công cá bè quỵt, đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần đang dạng hóa đối tượng nuôi lồng bè trên biển.
Mô hình nuôi thử nghiệm cá bè quỵt tại huyện Kiên Lương đạt hiệu quả cao, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi lồng bè trên biển.
Sở KHCN tỉnh Kiên Giang phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương thực hiện đề tài khoa học “Mô hình thử nghiệm nuôi cá bè quỵt tại huyện Kiên Lương” năm 2018-2019. Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 1,6 – 1,8 kg/con, được thương lái thu mua với giá 140 ngàn đồng/kg, ngư dân thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi lồng nuôi 50 m3.
Huyện Kiên Lương nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 2 xã đảo là Hòn Nghệ và Sơn Hải. Toàn huyện có trên 30 km bờ biển và ngư trường rộng lớn, với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, như: du lịch biển đảo, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng bè trên biển.
Mô hình nuôi thử nghiệm cá bè quỵt tại huyện Kiên Lương đạt hiệu quả cao, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi lồng bè trên biển.
Nhằm xây dựng các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế nông hộ, ổn định sinh kế của người dân vùng biển đảo, ngành chức năng đã lựa chọn đối tượng nuôi mới là giống cá bè quỵt để nuôi thử nghiệm. Đề tài được thực hiện trong 12 tháng (từ 6/2018 – 6/2019), ở ấp Hòn Heo, xã đảo Sơn Hải, với 2 hộ ngư dân Nguyễn Ngọc Thành và Trịnh Văn Bình tham gia. Đây là những ngư dân năng động, có điều kiện kinh tế, nhiệt tình chịu khó học hỏi, lồng bè nuôi có sẵn. Hiện nay, trên toàn xã có 111 hộ nuôi trồng thủy sản, với 410 lồng bè.
Do là đối tượng nuôi mới, nên trước khi thả giống, cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn cho 30 nông dân và 1 cuộc hội thảo cho 40 nông dân, để nhân rộng cho vùng nuôi trong huyện khi mô hình ứng dụng đạt kết quả. Trong quá trình thực hiện mô hình từ khi thả giống đến lúc thu hoạch, cán bộ kỹ thuật phối hợp với hộ nuôi thường xuyên quan trắc môi trường nuôi, kiểm tra tình hình phát triển của cá…
Video đang HOT
Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 1,6 – 1,8 kg/con, được thương lái thu mua với giá 140 ngàn đồng/kg, ngư dân thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi lồng nuôi 50 m3.
Con giống được mua từ Nha Trang đam về ương vèo, kích thước giống thả từ khoảng 8-10 cm. Sau đó thuần hóa nhiệt độ và độ mặn bằng phương pháp đổ nước biển tại bè vào thùng chứa cá giống khoảng 10 phút và quan sát nếu cá bơi khỏe sẽ tiến hành thả giống. Mật độ thả 850 con/ lồng 50m3.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Cá bè quỵt tương đối dễ nuôi. Sử dụng thức ăn cá tạp là những loài cá nhỏ dễ đánh bắt tại vùng biển địa phương như: cá cơm, cá lâm, cá liệt… Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như bổ sung vitamin C vào thức ăn, nhằm tăng cường sức khỏe và khả năng tiêu hóa của cá. Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1,8 kg/con, tôi thu được hơn 1,4 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 140 ngàn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi lãi được gần 42 triệu đồng/lồng nuôi”.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải đánh giá, cá bè quỵt là đối tượng có giá trị dinh dưỡng cao, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biển đảo địa phương. Vì vậy, mô hình nuôi thành công sẽ góp phần rất lớn cho việc tăng sản lượng cá nuôi lồng bè của xã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, cần tạo điều kiện để nhân rộng mô hình, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân.
Theo Ngọc Anh (Nông nghiệp Việt Nam)
Kiên Giang: Nơi đầu sóng ngọn gió, nuôi cá bống mú sao mà giàu
Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản đã trở thành ngành mũi nhọn, là thế mạnh của xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đem lại nguồn thu kinh tế ổn định.
Trước tình hình nguồn lợi thuỷ sản ở các ngư trường ngày càng cạn kiệt, nhiều ngư dân ở các xã đảo tỉnh Kiên Giang đã chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thuỷ sản. Đây được xem là cách làm đúng hướng, giúp người dân trên đảo phát triển kinh tế ổn định.
Cả xã đảo Hòn Nghệ có hơn 1.000 lồng nuôi cá bống mú sao.
Ghi nhận ở xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho thấy nơi đây có thời tiết khí hậu rất thuận lợi; phù hợp với điều kiện nuôi cộng với việc nhân giống cá nhân tạo thành công đã tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển mạnh.
Xã đảo Hòn Nghệ cách đất liền 15km thuộc huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên hơn 349 ha với hơn 2.300 nhân khẩu. Trước đây, người dân xã đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản. 5 năm trở lại đây, người dân đã chủ động chuyển hướng từ khai thác đánh bắt sang nuôi cá lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Huỳnh Văn Chiều ở ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ có 44 lồng nuôi cá bống mú sao cho biết: Cá mú sao hiện có giá khoảng 440.000 đồng/kg. Cá mú sao ở đây chủ yếu xuất sang thị trường Hồng Kông, ngoài ra, còn được thương lái các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu mua để tiêu thụ trong nước.
"Mong rằng trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn về nhu cầu về vốn để có chính sách mới, bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân an tâm chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng và có đời sống ổn định hơn" - ông Chiều cho biết.
Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản đã trở thành ngành mũi nhọn, là thế mạnh của xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương. Năm 2011, xã đảo Hòn Nghệ có 150 lồng bè với 53 hộ nuôi, đến nay đã có 189 hộ nuôi với 1.089 lồng bè, chủ yếu là cá mú sao.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ cho biết, giai đoạn 2010 - 2011, do nghề khai thác thủy sản cạn kiệt, một số hộ dân sau khi khai thác đã mang con giống đánh bắt được về thả nuôi. Bước đầu quy mô còn nhỏ lẻ, nhưng lâu dần do nhu cầu thị trường tăng cao, các hộ dân đã nhân giống cá, mở rộng quy mô nuôi, giúp nghề nuôi thủy sản trên địa bàn xã Hòn Nghệ ngày càng phát triển mạnh. Nhờ diện tích mặt nước biển, điều kiện khí hậu thuận lợi, hiệu quả ban đầu từ nuôi cá lồng bè mang lại khá tốt.
"7 năm trở lại đây phát triển mạnh nghề nuôi. Xã có 619 hộ thì có đến gần 200 hộ nuôi, nuôi thì khá hơn, khá hơn, khá hơn nghề khác rất nhiều" - ông Thành chia sẻ.
Những bè nuôi cá trên biển ở xã đảo Hòn Nghệ.
Để tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật đầu ra cho người dân, huyện đã lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ như các mô hình khuyến ngư, các dự án đề tài của huyện đều tập trung cho nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra địa phương còn kêu gọi quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh hỗ trợ 3 năm với số tiền 250 triệu đồng, kết hợp các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, vốn giảm nghèo, giải quyết việc làm đến nay cũng được gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho bà con.
Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông thôn về nuôi trồng thủy sản; tập huấn chuyên đề, tập huấn đầu vụ... cho người dân ở xã. Ngoài ra, chính quyền xã thường xuyên thông tin về thời tiết, dịch bệnh cho người dân để có hướng chủ động ứng phó trong những tháng giao mùa.
Trong buổi gặp gỡ các hộ nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Hòn Nghệ cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chuyển đổi nghề từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng của người dân, đặc biệt là mô hình nuôi cá lồng bè rất phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại hiệu quả cao.
Việc chuyển đổi này không chỉ tạo sinh kế ổn định bền vững, mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo Phó thủ tướng, tới đây Chính phủ sẽ xây dựng lại chính sách mới để đảm bảo tái cấu trúc ngành thủy sản.
Ông Chiều đang kiểm tra con giống trước khi thả xuống bè nuôi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ có những chính sách rất cụ thể. Sau khi đi kiểm tra này thì sẽ xây dựng một chính sách mới để tái cơ cấu lại nghành thuỷ sản Việt Nam, trong đó phải kết hợp một cách có hiệu quả, phù hợp trong điều kiện của chúng ta giữa khai thác với nuôi trồng thuỷ sản để đảm bảo cho người dân có việc làm, có thu nhập và vừa đảo bảo ngành thuỷ sản phát triển bền vững".
Hiện trên địa bàn xã đảo Hòn Nghệ có hơn 50 hộ dân nuôi biển có quy mô lớn chủ động trong sản xuất và đầu ra, có quy trình kỹ thuật nuôi bài bản, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ với trên 200 lao động và tái đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Tính đến nay, sản lượng cá lồng bè của xã đảo tăng 90 tấn, so với thời điểm cuối năm 2015 sản lượng đạt 299 tấn; số lồng bè tăng 271 lồng, so với năm 2015 là 818 lồng. Nhờ vậy, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 từ 29,5 triệu đồng lên 42,6 triệu đồng năm 2018 và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 48 triệu đồng./.
Theo Lam Hiếu (VOV-ĐBSCL)
Diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia Ngày 22-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2019 tại xóm Chanh, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn. Nông sản an toàn được trưng bày tại lễ phát động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh Thái Nguyên....