Kiểm tra, giám sát các mục tiêu y tế tại địa phương
Trong 2 ngày (29-30/7), đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở y tế các tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc về nội dung giám sát triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế.
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Theo báo cáo của Sở y tế tỉnh Thái Nguyên, nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, tuy nhiên, vẫn rải rác một số ca viêm não Nhật Bản, viêm màng não, bệnh liên cầu lợn ở người…, đặc biệt vẫn còn các ca tử vong do bệnh dại. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cũng được triển khai đồng bộ, nhiều năm không có các vụ ngộ độc lớn trên 30 người mắc. Tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt trên 97%…
Riêng dự án phòng chống HIV/AIDS, trong 6 tháng đầu năm 2019, số người nhiễm HIV mới phát hiện là 69, tăng so với cùng kỳ 2018 (64 người) do được sự hỗ trợ của các dự án phòng chống HIV/AIDS từ Quỹ Toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ… Tích luỹ tích số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 10.219, số người còn sống là 6.721.
Cũng trong 6 tháng đầu, số bệnh nhân điều trị ARV là 3.826 (trong đó có 119 bệnh nhân trẻ em), tăng 42 bệnh nhân so với cùng kỳ 2018. Số bệnh nhân được quản lý điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là 2.331.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cho biết, mặc dù Thái Nguyên là điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS ở khu vực phía Bắc, tuy nhiên hiện nay, Thái Nguyên vẫn là địa phương đứng thứ 3 trên toàn quốc về tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân, đồng thời đứng thứ 4 về tỷ lệ nhiễm trên cả nước (chỉ sau Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng). Đây là một trong những gánh nặng bệnh tật của tỉnh Thái Nguyên.
“Số lượng người nhiễm HIV/AIDS ở Thái Nguyên không chỉ là người địa phương mà người nhiễm ở các tỉnh, thành khác đến Thái Nguyên cũng nhiều. Do đó, ngành Y tế của tỉnh phải có đánh giá và rà soát số liệu cụ thể để đạt được mục tiêu 90-90-90, tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV, 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp”, ông Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh.
Video đang HOT
Đại diện Cục phòng chống HIV/AIDS cũng chỉ rõ, theo quy định, nguồn lực từ ngân sách nhà nước sẽ chuyển sang hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS mua Bảo hiểm y tế. Vì vậy, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này.
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Tại Vĩnh Phúc, theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, đa số các bệnh truyền nhiễm ghi nhận trên địa bàn có xu hướng giảm trong những năm gần đây, không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm… Tuy nhiên, một số bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư… làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí xã hội để phòng, điều trị cho nhóm bệnh này.
Các năm 2017, 2018, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều đạt trên 98%, đây cũng là tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24h đầu sau sinh đạt cao nhất cả nước 85%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine, chỉ đạt 35,4%. Nguyên nhân là do việc chuyển đổi vaccine “5 trong 1″ ComBe Five trong thời gian đầu năm, dẫn tới thiếu hụt vaccine tiêm cho trẻ. Mặt khác do tâm lý người dân vẫn còn e ngại khi triển khai tiêm vaccine mới.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, nhiều trạm y tế còn thiếu thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có không thường xuyên, ảnh hưởng đến công tác điều trị. Nhiều trạm y tế cũng thiếu cân, thước, máy đo huyết áp, máy tiểu đường… phục vụ chữa bệnh. Hiện, tỉnh đã triển khai thí điểm quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp tại 4 xã thuộc 2 huyện trên địa bàn.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, lãnh đạo Sở cũng thừa nhận, có một số vụ ngộ độc xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, một số trường học vẫn chưa nghiêm túc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có tình trạng sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào bữa ăn của trẻ.
Theo ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, các chỉ số chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu y tế tại 2 tỉnh này thực hiện đầy đủ, các chỉ tiêu của năm sau đều tốt hơn năm trước. Riêng Vĩnh Phúc cần xác định trọng tâm đầu tư trong năm 2019-2020 để hoàn thành các mục tiêu được giao, vì chỉ còn hơn 1 năm thực hiện.
Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cũng cần chủ động và tăng cường đề xuất nguồn vốn từ ngân sách của địa phương thực hiện chương trình, đặc biệt tăng chi cho con người để duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính cũng chia sẻ nhiều nội dung của chương trình mục tiêu dân số hướng tới cộng đồng; nhấn mạnh, thời gian tới, ngành y tế các địa phương cần tiếp tục quan tâm quản lý sức khỏe, quản lý các bệnh mãn tính tại cộng đồng.
Hiền Minh
Theo baochinhphu
Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là từ vùng dịch, để ngăn chặn bệnh Ebola
Trước diễn biến của dịch bệnh Ebola đang gia tăng tại Congo, nhất là sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh Ebola ở tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường chủ động phòng chống bệnh do virus Ebola, nhằm ngăn chặn bệnh xâm nhập vào nước ta.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân.
Theo WHO, dịch bệnh do virus Ebola tại Congo diễn biến phức tạp. Từ tháng 4/2018 đến nay đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc trong đó có 1.698 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngày 11/6 đã ghi nhận 1 người Uganda bị nhiễm Ebola sau khi trở về từ Công Gô.
Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua hành khách về từ vùng có dịch là hoàn toàn có thể.
Để chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố:
Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày cần thực hiện cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định.
Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho khách du lịch, người dân tại các khu vực cửa khẩu về các biện pháp phòng chống bệnh do virus Ebola.
Tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn và ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại bệnh viện khi thực hiện tiếp nhận, khám, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, chú ý khai thác tiền sử các bệnh nhân trở về từ khu vực đang có dịch để phát hiện sớm, cách lý và điều trị kịp thời.
Công văn số 549/DP-DT về tăng cường phòng chống bệnh do virus Ebola
Theo viettimes
Giảm muối hiệu quả bằng bột ngọt trong chế biến món ăn Ngày 12 - 13/07, Hội Tim mạch miền Trung & Tây Nguyên phối hợp cùng Trường Đại học Y dược - Đại học Huế tổ chức "Hội nghị Tim mạch Miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ X" với chủ đề "Tim mạch và những thách thức Tiếp cận toàn diện & Kết nối cộng đồng". Đây là hoạt động khoa...