Kiếm tiền tỷ từ…nước bọt của loài chim trời “nhân, nghĩa, trí, tín”
“Có một đặc tính chỉ những người nuôi lâu năm và thực sự yêu quý chim yến mới hiểu. Đó là chúng có 4 đức “nhân, nghĩa, trí, tín” như con người…”, anh Trần Tuấn Anh (29 tuổi), ngụ tổ 9, khu phố 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (Bình Phước)-1 trong những tỷ phú nuôi chim yến chia sẻ.
Anh Trần Tuấn Anh rọi đèn pin dẫn chúng tôi vào căn nhà nuôi yến được anh đầu tư tiền tỷ năm 2013. Vầng sáng đèn pin lia nhanh vừa đủ để tôi nhìn thấy những tổ yến quý giá mang hình chiếc phễu bám trên khung gỗ của trần nhà. Nhiều chú chim quáng đèn hốt hoảng kêu chiu chít, bay xập xõa trong khi hàng trăm nàng chim khác điềm nhiên nằm ấp trứng trên tổ.
LỠ YÊU CHIM TRỜI
Tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, nhưng anh Trần Tuấn Anh không chọn nghề đã học vì trót mê chim yến và muốn thử sức với loài chim này. Sau khi khảo sát nguồn yến và lượng yến khu vực Chơn Thành, anh Tuấn Anh bắt đầu tìm hiểu thông tin trên mạng, tham gia nhóm những người nuôi chim yến trên Facebook và đi thực tế để mục sở thị cách nuôi yến chuyên nghiệp ở nhiều nơi. Khi có chút kiến thức, năm 2013, anh nhờ cha mẹ đem sổ đất của gia đình đi thế chấp vay vốn ngân hàng được 700 triệu đồng. Từ đây anh bắt đầu mê say nghề nuôi chim trời.
Nhà yến 3 lầu bắt đầu hình thành với thiết kế bản vẽ đầu tư bài bản, thuận tiện đường chim bay vào, đặt hệ thống thông hơi trong nhà yến, độ ẩm thích hợp, kết hợp với âm thanh, mùi dẫn dụ. “Ban đầu chỉ có vài cặp bay lượn trên nóc nhà. Sau vài tháng số lượng chim yến vào đông dần, đến nay thì không đếm nổi” – anh Tuấn Anh phấn khởi.
Trần Tuấn Anh hướng dẫn công nhân sơ chế sản phẩm yến sào Nam Phú. Sản phẩm yến sào đặc biệt chú trọng khâu sơ chế, bảo quản hoàn toàn bằng thủ công để tổ yến thật sự thuần chất thiên nhiên
Anh Tuấn “luận” với niềm say mê về loài chim yến: “Có một đặc tính chỉ những người nuôi lâu năm và thực sự yêu quý chim yến mới hiểu. Đó là chúng có 4 đức “nhân, nghĩa, trí, tín” như con người. “Nhân” là chúng hiền hòa, không khi nào cắn xé, tranh giành mặc dù sinh sống cả ngàn cặp trong không gian chật hẹp. “Nghĩa” là chúng thủy chung son sắt, cặp nào ở riêng cặp ấy, không thay đổi bạn tình. “Trí” là loài yến có trí nhớ tuyệt vời, chúng đi tìm mồi bán kính lên đến 200km song vẫn nhớ đường bay về. Còn “tín” là sống ở đâu chúng gắn bó hết đời này đến đời khác ở đó, ít khi thay đổi, trừ trường hợp môi trường không đảm bảo”.
Nhìn từng đôi chim yến nằm ấp trứng trên tổ cặp theo trần nhà, anh Tuấn Anh chia sẻ: “Chim yến sống theo bầy nhưng lại có đôi, rất thủy chung. Chim đi kiếm ăn theo đàn nhưng đến tối bay về thì mỗi cặp vợ chồng chim yến lại về đúng tổ của mình chứ không chung chạ. Một khi chim yến đã chọn nhà nào để định cư thì gần như suốt đời chúng sẽ ở đó”.
“Để có được tổ yến làm thức ăn bổ dưỡng cho con người, chim yến phải tiết nước bọt làm tổ. Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt của chim phát triển mạnh, phình to ra ở hai bên má. Chúng dùng lưỡi đẩy nước bọt ra khỏi mỏ và quẹt lên trần nhà để định hình dạng tổ.
Video đang HOT
Nước bọt chim yến tiếp xúc không khí sẽ khô sau 2-3 giờ. Chim yến treo lên tổ hằng đêm để tiếp tục xây cho đến khi tổ hoàn chỉnh có thể chứa quả trứng chúng đẻ ra. Yến là loài vật chăm chỉ, chúng dậy từ khi mặt trời chưa ló dạng, bay liên tục suốt ngày trên trời kiếm sinh vật phù du làm thức ăn. Chiều tối, khi mặt trời sắp lặn chúng mới bay về” – anh Tuấn Anh cho biết thêm.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG KHỞI NGHIỆP
1 năm sau khi xây nhà cho chim yến trú ngụ, anh Tuấn Anh bắt đầu thu những tổ yến đầu tiên. Số lượng ban đầu chỉ từ 0,5-1kg, thời gian sau chim yến sinh sản và kéo về đông thì số lượng tổ yến tăng dần. Sau 3 năm, từ tiền bán tổ yến, anh Tuấn Anh đã trả hết nợ vay ngân hàng. Sau đó, anh bắt đầu xây dựng thương hiệu yến một cách bài bản, thành lập Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú.
“Muốn tổ yến trắng, đẹp thì nhà nuôi yến phải sạch và thông gió. Tôi đặc biệt chú trọng khâu sơ chế, bảo quản hoàn toàn bằng thủ công để tổ yến thật sự thuần chất thiên nhiên và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đảm bảo uy tín với khách hàng, tôi đăng ký giấy phép, làm bao bì và xây dựng thương hiệu của riêng mình” – anh Tuấn Anh nói.
Sau thời gian dài gắn bó với chim yến, anh Tuấn Anh rút ra nhiều kinh nghiệm về đặc tính và thời điểm ra đàn của loài chim này. Để giữ chân đàn yến cũ và thu hút thêm chim yến mới, nhà yến không chỉ đáp ứng những nhu cầu của chim trưởng thành mà còn phải đảm bảo thoáng mát và đủ không gian rộng rãi cho chim non tập bay.
Sau 4 năm khởi nghiệp, từ căn nhà nuôi chim yến đầu tiên, đến nay anh đã sở hữu 4 nhà nuôi yến trị giá 4 tỷ đồng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng anh thu được 6kg tổ yến. Giá bán 1kg tổ yến chưa qua sơ chế là 26 triệu đồng, đã làm sạch giá 38 triệu đồng.
Nguồn thu từ các sản phẩm yến tươi, yến khô, yến tinh chế đem về cho anh trên 100 triệu đồng/tháng. Để món quà sức khỏe từ tổ yến đến gần hơn với những người có thu nhập thấp trên địa bàn, anh đã tự mày mò làm ra những hũ yến chưng sẵn, không chất phụ gia, bảo quản với giá 50 ngàn đồng/hũ, một ngày anh bán trên 200 hũ.
Hình ảnh một thanh niên trẻ khởi nghiệp thành công từ nuôi chim yến đã tạo động lực cho nhiều người có cùng đam mê, kiên trì gắn bó với nghề nuôi chim trời. Trên địa bàn huyện Chơn Thành hiện có 6 thanh niên chọn cách làm này để khởi nghiệp và đang thu hoạch những tổ yến đầu tiên.
Anh Tuấn Anh cho rằng, độ rủi ro trong nuôi chim yến khá cao. Ngoài niềm đam mê, nắm vững kỹ thuật phải có kiến thức về đặc điểm sinh học của chúng. Khi đã nắm vững kỹ thuật anh tự mua máy về lắp đặt và bảo hành các thiết bị cũ trong nhà yến, cập nhật âm thanh mới và tốt nhất chứ không phải thuê thợ như trước. Cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 30% chi phí so với thuê nhân công ban đầu.
Ngoài ra, anh còn nhận thi công nhà yến, tạo việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên, 5 thanh niên thời vụ với thu nhập 5-8 triệu đồng/tháng. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ thiết kế, thi công lắp đặt nhà nuôi chim yến nếu ai có nhu cầu. Tôi đặc biệt ưu tiên hỗ trợ những thanh niên tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu khởi nghiệp từ nghề nuôi chim yến. Nếu các hộ nuôi yến đáp ứng được số lượng, chất lượng thì tôi cũng sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm” – anh Tuấn Anh nói.
Anh Tuấn Anh còn là gương sáng trong nhiều hoạt động vì cộng đồng, ủng hộ gây quỹ và tài trợ các công trình thanh niên với số tiền đóng góp khoảng 100 triệu đồng/năm. Khởi nghiệp thành công khi tuổi còn rất trẻ, anh Tuấn Anh là một trong những thanh niên điển hình của tỉnh được đề cử nhận giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.
Theo Bảo Đăng (Báo Bình Phước)
Tranh cãi Dự án Luật Chăn nuôi: Vì sao chỉ đưa chim cút vào luật?
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chăn nuôi chiều 14.6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường và lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.
Vật nuôi lạ thuộc nhóm nào?
Đề cập tới vấn đề giải thích từ ngữ trong dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng quy định chưa hợp lý. Ông cho rằng có nhiều loại chim nhưng tại sao chim cút lại được vào dự thảo luật, còn các loại chim khác thì không.
Ông nêu ví dụ như chim yến, ở Khánh Hòa người dân xây cả nhà cho chim yến. "Rồi nuôi ong, sâm cầm, chó mèo, chuột bạch... những loài vật này được gọi là gì, nên có giải thích từ ngữ theo hướng mở"- ĐB Thân nói.
Vấn đề môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Ảnh: T.L
"Phải coi chất thải của chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào phân bón, vừa qua ta chưa làm được điều đó. Sắp tới, Bộ NNPTNT có thể sẽ được giao nghiên cứu, ban hành quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng phế thải làm phân hữu cơ. Việc này có hai mục đích, một là bảo vệ môi trường, hai là sớm đưa ra được dòng sản phẩm phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt". Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) tranh luận rằng dự thảo luật chia các loài vật nuôi thành 4 nhóm gồm: Gia súc, gia cầm, động vật làm cảnh và động vật hoang dã. Nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều vật nuôi lạ như tằm, dế, giun... thì không biết xếp vào loại động vật nào.
Dẫn chứng ở tỉnh Hà Tĩnh, ĐB này cho biết chỉ riêng huyện Hương Sơn đang nuôi tới 42.000 con hươu (trên địa bàn cả tỉnh là 47.000 con), ở Hương Sơn hươu phổ biến hơn cả con trâu. Do hiện nay chúng ta không xếp hươu là vật nuôi nên nhung hươu của bà con làm ra không thể xuất khẩu được, vì luật vẫn đang coi hươu là động vật hoang dã nên nước ngoài không cho phép nhập khẩu.
Theo ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh), dự thảo luật quy định cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, chăn nuôi trang trại trong khu dân cư, nhưng lại không giải thích khái niệm "nội thành", "khu dân cư". Hiện nay cũng chưa có văn bản nào giải thích các cụm từ này, điều đó sẽ gây khó khăn khi thực hiện.
Về quy định đăng ký, kê khai chăn nuôi, theo ĐB So là cần thiết, giúp công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung quy định hình thức đăng ký, kê khai phù hợp với từng loại hình, khu vực, đối tượng vật nuôi để đảm bảo tính khả thi.
"Ví dụ các hộ nông dân ở miền Tây nuôi vịt chạy đồng, không cố định thì đăng ký, kê khai ở đâu? Việc nuôi ong, nuôi tằm thì đăng ký số lượng thế nào? Ngoài ra, cần có cơ chế trách nhiệm ràng buộc người chăn nuôi thực hiện đúng nghĩa vụ khai báo của mình trước pháp luật" - ĐB So góp ý.
Quan tâm vấn đề môi trường, kháng sinh
Cơ bản đồng tình với quy định về các hành bị nghiêm vi cấm trong dự thảo luật, song ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi. Cho rằng dự thảo luật chưa đề cập đến quản lý đối với hình thức chăn nuôi gia công cho các tổ chức trong và ngoài nước, theo ĐB Quân, đây là hình thức hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo luật nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động chăn nuôi một khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong chăn nuôi gia công.
ĐB Nguyễn Như So đề nghị cần điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế các trang trại Việt Nam. Theo ĐB So, việc quy định quản lý nước thải trong chăn nuôi tại khoản 5 Điều 45 dự thảo luật đặt ra thách thức lớn ngay tại các trang trại. Hiện nay chúng ta đang áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn 62, quy chuẩn chất lượng nước mặt theo quy chuẩn 08.
"Những quy chuẩn này quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ và xử lý môi trường, dẫn đến các trang trại rơi vào tình trạng phạm luật, lãng phí nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng. Đề nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế, có chính sách thúc đẩy tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi như một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ"- ĐB So nói.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị cùng với việc quy định những nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững vì sức khỏe cộng đồng.
Theo Danviet
Bỏ ra gần 2 tỷ đồng làm nhà nuôi chim yến để thu về "vàng trắng" Những năm gần đây phong trào xây nhà nuôi chim yến nở rộ ở các huyện phía Đông của Tiền Giang. Tổ yến cũng được xem là "vàng trắng" bởi nó mang lại nguồn lợi kinh tế rất cao. Theo thống kê của Sở NN&PTNT gần đây, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 450 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim...