Kiên Giang: Những tuyệt tác thạch động Kiên Lương đẹp huyền ảo
Huyện Kiên Lương nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang cách trung tâm TP Rạch Giá 70km, cách TP Hà Tiên 27km. Kiên Lương có bờ biển dài, cát trắng, phần đất liền giáp biên giới với Campuchia. Huyện Kiên Lương nổi tiếng với loại hình du lịch sinh thái và tâm linh với non nước hữu tình.
Du khách đón xe ở bến xe miền Tây (TP HCM) đi huyện Kiên Lương (Kiên Giang) lộ trình khoảng 286 km với thời gian khoảng 7 tiếng. Huyện Kiên Lương, TP Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc là tam giác du lịch của Kiên Giang với thế mạnh là du lịch biển. Theo quốc lộ 80, từ thị trấn Kiên Lương về Hà Tiên, đến Ngã Ba Hòn rẽ trái, ta sẽ về miệt biển, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng như Hòn Phụ Tử, Hòn Chông, Hòn Trẹm, Chùa Hang, Hang Mo So, làng đánh cá Ba Trại, Hòn Nghệ… Năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện Kiên Lương được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cảnh huyền bí bên trong hang động Mo So.
Kiên Lương được biết đến là tỉnh có nhiều núi đá vôi nhất khu vực Đồng bằng sông cửu long, với 3 nhà máy xi măng khai thác như Xi măng Hà Tiên 2, Holcim và Insee Hòn Chông. Ngoài ra, Kiên Lương còn được biết đến với Hòn Phụ Tử được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang, với hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả, năm 2006 hòn Phụ bị gãy đổ, chỉ còn lại hòn Tử và từ ngày hòn Phụ bị đổ khu du lịch Hòn Phụ tử này cũng vắng khách du lịch đi đến tham quan.
Lối đi quanh hang động Mo So dài nhất trong các hang động của huyện Kiên Lương với nhiều cảnh đẹp và rất hoang sơ.
Nằm trong khu Du Lịch Hòn Phụ Tử cách Ba Hòn 18km, là điểm hành hương và cũng là một trong những thắng cảnh đẹp của Kiên Giang, Chùa Hang có lịch sử gần 300 năm, trước đây chùa Hang còn gọi là chùa Thiện Thành, Hải Sơn tự thuộc xã An Bình. Được biết đến từ đầu thế kỷ thứ 18, nằm dưới chân núi An Hải Sơn. Chùa Hang dài khoảng 40m, chỗ hẹp nhất cũng vừa ba bốn người đi lọt. Đây là hang động thiên nhiên nằm dưới ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên 1.000 năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ mắt, kỳ vĩ. Ở đây có hai pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Cuối chùa thông ra biển, chân bước lên bờ cát trắng mịn, hít thở không khí trong lành. Đi về phía sau giáp núi chùa Hang là nơi thờ Đàn Dược Sư 49 vị Phật….
Hang Mo So với nhiều tuyệt tác thạch động của thạch vũ đẹp hút mắt của du khách khi khám phá hang Mo So.
Để khám phá tận cùng các ngõ ngách của khu vực Chùa Hang – Ba Trại – Mo So. Chúng tôi từ ngã ba Hòn hướng về Hòn Chông (Kiên Giang) khoảng 7km, gặp con đường bê tông nhựa rộng phẳng phiu, phía tay trái dẫn vào núi Moso. Moso tiếng Khmer nghĩa là “đá trắng”. Theo các chuyên gia địa chất, hàng triệu năm trước, ngọn núi đá vôi này bị nước biển xâm thực, để lại nhiều hố, nhiều hang động. Với địa thế hang động hiểm trở, Moso còn là căn cứ chỉ huy, là địa chỉ của các nhà hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Những thạch vũ đá vôi khi được phản chiếu ánh đèn đẹp lung linh huyền ảo.
Moso có một hệ thống hang động ẩn hiện giữa một vùng đồi núi điệp trùng, có nhiều hang thông với nhau, khi to khi nhỏ, hang to có thể chứa cả một tiểu đoàn. Bên trong hang còn có một thung lũng độc đáo rộng khoảng 700m2, không gian thông thoáng, du khách có thể đứng ngắm mây trời lồng lộng và nghe những âm thanh là lạ được tạo ra từ tiếng gió. Nơi đây cây trái um tùm, được bao bọc bởi vách núi lô nhô. Men theo chiếc cầu cây đi về phía tây thung lũng, du khách sẽ gặp một động nước với chiều cao hơn 20m, cảnh vật kỳ ảo dưới ánh sáng vàng vọt len lỏi vào những khe nứt trên vách. Đây được xem là hang động độc đáo, đồ sộ nhất với chiều sâu hun hút, luôn có tiếng gió rít vào khe núi. Những luồng hơi nước tuôn ra từ những mạch nước ngầm tạo cảm giác lành lạnh và ẩm ướt càng làm tăng thêm sự kỳ bí của hang.
Hang Cẩm Thạch khi du khách bước vào nơi đây vào trời nóng nực sẽ cảm giác mát lạnh với những khối cẩm thạch trên trần đá vôi khổng lồ, nhưng chưa được khai thách và nơi đây cũng từng là nơi ẩn nấp của các chiến sỹ cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ.
Video đang HOT
Moso là điểm kết nối du lịch của nhiều thắng cảnh Kiên Giang như Hòn Chông, Hòn Phụ Tử, Hà Tiên. Người ta ví quần thể hang động núi Moso như Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Moso sẽ cho du khách thưởng ngoạn một “tiên cảnh” huyền ảo và trải lòng mình với thiên nhiên kỳ thú. Sự thơ mộng với non nước hữu tình, bờ cát trắng mịn sẽ cho ta đến khám phá hòa mình cùng ngư dân làng chài Ba Trại, xưa kia là căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Ngày nay, nơi đây là làng đánh cá với cư dân là người Việt, người Khmer và một ít người Hoa. Cuộc sống của người dân nơi đây khá bình lặng, yên ẳng nơi rẻo đất ven biển còn hoang sơ, vắng vẻ…
Động Kim Cương nơi tuyên truyền rằng nơi đây Thạch Sanh đánh Đại Bàng cứu công chúa, trong truyện Thạch Sanh, Lý Thông. Trên đỉnh hang người ta thấy mõm đá như con đại bàng tung cánh với vẻ huyền bí dưới ánh đèn màu.
Bên trong ngôi chùa cổ còn có hai pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm được làm bằng đồng.
Cụm Hòn Phụ tử với vẻ nguyên sơ hút mắt khách tham quan và cách đó không xa là Chùa Hang có tuổi đời gần 300 tuổi nằm dưới chân núi An Sơn.
Theo thoidai.com.vn
Mộng mơ Nam Du
Nằm ở phía Đông Nam đảo Phú Quốc, Nam Du sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ như một bức tranh phong cảnh hữu tình với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và hải sản tươi ngon, là nơi tuyệt vời dành cho những ai muốn tạm rời xa cuộc sống đô thị, bộn bề để tìm đến không gian tĩnh lặng, yên bình giữa lòng biển khơi.
Nam Du là đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách TP. Rạch Giá hơn 80 km đường biển, còn rất hoang sơ. Từ bến tàu Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, sau khi làm thủ tục lên tàu cao tốc để khởi hành - bắt đầu cho cuộc hành trình trải nghiệm 2 ngày 1 đêm khám phá đảo Nam Du, ai trong đoàn cũng hào hứng, phấn khích với những gì sẽ chờ đón phía trước.
Sở dĩ chúng tôi chọn khám phá đảo Nam Du cho cuộc hành trình này là vì đã từng được biết đến đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất ở tỉnh Kiên Giang. Với vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng, cùng với các bãi biển trong xanh, bờ cát trắng làm say lòng không ít du khách.
Tàu vừa cập bến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của cụm đảo xanh rì, trông giống như một thế trận vững vàng giữa trùng khơi sóng gió.
Đến được "chốn mộng mơ" này, chúng tôi phải lênh đênh trên biển khoảng 3 giờ đồng hồ. Trên đường đến đảo Nam Du, tàu có đi ngang qua đảo hòn Tre, hòn Sơn Rái... Nam Du thực chất là một quần đảo với 21 đảo lớn nhỏ, trong đó Củ Tron là hòn đảo lớn nhất, xa xa là hòn Dầu, hòn Ông, hòn Ngang, hòn Mấu, tạo thành một vùng non nước hữu tình.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là hòn Lớn, hay còn được gọi là hòn Củ Tron, đây là một trong những đảo lớn của thuộc quần đảo Nam Du. Dạo bước dọc theo cầu cảng, trên con đường giữa buổi trưa nắng của đảo vắng, sự hiện diện của đoàn chúng tôi như thêm phần nhộn nhịp với những lời chào hỏi rất thân thiện của người dân nơi đây.
Dọc theo cầu cảng là những xe hàng bán rất nhiều đồ bánh quà ăn vặt, những hàng trái cây với nhiều loại quả mang nét đặc trưng của miền Tây. Tuy nhiên, thứ đặc trưng nhất không thể lẫn vào đâu được là mùi cá xương xanh khô - đặc sản của đảo Nam Du.
Giữa cái nắng như đổ lửa, bóng người dân huyện đảo thoăn thắp xếp cá ra phơi và thi thoảng lại ra đảo cá cho khô đều. Những sạp đồ khô được dựng tạm dọc hai bên lối đi vào đảo, bày bán la liệt những thứ quà của biển khơi như khô cá xương xanh, khô mực, cá cơm, tôm khô, tôm chua...
Chọn cho mình một cốc đá me - nước uống đặc sản Nam Du với hương vị riêng, không giống đá me ở nơi khác, tôi ngồi ngắm biển xanh trước khi đi đến chỗ nghỉ. Những nồi đá me ở đây được người dân kỳ công nấu sau nhiều khâu chế biến, cho ra một ly đá me hoàn chỉnh và đầy đủ hương vị thơm của dứa, vị chua thanh ngọt của me, ấm nồng vị gừng, bùi bùi của đậu phộng rang. Nhấp một ngụm đá me, ta cảm nhận được trọn vẹn những hương vị ấy và một sự tươi mát lan tỏa vẫn còn nguyên vẹn trong đầu lưỡi, xóa tan đi cái nắng nóng của đảo vắng.
Sau khi dùng bữa trưa với các món hải sản tươi sống do chính người dân trên đảo chế biến như canh chua cá bớp, khô cá rim tiêu, mực trứng hấp gừng..., cả đoàn nghỉ ngơi trước khi di chuyển đến bến cảng để lên tàu tham quan quanh đảo trong buổi chiều.
Điểm đầu tiên mà chúng tôi tham quan là hòn Mấu - được ví như viên ngọc sáng của cả quần đảo, bởi nơi đây có rất nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ. Các bãi biển đẹp được đặt tên theo mùa gió thổi: Bãi Chướng, bãi Bấc, bãi Nồm...
Bãi Chướng - Bãi tắm đẹp nhất hòn Mấu có thể ví như thiên đường Maldives của Việt Nam. Bãi Chướng với triền cát trắng mịn trải dài, điểm tô hàng dừa vi vu theo gió thơ mộng. Nước biển trong xanh màu ngọc bích, ra xa hàng chục mét vẫn nhìn rõ đáy, rất lý tưởng để đắm mình trong làn nước biển xanh mát. Giữa không gian hữu tình, sóng biển vỗ về êm dịu, ta tận hưởng được cảm giác êm đềm, sâu lắng giữa biển khơi.
Điểm di chuyển tiếp theo của chúng tôi là hòn Hai bờ đập - một hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo Bà Lụa, được mệnh danh là "Hạ Long Phương Nam". Sỡ dĩ gọi là hòn Hai bờ đập, vì nó bao gồm 2 hòn nhỏ nối lại với nhau bằng một dải đá tự nhiên lớn, nổi lên trên mặt nước.
Đây là địa điểm khá phù hợp để cho cả đoàn tham gia các hoạt động như lặn ngắm san hô, bắt nhum (cầu gai), câu cá, cũng như bơi lội. Vốn là người yêu thích khám phá thiên nhiên biển đảo, đặc biệt là việc lặn biển ngắm san hô, thì điểm dừng chân thứ hai này làm tôi rất thú vị và hào hứng.
Sau khi thay đồ lặn, mặc áo phao an toàn và đeo kính lặn, tôi thả mình vào làn nước trong xanh, chiêm ngưỡng những rặng san hô đẹp đến ngỡ ngàng, cùng với những loài cá to, nhỏ có màu sắc cực kỳ lạ mắt. Khi lặn san hô, tôi có thể quan sát một hệ sinh thái hoàn toàn mới lạ dưới đáy biển.
Cảm giác rất tuyệt vời khi được thả mình lênh đênh giữa đảo khơi, dưới chân là dòng nước mát, trên đầu là những rặng dừa xanh rì rào, đang nghiêng mình đón những tia nắng vàng rực rỡ. Cứ thế, cả đoàn chúng tôi hò reo, tận hưởng cảm giác tự do giữa biển trời mênh mông và cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên, đất trời. Hoàng hôn dần buông xuống, cũng là lúc kết thúc một ngày cho cuộc hành trình của đoàn chúng tôi.
Hòa vào nhịp sống nhẹ nhàng và bình dị trên đảo, chúng tôi được thưởng thức bữa tiệc tối BBQ toàn những món đặc sản tại một làng chài ngay sát biển. Hàu đá nướng mỡ hành, sò nướng, cá xương xanh nướng ăn kèm bánh tráng cuốn.
Ngoài ra, không thể bỏ qua cháo nhum, bởi vị ngọt thanh giống sò huyết, lại dìu dịu như thịt tôm, cua, mà phảng phất hương biển nồng nàn, kết hợp với gia vị đậm đà như tiêu, hành phi và nước mắm cốt.
Khi màn đêm buông dần xuống, dạo bước dọc theo cầu cảng là những hàng quán được xếp hàng dọc hai lối đi. Mọi người tản bộ và ngồi dọc ven biển, cùng nhau hưởng trọn những cơn gió mát lành và thưởng thức các món hải sản được người dân chế biến trực tiếp tươi ngon và nhìn ngắm hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn lấp ló.
Lúc gần lúc xa, mờ mờ ảo ảo đang hiện ra trước mắt, giống như những chòm sao lung linh, huyền ảo. Nhắm mắt và hít hà một hơi thật sâu, ta nghe thấy tiếng sóng biển đang vỗ về, tiếng lá dừa đang đu đưa nghiêng mình trong gió, tiếng những đứa trẻ đang chơi đùa gọi nhau cười giòn tan bên bãi biển.
Sáng sớm tinh mơ, khi bình minh vừa hé, chúng tôi được đánh thức bằng âm thanh rộn ràng, tấp nập của những thuyền ghe đầy ắp cá, mực do ngư dân đánh bắt trở về. Ngắm bình minh trên đảo vào buổi sớm tinh mơ, không khí thật trong lành, dễ chịu.
Hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, cũng như cuộc sống thường nhật của người dân trên đảo, chúng tôi nhìn thấy được niềm vui sướng, rạng rỡ hiện trên khuôn mặt lấm lem, mộc mạc, chân chất của người dân đảo.
Ngày thứ 2, chúng tôi chọn phương tiện di chuyển bằng xe máy để khám phá hòn Lớn. Những người thích phượt như chúng tôi đã bị hấp dẫn bởi những con đường trải nhựa từ thời Pháp, một bên là biển, một bên là núi đá cheo leo. Bao quanh hòn Lớn là tràn ngập sắc màu xanh của biển, của trời, hòa quyện với màu tím của những đồi hoa mua biêng biếc, màu trắng của những bong lau lướt phướt lối đi...
Từ dốc Ông Tình nhìn xuống, ta ngắm được toàn cảnh bãi Ngự - bãi tắm sạch đẹp vào mùa gió nam, có dấu ấn đặc biệt, vì là nơi vua Gia Long từng dừng chân. Cùng với rất nhiều tàu bè neo đậu, hòa vào cùng cảnh sắc thiên nhiên, đất trời, giống như một thiên đường hạ giới.
Sau cuộc hành trình rong ruổi bằng xe máy, điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là bãi Cây Mến. Cũng giống như những bãi biển khác thuộc quần Đảo Nam Du, bãi Cây Mến sở hữu biển trời trong xanh thơ mộng, khiến bất cứ ai ghé đến cũng bị hút hồn từ cái nhìn đầu tiên.
Sáng sớm thong dong dạo bước trên bãi Cây Mến với sóng dịu nhẹ, ta cảm nhận được vẻ hoang sơ và bình yên. Bãi biển trông như một hồ nước khổng lồ bao bọc chung quanh là những hàng dừa nghiêng mình và những vách đá vững chãi. Mấp mé bên bãi biển xanh ngát là bãi cát dài, mịn màng - địa điểm đẹp rất thích hợp cho cả đoàn tàn bộ, nô đùa và chụp hình lưu niệm...
Còn rất nhiều điểm tham quan như ngọn Hải đăng Nam Du, bãi Sỏi..., nhưng vì thời gian không nhiều, nên đoàn chúng tôi phải lưu luyến trở về để kịp lên tàu về đất liền. Chia tay Nam Du, trong đoàn ai cũng luyến tiếc, vì còn nhiều địa danh, nhiều nét văn hóa địa phương chưa kịp khám phá hết. Vì thế, một ngày nào đó sớm thôi, chúng tôi sẽ trở lại.
Hẹn gặp lại Nam Du!
Ngọc Thủy
Báo Đầu tư Bất động sản
Vẻ đẹp ngút ngàn hoang sơ ở đảo Nam Du Việc tìm điểm đến phù hợp luôn là trăn trở của không ít gia đình trong dịp hè. Thay địa điểm quen thuộc, chúng ta có thể lựa chọn những nơi có thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp với giá dịch vụ bình dân. Nam Du (Kiên Giang) là một ví dụ - hòn đảo này nổi tiếng là điểm du lịch cuốn...