Kiểm tra tải trọng xe: Cố tình cân sai, nhận tiền bỏ túi?
Xe chở đúng tải thì bị vẫy vào kiểm tra, còn xe quá tải vẫn ngang nhiên đi qua trạm. Ở đây có sự móc nối giữa “cò” với trạm cân để cố tình cân… nhầm. Thậm chí, lực lượng chức năng còn nhận tiền để làm ngơ cho xe quá tải vượt trạm cân.
Nhiều doanh nghiệp vận tải đã phản ánh như vậy trong buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến Cùng doanh nghiệp kiểm soát tải trọng xe hiệu quả, do Báo Giao thông Vận tải tổ chức hôm qua (9/6). Theo các doanh nghiệp, trạm cân xe đang cố tình cân nhầm đối tượng là sự bất công khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị mất khách hàng và nguy cơ phá sản cao.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Chung – Chánh thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam – thừa nhận: “Thực tế này là có nhưng chúng tôi chưa thể kiểm tra được hết. Ở Yên Bái đã bắt một số đối tượng làm nhiệm vụ dẫn xe qua trạm cân”.
Theo ông Chung, hiện nay các trạm đặt hầu hết trên quốc lộ có lưu lượng xe đông. Từ phản ánh qua đường dây nóng, chúng tôi thấy có một số trạm cân đặt chưa đúng vị trí, để xảy ra hiện tượng có người đã lợi dụng dẫn xe đi qua đường tránh trạm cân, hoặc lợi dụng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT) giao ca, đêm tối để dẫn xe qua trạm.
Nhiều trạm cân xe bị doanh nghiệp phàn nàn là cố tình cân sai
“Về thực trạng cân cả xe không quá tải dẫn đến ùn ứ, thực tế là có, bởi qua hệ thống cân mới phát hiện quá tải để yêu cầu dừng xe. Để tránh ùn ứ, tạo điều kiện cho xe nhanh chóng tiếp tục hành trình, chúng tôi đã yêu cầu các trạm cân chỉ cho dừng các xe có hàng, đối với các xe không có hàng thì phải cho đi ngay. Xe cân không quá tải cũng được đi ngay, không phải làm thủ tục gì hết” – ông Chung cho biết.
Cũng theo ông Chung, việc chỉ cân xe đúng tải, cố tình bỏ qua xe quá tải có kết nối giữa “cò” – lái xe – lực lượng chức năng hay không chúng tôi sẽ kiểm tra, chúng tôi sẽ siết chặt vấn đề này. Nếu ai phát hiện được tiêu cực, đề nghị phản ánh rõ ràng, cụ thể, nhà xe đưa tiền cho ai, đưa tiền ở trạm cân nào. Hiện nay, chúng tôi chưa phát hiện hay nghe được thông tin nào về tiêu cực của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại trạm cân.
Video đang HOT
Trên thực tế, có nhiều xe đi qua tỉnh này không sao nhưng sang tỉnh kia lại vướng, nhiều doanh nghiệp lên tiếng thắc mắc và muốn được cân lại để đối chứng, thậm chí muốn cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nếu trường hợp trạm cân sai.
Về việc này, ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) – giải thích: Thời gian vừa qua, Tổng cục ĐBVN đã cung cấp 63 trạm cân lưu động cho 63 địa phương. Thời gian đầu vận hành, một số trạm cân vận hành chưa đúng quy trình nên có một số sai số. Nhưng Tổng cục ĐBVN đã sớm tiếp thu ý kiến, chấn chỉnh và đến nay sai số đã ổn định, không còn diễn ra hiện tượng cân sai.
Ông Cường khẳng định, khi doanh nghiệp vận tải cảm thấy trạm cân không chính xác, có thể đề nghị được cân lại ngay tại địa phương, nơi nào có cân dán tem kiểm định hợp chuẩn, hoặc cân tại tỉnh khác. Các kết quả cân có thể là cơ sở để đối chứng, đơn vị cân sai phải chịu trách nhiệm.
Nhận tiền để bỏ lọt xe quá tải
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam – nhìn nhận, việc cân xe, phạt xe quá tải đã có kết quả nhưng chưa được như mong muốn, chúng ta đã ra quân rất quyết liệt, đã giải quyết được một số vấn đề nhưng cuộc chiến còn rất cam go.
“Vấn đề này có lợi ích nhóm, và không thể giải quyết trong mộtthời gian ngắn. Thực tế cho thấy có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vận tải không nhận thức được việc chở đúng tải là trách nhiệm với xã hội, vì vậy họ tìm mọi cách để chống phá. Và có cả một bộ phận không nhỏ lực lượng thực thi nhiệm vụ có phẩm chất đạo đức không tốt, nên nhận tiền để cho xe quá tải qua trạm” – ông Thanh cho hay.
Ông Thanh cho rằng, các trạm cân phải lưu động, chứ nằm một chỗ không ổn. Bởi nhiều trạm cân lưu động phải đẩy đi thì mới có đầu mối phải chịu trách nhiệm. Hiện có tình trạng một số trạm cân ngãng ra, vậy trạm cân có kiểm tra được hết các xe không hay chỉ kiểm tra theo giờ. Việc kiểm tra tải trọng phải làm mạnh từ các nhà ga, bến cảng.
Xe quá tải đang bị “siết” chặt
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị các chế tài phải thật mạnh đối với doanh nghiệp vận tải. “Phạt lũy tiến, phải phạt thật mạnh để doanh nghiệp không dám chở quá tải, phải phạt ngay từ đầu nguồn. Bên cạnh đó, phải phạt cả “ông” để lọt xe, phạt các lực lượng chức năng bỏ lọt cái xe quá tải đi cả nghìn cây số” – ông Thanh bày tỏ.
Sau hơn 2 tháng thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ – đánh giá: Thời gian qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, với những giải pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Theo Thứ trưởng, không thể khẳng định bao nhiêu năm nữa sẽ hết xe quá tải, bởi đây là công việc phải làm thường xuyên liên tục, các nước phát triển và đang phát triển cũng luôn phải duy trì việc kiểm soát tải trọng xe thường xuyên.
Thứ trưởng cũng nêu lên thực tế kiểm soát tải trọng qua trạm cân là chủ yếu, trong khi đó với 300 nghìn km đường bộ thì số lượng trạm cân hiện nay là chưa thể đáp ứng. Các trạm cân mới chỉ chủ yếu đặt trên các tuyến quốc lộ, trong khi đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, và đường giao thông nông thông đến nay vẫn chưa kiểm soát được, mà những đường này nối trực tiếp ra quốc lộ… Để cân xe hiệu quả cần các giải pháp đồng bộ chứ không chỉ một vài giải pháp có thể giải quyết được.Vì thế cần phải có những nghiên cứu bổ sung các qui định để thay đổi về cơ chế, chế độ để người thực hiện được đảm bảo quyền lợi và rõ trách nhiệm.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan của Bộ GTVT phải công bố rộng rãi các số điện thoại đường dây nóng để doanh nghiệp, người dân có thể liên hệ, phản ánh ngay tiêu cực góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm, ảnh hưởng tới chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc kiểm soát chặt tải trọng xe.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Khám hơn 10.000 lái xe, phát hiện 100 người "dính" ma túy
Việc khám sức khỏe cho lái xe được Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo triển khai nghiêm túc từ tháng 2/2014, tuy nhiên đến nay mới chỉ 13/63 tỉnh, thành có kết quả thực hiện. Trong số hơn 10.000 lái xe được khám sức khỏe có 101 người dương tính với ma túy.
Lái xe không đủ điều kiện sức khỏe là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông
Trong văn bản hỏa tốc phát đi mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc kiểm tra sức khỏe của lái xe, tăng cường quản lý bến xe ô tô khách và chấn chỉnh hoạt động kiểm định phương tiện, ngày 12/3 Tổng cục đã có công văn số 910/TCĐBVN-VT gửi Sở GTVT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đề nghị các Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT báo cáo kết quả tổng hợp gửi về Tổng cục trước ngày 25/5.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho hay: Tính đến ngày 23/5, mới có 29 tỉnh, thành phố có kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo thực hiện khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải và chỉ 13 tỉnh, thành phố có kết quả khám sức khỏe của lái xe gửi về Tổng cục.
"13 tỉnh, thành phố đã thực hiện khám sức khỏe cho 10.081 lái xe, kết quả đã phát hiện 217 người không đủ điều kiện sức khỏe, trong số đó có 101 người dương tính với ma túy" - ông Quyền cho biết.
Theo ông Quyền, các tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch thực hiện khám sức khỏe đối với đội ngũ lái xe là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Yên Bái.
Để thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT nhằm đảm bảo an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT chưa tổ chức khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện việc khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe trên địa bàn.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị, trong quá trình triển khai phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý có liên quan để đạt được kết quả khám phản ánh đúng thực chất sức khỏe của người lái xe. Đối với những lái xe không đủ điều kiện sức khỏe thì không bố trí lái xe.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Trang bị súng cho Thanh tra giao thông: "Xảy ra việc gì ai chịu trách nhiệm?" Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, việc xây dựng Thông tư liên tịch nhằm trang bị công cụ hỗ trợ cho Thanh tra giao thông là sai quy trình, chưa xin ý kiến lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng yêu cầu Tổ soạn thảo phải xin lỗi nhân dân. Chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)...