Kiện chính quyền vì hòn đá quý bị ‘bắt giam’
Cho rằng UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) làm trái pháp luật khi xử phạt hành chính và tịch thu hòn đá quý mình, bà Sắc kiện chính quyền ra tòa.
Ngày 22/8, TAND huyện Chư Sê (Gia Lai) đã bác yêu cầu của bà Trần Thị Sắc (42 tuổi, ngụ xã Ia Sa) về việc đề nghị “hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 17 của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê”.
Nguyên đơn nêu lý do kiện UBND huyện Chư Sê vì cho rằng chính quyền đã làm sai khi xử phạt bà 2 triệu đồng về hành vi Vận chuyển khoáng sản không nguồn gốc hợp pháp và tịch thu hòn đá bán quý nặng 7,8 tấn.
Chính quyền địa phương từng lấy lồng sắt “giam” cục đá. Ảnh: T.P
Theo đơn kiện của bà Sắc, ngày 14/3/2012 gia đình thuê máy đào ao chứa nước tưới cây trồng trên đất được UBND huyện Chư Sê cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đào, nhân công gặp phải tảng đá lớn nên bà chủ tìm xe cơ giới cẩu hòn đá lên, cho người chà rửa sạch sẽ để làm đá cảnh trang trí trong nhà.
Nửa tháng sau, đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đến nhà bà Sắc lập biên bản tịch thu hòn đá đưa về huyện chờ xử lý. Tiếp đó, đoàn kiểm tra đã thực hiện khám nhà, đưa xe cẩu đến thu hồi 2 cục đá khác tại nhà ông Lê Hùng Dũng cùng ở xã Hbông về hành vi tương tự.
Video đang HOT
Sau gần 2 tháng xảy ra vụ việc, ngày 16/5/2012, UBND tỉnh Gia Lai ra công văn yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ tịch thu 3 cục đá. Theo kết quả kiểm tra, ông Dũng và bà Sắc đã vi phạm việc tàng trữ, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Tiếp đó, Phòng Tài nguyên môi trường mời bà Sắc đến trụ sở lập biên bản về hành vi Vận chuyển khoáng sản trái phép. Cuối tháng 5/2012, Chủ tịch huyện Chư Sê ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng và tịch thu hòn đá (phạt bổ sung).
Sau khi đưa về trụ sở UBND huyện, cục đá của bà Sắc đã được chính quyền huyện xuất ngân sách đóng lồng sắt để…”giam” gây phản cảm trong dư luận địa phương. Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, UBND huyện Chư Sê mới “giải thoát” chiếc lồng sắt nhốt cục đá, đưa về gửi tại trụ sở Ban quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện.
Cục đá của bà Sắc sau đó được lấy mẫu kiểm định, kết quả cho thấy, đây là cục đá bán quý thuộc dòng đá silic casidol, có tổng trọng lượng 7.800 kg. UBND tỉnh Gia Lai sau đó có công văn chỉ đạo giao cục đá bán quý này cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai bảo quản và trưng bày cho đến nay.
Hòn đá bà Sắc tìm thấy đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hải Hà
Tại tòa, ông Nguyễn Đình Viên (Trưởng phòng Tài nguyên môi trường, được Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ủy quyền tham gia tố tụng) cho rằng bà Sắc đào ao phục vụ tưới tiêu trong đất là sai luật vì làm đất biến dạng. Vì vậy, chính quyền huyện này vẫn khẳng định hòn đá trên là khoáng sản và bà Sắc đưa hòn đá về nhà trưng bày là vận chuyển trái phép.
Bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) đưa ra lập luận “bà Sắc đào ao là hợp pháp vì có gửi đơn xin phép và được Phó chủ tịch UBND xã H’Bông (nơi đào ao) xác nhận”. Nguyên đơn đã cung cấp cho HĐXX chứng cứ cho rằng văn bản kiểm tra khoáng sản, quyết định xử phạt của UBND huyện Chư Sê có nhiều điểm sai và trái pháp luật nên giữ nguyên quan điểm yêu cầu hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 17.
Tuy nhiên, TAND huyện Chư Sê đã bác lập luận của nguyên đơn, chấp nhận quan điểm của UBND huyện khi cho rằng việc bà Sắc đào ao trong đất thuộc quyền sử dụng của bà để phục vụ tưới tiêu chống hạn cho cây trồng là vi phạm luật bởi làm biến dạng đất. Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận đề nghị “huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính” của bà Sắc.
Sau khi nghe tuyên án, bà Sắc tỏ ra bức xúc, không đồng tình với kết quả xét xử của TAND huyện Chư Sê và cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.
Theo Hải Hà
Vụ án 'giam hòn đá' được đưa ra xét xử
Vụ án lạ liên quan việc người dân kiện lãnh đạo huyện thu giữ hòn đá của họ sẽ chính thức đưa ra xét xử.
Bà Trần Thị Sắc (42 tuổi ở Chư Sê, Gia Lai) cho biết, vừa nhận được thông báo của TAND huyện này về việc đưa vụ án bà khởi kiện Chủ tịch UBND huyện đã "tịch thu cục đá" ra xét xử.
Phiên tòa sẽ mở công khai lúc 7h30 ngày 21/8 để xét xử sơ thẩm vụ án hành chính "khiếu kiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản".
Trước đó, 14/3/2012, do nhu cầu về nguồn nước tưới cho cây hồ tiêu (trồng trên đất đã được UBND huyện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất), bà Sắc đã thuê máy đào ao lấy nước tưới. Trong quá trình đào ao, gia đình bà và thợ phát hiện một tảng đá lớn liền thuê máy cẩu lên.
Thấy tảng đá có màu sắc rất đẹp nên bà Sắc đã đưa về nhà người quen cùng xã để lau chùi, đánh bóng nhằm trưng bày trong gia đình.
Tảng đá bị UBND huyện Chư Sê "giam cầm", nay đã được chuyển lên trưng bày tại quảng trường Đại Đoàn Kết ở TP. Pleiku, Gia Lai.
Ngày 28/3/2012, đoàn cán bộ liên ngành huyện này nghe thông tin vụ việc đã đến lập biên bản tịch thu hòn đá mà không nêu rõ lý do. Ngày 18/4/2012, Phòng tài nguyên môi trường huyện này mời bà Sắc lên và lập biên bản xử phạt hành chính với hành vi "vận chuyển khoáng sản trái phép".
Đến cuối 5/2012, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, ký quyết định xử phạt hành chính bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi "vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp" kèm theo hình phạt bổ sung là tịch thu hòn đá. Sau đó, chính quyền huyện này đã hàn một cái lồng sắt thật lớn và "giam" hòn đá này trong thời gian dài.
Trước việc làm trên của chính quyền huyện Chư Sê, ngày 8/6/2012, bà Sắc đã khởi kiện Chủ tịch UBND huyện này ra tòa án. Sau nhiều lần gia hạn xét xử vì có nhiều "nguyên nhân", ngày 5/8, TAND huyện Chư Sê ký quyết định đưa phiên tòa sơ thẩm ra xét xử.
Theo Lao động
Hàng trăm người đến xem ngày đền tội của vũ sư giết người Vụ án từng gây rúng động dư luận tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) gần một năm trước khi thi thể cô giáo mầm non được phát hiện bị trói chặt trong bao xác rắn. Hưng già đi nhiều so với ngày bị bắt. Ngày 19/7, ngay từ sáng sớm, các ngả đường dẫn vào khu vực TAND huyện Chư Sê chật...