Kiểm tra tái xuất 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc
Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 65 tấn dược liệu do Công ty CP Dược Sơn Lâm (địa chỉ thị trấn Văn Điển, TP. Hà Nội) nhập khẩu và phát hiện nhiều thiếu sót về giấy tờ chứng nhận chất lượng, nguồn gốc. Sau khi bị kiểm tra, công ty chủ động làm đơn xin tái xuất trở lại Trung Quốc.
Xem bài khác trên Vef.vn
Cuối tháng 9/2015, Cục phòng chống buôn lậu – C74, Bộ Công an đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn bất ngờ kiểm tra 65 tấn dược liệu, vị thuốc đông y của Công ty CP Dược Sơn Lâm đang làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Chi Ma.
Tại thời điểm kiểm tra, một nửa số hàng hóa không có giấy C/Q theo quy định của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), nhãn mác không đúng quy định. Đặc biệt, thực tế trọng lượng lô hàng vênh với đăng kí trong tờ khai hải quan.
Cơ quan chức năng kiểm tra 65 tấn dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).
Cơ quan chức năng đã mời Sở Y tế Lạng Sơn đến kiểm tra, đánh giá chất lượng lô hàng. Bà Trần Thị Thành – Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi chỉ xuống nhận diện thuốc có giống như ghi ngoài nhãn mác hay không chứ không kiểm tra chất lượng thuốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra bằng mắt thường thì nhãn mác của lô hàng không đảm bảo đúng quy định”.
Bà Hoàng Thị Thiều Hoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết, nếu Bộ Công an và cơ quan chức năng không kiểm tra bất ngờ kiểm tra, phát hiện ra sai phạm thì lô hàng của Công ty CP Dược Sơn Lâm chắc chắc sẽ không được thông quan vì không có giấy C/Q như văn bản của cơ quan liên ngành.
Chính vì thế, nếu Công ty CP Dược Sơn Lâm không chủ động làm đơn xin tái xuất thì lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma vẫn sẽ bắt buộc tái xuất lô hàng.
Được biết đây là lô hàng thứ 2 của Công ty CP Dược Sơn Lâm sau khi có công văn 189 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền gửi hải quan các tỉnh yêu cầu dược liệu, vị thuốc khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận xuất xứ (giấy C/O) và giấy chứng nhận chất lượng (giấy C/Q) từ nước xuất khẩu cấp.
Theo bà Hoàng Thị Thiều Hoa, ngành hải quan chỉ quản lý chất lượng hàng hóa theo nghiệp vụ rủi ro. Lô hàng có đầy đủ giấy tờ thì cho thông quan, chỉ kiểm tra xác xuất trong lô hàng nên có thể xảy ra tình trạng hàng giả, kém chất lượng vẫn có thể thông quan vào Việt Nam.
Bà Hoa cũng cho rằng, việc kiểm tra chất lượng dược liệu thuộc về cơ quan y tế. Còn bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thừa nhận không thể quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc trên thị trường hiện nay.
Qua kiểm tra của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thì dược liệu, vị thuốc đông y có tới 60 – 70% là bị làm giả, kém chất lượng. Lãnh đạo Cục đã có nhiều động thái nhằm quản lý chất lượng nhưng không đạt hiệu quả nên phải ra công văn 189, 192, 193 gửi hải quan, sở y tế, bệnh viện và doanh nghiệp yêu cầu mọi lô hàng nhập, lưu thông ngoài thị trường phải có giấy C/O, C/Q và được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền xác nhận vào giấy C/O.
Mặc dù vậy, trong số 15 công ty thường xuyên nhập khẩu dược liệu thì chỉ có duy nhất Công ty CP Dược Sơn Lâm được Cục ký xác nhận C/O lưu thông ngoài thị trường. Bà Phương cho rằng, việc nâng cao chất lượng dược liệu phụ thuộc phần lớn vào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Video đang HOT
Mạnh Toàn
Theo_VietNamNet
Tạo độc quyền dược liệu: Trách nhiệm đến chân ai người ấy...đá!
Để dược liệu kém chất lượng đi vào thị trường Việt Nam phía hải quan cho rằng việc kiểm tra chất lượng dược liệu là trách nhiệm của bên y tế.
Nhưng phía y tế lại nói không thể kiểm soát được mà do ý thức của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp thì lại cho rằng chính hải quan mới "có vấn đề".
Điều gây "sốc" là ngay cả lãnh đạo của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng thừa nhận không thể quản lý nổi chất lượng dược liệu trên thị trường.
Rõ ràng không thể phủ nhận trách nhiệm của Cục này khi ban hành văn bản khiến người bệnh thiếu thuốc, dược liệu tăng giá và để chất lượng dược liệu trôi nổi...
Chối quanh
Liên quan đến vụ việc 65 tấn dược liệu của Công ty Dược Sơn Lâm (địa chỉ thị trấn Vân Điển, TP. Hà Nội) bị lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra tại Chi cục Hải quan Chi Ma (Lạng Sơn) vào cuối tháng 9/2015, bà Hoàng Thị Thiều Hoa - Phó Trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma cho biết: "Hiện chúng tôi đã buộc tái xuất toàn bộ lô hàng này, không cho thông quan vào Việt Nam".
Theo bà Hoa, lô hàng của công ty Sơn Lâm chỉ có giấy C/O (chứng minh nguồn gốc) mà không có giấy C/Q (giấy kiểm định chất lượng), lô hàng không có nhãn mác nên không đáp ứng được yêu cầu.
"Bằng cảm quan của chúng tôi, lô dược liệu 65 tấn nầy có chất lượng rất tệ, không tôn trọng sức khỏe của người bệnh. Doanh nghiệp Sơn Lâm không chủ động làm đơn đề nghị tái xuất thì chúng tôi cũng buộc phải tái xuất toàn bộ 65 tấn hàng này vì không đủ giấy tờ như trong công văn 189 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền gửi bên hải quan" - bà Hoa nói.
Bao bì đóng gói của Công ty Dược Sơn Lâm, nhiều dược liệu bị lòi ra bên ngoài
Cũng theo bà Hoa, nghiệp vụ của ngành hải quan là quản lý rủi ro. "Trong trường hợp đơn vị nhập khẩu dược liệu trình đủ giấy tờ C/O, C/Q như trong hướng dẫn thì chúng tôi sẽ cho thông quan. Toàn bộ lô hàng chúng tôi sẽ kiểm tra theo tình trạng rủi ro, có nghĩa là kiểm tra một số bao hàng nhất định trong toàn bộ lô hàng, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý còn không thì sẽ cho thông quan" - bà Hoa giải thích.
Nói về giấy C/O, C/Q từ phía nước xuất khẩu cấp bà Hoa cũng thừa nhận chuyện không thể kiểm soát được loại giấy tờ này có bị làm giả hay không. Và cũng không thể loại trừ phía doanh nghiệp Trung Quốc "bắt tay" với chính quyền sở tại để tuồn dược liệu kém chất lượng sang Việt Nam.
"Chúng tôi chỉ biết lô hàng có đủ giấy tờ như bên hải quan và công văn 189 của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền yêu cầu thì sẽ cho thông quan. Còn việc chất lượng có đạt hay không là trách nhiệm của cơ quan y tế" - bà Hoa nói.
Chiều ngày 13/10, bà Trần Thị Hồng Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết: "Sau khi dược liệu được thông quan, Cục sẽ tiếp tục kiểm tra giấy tờ để tiếp tục xác nhận giấy C/O. Khi đó dược liệu, vị thuốc đông y mới được lưu thông trên thị trường Việt Nam" - bà Phương giải thích.
Theo bà Phương, hiện tại có 15 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu dược liệu từ bên Trung Quốc trong khi đó chỉ có công ty Dược Sơn Lâm là đơn vị duy nhất đã được Cục xác nhận giấy C/O. Lý giải về điều này bà Phương biện luận một cách đáng ngạc nhiên: "Vì các doanh nghiệp khác không làm thủ tục xin xác nhận nên chúng tôi không thể ký".
Nói về chuyện quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y bà Phương cũng thừa nhận không thể chỉ dựa vào giấy C/O, C/Q bởi tờ giấy này do nước xuất khẩu cấp nhưng đây sẽ là quy trình siết chặt hơn để từ đó việc quản lý chất lượng thuốc được nâng cao.
Không ai có lỗi?
Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền
Bà Phương cũng thừa nhận điểm thiếu sót của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã không ra văn bản hướng dẫn quy trình làm thủ tục xin xác nhận giấy C/O khiến cho nhiều doanh nghiệp bối rối gây lên tình trạng người bệnh thiếu thuốc, đẩy giá dược liệu, vị thuốc lên cao bất thường trong thời gian qua.
Điều đáng lo ngại là bà Phương thừa nhận rằng chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y trên thị trường hiện nay là không thể quản lý. Chính bởi thế, phía Cục mới ra công văn 193 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu phải có giấy C/O, C/Q.
"Khi dược liệu, vị thuốc nhập khẩu vào thị trường phía Cục có xuống kiểm tra bằng cảm quan rồi mời bên kiểm định đi lấy mẫu để kiểm định chất lượng... chi phí kiểm định sẽ do doanh nghiệp trả. Nhiều khi Cục chưa cần đề nghị thì doanh nghiệp đã có tờ giấy kiểm định đạt đủ tiêu chuẩn từ bên thứ 3 rồi. Có tình trạng, doanh nghiệp mang mẫu thuốc đi kiểm định là dược liệu, vị thuốc thật nhưng trong lô hàng phần lớn lại là hàng kém chất lượng, bã thuốc" - bà Phương thừa nhận.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết 65 tấn dược liệu của Công ty Dược Sơn Lâm bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma buộc tái xuất. Theo bà Phương, đây là lô hàng đầu tiên doanh nghiệp nhập về sau khi có công văn 189 gửi phía hải quan. "Phía Cục được hải quan mời tới kiểm tra mẫu thuốc có phù hợp với nhãn mác hay không. Được biết, gần 1 nửa số dược liệu của công ty dược Sơn Lâm không có giấy C/Q nên chúng tôi đề nghị hải quan phải làm nghiệm, buộc tái xuất" - bà Phương nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV vào chiều ngày 13/10 ông Phạm Văn Cách - Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm khẳng định: "Chúng tôi không sai... hải quan mới có vấn đề".
Trước vấn đề gần một nửa số dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma không có giấy C/Q nhưng Sơn Lâm vẫn cố tình làm thủ tục, ông Cách giải thích, phía Sơn Lâm không trực tiếp đứng ra làm thủ tục thông quan cho 65 tấn dược liệu ở cửa khẩu Chi Ma. Chính vì thế, phía Sơn Lâm hoàn toàn vô can trong việc này. "Chúng tôi làm đúng thì chẳng sợ gì cả, hàng phải thông quan sang lãnh thổ Việt Nam chung tôi mới tiếp nhận và trả tiền. Hải quan làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm. " - ông Cách bức xúc nói.
Nhưng đến khi PV đưa ra thông tin một cán bộ hải quan Chi Ma cho biết chính người của công ty CP Dược Sơn Lâm đến làm thủ tục thông quan 65 tấn dược liệu thi ông Cách lúc này mói thừa nhận việc làm thủ tục thông quan là do một bên thứ 3 làm.
Ông Cách nói: "Tại sao hàng không có giấy C/Q mà vẫn làm thủ tục thông quan thì tôi không được rõ, cái này phải hỏi công ty Tuấn Minh (bên thứ 3 - PV). Phần lớn doanh nghiệp làm thủ tục thông quan đều phải nhờ công ty này, chúng tôi không có văn bản ủy quyền cho Công ty Tuấn Minh nhưng đây được coi là "luật bất thành văn" ở Chi Ma. Các bạn phải biết tại sao chỉ có công ty Tuấn Minh làm việc này rồi chứ? Còn việc lô hàng không có đủ giấy tờ mà vẫn được thông quan thì đó là do hải quan có vấn đề".
Trước nghi vấn, nếu như 65 tấn dược liệu không bị cơ quan chức năng liên ngành kiểm tra mà được thông quan chót lọt thì phía Sơn Lâm có chủ động đề nghị hải quan tái xuất lô hàng hay không? Ông Cách trả lời, trước đây khi chưa có công văn 189 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thì thuốc giả, kém chất lượng vẫn đươc thông quan. Về Việt Nam, Bộ Y tế còn kiểm tra nữa mới cho lưu thông ngoài thị trường.
Chỉ người dân chịu thiệt
Trong khi vấn đề quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y tại Việt Nam vẫn đang loay hoay, chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai thì người dân trong nước đang hàng ngày phải chấp nhận bỏ tiền mua thuốc giả, kém chất lượng.
Giấy CO do phía nước xuất khẩu cấp có đáng tin?
Theo thống kê của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hiện nay có tới 60 - 70 % số dược liệu, vị thuốc đông y trên thị trường Việt Nam là giả, kém chất lượng. Chính đơn bị quản lý trực tiếp cấp Bộ này cũng thừa nhận hiện không thể kiểm soát nổi chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y.
Bà Phương còn chia sẻ: "Còn gì khổ hơn khi người bệnh tìm đến thuốc để chưa nhưng chính cái thuốc chữa bệnh ấy lại làm tăng thêm bệnh trong người. Chính dược liệu, vị thuốc đông y vào trong các cơ sở y tế nhà nước cũng bị làm giả, kém chất lượng. Nhà ai mà có người bị bệnh thì....".
Ngoài ra, sau gần 3 tháng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ra công văn yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy C/O, C/Q mới được cho thông quan đã xuất hiện tình trạng khan hiếp thuốc trên thị trường. Một số thương lái nhân cơ hội đã tăng giá thuốc cao gấp 3 - 4 lần bình thường.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của nhiều người bệnh có những vị thuốc như Sâm củ, Tam thất... mặc dù có bỏ ra nhiều tiền, chờ hàng tháng trời nhưng cũng không có mà mua trong khi bệnh trong cơ thể mỗi ngày một nặng lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cách quản lý hiện tại của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có nhiều bất cập khi đặt niềm tin quá nhiều từ phía đối tác mà "thương trường lại như chiến trường". Hiệu quả từ công văn 189, 192, 193 chưa thấy đâu nhưng đã gây ra hệ quả nhãn tiền mà người dân đang phải gánh chịu đến từ việc khan hiếm thuốc và mua thuốc với giá ca.
"Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền nên chú trong khâu hậu kiểm để giám sát chất lượng thuốc hơn là yêu cầu doanh nghiệp lo đủ giấy tờ bên nước bạn. Như thế rất dễ sinh ra tình trạng làm ăn cẩu thả, đến khi xảy ra hậu quả lại không biết "túm tóc" ai" - một chuyên gia nói.
Khi được hỏi về phát ngôn trên của bà Phương, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu bức xúc. Bởi lẽ mấy tháng nay, họ rơi vào tình cảnh khốn đốn khi phải "ngồi chơi, xơi nước" vì không thể làm thủ tục giấy tờ nhập khẩu như quy định của Cục ban hành. Họ không thể làm được giấy tờ và có làm được chăng nữa cũng chẳng có căn cứ nào cho thấy họ sẽ nhập được dược liệu đúng quy chuẩn. Có nguồn tin cho rằng doanh nghiệp phía Trung Quốc đã thu gom dược liệu trôi nổi bên tại Ái Điểm (Trung Quốc) đủ 65 tấn dược liệu trên rồi xuất sang Việt Nam chứ chẳng có giấy tờ Co; CQ chuẩn do chính quyền cấp nào cả.
Nguyễn Trung
Theo_Báo Đất Việt
Quảng Nam: Kiểm tra phòng chống lũ ở hồ thủy điện Tỉnh Quảng Nam đang tiến hành kiểm tra việc lập phương án xả nước và phòng chống lũ lụt cho các vùng hạ du của những hồ thủy điện trên địa bàn. Qua kiểm tra, trong tổng số 9 dự án đã phát điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hai nhà máy thủy điện vừa và nhỏ là Khe Diên và...