Kiên Giang: Choáng-lão nông chi tiền tỷ sắm xe tải chở chuối đi bán
Để tìm đầu ra cho chuối thương phẩm, ông Nguyễn Thanh Ngân (75 tuổi, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng mua xe tải chở chuối, bắp chuối lên TP.HCM bỏ sỉ cho chợ đầu mối.
Kiên Giang hiện có hơn 1.500ha đất trồng chuối, trong đó hơn 90% diện tích nằm ở huyện U Minh Thượng. Dù gặp không ít khó khăn khi giá chuối sụt giảm, đầu ra chưa ổn định, nhưng với sự tìm tòi hợp lý, những người nông dân gắn bó với cây chuối vẫn tìm ra hướng đi hiệu quả.
Cây chuối khai phá đất phèn
Năm 1992, tỉnh Kiên Giang có chủ trương bảo vệ, khôi phục rừng tràm nguyên sinh và hình thành vùng đệm U Minh Thượng với quy mô gần hơn 14.000ha thuộc 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận (U Minh Thượng). Gần 3.500 hộ được Nhà nước cấp đất, cho vay tiền làm vốn sản xuất.
Người dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) đang thu hoạch chuối. Ảnh: NQ.
Năm 1994, ông Lý Văn Tình (73 tuổi) về ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc. Thời điểm đó, người dân bắt tay vào khai thác đất đai trong điều kiện vô cùng khó khăn, đất gần như chỉ có lau sậy, chỉ làm được 1 vụ lúa vừa đủ gạo ăn vì phèn.
Để tìm hướng ra, nhiều người quyết định tìm đến cây chuối, loại cây có thể chịu được đất phèn.
Vào những năm 2011-2015, với 2 bờ chuối xiêm, mỗi cử thu hoạch cách nhau chỉ 2 tuần, vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nam (59 tuổi) ngụ ấp Kinh 5, thu được 2.700 nải chuối, bán với giá 5.000 đồng/nải, thu về khoảng 15 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán lá chuối, bắp chuối, cá đồng dưới mương dọc theo liếp chuối mang về vài chục triệu đồng.
Nhờ đó, ông Nam cất được căn nhà tường khang trang trị giá gần 300 triệu đồng. Ông Nam nói: “Trồng chuối sống khỏe lắm, giá chuối từ 2.500 đồng/kg cũng cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/ha/năm. Con cái học hành, mua sắm xe cộ cũng nhờ chuối”.
Về ấp An Hòa, xã An Minh Bắc, chúng tôi gặp bà Đỗ Thị Tua đang thu hoạch chuối trong vườn. Bà Tua kể: “Hồi mới được cấp đất, làm lúa vụ đầu tiên còn có gạo ăn, vụ kế thất trắng vì phèn tấn lên. Khó khăn quá nhiều hộ nản bỏ đi, vợ chồng tôi động viên nhau quyết tâm bám trụ”.
Nông dân thu hoạch bắp chuối trong vườn. Ảnh: NQ.
Vợ chồng bà Tua trồng chuối xiêm xen rau cải trên liếp, từ đó kinh tế gia đình bà dần cải thiện. Sau 25 năm về với cùng đất mới, hiện vợ chồng bà Tua thu về hơn 100 triệu đồng/năm từ 2ha chuối.
Video đang HOT
Trồng chuối trên vùng đất phèn giúp nhiều hộ khá lên, cây chuối mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình ở vùng đệm U Minh Thượng. Cũng từ đó, diện tích trồng chuối ngày càng nhiều lên. Năm 2008, toàn vùng đệm U Minh Thượng có 268ha chuối, đến năm 2016, diện tích này tăng lên 1.561ha.
Theo ông Phạm Duy Tân – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện U Minh Thượng, chuối là loại dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đệm U Minh Thượng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư không đáng kể nên cho thu nhập khá. Với diện tích hơn 1.400ha, huyện cung ứng cho thị trường gần 50.000 tấn chuối mỗi năm. Tuy nhiên, do không có nhà máy chế biến, toàn bộ chuối bán chủ yếu cho thương lái và giá cũng trồi sụt làm người trồng chuối đứng ngồi không yên.
Đến tháng 4/2019, diện tích cây chuối vùng đệm giảm 152ha so năm 2017 do giá chuối giảm. Theo người dân, giá chuối bắt đầu giảm từ giữa năm 2017, chuối tại vườn chỉ còn 1.800 đồng/nải.
Để gỡ khó cho bài toán giá chuối bấp bênh, ngành nông nghiệp địa phương đã tích cực vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật chuyển đổi từ mô hình độc canh cây chuối sang các mô hình kết hợp phù hợp từng vùng quy hoạch, giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích.
Giá chuối xiêm sau thời gian rớt giá, hiện đã quay trở lại mốc 5-6 ngàn đồng/nải. Bà con tiếp tục cải tạo, chăm sóc, trồng mới vườn chuối sau thời gian dài thất thu.
Ông Ngân dẫn khách tham quan quy trình phơi chuối khô tại gia đình. Ảnh: NQ.
Con trai ông Ngân cũng sắm xe tải để vận chuyển chuối của gia đình và chở thuê cho hàng xóm. Ảnh: NQ.
Mới đây, xã An Minh Bắc đã vận động người dân tham gia Hợp tác xã trồng chuối, làm tiền đề liên kết doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, chế biến tại địa phương.
Để tìm đầu ra cho chuối thương phẩm, ông Nguyễn Thanh Ngân (75 tuổi), ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng mua xe tải chở chuối, bắp chuối lên TP.HCM bỏ sỉ cho chợ đầu mối. Cách vài ngày, ông Ngân lại đem hơn 6 tấn chuối, bắp chuối đi tiêu thụ, chuyến về lại chở hàng hóa về cho các chợ trong huyện.
Sau 5 năm cật lực làm lụng, số tiền 780 triệu đồng vay ngân hàng để mua xe sắp trả dứt. Ông Ngân cho biết sẽ mua thêm 1 xe tải nữa, vì hiện có thêm nhiều mối đặt hàng.
Con dâu ông Ngân kiếm được thu nhập khá từ các sản phẩm từ chuối. Ảnh: NQ.
Tận dụng nguồn chuối tại địa phương, ông Ngân còn ép chuối phơi khô, chuối ngào đường, kẹo chuối. Nhanh nhẹn lại khéo tay nên mỗi ngày chị Hồ Thùy Trang (33 tuổi, con dâu ông Ngân) có thể làm được 30kg chuối khô, bán với giá từ 20-25 ngàn đồng/kg.
Mời chúng tôi nếm thử món chuối xanh ngào mè, ông Ngân nói: “Đây là món chuối ngào do con dâu tôi làm, cùng với chuối khô, kẹo chuối, hiện chuối ngào được các đại lý bánh kẹo tại Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM đặt hàng liên tục”.
Không chỉ có gia đình ông Ngân, vùng đệm U Minh Thượng còn nhiều hộ khác cũng có cách đa dạng sản phẩm tại nhà, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vừa tạo thêm thu nhập lúc nhàn rỗi.
Theo Danviet
Kiên Giang: Nâng chất lúa, hồ tiêu bằng canh tác hữu cơ
UBND tỉnh Kiên Giang vừa có quyết định về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, với 16 sản phẩm có thế mạnh lực cạnh tranh và xuất khẩu. Đây được xem là hướng đi mang tính dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, là trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững.
Diện tích lúa chất lượng cao tăng dần
Kiên Giang hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa với 4,3 triệu tấn, chiếm hơn 10% sản lượng cả nước và gần 18% sản lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông sản, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung, với diện tích trồng lúa cả năm trên 766.000ha (vùng lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích), sản lượng đạt trên 4,5 triệu tấn/năm, sản lượng gạo trên 3,1 triệu tấn/năm.
Trong đó, chú trọng các sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng năm trên 500.000 tấn gạo.
Bà con nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành) thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: N.Q
Điều đáng mừng là diện tích lúa chất lượng cao tăng dần theo từng vụ, hướng nông dân canh tác lúa theo quy trình VietGAP, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm. Sử dụng nguồn giống lúa chất lượng cao đạt trên 90% diện tích, diện tích sử dụng giống cấp xác nhận đạt hơn 168.700ha/vụ.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh quy hoạch phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, diện tích 120.000ha đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Nâng cao chất lượng lúa gạo đang được người dân và doanh nghiệp trong tỉnh Kiên Giang chú trọng. Trong đó, mô hình trồng lúa thảo dược đang được Công ty cổ phần Điền Tín (TP.Rạch Giá) triển khai tại hai huyện Hòn Đất, Giồng Riềng là một điển hình.
Đây là mô hình nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm lúa gạo đáp ứng nhu cầu thị trường với tiêu chí an toàn cho người canh tác, người tiêu dùng và môi sinh. Ngoài thu mua cho nông dân vùng nguyên liệu với giá 7.000 đồng/kg, dự kiến giá trị mang lại từ mô hình gạo thảo dược cao gấp 4-5 lần so với gạo thông thường.
Ông Ngô Thành Khuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điền Tín - cho biết: "Hiện công ty có 2 dòng sản phẩm gạo thảo dược gồm gạo đỏ, gạo tím, có khả năng đáp ứng từ 3.000-5.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn có 2 sản phẩm gạo cao sản gồm R24, R21, khả năng đáp ứng 7.000 tấn/năm". Do quản lý theo chuỗi khép kín từ khâu giống, quy trình canh tác, thu mua, xay xát, chế biến đóng gói có truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm của Công ty Điền Tín được nhiều đối tác chấp nhận ký hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Giúp nông dân làm giàu bền vững
Trong khi đó, với tổng diện tích hơn 1.000ha được trồng chủ yếu ở các huyện Phú Quốc, Gò Quao, Giồng Riềng và TP.Hà Tiên, tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Kiên Giang với sản lượng 2.000 tấn/năm.
Hiện, huyện Gò Quao có 261ha tiêu được trồng dưới tán tràm, trong đó diện tích cho trái khoảng 175ha, nhiều nhất là ở 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Ngoài ra, huyện còn có 20ha tiêu đạt chứng nhận VietGAP và 9,5ha được chứng mô hình tiêu hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ đã được Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc thu mua xuất khẩu sang châu Âu, Nhật, Mỹ.
Trong bối cảnh giá tiêu thị trường giảm còn 50.000 đồng/kg như hiện nay thì sản phẩm tiêu hữu cơ có giá trị cao hơn so với giá thị trường từ 30 - 40%. Như vậy, sản xuất theo quy trình hữu cơ, giúp nhà nông tăng lợi nhuận 100 triệu đồng/ha.
Theo ông Lê Hữu Toàn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Quao, đây cũng là giải pháp mà huyện Gò Quao đang thực hiện để nâng cao giá trị tiêu và một số mặt hàng chủ lực khác. Huyện đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc mở rộng vùng sản xuất tiêu hữu cơ đạt 100ha trong những năm tới.
Bên cạnh việc đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển, tỉnh Kiên Giang đã chú trọng đẩy mạnh công tác giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
Cuối năm 2018, lần đầu tiên tỉnh tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người dân cả nước và tìm kiếm đối tác kết nối cung cầu.
Các đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ gồm: Nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, gạo hữu cơ, các sản phẩm chế biến từ thủy sản, khô mắm, khóm... Qua trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp của tỉnh đã ký kết được với Siêu thị BigC tiêu thụ sản phẩm khóm, kết nối với Công ty cổ phần Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh để tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Chanh không hạt, măng cụt đã liên kết được với Doanh nghiệp Bữa ăn an toàn.
Đối với gạo hữu cơ thì liên kết tiêu thụ được với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Chợ Việt... Đây là những hướng đi triển vọng, giúp nông sản của Kiên Giang vươn xa hơn nữa, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Theo Danviet
Cà Mau: Tìm kiếm 5 công dân Thái Lan mất tích trên biển Ngày 9.7, Sở Ngoại vụ tỉnh Cà Mau có công văn khẩn đề nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ tìm kiếm thông tin về 5 công dân Thái Lan mất tích trên biển. Cà Mau đề nghị hỗ trợ tìm kiếm 5 công dân Thái Lan mất tích trên biển - Ảnh: minh họa Trước đó, Đại sứ quán Hoàng gia...