Kiểm tra hộp đen xe khách: 70% bị ‘liệt’!
Sáng 1/7, thanh tra Sở GTVT Hà Nội ra quân kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên tất cả bến xe khách tại Thủ đô. Kiểm tra 17 hộp đen, phát hiện 12 chiếc không hoạt động.
Kiểm tra ra ngay vi phạm
Hộp đen lắp trên xe khách phải có các tính năng như: cung cấp thông tin và giờ làm việc của lái xe; trạng thái xe, lộ trình hoạt động; cảnh báo tốc độ; số lần đóng mở cửa; số lần dừng đỗ…
Kiểm tra hơn chục xe khách tại các bến xe, thanh tra Sở GTVT phát hiện số xe vi phạm nhiều hơn số xe đạt yêu cầu. Thậm chí, một số xe không có hộp đen.
Sáng qua, tại bến xe Giáp Bát, kiểm tra hộp đen xe khách 74B-00734 của hãng vận tải Trung Hải chạy tuyến Giáp Bát – Đắc Lắk, Đội thanh tra đường bộ, thanh tra Sở GTVT Hà Nội phát hiện thiết bị không thể xuất/in được thông tin. Sau khi cho nhà xe gần 10 phút để khắc phục sự cố nhưng vẫn không hiệu quả, cuối cùng, tổ công tác lập biên bản vi phạm với lỗi thiết bị giám sát không xuất được thông tin (không hoạt động).
Cũng với lỗi trên, sáng qua, đoàn công tác còn lập biên bản một số xe vi phạm khác, trong đó có xe của hãng vận tải Ngọc Bích chạy tuyến Giáp Bát – Đà Nẵng, xe của Cty Vận tải Ô tô Ninh Bình, chạy tuyến Giáp Bát – Ninh Bình.
Tính đến 11h, tại bến Giáp Bát, đoàn công tác đã kiểm tra hộp đen trên 7 xe khách, trong đó 2 xe đạt yêu cầu, 5 xe còn lại bị ghi biên bản xử lý. Ông Hoàng Xuân Dư, đội phó Đội thanh tra đường bộ, thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, hầu hết lỗi xe khách là thiết bị không xuất/in được thông tin, không có đèn LED hiển thị, sản phẩm không có dấu hợp quy của Bộ GTVT.
Hầu hết các hộp đen không trích xuất được dữ liệu. Ảnh: p.v.
Tại bến Mỹ Đình, ngoài lỗi không xuất/in được thông tin, kiểm tra một số xe khách tại đây, đoàn công tác còn gặp nhiều trường hợp xe khách có lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng không có dây lấy dữ liệu, như xe 21B-00079 (Cty Cổ phần Vận tải Yên Bái), xe 81B-00430 (hãng vận tải Thuận Ý – Gia Lai)…
Đặc biệt, kiểm tra 3 xe khách 28B-00025, 29B-04010, 29B-01865 của hãng Dịch vụ Vận tải Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), đoàn công tác phát hiện thiết bị lắp đặt trên cả ba xe này đều không hoạt động. Ông Hoàng Ngọc Đức, Đội trưởng Đội Thanh tra Từ Liêm, Sở GTVT Hà Nội, cho biết, tất cả thiết bị lắp đặt trên 3 xe này đều do hãng Vnet cung cấp.
Theo ông Đức, sáng qua, tại bến Mỹ Đình, đoàn công tác kiểm tra 10 xe khách, trong đó chỉ 3 xe đạt yêu cầu, 7 xe vi phạm, riêng xe 17B-00023 của hãng vận tải Mai Tuyên không có hộp đen.
Cần rút giấy phép nhà cung cấp rởm
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, đại diện thanh tra Sở GTVT Hà Nội, nói rằng, cùng với kiểm tra, xử lý các xe khách ra vào bến, Bộ GTVT cũng nên rà soát lại các nhà cung cấp thiết bị hành trình cho các hãng vận tải hành khách hiện nay.
Kiểm tra 17 trường hợp, phát hiện 12 thiết bị không hoạt động (tương đương hơn 70%). Kiểm tra 3 – 4 xe khách lắp hộp đen của cùng nhà cung cấp, phát hiện tất cả thiết bị đều “liệt”.
Video đang HOT
Hộp đen trên xe 74B-00734 không in được tích kê. Ảnh: Trọng Đảng
Thanh tra Sở GTVT sẽ tổng hợp số liệu các xe vi phạm để xử lý theo quy định. Với các nhà cung cấp có nhiều sản phẩm không đạt yêu cầu, Thanh tra cũng có báo cáo cụ thể để lãnh đạo Sở kiến nghị Bộ GTVT xem xét rút giấy phép, ngừng cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Đà Nẵng: Nhắc nhở là chính
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, cho hay, ông mới kết thúc đợt tập huấn xử lý hộp đen tại Hà Nội và đang chuẩn bị phổ biến lại cho các đơn vị chức năng để triển khai.
Theo quy trình, việc kiểm tra sẽ được thực hiện tại các bến xe, điểm dừng đỗ, sau khi tổng hợp đủ lỗi vi phạm của doanh nghiệp vận tải thì mới xử lý. Có 2 hình thức xử lý là phạt nguội qua hình ảnh giám sát từ camera và phạt trực tiếp từ việc tuần tra kiểm soát, bắn tốc độ của lực lượng CSGT.
Theo Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng, đơn vị chưa kiểm tra, xử lý trực tiếp các lỗi vi phạm hộp đen, mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Bởi lẽ, Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/7, nhưng các nghị định, hướng dẫn cụ thể kèm theo chưa có.
Trước đó, kiểm tra 20 đơn vị vận tải với 444 xe buýt, xe khách đường dài tuyến cố định về việc lắp hộp đen, Sở GTVT Đà Nẵng phát hiện 149 ô tô khách lắp thiết bị “liệt”.
Tất cả số thiết bị hoạt động được lại không cung cấp đầy đủ thông tin tối thiểu theo quy định, thiếu thông tin về xe, tài xế xe; số lần và thời gian dừng đỗ xe; thiếu thông tin về thời gian làm việc của lái xe. Kiểm tra 345 phương tiện tại 93 đơn vị vận tải khách du lịch và theo dạng hợp đồng du lịch trên địa bàn, có 65 thiết bị không hoạt động. Có đơn vị có đến 91% thiết bị giám sát hành trình không hoạt động…
HTX Ô tô Vận tải và Du lịch Đà Nẵng có hơn 70 đầu xe, nhưng có tới 10 nhà cung cấp hộp đen khác nhau. “Mỗi nhà mạng cần có một máy tính để xử lý, nhưng thực tế đơn vị chỉ có 3 máy nên không thể tải nổi”, một cán bộ HTX này nói.
Từ 1/8 mới xử lý DN vận tải
Chiều 1/7, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ. Một trong những giải pháp quan trọng của chiến dịch này là sử dụng dữ liệu hộp đen.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng gần đây liên quan tốc độ.
Trong đó, 90% số vụ liên quan các xe bắt buộc phải lắp hộp đen (xe khách, xe hợp đồng, xe container). “Nếu làm tốt việc tuyên truyền và xử lý vi phạm bằng dữ liệu hộp đen, sẽ góp phần quan trọng giảm TNGT nghiêm trọng”, ông nói.
Theo kế hoạch, Ủy ban sẽ thường xuyên có các thông báo về xe vượt tốc độ đến các doanh nghiệp (DN), Sở GTVT, công an tỉnh để cảnh báo. Định kỳ sẽ “bình bầu” các DN có lượng xe chạy quá tốc độ cao để đưa lên phương tiện truyền thông.
Do chưa tập hợp đầy đủ dữ liệu (từ các hộp đen) và để DN có thời gian chuẩn bị, nên việc tước giấy phép vận tải của các DN có 20% số xe vi phạm về tốc độ sẽ được lùi lại đến 1/8.
Ngoài việc phạt nguội DN như trên, Ủy ban sẽ thông báo cho các cơ quan chức năng nơi gần nhất khi phát hiện phương tiện chạy quá tốc độ.
Cuối ngày 1/7, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết, 15 xe khách tại Hà Nội, 5 xe tại TPHCM đã bị thu hồi phù hiệu, đình chỉ hoạt động do không có hộp đen hoặc hộp đen không hoạt động. Một tuần nữa, thanh tra sẽ sơ kết việc kiểm tra, xử lý hộp đen.
Công bố giải Vô lăng vàng
Chiều 1/7, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố giải Vô lăng vàng lần thứ nhất. Giải thưởng dành cho các lái xe, DN, HTX vận tải có đóng góp trong công tác đảm bảo trật tự An toàn Giao thông dựa trên các tiêu chí: Quy mô DN, số lái xe chuyên trách, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, trang bị hộp đen… Cơ sở để bình chọn là: Thông tin từ hộp đen, cơ quan quản lý nhà nước, người dân.
Theo 24h
Phạt hộp đen: Có giúp lái xe an toàn?
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, với cơ chế cổ phần bằng xe hiện nay, doanh nghiệp không có nghĩa vụ bỏ số tiền lớn lắp hộp đen cho lái xe. Lái xe muốn không bị phạt thì tự bỏ tiền lắp. Tác dụng thế nào không cần biết.
Từ hôm nay (1/7), Thanh tra giao thông bắt đầu xử phạt ô tô không lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tuy nhiên lâu nay, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn về mục đích và hiệu quả khi lắp thiết bị này trên xe.
Lắp hộp đen để làm gì?
Quy định lắp hộp đen cho xe tải, xe khách... đã có từ lâu. Đây là một thiết bị công nghệ tiên tiến, nhưng ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng, khai thác chưa hiệu quả.
Theo ông Liên, thiết bị giám sát hành trình chưa có sự chuẩn mực. Các cơ quan kiểm định chỉ đựa vào kết quả kiểm tra một vài cái rồi cấp cho cơ sở đó giấy chứng nhận quy chuẩn. Thiết bị đưa ra lắp cho xe có giấy chứng nhận hợp quy là được.
"Nhưng phía trong tác dụng như thế nào thì không ai biết. Bản thân doanh nghiệp vận tải không biết, lái xe không biết." - Ông Bùi Danh Liên nói.
Ông Liên nêu, một tiêu chí của hộp đen là cảnh báo tốc độ, nhưng nhiều thiết bị chưa phát huy được điều này. Ví dụ, xe cứ chạy quá 60km/h là thiết bị cảnh báo. Nhưng có xe vào đoạn đường được phép chạy 70-80km/h, tài xế nhấn ga thì thiết bị kêu ầm lên. Tái xế bảo rằng máy hỏng và tháo thiết bị ra cho đỡ phiền.
Nhiều doanh nghiệp và lái xe không được hướng dẫn cụ thể sử dụng hộp đen
Cũng theo ông Liên, hiện doanh nghiệp vận tải không được cơ quan nào hướng dẫn sử dụng khai thác hộp đen. Họ chỉ biết Bộ GTVT đưa ra quy định phải lắp "hộp đen", còn lắp của ai, lắp như thế nào thì tự tìm hiểu, thực hiện.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để khai thác hộp đen hiệu quả, Bộ GTVT nên có văn bản hướng dẫn cụ thể. Sở GTVT phải phối hợp với nhà cung cấp hộp đen tập huấn cách lắp đặt, sử dụng cho doanh nghiệp vận tải.
"Đừng trách doanh nghiệp và lái xe thực hiện không đúng. Hãy trách cơ quan soạn thảo không có hướng dẫn rõ ràng." - Ông Liên nói.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, lắp hộp đen giám sát lái xe thì cũng cần có sự giám sát những người ban hành văn bản để quy định dễ đi vào thực tế cuộc sống.
Hơn nữa theo ông Liên, muốn quản lý hiệu quả hộp đen phải là chính doanh nghiệp vận tải. Với 48.000 chiếc xe, nhà nước không thể chạy theo, giám sát xe qua kiểm tra hộp đen được.
Ai là người cần lắp hộp đen?
Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam) cho rằng, đó là do cơ chế đóng cổ phần vào doanh nghiệp vận tải hiện nay. Cơ chế cổ phần bằng xe, khoán trắng thì doanh nghiệp đâu cần quan tâm chuyện lái xe lắp đặt, sử dụng hộp đen như thế nào. Họ chẳng có nghĩa vụ phải bỏ tiền lắp hộp đen cho lái xe. Bởi xe đã đóng cổ phần, khoán trắng, lái xe muốn không bị phạt thì bỏ tiền mà lắp. Lái xe lại thấy lắp chẳng có tác dụng gì, nên chỉ cần mua loại rẻ tiền để khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy có để khỏi bị phạt là được.
Theo ông Thanh, "phải đóng cổ phần bằng tiền chứ không phải bằng xe!" Lái xe sẽ được hưởng lợi tức cổ phần và công lái xe. Còn xe là của doanh nghiệp. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm quản lý bằng được lái xe và xe của mình. Doanh nghiệp bỏ tiền mua ô tô, sẽ buộc tài xế duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Bởi việc đó ảnh hưởng đến sống còn của chính doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe khiến hộp đen không phát huy hiệu quả
Hộp đen sẽ phát huy 2 tác dụng. Một là phát tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở lái xe khi đi quá tốc độ, xe hỏng hóc, lỗi kỹ thuật... Hai là doanh nghiệp có thể ngồi nhà theo dõi được hành trình, tốc độ, tình trạng... của xe và kịp thời chấn chỉnh tài xế.
Ông Thanh nhấn mạnh, mục đích chính của hộp đen cũng không phải là để cho CSGT và thanh tra giao thông lấy cơ sở xử lý. Nếu vậy thì chính cơ quan chức năng phái tự sắm thiết bị mà giám sát. "Ai lại tự lắp hộp đen xịn để tạo điều kiện cho người ta phạt mình". - Ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện chỉ ít doanh nghiệp thấy hiệu quả khai thác hộp đen và đã lắp từ trước khi nhà nước ra quy định.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hôm nay, thanh tra giao thông tại tất cả các địa phương sẽ xử lý xe khách, xe tải... không lắp thiết bị giám sát hành trình. Ông Huyện cho biết, kể cả xe lắp "hộp đen" nhưng không đạt tiêu chuẩn hoặc không hoạt động cũng sẽ bị xử lý như không lắp. Khi được hỏi, trên đường làm sao biết được hộp đen đạt tiêu chuẩn hay không, ông Huyện cho biết, điều này không khó. Lực lượng TTGT đã được tập huấn kỹ năng để kiểm tra hoạt động của hộp đen và phát hiện lỗi của các thiết bị này. Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, xe (thuộc diện phải gắn thiết bị) mà không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn nhưng không hoạt động, không đúng quy chuẩn, sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Theo 24h
Từ 1/7, dựa vào hộp đen xử lý xe khách Dựa vào thông tin "hộp đen", một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ, cơ quan quản lý Nhà nước có đủ cơ sở để tước giấy phép kinh doanh. Tại buổi tọa đàm về "Cơ chế chính sách quản lý, sử dụng thiết bị Giám sát Hành trình kéo giảm TNGT" do Báo Giao thông Vận tải tổ chức,...