Kiên Giang đặt mục tiêu đạt 38.000 tỷ doanh thu du lịch vào năm 2025
Kiên Giang đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đến năm 2025 đón 10,7 triệu lượt du khách, trong đó 900.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 38.000 tỷ đồng.
Phú Quốc là điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. (Ảnh: Vietnam )
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đứng vào nhóm địa phương phát triển du lịch hàng đầu cả nước, phát triển Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
Mục tiêu gần của tỉnh là đến năm 2025, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội; đón 10,7 triệu lượt khách (khách quốc tế 900.000 lượt), tổng doanh thu từ du lịch đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP.
Đến năm 2030, ngành “công nghiệp không khói” đáp ứng các tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn, thực sự mang tính bền vững, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan; đón 23,6 triệu lượt du khách trở lên (khách quốc tế đạt 1,66 triệu lượt), tổng doanh thu từ du lịch đạt 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP…
Để đạt mục tiêu đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết tỉnh đang cơ cấu lại du lịch phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển của quốc gia, đón đầu xu hướng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư quốc tế, tạo bước đột phá phát triển toàn diện.
Video đang HOT
Du khách quốc tế chèo thuyền Kayak trên sông Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, ngành du lịch tỉnh chú trọng nâng cao tỷ lệ thị trường khách châu Âu, đưa thị trường khách Đông Nam Á thành thị trường trọng điểm, khai thác ổn định nguồn khách Trung Quốc và Hàn Quốc, khai thác thị trường mới từ Ấn Độ và Trung Đông.
Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ khách quốc tế đến 3 vùng du lịch trọng điểm gồm Hà Tiên-Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá-Kiên Hải-Hòn Đất và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận, giảm chênh lệch với Phú Quốc. Tỉnh đơn giản hóa thủ tục với khách quốc tế vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Với khách nội địa, Kiên Giang nâng tỷ lệ khách đến 3 vùng du lịch trọng điểm nói trên, phấn đấu năm 2025 đạt 47%, đến năm 2030 đạt 50% trong tổng khách nội địa đến.
Tỉnh tập trung khai thác khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang…, mở rộng thị trường khách từ vùng Tây Nguyên, chú trọng liên kết phát triển với Đà Lạt (Lâm Đồng), tăng chuyến bay Lâm Đồng-Phú Quốc và ngược lại…
Cùng với đó là cơ cấu lại sản phẩm du lịch, củng cố các sản phẩm đặc thù hiện có, hình thành, phát triển sản phẩm tham quan hệ sinh thái địa hình karst giao thoa biển và đồng bằng (Hà Tiên-Kiên Lương); nghiên cứu về bò biển (dugong), cá heo, đồi mồi trong môi trường tự nhiên, du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo Phú Quốc.
Tỉnh hướng tới hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp, tạo bước đột phá. Cụ thể là du lịch thiên nhiên gắn với Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành), phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trong rừng, thể thao mạo hiểm, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học, trải nghiệm đời sống hoang dã; khám phá Hà Tiên thập cảnh, hình thành các tour khám phá cảnh đẹp của Hà Tiên, quần đảo Hải Tặc.
Khu bãi tắm phía nam đảo Phú Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngoài ra, Kiên Giang tập trung khai thác giá trị văn hóa biển của cộng đồng dân cư trên các đảo tại Nam Du, Lại Sơn (huyện Kiên Hải), quần đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương), quần đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên) và văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer để hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm cuộc sống thường ngày, trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng gắn với cộng đồng.
Nơi đây cũng hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa “Đất rừng phương Nam” gắn với Vườn Quốc gia U Minh Thượng, làng du lịch văn hóa gắn với các hoạt động trải nghiệm trong rừng.
Cùng với đó là du lịch thương mại tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, vui chơi giải trí gắn với dịch vụ kinh tế ban đêm, du lịch phong cảnh kết hợp mua sắm; văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, khảo cổ văn hóa Óc Eo, hình thành tuyến du lịch tiêu biểu gắn kết 3 vùng trọng điểm.
Đó là Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Kiên Giang (huyện U Minh Thượng)-Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá)-Di tích lịch sử và thắng cảnh Ba Hòn (huyện Hòn Đất)-Di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất)-Chùa Hang (huyện Kiên Lương)-Hà Tiên thập cảnh (thành phố Hà Tiên). Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, du lịch lễ hội truyền thống…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho hay tỉnh cũng sẽ cơ cấu lại lao động du lịch, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% năm 2025 và 90% vào năm 2030; xây dựng đội ngũ lao động du lịch chất lượng cao; tích cực quảng bá nhằm thu hút đầu tư và du khách, gia tăng số lượng cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Hấp dẫn trải nghiệm suối Đá Bàn, Kiên Giang
Nằm ẩn mình trong lòng thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, suối Đá Bàn là một trong những địa điểm du lịch hoang sơ, giữ nguyên vẻ đẹp của núi rừng Phú Quốc.
Suối Đá Bàn nằm ở xã Cửa Dương (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Mặc dù đang mùa khô nhưng suối Đá Bàn còn nước chảy nhiều, thu hút du khách đến mỗi ngày. Cuối tháng 3 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm suối Đá Bàn đẹp nhất. Nước suối chảy róc rách từ đỉnh xuống khu vực gần cổng vào, tạo nên vùng trũng chứa nước có nhiều hình dáng đẹp mắt. Suối chảy dài gần 500m, nước suối chảy tạo thành dòng thác từ đầu nguồn xuống chân thác. Nước chảy trườn qua các phiến đá to như những chiếc bàn. Người dân Phú Quốc chia sẻ đó là lý do mọi người gọi tên suối Đá Bàn.
Từ cổng nhìn thẳng vào là nhà hàng phục vụ du khách đến tham quan. Khu vực bên ngoài được dọn cỏ sạch sẽ làm nơi đỗ xe. Mỗi ngày, nhân viên làm việc tại suối quét rác, lá cây rụng liên tục, giữ cho không gian thoáng đãng, tạo cảm giác gần gũi cho khách tham quan. Đi bộ từ cổng vào tới đầu nguồn suối Đá Bàn gần 500m đường rừng, du khách phải đi qua cầu treo hơn 20 năm tuổi. Chiếc cầu này mỗi năm được tu sửa một lần để phục vụ du khách.
Đi qua cầu treo, rẽ phải là lối lên đầu nguồn suối. Khi men qua lối nhỏ nằm quanh co trong rừng, du khách cảm nhận không khí mát mẻ, khoan khoái. Phía bên trái lối đi lên suối, du khách có thể vứt rác vào các bao chứa rác được treo ở các gốc cây. Vé vào cổng trước khi dịch COVID-19 bùng phát là 10.000 đồng/khách, du khách có thể tham quan tại suối cả ngày. "Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2021 đến nay, chúng tôi không thu tiền vé vào cổng. Mùa hè mỗi ngày chúng tôi đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, tắm suối, picnic... Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mỗi ngày suối Đá Bàn đón khoảng 200 du khách", anh Nguyễn Văn Hải - đại diện Công ty Cổ phần du lịch Phú Quốc (đơn vị quản lý suối Đá Bàn) cho biết.
Du khách tham quan suối Đá Bàn (TP. Phú Quốc)
Cuối tháng 2, nhiều gia đình chọn suối Đá Bàn là điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình vào cuối tuần. Thay vì đến những nơi sang trọng, được phục vụ tận tình tại các khu vực trung tâm thành phố, nhiều người tìm đến suối Đá Bàn để được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ cùng người thân, bạn bè. Chị Nguyễn Kim Dịu, ngụ phường Dương Đông (TP. Phú Quốc) chia sẻ: "Gia đình tôi thường chọn suối Đá Bàn để tham quan. Phong cảnh, khí hậu tại khu vực suối trong lành, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, tôi và bạn bè, người thân thư giãn rất tuyệt vời".
Anh Vũ Văn Lân, ngụ thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cùng gia đình đi du lịch TP. Phú Quốc vào cuối tháng 2. Được bạn giới thiệu, anh đến suối Đá Bàn tham quan, tắm suối, picnic trong một ngày. Anh Lân nói: "Có rừng, có suối, thiên nhiên thật sự ảo diệu. Tôi và bạn bè thích thú sau một ngày trải nghiệm suối Đá Bàn. Môi trường ở đây trong lành, nhân viên phục vụ nhiệt tình, vui vẻ". Du khách đến tham quan suối Đá Bàn có thể mang theo thức ăn hoặc ăn uống tại các khu vực được nhà hàng phục vụ với giá phải chăng. Cuối ngày, nhân viên Công ty Cổ phần du lịch Phú Quốc thu gom rác thải, dọn vệ sinh khu vực suối để đảm bảo mọi thứ sạch sẽ, thân thiện với du khách.
Suối Đá Bàn là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc, đặc biệt là đối với những ai yêu thiên nhiên./.
Khám phá làng chài Hàm Ninh, Kiên Giang Nằm trên bờ biển phía Đông "đảo ngọc" Phú Quốc, làng chài Hàm Ninh nép mình dưới chân núi Hàm Ninh và hướng mặt ra biển rộng bao la. Không ai biết ngôi làng này có tự bao giờ, chỉ biết rằng, khi đảo Phú Quốc còn hoang vắng, một số cư dân từ xa đến đây khai thác hải sản, rồi lập...