Kiểm toán phanh phui nhiều vấn đề trong lĩnh vực xăng dầu
Việc Petrolimex tính theo tỷ giá Vietcombank để tính giá cơ sở thay vì tỷ giá liên ngân hàng, Saigonpetro xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở và các bất cập trong sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu…đều được Kiểm toán Nhà nước đề cập.
Những vấn đề trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có diện ảnh hưởng rộng đến sản xuất kinh doanh cũng như đời sống dân sinh.
Theo kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước niên độ 2011 của Kiểm toán Nhà nước thực hiện năm 2012, cơ quan kiểm toán đánh giá, các đơn vị kinh doanh xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng tỷ giá của Vietcombank để tính giá cơ sở, không sử dụng “tỷ giá bán bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch” theo quy định tại Nghị định 84 ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu.
Hiện tượng này cũng đã được các chuyên gia chỉ ra khá gay gắt trước đó. Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nói, việc sử dụng tỷ giá khác nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bán đến người tiêu dùng, “chỉ cần chênh vài trăm đồng mỗi đơn vị thì con số tổng thể đã thay đổi rất nhiều”.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 cũng đã quy định rõ hơn vấn đề này, tỷ giá ngoại tệ để tính giá cơ sở xăng dầu là tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Ông Tạ Văn Thắng (Viện Kinh tế Tài chính) coi việc Petrolimex không áp dụng đúng Nghị định 84, tính theo tỷ giá của Vietcombank làm chênh lệch mức giá lên là “không hợp pháp”. Còn chuyên gia Ngô Trí Long bình luận, đây chính là sự lừa dối nhằm mục đích đưa giá cơ sở lên, luôn luôn tăng cao.
Trao đổi với PV, Phó Tổng Kiểm toán Lê Minh Khái cho rằng, Petrolimex và các đầu mối kinh doanh xăng dầu trước hết sẽ phải xem xét lại để kinh doanh đúng với luật pháp hiện hành, chấp hành đúng Nghị định 84.
Ngoài ra, qua rà soát, Kiểm toán Nhà nước cũng rút ra kết luận, có một số tổng đại lý, đại lý mua xăng dầu tại nhiều đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, vi phạm Nghị định 84.
Video đang HOT
Hay như Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp Hồ Chí Minh (Saigonpetro) xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở, chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khác biệt giữa các khách hàng và chưa đúng với quy định chung của công ty.
Chính sách điều hành giá bán xăng dầu, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn nhiều bất cập.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, giai đoạn kinh doanh lỗ vẫn phải trích quỹ BOG, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư nhưng vẫn phải sử dụng quỹ.
Việc thay đổi mức trích, chi quỹ BOG không hoàn toàn bám sát sự biến động giá cả của thị trường nên doanh nghiệp bị động, mất nhiều thời gian để tính toán số liệu theo từng chu kỳ. Việc cấp hạn mức nhập khẩu xăng dầu theo năm có thể dẫn tới tình trạng thị trường mất cân đối nguồn cung trong ngắn hạn.
Tuy cho rằng, việc tồn tại của quỹ BOG xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và là một giải pháp để điều hành, tránh gây tác động lớn đến an sinh xã hội, song Phó Tổng Kiểm toán Lê Minh Khái cho rằng, việc quản lý quỹ cần chặt chẽ và cần khắc phục được các bất cập. Đến lúc mặt hành xăng dầu tiến đến cơ chế thị trường hoàn toàn thì quỹ BOG tự thân cũng không còn giá trị.
Một số bất cập khác tại Petrolimex cũng được cơ quan kiểm toán đưa ra, bao gồm việc giải quyết thủ tục đất đai chậm, dẫn đến chậm hoặc chưa nộp kịp tời tiền thuê đất và tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, công tác phối hợp giải quyết thủ tục chuyển đất văn phòng kinh doanh xăng dầu sang giao đất có thu tiền sử dụng đất còn chậm, dẫn đến còn treo 807 tỷ đồng tiền sử dụng đất chưa nộp NSNN.
Việc định gia vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đúng quy định khi Tập đoàn phản ánh chênh lệch do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính vào chênh lệch đánh giá lại tài sản không đúng hướng dẫn tại Thông tư 202, định giá lại khoản đầu tư tại CTCP Hoá dầu thiếu 84,9 tỷ đồng. Công ty mẹ – Petrolimex chậm nộp tiền thu cổ phần hoá 18,23 tỷ đồng.
Theo Dantri
"Điểm tên" 4 lĩnh vực tham nhũng tinh vi
Tín dụng ngân hàng; quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản; xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng vốn tại DNNN - đây là 4 lĩnh vực Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo có tham nhũng tinh vi trong phiên giải trình trước UB Tư pháp hôm nay.
Sáng 18/7, UB Tư pháp của Quốc hội họp phiên giải trình "Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước". Điểm tên những mánh lới, hình thức tham nhũng đặc trưng trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trọng chốt, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhắc đến 4 ngành hàng đầu trong danh sách.
Tổng Thanh tra Chính phủ: "Tham nhũng được phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế".
Trước hết, lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, ông Tranh cho biết, tham nhũng chủ yếu là ép buộc khách hàng phải cắt lại phần trăm cho vay, nhận lối lộ của khách hàng để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không có tài sản thế chấp, tài sản không đủ đảm bảo, thông đồng với đối tượng lập hợp đồng khống, nâng giá tài sản thuê mua để rút tiền của ngân hàng.
Lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, Thanh tra đánh giá mức độ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, định giá đất; cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản... Một số đối tượng đã nhũng nhiễu để vụ lợi, lập khống hồ sơ hoặc khai tăng diện tích đất đền bù, không tổ chức đấu giá đất, hợp thức hóa cho việc mua bán dự án.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Tổng Thanh tra nêu rõ những biểu hiện tham nhũng tinh vi như gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu, khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị, đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào công trình...
Lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, nhiều hành vi được kể tên như giấu bớt và định giá tài sản thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng, hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khu mua bán tài sản công để vụ lợi.
Mổ xẻ thêm tình hình tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, sử dụng vốn, tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thứ trưởng Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết: Hành vi tham nhũng chủ yếu là lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, nâng khống giá hoăc "gửi giá" khi mua bán vật tư, tài sản, dịch vụ để trục lợi, chuyển giá hay chuyển lợi nhuận cho các công ty khác, công ty là "sân sau" để trục lợi...
Việc quản lý ngân sách cũng phát sinh các hành vi cấu kết, thông đồng, làm giảm số tiền phải nộp ngân sách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ nhà nước.
Ông Danh lý giải, sở dĩ có tình trạng này là do một số cơ quan và người đứng đầu chưa quyết liệt, thể chế - chính sách trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, quản lý tài chính, tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế.
Dẫn sang Bộ KH-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cũng nêu thẳng, nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ này dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được thể hiện ở một số khâu như phân bổ vốn đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án, công tác đấu thầu, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA...
Biện pháp phòng ngừa được đưa ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng; tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập; xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm; xử lý dứt điểm, kịp thời các tố cáo về tham nhũng
1 năm, "xử" 20 người đứng đầu cơ quan có tham nhũng
Về các số liệu cụ thể, báo cáo tại phiên điều trần trước UB Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2009, tổng số tiền và tài sản, đất đai thất thoát do tham nhũng bị phát hiện là trên 700 tỷ đồng, thanh tra đã giúp thu hồi về 350 tỷ đồng; năm 2010 phát hiện 193 tỷ đồng, 516 ha đất, thu hồi 56 tỷ đồng, 432 ha đất; năm 2011 thu hồi trên 300 tỷ đồng; năm 2012 lực lượng cảnh sát điều tra đã thu hồi trên 410 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2012 ngành Thanh tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với tổng số tài sản 104 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập đoàn, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.
Người đứng đầu ngành Thanh tra thừa nhận: "Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhung, chủ yếu mới dừng ở cấp cơ sở, với đối tượng trực tiếp thực hiện. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua thanh kiểm tra còn ít. Trong khi đó, quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng có liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, kĩnh vực kinh tế ngày càng tăng, tính chất của vụ việc tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp".
Từ góc độ cơ quan kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cũng khái quát, từ năm 2009 - 2012, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán 104 đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm tổng tài sản - nguồn vốn 8.501 tỷ đồng, tổng doanh thu - thu nhập thuần 6.804 tỷ đồng, tổng chi phí 2.818 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.986 tỷ đồng.
Với các ngân hàng, Kiểm toán cũng phát hiện tình trạng chưa tuân thủ một số quy định về quản lý tín dụng, ngoại tệ. Hiệu quả hoạt động đầu tư và góp vốn thấp, cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý đối với ngân hàng chính sách còn nhiều bất cập.
Thứ trưởng Tài chính Phạm Sỹ Danh thông tin, kết quả thanh tra, kiểm tra của ngành Tài chính từ 2009 đến nay đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 32.735 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra nội bộ của Tổng cục Thuế đã phát hiện 10 vụ tham nhũng, xử lý kỷ luật 12 người, cơ quan điều tra phát hiện 12 người, xử lý hình sự 28 người. Qua công tác kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 1.681 tỷ đồng chi ngân sách không đúng chế độ.
Cũng từ năm 2009 đến hết tháng 4 năm nay, Bộ KH-ĐT đã xử lý về kinh tế (giảm trừ thanh quyết toán, xuất toán, thu hồi về ngân sách) đối với 115 đối tượng, tổng số tiền 36 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính được 25 trường hợp với số tiền phạt 165 triệu đồng.
Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xử lý một số vụ việc cụ thể như xử lý kỷ luật một số Cục trưởng Cục Thống kê các địa phương, công chức quản lý cấp phòng...
Theo Dantri
Vì sao Việt Nam không cần Tòa án Hiến pháp? Là người đã có 4 lần tham gia vào công tác sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phân tích rất sâu về 3 thiết chế độc lập là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử và Kiểm toán nhà nước. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của...