Kiên Giang: Học sinh ‘hồi hương’ tiếp nhận trước, làm hồ sơ sau
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết, đối với học sinh trở về địa phương cần tiếp nhận ngay, còn hồ sơ sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh bạn thực hiện sau. Mục tiêu của ngành giáo dục tỉnh nhà không để cho bất kỳ học sinh nào không được đến trường.
Sáng 13/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến nắm tình hình dạy học qua các hình thức trên môi trường internet, truyền hình, gián tiếp gửi qua tài liệu cho học sinh thời gian qua. Hội nghị trực tuyến đã ghi nhận những vấn đề khó khăn khi học sinh học qua các hình thức trên. Đồng thời, Sở cũng đánh giá hiệu quả mô hình học tập trong thời gian qua thông qua các ý kiến từ các trường học tại cơ sở.
Hội nghị trực tuyến nắm tình hình dạy học qua các hình thức trên môi trường internet, truyền hình, gián tiếp gửi qua tài liệu cho học sinh.
Các ý kiến từ các cấp học cho rằng, những trường ở khu vực đô thị thì điều kiện tiếp cận các hình thức học tập trên có nhiều thuận lợi còn các đơn vị các xã vùng sâu, xa, vùng khó khăn do thiếu điều kiện mua sắm các thiết bị như laptop, điện thoại thông minh nên gặp rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, nhiều trường có ý kiến còn gặp vấn đề về đường truyền mạng không ổn định, nặng đầu tư thời gian cho việc soạn giảng, và khó sâu sát quản lí các em học sinh.
Các trường nêu rõ sẽ tách học sinh chưa học được và chưa hiệu quả sẽ có kế hoạch dạy bù và tạo mọi điều kiện học sinh nào từ vùng dịch trở về trong thời gian qua. Ngoài ra, khó khăn nữa là còn lúng túng trong soạn giáo án điện tử, chưa kích thích được hứng thú cho học sinh. Ngoài ra, các trường mong muốn sớm tiêm vacxin cho các em học sinh từ độ tuổi từ 12 – 17 để các em sớm quay trở lại trường.
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đề nghị các tiếp thu ý kiến các phòng chuyên môn, để điều chỉnh kế hoạch dạy và học cho phù hợp nhất. Các phòng giáo dục cần bám sát văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục. Trong quá trình thực tiễn, cần linh hoạt để phù hợp với học sinh trong vùng khó khăn. Những giáo viên chưa ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy và cần tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện được tốt, phát huy tốt nhất nội lực của từng trường. Tranh thủ tận dụng thời gian từ nay đến lúc học sinh đến trường, cần chủ động sắp xếp cho học sinh không có thiết bị học vào thời gian phù hợp.
Đối với vấn đề đường mạng cho học sinh, Sở Giáo dục tiếp tục làm việc với các nhà mạng điều chỉnh bổ sung những nơi nào sóng yếu. Song song đó, các trường cần lên kế hoạch ngay việc dạy bù cho các em học sinh chưa tiếp thu kịp chương trình học tập. “Riêng về vấn đề vacxin, Sở Giáo dục tham mưu tối đa cho các em học sinh từ 12 – 17 tuổi được tiêm sớm nhất. Đồng thời, Sở Giáo dục sẽ phối hợp với Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh để chuẩn bị cho học sinh đến lớp vào ngày 1/11 tới” – Ông Trần Quang Bảo khẳng định.
Đặc biệt ông Trần Quang Bảo cho biết, đối với học sinh cùng cha mẹ ở các tỉnh trở về địa phương cần tiếp nhận ngay, còn hồ sơ sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh bạn thực hiện sau. Mục tiêu của ngành giáo dục tỉnh nhà không để cho bất kỳ học sinh nào không được đến trường.
Video đang HOT
Chấp nhận kéo dài năm học, quý 4 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 95% HS 12-17 tuổi
Một trong những giải pháp đầu tiên được Bộ GD-ĐT tính đến để bù đắp kiến thức cho học sinh khi có thể quay lại trường học là tuỳ tình hình từng địa phương, sẽ kéo dài thời gian năm học.
Theo Trung tâm Truyền thông Bộ GD-ĐT, chiều 12.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với một số bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện năm học 2021 - 2022 - MOET
Bộ trưởng GD-ĐT: Kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh
Tại cuộc họp, trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp".
Thứ hai, khi học sinh trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.
Bên cạnh việc ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học, một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng Sơn nhắc tới, đó là thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, song cũng vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp - MOET
Ông Sơn cũng khẳng định: "Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh".
Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành giáo dục thực hiện trong năm học 2021 - 2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo. Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GDĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.
95% trẻ em từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin trong năm nay
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin: Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm 2 mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý 4 năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3 - 11 tuổi (khoảng trên 14 triệu em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở GD-ĐT chủ trì cùng Sở Y tế rà soát lại các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn trường học đã được Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT ban hành, qua đó đánh giá, củng cố và hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục, sẵn sàng mở lại trường học đón học sinh đến trường.
Phó thủ tướng: đến trường phải an toàn
Nhận định năm học 2021 - 2022 sẽ khó hơn năm học trước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Đến thời điểm này nhiều địa phương chưa thể học trực tiếp, nhiều nơi trong vùng dịch rất khó khăn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng một phần yêu cầu, song dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ".
Ông Đam cũng yêu cầu cần có các giải pháp rất nhanh cho năm học này. Cụ thể là phải có kế hoạch, giải pháp chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học; cùng với đó là chủ động có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có những giải pháp linh hoạt, cụ thể cho năm học này - TTXVN
Thống nhất với phương án của Bộ GD-ĐT là kế hoạch năm học 2021 - 2022 sẽ kết thúc linh hoạt, tùy vào tình hình của địa phương, Phó thủ tướng lưu ý sự linh hoạt không chỉ ở cấp tỉnh mà phải cả cấp huyện, cấp xã; việc thi cử, đánh giá kết quả học tập định kỳ, cuối năm phải được thực hiện rất linh hoạt.
Về đảm bảo an toàn trường học, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường. Đồng thời, phải tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Phó thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ngay việc đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, để khi có vắc xin sẽ tổ chức tiêm nhanh.
Ông Đam cũng đề nghị các tỉnh, thành căn cứ tình hình dịch bệnh, nơi nào không nhất thiết phải sử dụng các cơ sở giáo dục thì sớm tu sửa, củng cố thêm một bước hạ tầng thông tin phục vụ học tập; đảm bảo khi dịch đi qua, học sinh trở lại trường có môi trường học tập khang trang, sạch sẽ.
Đồng Nai lên kế hoạch mở lại trường từ 1/11 Thông tin được Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đưa ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 sáng 11/10. Ông Lĩnh cho biết, ngành y tế xây dựng kế hoạch cách ly điều trị F0 nhằm sớm trả lại cơ sở vật chất để nhà trường sửa sang, dọn dẹp, khử khuẩn, có thể đón học sinh trở lại...