Kiên Giang: Làm bể lót bạt nuôi tôm thẻ dày đặc, dân trúng lớn
Huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao lót bạt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao và hồ lót bạt phát triển trong 2 năm qua. Kết quả, trong số 20 mô hình đã triển khai thực hiện thì hơn 90% thành công, mở ra mô hình nuôi tôm mới cho nông dân, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp…
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN.
Năm 2019, huyện An Minh đang triển khai mô hình này tại 15 hộ dân và tiếp tục đầu tư phát triển trong thời gian tới.
“Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, lợi nhuận 150 – 200 triệu đồng/vụ/hồ 500 – 1.200 m, nuôi 2 – 3 vụ/năm. Mô hình hiệu quả, an toàn, bền vững hơn so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống trong ao đất.
Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi ở ấp Minh Cơ, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang).
Ông Suồi chia sẻ, gia đình ông đầu tư 5 hồ tròn nuôi tôm, mỗi hồ rộng 500 m. Giai đoạn 1, thả giống ngày 15/02/2019 vào hồ tròn lót bạt diện tích 100 m, che lưới lan 100%, mật độ 2.300 con/m2, thời gian ương vèo 14 ngày, tỷ lệ tôm sống trên 98%, với hơn 70 kg.
Tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2, thả con giống này trên các hồ tròn lót bạt, diện tích 500 m2/hồ, che lưới lan 50%, mật độ 450 con/m2. Quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thay nước định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, độ mặn, độ kiềm, pH, nhiệt độ, màu nước… Sau 55 ngày tuổi thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 80 con/kg, tỷ lệ sống trên 90%; năng suất 2,5 tấn/hồ; tổng thu 245 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất lợi nhuận gần 70 triệu đồng/hồ”.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN.
Nông dân Nguyễn Văn Suồi cho biết thêm, so với trước đây, nuôi tôm quảng canh, sản xuất tôm – lúa thì nuôi theo mô hình này rất có lợi. Cụ thể là chủ động kiểm soát được con tôm về dịch bệnh, số lượng, tỉ lệ sống hay chết, sức khỏe tăng trọng của nó, xử lý môi trường, thay nước sạch…
Video đang HOT
Còn như nuôi quảng canh hay sản xuất tôm – lúa không kiểm tra, kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và khi thu hoạch mới biết trúng mùa hay thất mùa. Nuôi tôm thẻ chân trắng lãi nhiều hơn so với nuôi quảng canh hay tôm – lúa, nhưng hạn chế rủi ro, an toàn, hiệu quả. Đó còn chưa kể, vụ nuôi tiếp sau, nông dân không phải đầu tư hồ nuôi mới nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận sẽ tăng cao hơn vụ trước.
Bước đầu triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh tìm hiểu, phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, tỉnh Bạc Liêu thực hiện.
Huyện An Minh phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN.
Kỹ sư Võ Trường Chinh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh chia hay, năm 2018, Công ty Trúc Anh phối hợp với huyện An Minh mở 20 điểm nuôi tôm siêu thâm canh thẻ chân trắng 2 giai đoạn hiệu quả rất khả quan, tỉ lệ thành công hơn 90%.
Cán bộ kỹ thuật công ty theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quy trình cũng như quá trình sản xuất từ khâu thiết kế đến thu hoạch để vừa kịp thời chủ động xử lý những tình huống xấu, bất lợi xảy ra đối với tôm nuôi, vừa tạo ra sản phẩm tôm sạch, năng suất, chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.
Huyện An Minh thuộc vùng sản xuất U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có điều kiện tự nhiên ven biển Tây thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm của huyện này phần lớn phát triển theo mô hình tôm – lúa, hàng năm năng suất, sản lượng tăng không nhiều, tiềm ẩn rủi ro cao, chưa thực sự an toàn, bền vững và hiệu quả.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh bày tỏ, thực hiện kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang trên địa bàn huyện An Minh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 100 ha trở lên năm 2020. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao, hồ lót bạt đã và đang thực hiện hiệu quả.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt hạn chế tác động xấu đối với môi trường, sự bùng phát dịch bệnh tại vùng nuôi, sản xuất bền vững, hiệu quả; chủ động quản lý chặt chẽ thức ăn, tỷ lệ sống của tôm, giảm rủi ro do dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ thành công, tăng số vụ nuôi 2 – 3 vụ/năm. Mô hình nuôi tôm này còn là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho nông dân trong sản xuất, nhân rộng quy trình cho người nuôi, nhất là các xã ven biển có lợi thế về nuôi tôm.
Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt còn nhiều những khó khăn, bất cập. Cụ thể là vốn đầu tư lớn, nông dân ngán ngại, tiềm lực kinh tế hạn chế, ngân hàng tham gia đầu tư chưa nhiều, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm…
Ông Lê Văn Khanh cho hay, tiếp tục đồng hành cùng nông dân, Phòng Nông nghiệp huyện An Minh tăng cường tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề, tư vấn để nông dân mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình sản xuất. Kiến nghị tỉnh và huyện hỗ trợ kinh phí đối ứng cùng với người dân; đề nghị các đơn vị có liên quan, ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân nuôi tôm; cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất…
Theo Lê Huy Hải (TTXVN)
Kiên Giang: 5 năm nuôi mãng xà cực độc, bị cắn bao lần nhưng vẫn mê
Tình cờ bắt được một con rắn hổ đất bò vào nhà, ông Nguyễn Văn Hiểu (Ba Hiểu), ngụ ấp Ngọc Thành, xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) từ đó đã làm giàu nhờ nhân nuôi loài mãng xà kịch độc này. Hiện ông Ba Hiểu sở hữu đàn rắn độc gần 500 con rắn hổ đất.
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt tại sao lại chọn nuôi rắn hổ đất, một loài bò sát hoang dã kịch độc, ông Ba Hiểu nói: "Cái gì dễ thiên hạ làm hết rồi, mình nghèo chọn cái khó để ít bị cạnh tranh, với lại còn do cơ duyên nữa".
Năm 2014, một con rắn hổ đất to bất ngờ xuất hiện trước nhà. Vốn biết cách bắt rắn nên ông Ba Hiểu dùng tấm vải lau nhà bắt gọn con rắn. Thấy con rắn khỏe mạnh, ông thả vào chum và hàng ngày bắt nhái cho ăn rồi quyết định nuôi. Càng nuôi thấy càng mê, ông lần dò tìm hiểu trên mạng internet những nơi chuyên nuôi rắn hổ. Thế là ông Ba Hiểu khăn gói đi Bình Dương với 3 triệu đồng dành dụm tìm mua thêm 10 con rắn hổ đất nữa để gầy đàn.
Từ một con rắn hổ đất bò vào nhà ban đầu, ông Ba Hiểu đã làm giàu từ việc nhân nuôi loài rắn kịch độc này. Ảnh: NQ.
Một năm sau đó, con rắn hổ đất đầu tiên đến nhà ông đã đẻ được lứa đầu với 43 trứng, sau khi ấp nở được 40 con rắn con và giúp ông thu về 8 triệu đồng. Cứ thế lần lượt những lứa rắn nối tiếp nhau.
Dắt chúng tôi tham quan trại rắn độc, ông Ba Hiểu mở nắp khoang chuồng, con rắn hổ đất khoảng 5kg với da đen xì ngóc đầu phùng má làm ai cũng khiếp vía.
Chuồng rắn được ông Ba Hiểu xây xung quanh bằng gạch và xi măng, có kệ để rắn nằm, có nước để rắn tắm giải nhiệt, dưới nền trải một lớp đất khô tạo môi trường tốt nhất cho rắn sinh trưởng. Ảnh: NQ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Ba Hiểu cho hay: "Thức ăn chính nuôi rắn là chuột, ngoài ra còn có cóc, nhái, cá rô phi. Với đàn rắn hiện tại, số lượng thức ăn mỗi ngày cần 20kg. Theo ông, rắn nở được một tuần sẽ tự lột da và ăn mồi. Rắn hổ đất từ một năm tuổi nặng chừng 1,2kg và bắt đầu sinh sản".
Từ những ngày đầu chưa có kinh nghiệm nuôi rắn hổ, hiện ông Ba Hiểu nắm khá vững kỹ thuật nuôi rắn hổ, cách cho rắn sinh sản cũng như kỹ thuật ấp trứng rắn bằng cát ẩm với tỷ lệ thành công trên 90%.
Ngoài rắn hổ đất, ông Ba Hiểu còn nuôi rắn hổ hèo, hổ hành, hổ ngựa. Năm 2018, ông vừa xuất chuồng bán hơn 200 con rắn hổ đất giống, thu về 40 triệu đồng. 5 năm nuôi rắn, trên người ông không thiếu những vết sẹo do rắn cắn để lại.
Nuôi loài rắn hổ đất cực độc, ông Ba Hiểu không ít lần bị rắn cắn.
"Rắn hổ cắn mà không biết cách sơ cứu thì chẳng thầy nào cứu được vì nọc độc phát tán rất nhanh. Nhưng nếu biết cách sơ cứu, trị đúng thuốc thì cũng chữa được và tôi có bài thuốc chữa rắn độc cắn rất đơn giản, dễ kiếm, dễ làm..." - ông Ba Hiểu cho biết.
3 năm trước, trong một lần thăm chuồng rắn, ông Ba Hiểu bị rắn hổ cắn vào tay. Tự mình sơ cấp cứu, nặn máu, buộc lại cánh tay, sau đó, ông chạy qua nhà hàng xóm xin trái đu đủ xanh lấy mủ đắp vết thương, thịt trái đu đủ thì xay nhuyễn uống để thải độc rắn. Rốt cuộc, ông Ba Hiểu cũng tự cứu sống mình bằng bài thuốc chữa rắn độc cắn từ dân gian đó.
Sau lần ấy, trong trại rắn của ông Ba Hiểu lúc nào cũng có một tủ thuốc với đầy đủ dụng cụ sơ cứu người khi bị rắn cắn. Sau vườn lúc nào ông cũng trồng sẵn một cây đu đủ, loài cây được dùng để trị rắn cắn.
Hiện ông Ba Hiểu sở hữu đàn rắn với tổng số 250 con rắn hổ đất trọng lượng từ 1,2-5kg/con và 230 con rắn trọng lượng dưới 1kg/con, trong đó có 60 con đang thời kỳ sinh sản.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Ba Hiểu cho biết ông không nuôi bán lấy thịt, tâm huyết của ông là nuôi để phục vụ bào chế dược liệu từ nọc độc của rắn. Đơn đặt hàng 800 con rắn hổ đất đã có, nhiệm vụ của ông hiện giờ là tìm cách nhân đàn để đạt số lượng theo yêu cầu.
Do rắn hổ đất ít người nuôi nên giá thị trường đối với loài rắn này khá cao, dao động từ 1 triệu đồng/kg loại 5kg/con và 800 ngàn đồng/kg loại từ 1-2kg/con.
Ngoài nuôi rắn, ông Ba Hiểu còn nuôi ong mật gần chuồng rắn. Lão nông này con mê các loài hoang dã nên thấy ai bán là ông mua về nuôi cho học trò trong xóm xem. Ảnh: NQ.
Theo Danviet
Nghệ An: Nắng nóng, hồ đập trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ Nghệ An có 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý, hiện chỉ còn 4 hồ chứa còn đầy nước, còn lại 82 hồ mực nước chỉ đạt trên 50%. Riêng các hồ chứa do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30 - 40% lượng nước, trong đó có một số hồ đã cạn kiệt nguồn nước. Hồ chứa nước Nhà Hữu...