Kiện chủ tịch phường vì… không phạt hàng xóm
Một người dân đi kiện yêu cầu tòa buộc chủ tịch phường ra quyết định xử phạt hành chính đối với hàng xóm vì bán cà phê lấn chiếm hẻm chung nhưng bị tòa trả đơn, từ chối thụ lý. Vụ việc đang gây nhiều tranh cãi…
Gần đây, TAND một quận tại TP.HCM đã quyết định trả lại đơn, không thụ lý vụ bà NTH kiện chủ tịch UBND phường nơi bà đang ở vì không xử phạt hành chính những người kinh doanh nước giải khát trong hẻm ngay phía đối diện nhà bà gây mất trật tự, ồn ào…
Khiếu nại hàng xóm bán cà phê lấn hẻm
Theo đơn khởi kiện của bà H., gia đình bà ở chung hẻm, đối diện với nhà bà P. Từ tháng 10-2007 đến nay, bà P. cho người chị chồng bán quán cà phê cóc trước cửa nhà. Từ đó, theo bà H., ngoài việc hẻm chung bị hộ bà P. lấn chiếm bày bàn bán cà phê và để xe, suốt ngày bà cùng các hộ dân khác trong hẻm còn không được yên tĩnh nghỉ ngơi vì “tiếng đập đá, tiếng nói chuyện huyên náo, tiếng chửi thề bát nháo, tiếng xỏ xiên, tiếng cãi nhau”…
Bà H. và em trai đã nhiều lần khiếu nại lên phường. Giữa tháng 9-2012, UBND phường tổ chức cuộc họp để giải quyết chuyện quán cà phê cóc này. Tại cuộc họp, hộ bà P. cam kết sẽ dọn dẹp, không lấn chiếm lòng, lề đường nữa. Chủ tịch UBND phường cũng kết luận là hộ bà P. chỉ được bán cà phê trong nhà, không được bày bàn ra lấn chiếm hẻm.
Tuy nhiên, sau đó hộ bà P. không thực hiện theo cam kết. Bức xúc, bà H. tìm gặp chủ tịch UBND phường, được hứa sẽ giải quyết nhưng hộ bà P. vẫn không chịu dọn quán vào trong nhà. Một tháng sau, em trai bà H. đến gặp phó chủ tịch UBND phường. Phó chủ tịch UBND phường đã cùng thanh tra xây dựng đến quán cà phê để kiểm tra.
Nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ, đến nay quán cà phê cóc này vẫn “ngang nhiên tồn tại, lấn chiếm hẻm, gây ồn ào”.
Vì vậy, bà H. khởi kiện yêu cầu tòa buộc chủ tịch UBND phường xử phạt hành chính việc lấn chiếm hẻm, kinh doanh trái phép của hộ bà P.
Tòa bác đơn
Sau khi nhận đơn kiện của bà H., TAND quận đã nghiên cứu và quyết định trả lại đơn, từ chối thụ lý. Theo tòa, bà H. không có quyền khởi kiện vì chuyện xử lý của UBND phường đối với hộ bà P. không liên quan trực tiếp cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân bà H.
Không đồng tình, bà H. khiếu nại. Mới đây, chánh án TAND quận đã ra quyết định giải quyết khiếu nại, khẳng định việc tòa trả lại đơn khởi kiện là có căn cứ bởi bà H. không có quyền khởi kiện hành chính trong trường hợp này.
Ý kiến trái chiều
Từ vụ việc trên, một vấn đề được đặt ra: Bà H. có quyền khởi kiện hành vi hành chính của người có thẩm quyền đối với người khác hay không? Bởi lẽ trong thực tiễn xử án hành chính, xưa nay người dân chỉ đi kiện khi quyết định, hành vi hành chính có liên quan trực tiếp, có ảnh hưởng trực tiếp tới mình, chẳng hạn quyết định thu hồi, đền bù giải tỏa đất đai, quyết định xử phạt trong lĩnh vực thuế, hải quan… Còn ở đây lại là trường hợp người dân đi kiện để buộc người có thẩm quyền phải thực hiện một hành vi hành chính đối với người khác.
Video đang HOT
Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia và nhận được hai luồng quan điểm trái ngược.
Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), ở đây có việc chủ quán cà phê cóc vi phạm lấn chiếm hẻm, kinh doanh trái phép như bà H. khiếu nại nhưng chủ tịch phường đã không làm một việc đáng lẽ phải làm là xử phạt hành chính. Chuyện không xử phạt chủ quán cà phê cóc ít nhiều vẫn có liên quan đến bà H. bởi bà sống trong hẻm đó, việc đi lại, sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng từ việc lấn chiếm hẻm của quán cà phê.
“Do đó, việc khởi kiện của bà H. cần phải được tòa hoan nghênh, tiếp nhận nhằm thúc đẩy cơ quan hành pháp thực hiện việc quản lý theo luật định, tránh sự chây ì, vô cảm đối với nỗi lo của người dân” – Thẩm phán Hùng khẳng định.
Ngược lại, kiểm sát viên cao cấp Đỗ Đức Vĩnh (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) nhận xét việc tòa trả đơn trong trường hợp này là đúng vì bà H. khởi kiện hành vi hành chính mà chủ tịch phường không thực hiện đối với người khác chứ không phải đối với bà. Trường hợp của bà H. là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước chứ không nằm trong lĩnh vực tố tụng hành chính. Ở đây, nếu chủ tịch phường không xử lý theo thẩm quyền thì bà có quyền khiếu nại, tố cáo lên UBND quận.
Những vụ kiện vì “chuyện chung”
Năm 2011, bà TNT khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Long An buộc Sở Công Thương tỉnh này thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của DNTN M. Theo bà T., DNTN M. có kho chứa gas gần nhà bà. Kho này không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy nhưng Sở Công Thương tỉnh vẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Việc kinh doanh gas như vậy không an toàn, có khả năng gây hỏa hoạn, ảnh hưởng đến mọi người dân trong khu vực.
Tháng 4-2012, TAND tỉnh Long An đã đình chỉ giải quyết vụ án bởi qua xác minh thì Sở Công Thương tỉnh này đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cấp cho kho gas của DNTN M. từ trước khi bà T. khởi kiện.
Năm 2010, ông L. khởi kiện UBND một quận ở TP.HCM vì “cấp giấy hồng sai, hợp thức hóa phần đất lấn chiếm công cộng” cho ông H. (hàng xóm sát bên). TAND quận này sau đó trả đơn, từ chối thụ lý.
Theo ông L., năm 1991, nhà ông được Sở Nhà đất TP cấp giấy hồng, trong đó ghi nhận vị trí phía tây và bắc giáp một con mương công cộng có chiều ngang khoảng 1 m, chiều dài bằng chiều dài của nhà ông và nhà ông H. Sau đó ông H. cố tình lấn chiếm mương. Ông L. khiếu nại nhưng phường không giải quyết. Đến năm 2003, con mương trên biến mất. Ông L. tìm hiểu thì biết trong quá trình làm giấy hồng, ông H. đã được cấp luôn phần diện tích con mương công cộng này.
Kiện được
Không thể nói sự việc này không liên quan đến bà H. nên bà không được khởi kiện. Về thực tiễn, việc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bà H. nói riêng và những hộ dân khác trong cùng hẻm nói chung. Trong khi đó, trách nhiệm của phường là quản lý trật tự, an ninh tại địa phương. Vì vậy, theo tôi, việc trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp này là không thỏa đáng.
Luật sư HOÀNG CAO SANG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Chỉ có thể khiếu nại
Người khởi kiện trong án hành chính phải là người có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Với những quyết định, hành vi hành chính không liên quan trực tiếp nhưng có khả năng gây ảnh hưởng gián tiếp cho cá nhân hoặc gây hại cho lợi ích chung, theo tôi người dân chỉ có quyền khiếu nại theo Luật Khiếu nại chứ không có quyền khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính.
Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, Bố Trạch (Quảng Bình)
Theo Dantri
Kết hôn đồng giới, không thể xử phạt
"Tôi cho rằng không thể xử phạt được họ, đấy là quyền của họ. Việc xử phạt ở đây chẳng có căn cứ gì cả. Do vậy quy định xử phạt người kết hôn đồng giới là không khả thi".
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự (ĐH Luật Hà Nội), khi trao đổi với Tiền Phong về quy định xử phạt kết hôn giữa những người cùng giới tính trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc xử phạt kết hôn đồng giới vừa bất khả thi, vừa vi phạm quyền con người (Trong ảnh: Kịch đồng tính nữ "Được là chính mình" của đạo diễn Bùi Như Lai. Ảnh: Toan Toan.
Vô căn cứ
Dự thảo Nghị định (đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/7/2013) sẽ thay thế một số nghị định, trong đó có Nghị định 87/2001/NĐ-CP, hướng dẫn Luật HN&GĐ năm 2001.
Điều 46 của dự thảo Nghị định quy định về "Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng", về cơ bản không có thêm nội dung mới so với quy định hiện hành, chỉ tăng gấp đôi mức phạt từ 100.000 - 500.000 đồng lên 200.000 - 1.000.000 đồng và có thêm hình thức phạt cảnh cáo (Nghị định 87 chỉ có phạt tiền).
Nghị định 87 ra đời cách đây 12 năm, lúc đó giá trị đồng tiền khác bây giờ, nên việc tăng gấp đôi mức phạt không phải là dấu hiệu cho thấy luật pháp đang "trừng phạt" hôn nhân cùng giới nặng lên. Bởi nó cũng áp dụng tương tự với nhiều trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn khác.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng cho rằng chung sống hay tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới là vi phạm pháp luật. Chẳng có điều luật nào cấm họ tổ chức lễ cưới
TS Nguyễn Văn Cừ
Vấn đề ở đây là dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định xử phạt "Kết hôn giữa những người cùng giới tính" (Khoản e Điều 46) từ 200.000 - 1.000.000 đồng.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đây là một dạng chế tài không thể áp dụng được trong thực tế, không có căn cứ, vì người cùng giới rất khó "qua mặt" chính quyền để đăng ký kết hôn. Nếu hai người đồng tính dắt nhau đi đăng ký kết hôn thì chỉ có thể từ chối chứ không phạt được họ.
Nếu họ đăng ký được (trong trường hợp cải trang và làm giả giấy tờ), thì cũng chưa biết người bị phạt lúc này là họ hay là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận.
"Việc phạt những hành vi khác như tổ chức đám cưới, lễ tiệc của cặp đôi đồng tính là không đúng. Như trường hợp xử phạt cặp đôi ở Hà Tiên vào tháng 5/2012, chính quyền đã nhầm lẫn giữa kết hôn và tổ chức tiệc, áp dụng pháp luật là không có căn cứ"- luật sư Bách khẳng định.
Và vi phạm quyền con người
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc chung sống giữa những người đồng tính là vấn đề xã hội, không nên phản bác, quay lưng lại với họ. Cộng đồng người đồng tính ngày càng có xu thế mở rộng với nhu cầu được kết hôn và chung sống với nhau ngày càng tăng lên.
"Họ không phải là những người bệnh hoạn như một số người nói, họ cũng là con người. Hiện pháp luật chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng theo tôi, trong tương lai pháp luật phải công nhận. Đấy là nhu cầu tự thân và cũng là quyền của người ta. Theo tôi, nên đưa ra một quy định cảnh báo hay nhắc nhở họ. Nếu quy định phạt là cứng nhắc, chưa tính đến thực tiễn xã hội"- ông Sơn đề xuất.
TS Nguyễn Văn Cừ, một chuyên gia luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cũng không ủng hộ việc xử phạt kết hôn đồng giới. Ông Cừ nói, pháp luật Việt Nam không cấm những người này quan hệ, chung sống với nhau. Đây là vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân, hai người đồng tính muốn ăn ở với nhau thì đó là quyền tất nhiên của họ. Hiện chỉ còn quyền về mặt pháp lý là Nhà nước chưa thừa nhận.
"Nhiều người vẫn nhầm tưởng cho rằng chung sống hay tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới là vi phạm pháp luật. Chẳng có điều luật nào cấm họ tổ chức lễ cưới. Có thể không cho họ kết hôn nhưng họ được quyền chung sống- như thế thì làm sao xử phạt được họ"- TS Cừ nhấn mạnh, và đề nghị bỏ quy định xử phạt người đồng tính.
TS Cừ còn cho biết, ngay ở Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng quy định: "Mọi người có quyền sống" (Điều 21) "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới" (Khoản 3 Điều 27). Điều này thể hiện rõ quyền con người, trong đó có cả người đồng tính.
"Chúng tôi yêu nhau sao lại bị phạt"
"Ngoại tình là việc mang tính chất vi phạm đạo đức, còn người đồng tính yêu thương và đến với nhau bằng tình yêu thì không thể gọi là vi phạm và phạt nặng được. Tình yêu đồng tính chẳng làm hại tới ai cả, đó là chuyện riêng của hai con người, việc phạt những con người yêu nhau thật là vô lý" - một người đồng tính nữ, 18 tuổi.
Cặp đôi đồng tính Công Khanh - Thái Nguyên.
"Bộ Tư pháp đang xem xét mở rộng quyền cho người đồng tính trong tiến trình sửa đổi Luật HN&GĐ và được nhiều người đồng tính hoan nghênh. Tuy nhiên nếu quy định xử phạt như trong dự thảo Nghị định thì nhiều người đồng tính thấy con đường để đi tới sự bình đẳng vẫn còn rất dài. Hy vọng Bộ sẽ có quy định pháp luật hợp tình hợp lý hơn như Bộ trưởng Hà Hùng Cường từng tuyên bố là sẽ không tạo ra thêm định kiến với người đồng tính" - đồng tính nam, 25 tuổi.
"Tôi thấy không nên phạt hôn nhân cùng giới vì thiết nghĩ không có lý do gì để phạt. Không lẽ phạt hai người đồng tính làm đám cưới vì họ gây mất trật tự giao thông do người ta đứng nhìn rồi gây tắc nghẽn sao? Thế giới đang tiến dần với việc hôn nhân bình đẳng thì Việt Nam sinh điều luật phạt hành chính này là một bước lùi" - đồng tính nam, 27 tuổi.
H.L (ghi)
Theo Dantri
Xem xét đề xuất ly hôn thuận tình không cần ra tòa Nếu phương án này được chấp thuận, một cặp vợ chồng thuận tình ly hôn không cần phải đi đâu xa, không cần phải bước qua cánh cửa nặng nề của tòa án mà chỉ cần đến ngay UBND cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn để giải quyết việc ly hôn. "Trường hợp vợ chồng thuận tình trong ly hôn và...